04/06/2017, 23:44

Từ cuộc đời của các nhân vật phụ nữ trong hai tác phẩm Vợ (Kim Lân) và Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), anh chị hãy phái biểu suy nghĩ của mình về số phận người phụ nữ xưa và nay.

Ở thời đại nào, số phận người phụ nữ cũng là điều khiến những người cầm bút trăn trở nhiều nhất. Những trang viết về họ bao giờ cũng là những trang viết ám ảnh, để lại trong người đọc nhiều trăn trở hơn cả. Đã qua rất lâu rồi thời của những cô Mị (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài), thời của những người “vợ ...

Ở thời đại nào, số phận người phụ nữ cũng là điều khiến những người cầm bút trăn trở nhiều nhất. Những trang viết về họ bao giờ cũng là những trang viết ám ảnh, để lại trong người đọc nhiều trăn trở hơn cả. Đã qua rất lâu rồi thời của những cô Mị (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài), thời của những người “vợ nhặt”, của bà cụ Tứ (Vợ nhặt - Kim Lân), nhưng câu chuyện về mỗi thân phận, mỗi cảnh đời của người xưa vẫn làm ta khôn nguôi nghĩ về người phụ nữ xưa và nay.

Mị, người “vợ nhặt” - hai con người ấy là hai số phận có thể nói là cùng khổ trong xã hội cũ. Mỗi người một cảnh ngộ riêng nhưng số phận của họ đều chung màu đen hắc ám.
 
Là cô gái lao động miền núi, ở Mị hội tụ tất cả những nét đẹp của một thiếu nữ miền sơn cước: xinh đẹp, tài giỏi, đảm đang, hiếu thảo. Chỉ bằng vài chi tiết rất nhỏ, Tô Hoài đã khiến chúng ta phải say mê vẻ đẹp của bông hoa rừng này, huống gì những thanh niên trai bản đã bị Mị hút hồn, ngày đêm thổi sáo theo Mị. Nhưng điều cay đắng nhất là đóa hoa bản Mèo lại không được ném pao chọn người yêu, không được tìm người yêu trong phiên chợ tình. Mị sớm phải chịu cảnh làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Món nợ truyền kiếp từ đời cha mẹ nay đứa con gái phải gánh trả bằng cả hạnh phúc tuổi trẻ của mình. Mị về làm dâu nhưng thực chất là làm người ở cho nhà thống lí. “Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Câu văn của Tô Hoài vừa giúp chúng ta hình dung sự vất vả, vừa cho chúng ta thấy được tâm trạng nhân vật. Công việc cực nhọc không làm Mị nguôi ngoai những cay đắng trong cuộc đời. Mị nín lặng, “mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Bao nhiêu ngày ở nhà thống lí là bấy nhiêu ngày Mị cam chịu sống trong địa ngục trần gian. Điều đáng thương nhất là sự áp bức của chế độ phong kiến và thần quyền miền núi đã làm Mị tê liệt đi sức phản kháng. Sự tồn tại của Mị được đánh dấu bằng các công việc lặp đi lặp lại: “Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi”.
 
Người “vợ nhặt” trong câu chuyện của Kim Lân không phải chịu ách áp bức của chế độ phong kiến và thần quyền miền núi như Mị. Đày đọa mỗi kiếp sống ấy còn là thế lực thống trị tinh vị hơn, “đẳng cấp” hơn. Đó là bọn thực dân Pháp và phát xít Nhật. Trong truyện không xuất hiện bóng dáng của những tên đế quốc đó, nhưng sự hoành hành của nạn đói là bằng chứng tố cáo đanh thép nhất về tội ác của chúng. Cái đói làm “người chết như ngả rạ”, người sống “xanh xám như những bóng ma”. Cái đói làm chị “vợ nhặt” gầy đét, trên “khuôn mặt lưỡi cày xám xịt” chỉ còn “đôi mắt trũng hoáy”. Cái đói làm thị tối mắt trước cái ăn, chấp nhận bỏ lại thể diện khi ăn “một chặp bốn bát bánh đúc”. Khủng khiếp hơn, cái đói khiến thị liều lĩnh chấp nhận theo không anh cu Tràng, bất biến anh chàng là người như thế nào. Thân phận con người tưởng chừng như không thể rẻ rúng hơn được nữa. Có lẽ thị là hình ảnh thê thảm nhất của người phụ nữ trong văn học Việt Nam hiện đại.

Đã qua rất lâu rồi những tháng ngày cơ cực như thế. Con người không còn phải đối mặt với những áp chế tàn tệ nữa. Dân tộc được giải phóng và người phụ nữ cũng đã được giải phóng. Đâu đó trong kẽ ngách của cuộc sống, có thể vẫn còn những cô gái như Mị. Không ở đâu xa, ngay giữa đời thường, có khi bên cạnh mỗi chúng ta, người phụ nữ vẫn bị người chồng vũ phu đánh đạp tàn tệ. Nếu chỉ qua văn chương, chúng ta có thể tin điều đó khi đọc Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Điều đó không tránh khỏi bởi tàn dư của chế độ phong kiến phụ quyền vẫn còn. Song, tôi tin, không còn bất kì cô gái nào phải tự hạ thấp mình vì miếng ăn như người “vợ nhặt” nữa. Người phụ nữ ngày nay không phải chịu một ách áp bức nào. Họ được tự do hoàn toàn, tự do trong tình yêu, tự do trong công việc, tự do trong mọi hoạt động sống. Cuộc đời họ do chính họ làm chủ. Nhìn chung, cuộc sống của họ khá thoải mái. Nhu cầu sống của họ không chỉ là những giá trị vật chất mà còn là những giá trị tinh thần.
 
Tuy nhiên, vẫn có một số phụ nữ không làm chủ được bản thân. Họ sa đọa vào những trò vô bổ, những tệ nạn như cờ bạc, ma túy, mại dâm... Họ tự hủy hoại mình, tự dìm cuộc sống của mình trong đó. Và lúc này, chính xã hội lại phải vực họ dậy, kéo họ thoát ra khỏi cảnh sống lầm lạc.
 
Một trong những vấn nạn xã hội hiện nay là nạn hành hung và bắt cóc phụ nữ bán qua biên giới. Hàng năm, số phụ nữ bị bắt cóc bán qua biên giới vẫn không ngừng gia tăng. Đây là một trong những điều nhức nhối của xã hội hiện đại, có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của người phụ nữ, nhất là những người phụ nữ nông thôn ra thành thị lao động kiếm sống.
 
So với người phụ nữ xưa, số phận phụ nữ ngày nay đã có nhiều đổi khác. Họ được cả xã hội trân trọng. Có thể cảm nhận rõ điều đó nhất trong những ngày Quốc tế phụ nữ, Phụ nữ Việt Nam. Trong lực lượng tham gia giải phóng phụ nữ, nghệ sĩ văn chương lúc nào cũng có tinh thần hăng hái nhất. Phải chăng, phụ nữ và văn học nghệ thuật có một mối lương duyên từ tiền kiếp?

Gregoryquary

0 chủ đề

23832 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0