04/06/2017, 23:43

Những cảm nghĩ của anh (chị) về gương mặt người anh hùng thời kì đổi mới qua đoạn văn sau đây:

“Nổi bật trong những gương mặt của chương trình “Vinh quang Năm” là chín người trong gia đình ông Nguyễn Phước Thanh đã hơn 130 lần tự nguyện hiến 32.000CC máu để cứu sống hàng người. Hiện gia đình ông đã trở thành “ngân hàng máu sống” của bệnh viện Trung ương Huế. Cả nhà ông có cả ba nhóm máu A, ...

“Nổi bật trong những gương mặt của chương trình “Vinh quang Năm” là chín người trong gia đình ông Nguyễn Phước Thanh đã hơn 130 lần tự nguyện hiến 32.000CC máu để cứu sống hàng người. Hiện gia đình ông đã trở thành “ngân hàng máu sống” của bệnh viện Trung ương Huế. Cả nhà ông có cả ba nhóm máu A, B, O, khi có ai cần tiếp máu chỉ cần gọi điện là gia đình ông sẵn sàng...”.

Đất nước Việt Nam đi qua biết bao đau thương, mất mát, biết bao nhiêu người đã đánh đổi sự sống, tuổi thanh xuân của mình để giành lấy độc lập cho dân tộc. Họ là những người hạnh phúc. Ngày nay, đất nước đã hòa bình, thế nhưng vẫn còn nhiều lắm những người anh hùng trong thời kì đổi mới. Họ xuất sắc ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau thế nhưng đều có công sức to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Thời xa xưa, người anh hùng có thể là người “Ra đường thấy nỗi bất bình mà tha” hay trong thời kỳ chiến tranh, kháng chiến chống quân xâm lược, anh hùng là những người “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” thì trong thời đại ngày nay, người anh hùng là những người sẵn sàng tay không lao lên đuổi theo tên cướp có vũ khí, là người sẵn sàng đứng lên tố cáo những biểu hiện sai trái của lãnh đạo, là người sẵn sàng chia sẻ cho những người nghèo khổ hơn mình miếng cơm, manh áo... Những hành động của họ dù nhỏ hay lớn đều là vì cộng động, vì cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Quan niệm về người anh hùng xưa và nay có thể khác nhau thế nhưng ở bất kì thời đại nào, người anh hùng cũng luôn sống mãi trong lòng những người yêu thương họ.
 
“Vinh quang Việt Nam” là một chương trình được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân anh hùng, những gương điển hình tiên tiến, những nhân tố mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua 5 năm, “Vinh quang Việt nam” đã trở thành một thương hiệu, một niềm tự hào của người Việt Nam nói chung, góp phần tạo nên không khí phấn khởi, niềm lạc quan tin tưởng và vận hội phát triển mới của đất nước. Việt Nam có nhiều lắm những anh hùng trong thời kì đổi mới. Võ Văn Kiệt - một trong những lãnh đạo hàng đầu đi tiên phong trên con đường đổi mới đất nước đã từng quan niệm “Đổi mới không phải là xóa bỏ hoàn toàn cái cũ hay từ bỏ chủ nghĩa xã hội mà là nhận thức lại một cách đúng đắn hơn về một chủ nghĩa xã hội nhân bản, hoàn thiện, với lý tưởng phục vụ con người, vì con người”. “Vinh quang Việt Nam” lần thứ 10 đã cho ta thấy rõ được chân dung của những người anh hùng thời kỳ đổi mới - họ có những nỗi vất vả, khó khăn thế nhưng sự dũng cảm, quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, đóng góp cho bản thân và cộng đồng thì thật đáng khâm phục.
 
Đó là chị Mai Hiền, vợ liệt sĩ anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Hữu Tuyên đã vượt qua đau thương, mất mát, chăm sóc gia đình và hai con nhỏ. Các em đều ngoan ngoãn, học giỏi, còn chị là giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền.
 
Đó là Trịnh Công Thanh, hiệp sĩ công nghệ thông tin, giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Rồng Việt, người đã chiến thắng bệnh tật, mang lại việc làm cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.
 
Đó là em Ngô Văn Thơm học sinh trường THPT Cửa Tùng, Vĩnh Linh, Quảng Trị đã dũng cảm nhảy xuống sông từ độ cao 30m để cứu người. Và đó là gia đình bác Nguyễn Phước Bửu Thanh - gia đình đã hơn 130 lần tự nguyện hiến 32000cc máu cứu sống hàng trăm người. Hiện nay, gia đình ông trở thành “ngân hàng máu sống” của bệnh viện Trung ương Huế.
 
Gia đình bác Nguyễn Phước Bửu Thanh nằm trong xóm lao động nghèo, khuất sau khu phố Trần Hưng Đạo - thành phố Huế. Không gian chật chội của gia đình với 20 người cùng chung sống. Ông Nguyễn Phước Bửu Thanh có lần đã từng phân bua với báo chí “Ngó đông đúc rứa chứ vui lắm. Từ trên xuống dưới sống với nhau rất hòa thuận, mấy chục năm nay chưa có một tiếng to”. “Ngân hàng máu sống” là tên của một dự án đã được Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Thừa thiên Huế thành lập, hiện nay đã có hơn 400 người. Thế nhưng với gia đình bác Nguyễn Phước Bửu Thanh, tuy không có ai vận động nhưng từ lâu đã là một ngân hàng máu sống của bệnh viện bởi “bất kì ở mô, khi mô, có ai cần tiếp máu, chỉ cần đến số nhà 141 Trần Huy Liệu hoặc gọi theo số điện thoại 522380 là gia đình tôi sẵn sàng đáp ứng”. Đã từng một lần bị bệnh, đã từng được tiếp nhận máu của một người bạn thân trong lúc nguy kịch nhất, bác Thanh hiểu được sự cần thiết của một “ngân hàng máu sống” với tính mạng của một con người, chính vì thế, sau khi hồi phục lại sức khỏe được chừng một năm, bác Thanh quyết định vận động cả gia đình mình làm từ thiện, đi hiến máu cứu người. Những giọt máu ân tình trong lúc nguy kịch nhất, trong lúc số phận con người đang ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết đáng quý biết chừng nào.
 
Con gái của bác Nguyễn Phước Bửu Thanh - Thanh Tâm - người con gái Huế nhỏ nhắn, dịu dàng cũng đã từng 43 lần hiến máu nhân đạo, cứu được tính mạng của nhiều người. Chị Thanh Tâm xuất hiện trong chương trình “Người đương thời” đã từng tâm sự “Gia đình tôi theo đạo Phật, cứu một người bằng xây mười ngôi nhà. Tôi và mọi người trong nhà luôn tâm niệm rằng mình không có nhiều tiền bạc, chỉ có tấm lòng. Chúng tôi luôn sẵn sàng hiến những giọt máu của mình vì sự sống của người bệnh”. Cuộc sống gia đình chị còn nhiều khó khăn lắm, thế nhưng tình yêu thương con người, tấm lòng nhân đạo thì luôn luôn có thừa, họ không ngần ngại hiến đi những giọt máu của mình để cứu người bất cứ lúc nào, ở đâu. Họ cho mà không cần được đền đáp, chỉ mong những giọt máu của mình sẽ đến được với những người cần nó. Chính vì thế, một trong những gương mặt anh hùng của thời kì đổi mới là những người tự nguyện cho nhiều máu, nhiều lần để cứu sống nhiều người gặp nạn và bị bệnh.
 
Sau mười năm phát động phong trào hiến máu tình nguyện, từ con số không của năm 1993 - 1994 đến này cả nước đã có 250000 người, 3.500 nhà lãnh đạo cộng động và nhiều đơn vị, tập thể đóng góp tích cực cho phong trào. Năm 2007 số máu thu được 457.734 đơn vị, tỉ lệ người hiến máu tự nguyện đạt trên 65%. Điều bất ngờ là hầu hết những người hiến máu tự nguyện đều là sinh viên, người lao động nghèo, người ở nông thôn, miền núi... Họ sẵn sàng hiến đi những giọt máu của mình để cứu người bất cứ lúc nào. “Giọt máu mạng người ” - niềm vui nhỏ thổi bùng hy vọng lớn.
 
Bên cạnh tấm gương người anh hùng thời đổi mới Nguyễn Phước Bửu Thanh và gia đình của bác, còn có rất nhiều những cá nhân, tập thể khác tham gia hiến máu nhân đạo. Họ cũng là những người anh hùng - âm thầm, lặng lẽ.
 
Đó là anh Hoàng Văn Quân - sinh viên năm thứ 3 Học viện báo chí tuyên truyền năm nay 22 tuổi nhưng đã có 22 lần hiến máu nhân đạo. Nối tiếp những nghĩa cử cao đẹp của gia đình bác Bửu Thanh, anh Quân và chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn ở TPHCM đã 51 lần hiến máu, anh Trần Chí Trung ở Đà Nẵng 22 lần.
 
Ngoài những cá nhân, còn có các tổ chức được thành lập để hiến máu trong tình huống khẩn cấp như ngân hàng máu sống của bệnh viện Cần Thơ. Số thành viên tham gia ngân hàng này tính đến nay đã được khoảng 600 người mà phần lớn là sinh viên. Họ đã trở thành người hùng của “ngân hàng máu sống” luôn kề vai sát cánh, cùng chia sẻ sự sống với cộng đồng. Trái tim nhỏ thắp lên hy vọng lớn, “ngân hàng máu sống” thành lập đã được một năm - một năm mong muốn chia sẻ những giọt máu hồng giúp người bệnh vượt qua cơn hiểm nghèo. Chị Nguyễn Thị Hồng Loan không giấu khỏi xúc động nói “mỗi thành viên tham dự đều tự nguyện ký tên vào một trái tim nhỏ, tượng trưng cho những giọt máu hồng để kết thành một trái tim lớn tượng trưng cho cộng đồng, như nhắc nhở từng thành viên ngoài việc gắn kết với nhau cần phải sống có trách nhiệm với xã hội”.
 
Tất cả, đã phác lên một bức tranh rất sinh động về những con người ở những địa vị khác nhau nhưng ngày đêm có biết bao nhiêu đóng góp và nghĩa cử cao đẹp cho đời. Đôi khi, không có sự khác biệt nào giữa những người anh hùng với chúng ta. Họ dù ở bất kỳ một cương vị nào, ở lĩnh vực nào thì những suy nghĩ, ý thức công dân của họ và một cái tâm trong sáng với nghị lực phi thường đã làm nên những điều diệu kỳ khiến chúng ta phải ngưỡng mộ và noi gương.
 
Song đáng buồn thay, khi bên cạnh những người anh hùng vẫn ngày đêm cố gắng đóng góp công sức của mình cho đất nước thì vẫn có một bộ phận không nhỏ những người dân vô cảm và thờ ơ với sự sống của người khác, với những người xung quanh. Cuộc sống ngày càng phát triển, con người ta càng có xu hướng vun vén cho bản thân, gia đình nhiều hơn là quan tâm đến những người xung quanh, đến xã hội, vì thế đôi khi ta đã đánh mất đi tình thương - phẩm chất quý giá nhất của mỗi con người.
 
Cuộc đời cần lắm những trái tim biết yêu thương, những vòng tay nhân ái biết dang rộng để đón nhận những mảnh đời bất hạnh, những trái tim biết đạp thổn thức trước cái đắng cay của cuộc đời. Những người anh hùng trong thời đổi mới, họ có trái tim ấm áp, có lòng nhân ái, yêu thương con người và tinh thần tràn đầy nhiệt huyết. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng họ biết vượt lên trên hoàn cảnh để góp phần trong công cuộc xây dựng Tổ quốc. Những người anh hùng, những gương điển hình tiên tiến, họ có thể đang bước những bước đi bình dị của những người bình thường, họ gần gũi chúng ta, ở bên chúng ta. Họ chính là niềm tự hào của đất nước trong thời kì đổi mới, hội nhập – là niềm tự hào đi lên theo từng bước phát triển của đất nước.

pov-olga4

0 chủ đề

23913 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0