Truyền thuyết về thần Tô Lịch

Thành Đại La ngày xưa được xây dựng trên phần đất của làng Long Đỗ. Làng này nằm bên bờ sông nhỏ chảy ra sông Cái. Tương truyền, xưa kia trong làng có nhà họ Tô, tuy gia tư không giàu có lắm, nhưng mọi người ăn ở với nhau lại thật là hiếu nghĩa, hoà thuận. Đó là vì gia đình này từ nhiều đời ...

Thành Đại La ngày xưa được xây dựng trên phần đất của làng Long Đỗ. Làng này nằm bên bờ sông nhỏ chảy ra sông Cái.

Tương truyền, xưa kia trong làng có nhà họ Tô, tuy gia tư không giàu có lắm, nhưng mọi người ăn ở với nhau lại thật là hiếu nghĩa, hoà thuận.

Đó là vì gia đình này từ nhiều đời nay luôn luôn có ba thế hệ cùng ở chung dưới một nếp nhà, nhưng do chăm chỉ làm ăn lại biết trên kính dưới nhường, nên chẳng hề xảy ra chuyện gì to tiếng. Đối với dân làng, họ cũng đối xử khoan dung và làm nhiều việc nhân nghĩa, nên được mọi người càng thêm kính nể.

Sang đến đời Tô Lịch, chẳng những ba đời, mà cả ba anh em trai, tuy đều đã có gia đình riêng, nhưng vẫn cùng ăn cùng làm, vậy mà trong nhà luôn luôn êm ấm, không bao giờ có điều tiếng gì xấu. Còn đối với dân làng, những khi giáp hạt hoặc gặp năm mất mùa, họ sẵn sàng bỏ thóc gạo ra cứu trợ người nghèo hoặc cho dân làng vay không lấy lãi, vì thế lại càng được mọi người mến phục thêm.

Thời ấy, Giao Châu đang bị nhà Tấn cai trị (từ 264 đến 420). Nhà Tấn có lệ đề cử những người hiền đức, hiếu nghĩa vào các chức vị ở địa phương nên người anh cả Tô Lịch được chức quan lệnh Long Đỗ. Ông điều hành và xử đoán các việc có lý có tình, lại biết thương yêu quý trọng mọi người nên hương ấp ấy yên vui, mọi người chăm lo sản xuất và không xảy ra những chuyện như tranh giành, đánh chửi nhau hoặc cờ bạc, trai gái, trộm cướp.

Tiếng lành đồn xa, vì thế khi ông còn sống, dân chúng trong vùng lân cận, khi gọi tên làng Long Đỗ, thường lại hay nói: "Đấy là làng ông Tô Lịch".

Khi Tô Lịch già yếu rồi mất, dân chúng trong vùng thương tiếc, đã lập đền thờ ông để tưởng nhớ, và cái tên làng Tô Lịch mãi mãi hãy còn lưu truyền.

*

*        *

Khoảng 400 năm sau, lúc ấy vào đời Tuỳ Đường cai trị, quân Lâm Ấp, Nam Chiếu ở phía Nam thường hay ra Giao Châu cướp phá. Trương Bá Nghi (đời Đường) mới đắp lại La Thành cách sông Tô Lịch khoảng 200 thước, rồi rời nhiệm sở từ Long Biên về đây (767). Cao Chính Bình thay Trương Bá Nghi. Khi Phùng Hưng khởi nghĩa đánh Cao Chính Bình rồi chiếm phủ đô hộ, cũng ở trong La Thành (791).

Triệu Xương rồi Trương Chu sang cai trị sau đó,  đều củng cố La Thành thêm. Đến đời Lý Nguyên Gia, vì sợ dòng nước ngược chảy trước cổng thành sẽ có người phản trắc, nên dời nhiệm sở xuống phía dưới để tránh cửa sông và đắp thành nhỏ ở xung quanh (824).

Phủ đệ của Lý Nguyên Gia lại đặt đúng trên nền nhà cũ của ông họ Tô thuở trước.

Lý Nguyên Gia là viên quan cai trị khôn ngoan, lại am tường thiên văn địa lý và thông hiểu lý, số.

Trước lễ động thổ, Lý đi dò la nhìn ngắm thế đất và hỏi han các bậc phụ lão trong vùng, nên đã hiểu rất rõ lai lịch của Tô Lịch. Khi đặt nhiệm sở trên nền nhà của ông họ Tô là Lý đã có tính toán kỹ càng. Đó là vùng đất bằng phẳng,cao ráo hơn so với chung quanh, lại được cái thế là "rốn của con rồng" (Long Đỗ).

Lý Nguyên Gia cho nấu rượu, mổ thịt gia súc làm cỗ thật hậu để khao quân sĩ và mời tất cả các bậc kỳ lão trong vùng tới dự. Lý tỏ ý với mọi người rằng sẽ làm sở tâu lên vua Đường xin lập Tô Lịch làm thần Thành hoàng. Rồi cùng mọi người ăn uống, chuyện trò vui vẻ.

Lý Nguyên Gia cho rằng như thế là mọi việc suôn sẻ, không bị dân sở tại có phản ứng gì. Nhưng đêm ấy, khi nằm bên cửa sổ thiu thiu ngủ, Lý bỗng thấy một trận gió thổi ào tới, rồi bụi cuốn cát bay mù mịt. Tan cơn gió, trước mặt Lý hiện ra một cụ già phương trượng, râu tóc bạc trắng, vận phẩm phục màu tía, cưỡi hươu trắng đi đến trước mặt mà bảo:

- Tôi được bẩm báo khi ban ngày Ngài có nói với mọi người rằng sẽ lập sớ tâu lên nhà vua xin cho tôi được làm thần Thành hoàng của đất này. Xin cám ơn Ngài, nhưng đó cũng chỉ là cái danh vị thừa, vì có hay không đối với tôi cũng chẳng can hệ gì. Sự thực thì từ mấy trăm năm trước, khi ấy Ngài còn chưa có mặt ở trên đời này, tôi đã được dân làng tưởng nhớ lập đền thờ. Rồi Ngọc Hoàng Thượng đế cũng đã phong tôi làm Thần cai quản cả vùng đất này, kể từ ngày ấy trở đi. Bây giờ Ngài lập phủ đệ trên đất của tôi, sự ấy là tuỳ Ngài, tôi không chấp làm gì, vì ai sống ở trên đời thì cũng cần có một nơi để ở. Chỉ mong Ngài làm quan đầu xứ hãy bảo lũ thuộc hạ và quân lính chớ có cướp bóc, sách nhiễu chúng dân, và bản thân, khi xét xử việc gì, cũng phải thật công minh. Có như thế thì mới xứng đáng với danh phận và trách nhiệm của mình. Tiếng thơm của tôi để lại, hẳn Ngài đã hỏi han các bậc phụ lão trong vùng, nên biết rõ rồi. Mong Ngài cũng hãy làm được như vậy.

Tuy nói như thế nhưng nét mặt cụ già vẫn không hề biến sắc còn giọng thì vẫn ôn tồn và không hề tức giận. Lý Nguyên Gia mở mắt, há miệng ra mà lắng nghe, như nghe lời thầy dạy bảo. Nói xong, cụ già chợt biến mất. Lý chỉ còn biết cách cung kính vái theo.

Khi tỉnh dậy, Lý chong đèn ngồi suy nghĩ trước sau. Lý quyết định chỉ xây phủ đệ vừa phải, và đắp thành bên ngoài cũng nhỏ thôi, chứ không làm thật to tát. Một mặt Lý thấy binh lực tiền bạc ít, sợ "lực bất tòng tâm". Mặt khác Lý cũng sợ người và thần ở đất này không dung. Lý không muốn có biến động, mà chỉ mong yên thân, rồi còn có ngày sẽ được trở về phương Bắc vẹn toàn.

*

*        *

Đến thời Cao Biền sang dẹp quân Nam Chiếu cướp phá và ở lại làm Tiết độ sứ (866), y cho xây dựng phủ đệ to tát, nguy nga hơn nhiều. Lại xây đắp La Thành cũng bề thế, vững chắc hơn rất nhiều so với thời Lý Nguyên Gia. Biền cậy mình có vũ công lớn, lại bản thân là tay tướng sỗ lão luyện, có nhiều thuật phép và mưu mẹo thâm hiểm, nên y tưởng rằng sẽ bất chấp và khuất phục được tất cả. Nhưng y đã lầm ta!

Một buổi đang giữa tháng sáu, nước sông Cái tràn vào sông nhỏ đang dâng cao, Biền ngồi thuyền nhẹ thuận theo dòng nước mà vào trong thành. Đi khoảng một dặm, y thấy một cụ già phương trượng đang vừa bơi vừa tắm giữa dòng sông, dáng điệu có vẻ ung dung phấn chấn lắm. Biền bèn dừng thuyền lại hỏi:

- Nhà ngươi là ai? Sao thấy thuyền của ta đi tới mà không tìm cách tránh xa, lại còn dám phơi bày thân thể ra trước mặt cả bản quan được à?

Cụ già cười to mà đáp lại:

- Ta họ Tô tên Lịch, đời đời làm chủ ở đất này. Nhà ngươi há chẳng biết chuyện ta với Lý Nguyên Gia dạo trước ư? Ngươi hãy về phủ đệ mà đọc lại đống giấy tờ sổ sách cũ thì khắc biết cả!

Nói xong cụ già vung tay đạp nước làm cho sương khói bốc lên mù mịt và các con sóng cũng dâng lên cuồn cuộn, khiến cho thuyền của Biền chòng chành tưởng như sắp lật. Biền sợ quá, hai tay bám chặt lấy mạn thuyền và không dám mở mắt ra nhìn. Một lúc sau, thấy thuyền yên, sóng lặng, Biền mở mắt ra thì chẳng thấy cụ già đâu, nhưng ở trên không, lại nghe có tiếng cười vọng xuống:

- Ta chỉ mới thử nhà ngươi một chút đó thôi.

Biền lảo đảo đứng dậy rồi bảo tên lính cầm lái đưa thuyền mau ra khỏi chỗ ấy.

Sau buổi đó Biền về phủ đệ, đọc hết giấy tờ cũ, rồi đi hỏi han các cụ phụ lão trong vùng thêm. Bề ngoài thì thơn thớt nói cười, nhưng trong bụng thì y căm giận, muốn trừ diệt bằng được thần Tô Lịch.

Một buổi sớm, Biền ra đứng ở bờ sông Cái, phía đông thành Đại La, để ngắm nhìn các thế đất và tìm huyệt định yểm. Bỗng nhiên, một trận bão nổi lên, lá rụng cát bay nù mịt và nước sông cũng dâng sóng lên cuồn cuộn. Đứng trên mặt sóng là thần Tô Lịch mà y đã từng gặp mặt, nhưng bây giờ trong trang phục thật uy nghi, tề chỉnh, lại cưỡi trên lưng một con hươu trắng.

Biền giương mắt ra nhìn, chưa kịp có phản ứng gì. Bỗng nhiên, cụ già cưỡi hươu bay vút lên, rồi đến trên đầu Biền, dâng lên hạ xuống ba lần. Đến lần thứ ba, Biền nghe thấy tiếng nói vọng xuống:

- Nhà ngươi đừng hòng che được mắt ta, giả vờ ra đây ngắm cảnh. Ta thừa biết bụng dạ nhà người nghĩ thế nào rồi.

Biền kinh hãi, rồi bảo mấy tên lính hầu cùng nhau lui bước về phủ. Tuy vậy y vẫn còn nuôi ý định trả thù.

Một tháng sau, khi đã chuẩn bị xong, Biền sai dựng đàn tràng để niệm thần chú, bắt quyết. Bùa yểm của y lần này là kim đồng thiết phủ.

Đêm hôm ấy, Biền xoã tóc, cầm kiếm đứng ở giữa đàn tràng, miệng lẩm bẩm còn tay thì khua khoắng lia lịa. Bỗng nhiên, sấm chớp nổi lên đùng đùng, nước mưa đổ xuống như trút. Trong cơn mưa gió, có tiếng thiên binh thần tướng hò reo vang lừng. Rồi trong khoảnh khắc, trái với ý đồ của Cao Biền, kim đồng thiết phủ bật ra khỏi đất rồi biến thành tro bụi, bay đi khắp nơi mù mịt...

Biền khiếp đảm, ngã vật ra đất, hai mắt trợn ngược, bọt mép sùi ra, nom thật  thảm hại, gớm guốc. Quân sĩ phải vực y vào trong trướng, đánh gió, xoa bóp và cho uống thuốc, một hồi lâu sau thì Biền mới tỉnh. Y than thầm:

- Xứ sở này nhân kiệt địa linh không thể nào chế ngự được. Ta ở lâu ắt sẽ chuốc lấy tai hoạ.

Từ đấy Biền vơ vét tích cóp thật nhiều vàng bạc, châu báu, lụa là, cùng nhiều thứ quí giá khác. Y cho người thân tín mang về đút lót quan thái uý nhà Đường. Mấy tháng sau, Biền nhận được chiếu chỉ về kinh thăng chức. Tuy là mừng đấy, nhưng khi ra về, người ngợm tay chân y cứ run lên bần bật. Về đến nước, y vẫn còn mắc chứng run. Mấy tháng sau thì y chết.

*

*         *

Đây lại nói về thần Tô Lịch. Do có nhiều công đức với dân chúng nên Ngài được lập là Thần Thành hoàng, như khi nói với Lý Nguyên Gia, Ngài đã bảo như vậy. Ngài lại có nhiều công đức với cả đất nước, vì đây là đất của quốc đô Thăng Long sau này, như đã mấy lần Ngài cho Lý Nguyên Gia, rồi Cao Biền, biết thế nào là đất có chủ.

Dân chúng thờ phụng Ngài ở nơi lập đền thờ thật là tôn nghiêm, thành kính. Các triều đại trước đây cũng đều có sắc tặng phong, coi Ngài như vị thần Thành hoàng thứ hai của quốc đô, sau thần Chính khí Long Đỗ vậy. Hàng năm, nhà vua đều cử quan đại thần đến đây để làm lễ quốc tế.

Đến khi người Pháp cai trị, chắc là họ có mở sách cũ, học được thói đối xử của Cao Biền, nên đã san bằng đền thờ thần Tô Lịch, để xây dựng lên ở đó, là Nhà thờ lớn hiện nay vậy.

0