Truyện cười: Ông đồ giả
Hôm trước, tôi cũng bon chen đi miếu xin chữ về treo. Định vào tận hồ ở trong miếu để xin, nhưng thấy đông người chen lấn quá, với lại ngại gửi xe, nên tôi tạt luôn vào quầy của một ông đồ ngồi bên vỉa hè. Ông đồ này có bộ râu dài nên trông có vẻ già, mà các cụ thường bảo: “Thầy đồ già, con ...
Hôm trước, tôi cũng bon chen đi miếu xin chữ về treo. Định vào tận hồ ở trong miếu để xin, nhưng thấy đông người chen lấn quá, với lại ngại gửi xe, nên tôi tạt luôn vào quầy của một ông đồ ngồi bên vỉa hè. Ông đồ này có bộ râu dài nên trông có vẻ già, mà các cụ thường bảo: “Thầy đồ già, con hát trẻ”. Con hát trẻ ở đây ý nói mấy cô hát ả đào ngày xưa: càng trẻ càng nhiều khách phong lưu say đắm, chứ không phải là mấy con bé hát phục vụ khách trong mấy quán karaoke bậy bạ bây giờ đâu – mặc dù hiểu vậy cũng vẫn đúng!
Tôi dựng xe ngay cạnh ông đồ, thế mà ông ấy vẫn không biết. Tưởng ông già nên nặng tai, hóa ra ông đang ngủ gật, nước dãi nhỏ thành dòng ra mép, chảy xuống, thấm ướt hết gần nửa tờ giấy thư pháp…
– Thưa ông đồ! Con muốn xin chữ!
Nghe tiếng gọi, ông đồ giật mình tỉnh giấc, lấy vạt áo the dài với những hoa văn cổ xưa lau vội chút nước dãi, cất giọng uể oải:
– Con xin chữ gì? Và xin cho ai?
– Con xin chữ tặng bạn gái con, chúng con mới yêu nhau được mấy ngày, vậy thì nên xin chữ gì ông nhỉ?
– À, tặng bạn gái thì phải tặng hai chữ, ý như là đôi uyên ương gắn bó ấy! Trong đó chữ thứ nhất phải là chữ Tình, tức tình duyên!
– Thế còn chữ thứ hai là gì ạ?
– Là chữ Dục, tức giáo dục. Ý nói yêu nhau thì yêu, nhưng phải yêu một cách có giáo dục, không lợi dụng, lừa đảo, phang nhau có bầu rồi bỏ chạy!
Dứt lời, ông đồ cầm bút múa nhoay nhoáy. Chỉ một loáng, những nét chữ thư pháp như phượng múa rồng lộn đã hiện ra đầy nghệ thuật…
– Hai chữ này có phải treo theo thứ tự không ông?
– Có chứ! Tình bên trên, Dục bên dưới, hai chữ phải khít khìn khịt vào nhau!
– Nhưng con không biết chữ nào là Tình, chữ nào là Dục ông ạ!
– Dễ thôi! Con nhìn đi, chữ Tình thì sẽ có vòng tròn lõm đầu nhọn đít, giống hình trái tim, biểu tượng của tình yêu. Còn chữ Dục thì có một nét to, dài dài, cong cong, đầu hơi phình ra. Nhớ chưa?
– Dạ nhớ! Mà con muốn xin thêm một chữ nữa cho riêng con, treo tại nhà con để tự răn bản thân mình, thì nên xin chữ gì ông nhỉ?
– Ta nghĩ, chữ thích hợp nhất với con bây giờ là chữ Nhẫn!
– Sao lại là Nhẫn ạ?
– Vì con và bạn gái mới yêu nhau được vài ngày, cần phải kiên nhẫn, đừng đòi phang sớm quá, dễ hỏng việc! Người đời dạy rồi: Dục tốc bất đạt cực khoái!
Đang say sưa nghe ông đồ giảng giải về ý nghĩa sâu xa của chữ Nhẫn thì bỗng có tiếng còi tuýt ầm ĩ sau lưng, tiếp đó là tiếng mấy anh dân phòng quát tháo ầm ĩ:
– Bắt hết mấy thằng đồ ngồi vỉa hè này về phường mau lên!
Nhanh như cắt, ông đồ vơ hết bút mực, đồ nghề nhét cả vào túi rồi chạy vụt vào một con hẻm gần đó. Phải một lát sau, khi xe của mấy anh dân phòng đã đi xa, thì ông đồ mới dám thập thò bước ra…
– Khổ lắm con ạ! Kiếm miếng ăn mà chẳng được yên!
– Sao ông không vào trong miếu mà cho chữ? Vào đó dân phòng không đuổi đâu!
– Ai chả muốn thế! Nhưng chỉ những ông đồ đã vượt qua kỳ thi sát hạch thì mới được ngồi đó thôi!
– Sao ông không đi thi sát hạch?
– Ta có thi đấy chứ! Nhưng đề sát hạch họ ra khó quá, bắt viết toàn những chữ ta chưa học. Định nhòm bài thằng bên cạnh nhưng gặp ngay phải thằng khốn nạn, nó cứ che bài kín mít như mèo giấu kít.
– Vậy ông đành chịu à?
– Không! Ta lôi từ điển ra quay! Chép gần xong rồi thì bị giám thị phát hiện, lập biên bản đình chỉ thi, đuổi ra khỏi phòng luôn!
– Nghĩa là ông không được học hành gì về thư pháp?
– Học hành quái gì! Ta học dốt quá nên bỏ học từ năm lớp hai! Sau đó dặt dẹo làm đủ nghề. Đầu tiên là chạy xe ôm. Nhưng sau khi gây tai nạn lao động khiến cái xe ôm nát bét và hai vị khách ngồi sau cũng nát bét thì ta quyết định bỏ nghề, chuyển qua làm phụ xe buýt. Làm phụ xe buýt nhưng ta lại bị say xe, nhiều lần đang thu tiền vé thì nôn luôn vào mặt khách nên thường xuyên bị đánh. Sau đó, thấy cái nghề cho chữ rất nhàn hạ, cứ ngồi viết linh ta linh tinh mà lại nhiều tiền, nên ta chuyển qua làm ông đồ! Nhưng là trước đây thôi, chứ bây giờ, không được vào trong miếu, ở ngoài này khó kiếm ăn lắm, bị dân phòng họ đuổi suốt! Chắc sắp tới ta lại phải chuyển nghề!
– Cụ định sẽ làm gì?
– Ta chuyển qua làm bốc vác! Làm tạm thời thôi, vừa học vừa làm. Sáng bốc vác, chiều đến lò luyện thi để sang năm thi sát hạch tiếp. “Học, học nữa, học mãi”, cụ Lê Lợi đã dạy thế rồi mà!
– Cụ Lê Nin chứ?
– Ừ! Cụ nào cũng được, đều họ Lê cả mà!
Rồi tôi lại nghe tiếng còi tuýt ầm ĩ sau lưng, tiếng mấy anh dân phòng quát tháo; rồi ông đồ lại cuống cuồng tống đồ nghề vào túi, chạy tọt vào con hẻm. Tôi lại nhìn vào bên trong miếu, vòng quanh hồ, khách vẫn nườm nượp đi xin chữ. Cũng là những ông đồ, cũng áo dài khăn xếp, cũng bút lông, nghiên mực, nhưng sao những ông đồ trong miếu ngồi cho chữ thật thảnh thơi, cao quý, còn ông đồ ngoài vỉa hè này lại phải trốn chạy như phường buôn bạc giả. Thì rõ là giả mà, một kẻ không biết chữ lại đi làm cái nghề cho chữ, có khác gì làm ruốc bằng bã sắn dây, thay nhân sâm bằng củ cải? Những ông đồ như thế mà đến bây giờ mới bị truy đuổi, mới phải bỏ chạy chui lủi, kể ra cũng là hơi muộn!
Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo