Truyện cười: Chuyện lì xì
Năm nào cũng vậy, cứ mùng 3 Tết là nhà bác trưởng họ có giỗ cụ, và tất cả con cháu đều kéo tới ăn uống rất vui. Không chỉ con cháu ở quê như vợ chồng tôi thôi đâu, mà cả gia đình mấy bác, mấy chú trên thành phố cũng phải về đông đủ hết. Và đó chính là ngày mà tôi trông ngóng nhất! Lý do hả? Là vì ...
Năm nào cũng vậy, cứ mùng 3 Tết là nhà bác trưởng họ có giỗ cụ, và tất cả con cháu đều kéo tới ăn uống rất vui. Không chỉ con cháu ở quê như vợ chồng tôi thôi đâu, mà cả gia đình mấy bác, mấy chú trên thành phố cũng phải về đông đủ hết. Và đó chính là ngày mà tôi trông ngóng nhất!
Lý do hả? Là vì nhà tôi có tới 3 đứa con đang ở độ tuổi được lì xì, hôm đó lại rất đông người về, nếu khéo cho 3 đứa lượn lờ, gợi mở, mời chào, thì kết quả thu hoạch được cũng không đến nỗi nào, nếu không muốn nói là rất khá! Tất nhiên, thành quả không đến một cách ngẫu nhiên mà đó là kết quả của một quá trình đúc kết và tính toán cực kì chi tiết, khoa học.
Thứ nhất là về quan niệm lì xì. Nhiều người vẫn thích lì xì theo chất lượng: tức là nếu người ta lì xì cho con tôi mỗi đứa 10 nghìn – nhà tôi có 3 đứa, vậy tổng là mất 30 nghìn, thì tôi cũng phải lì xì lại con họ đủ 30 nghìn, không quan tâm đến việc người đó có 1, 2 hay 3 đứa con. Nhưng tôi không thích quan niệm đó, tôi thích lì xì theo số lượng: tức là bạn lì xì cho con tôi mỗi đứa 10 nghìn, thì tôi cũng lì xì cho con bạn mỗi đứa 10 nghìn, bạn có ít con hơn tôi thì bạn phải chịu thiệt, ai bảo bạn không đẻ nhiều?! (Họ tôi hầu như chỉ 1, cùng lắm là 2 con, hiếm nhà nào 3 đứa như nhà tôi).
Thứ hai là thời điểm lì xì. Tôi không bao giờ dại dột mà lì xì trước. Nếu mình lì xì trước cho con người ta mà sau đó người ta quên không lì xì cho con mình, hoặc lì xì nhưng với mệnh giá tiền thấp hơn thì lúc đó tính sao? Chẳng lẽ chạy tới đòi à? Việc lì xì sau đồng nghĩa với việc tôi được nắm đằng chuôi, nắm quyền chủ động và không bao giờ sợ lỗ.
Thứ ba là về hình thức lì xì. Tôi rất thích những người mừng tuổi con tôi bằng cách cho tiền vào bao lì xì, và trong trường hợp đó, tôi cũng sẽ mừng tuổi lại con họ theo cách đó – tất nhiên là tôi luôn lì xì ít hơn. Nếu người ta có thắc mắc là sao họ lì xì cho con tôi nhiều mà tôi lì xì con họ ít thì tôi sẽ cãi rằng cái bao lì xì của họ tôi không giữ mà con tôi nó giữ, tôi đâu có biết họ lì xì bao nhiêu đâu mà so sánh, mà kêu ít với nhiều. Hơn nữa, lì xì là quý ở cái tấm lòng, là để chúc nhau may mắn, mạnh khỏe, chứ nhiều hay ít có quan trọng gì!
Thứ tư là về đối tượng lì xì. Tôi luôn hướng cho các con tôi ưu tiên tập trung tiếp cận và gạ gẫm lì xì từ những anh chị, cô chú đã đi làm và chưa có con cái. Đã đi làm nghĩa là họ rủng rỉnh hầu bao, và chưa có con cái nghĩa là tôi không phải lì xì lại cho con họ. Một đối tượng nữa tôi cũng rất thích đó là mấy cụ già. Mấy cụ này mắt kém nên hay nhầm lẫn: có nhiều cụ định lì xì con tôi 10 nghìn, nhưng lại lấy nhầm tờ 200 nghìn; có cụ định mừng 20 nghìn nhưng lại đưa nhầm tờ 500 nghìn (vì màu chúng na ná nhau). Cũng tương tự như vậy, vì mắt kém nên khi mừng tuổi lại, tôi đưa các cụ 10 nghìn, 20 nghìn rồi bảo đó là 200 nghìn, 500 nghìn thì các cụ cũng tin, cười tít mắt, cảm ơn rối rít, rồi còn hỏi là sao mừng tuổi cụ nhiều thế?!
Đúng sáng mùng 3, tôi đeo trước ngực các con mỗi đứa một cái túi hồng hồng, rất bắt mắt và xinh xắn, rồi đưa tất cả chúng đến nhà bác trưởng họ rất sớm. Đến sớm là bởi có nhiều cô chú bận, không ở lại ăn cỗ mà chỉ tạt qua thắp hương và cúng phong bì, hoa quả rồi lại đi ngay. Vậy nên nếu đến muộn thì có phải là con tôi sẽ không gặp được các cô chú ấy, mà không gặp thì làm sao có lì xì?
Lúc ấy, khách khứa đến cũng khá đông, và các con tôi thì vẫn đang miệt mài đeo túi chạy lăng xăng, lân la khắp nơi. Tôi đang nhặt rau ngoài giếng thì thấy con bé lớn cầm tiền chạy lại, ríu rít khoe:
– Mẹ ơi! Cô Tưng vừa mừng tuổi con này! Buồn cười lắm mẹ nhé!
– Buồn cười gì?
– Cô Tưng tưởng con chưa biết phân biệt tiền, nên giơ đồng 20 nghìn và đồng 50 nghìn ra rồi hỏi con thích tờ nào. Con bảo con thích tờ màu xanh. Cô hỏi: “Tại sao?”, con bảo: “Vì màu xanh là màu của hi vọng”. Cô lại hỏi: “Thế con hi vọng gì?”, con bảo: “Con hi vọng cô cho con nốt tờ màu đỏ”.
Hai mẹ con đang nói chuyện thì chú Bải tới. Thấy chú, con gái tôi cúi chào rất lễ phép, tay nó mân mê cái túi hồng xinh xắn trước ngực, mắt ngước nhìn chú đầy trìu mến. Chú Bải biết ý thì liền móc ví:
– Đây! Chú mừng tuổi cho con chóng lớn, học giỏi nhé!
Con bé nhận tờ tiền, chực cho vào túi thì lập tức bị tôi quát:
– Con hư nhỉ? Ở nhà mẹ đã dặn con là khi người lớn mừng tuổi thì phải nhận bằng hai tay và nói như thế nào? Con quên rồi sao?
Bị mẹ nhắc nhở, con bé đành cất giọng ngượng ngịu:
– Chú ơi! Nhà con còn hai em nữa ạ!
Chú Bải nghe vậy thì lại móc ví, chực rút thêm, nhưng hình như có gì đó không ổn, bởi tôi thấy mặt chú hơi nhăn nhó:
– Chết rồi! Chú hết tiền lẻ rồi, còn mỗi tờ 500 nghìn!
– Không sao! Đưa đây chị đổi cho! Chị đầy tiền lẻ!
Tôi vừa nói vừa móc ví lấy tiền lẻ ra đổi cho chú. Tưởng là đổi được tiền lẻ rồi thì mặt chú sẽ hết nhăn nhó, nhưng không, hình như, nó lại càng méo mó hơn.
Các con tôi đã thu hoạch được kha khá, nhưng tôi vẫn thấp thỏm, bởi người tôi mong đợi nhất là bác Kenny Sang thì vẫn chưa tới. Sở dĩ tôi rất ngóng bác Kenny là bởi bác Kenny là người thành phố, nhà rất giàu. Bác Kenny rất nổi tiếng với tuyên bố rằng: Ai mừng tuổi con bác ấy 1 thì bác ấy sẽ mừng tuổi lại 10. Tôi lúc đầu thì không tin, bởi nghe cái tên bác ấy thì bố ai mà tin nổi. Ấy nhưng mà bác ấy lại nói thật! Năm kia, tôi thử lì xì con bác ấy 2 nghìn, bác ấy rút ví lì xì lại ngay 20 nghìn; năm ngoái, tôi lì xì 10 nghìn, bác ấy mừng lại luôn 1 trăm. Bởi thế, năm nay, rút kinh nghiệm, tôi sẽ lì xì con bác ấy hẳn 1 triệu. Thực ra, tôi muốn lì xì nhiều hơn, nhưng tại tết nhất sắm sửa nhiều quá nên dồn hết lại cũng chỉ còn đúng triệu bạc. Tôi cũng đã sang hàng xóm hỏi vay thêm, nhưng ngày tết nên chả ai cho vay.
– A! Bác Kenny tới rồi!
Tiếng ai đó reo vang đầu ngõ! Lập tức tôi cùng cả họ lao túa ra. Chiếc xe Mẹc-se-đéc màu xanh biếc nhập khẩu nguyên chiếc từ cộng hòa Séc của bác Kenny rẽ vào chầm chậm rồi đỗ xịch lại trước cổng. Cửa xe mở, bác Kenny sang trọng bước ra, tay xách cặp số đầy oai vệ; đi ngay phía sau là thằng Kenny Hei – con trai bác (thấy bảo bác ấy thích uống bia Heineken nên đã đặt tên con là Kenny Hei). Vừa nhìn thấy thằng Kenny Hei, tôi cùng cả họ đã xúm tới:
– Lại đây! Lại đây các cô, các bác lì xì cho chóng lớn nào!
Thế là rào rào, cả tiền mặt, cả phong bao lì xì ấn vào tay thằng bé. Người nghèo thì năm trăm, một triệu, người khá giả thì năm, bảy triệu, có nhà chơi sang còn lì xì thằng bé gần hai chục triệu. Bác Kenny thấy vậy thì liền cất giọng:
– Mọi người cứ bình tĩnh, đâu sẽ có đó! Như đã tuyên bố: ai lì xì con tôi 1, tôi sẽ lì xì lại con họ 10, bởi thế, mọi người hãy lì xì lần lượt một cách có văn hóa, có trật tự để tôi còn ghi chép lại cụ thể, lát nữa mới biết mà lì xì lại, tránh nhầm lẫn của người nọ với người kia rồi lại sinh ra đánh chửi nhau, mất đoàn kết, mất vui! Tiền tôi để sẵn trong cặp số đây rồi! Không lo!
Tất cả nghe vậy thì ngoan ngoãn làm theo răm rắp, rất trình tự. Xong, bác Kenny cùng con đi vào nhà đặt lễ lên bàn thờ thắp hương. Đang định lì xì lại cho mọi người thì đến giờ cơm nên bác cùng mọi người lại ngồi cả vào mâm nâng cốc chúc tụng rồi ăn uống. Bữa cơm diễn ra trong không khí thân mật và vui vẻ. Đúng khi đang cúi xuống gắp cái đùi gà thì tôi lại nghe có tiếng hô thất thanh:
– ĐKM! Bác Kenny chạy rồi! Đuổi theo mau!
Tức thì tôi cùng mọi người quăng hết bát đũa xuống, lao ngay ra cổng! Nhưng không kịp rồi, chiếc Mẹc-se-đéc màu xanh biếc nhập nguyên chiếc từ Séc đã rồ ga phóng vụt đi, bỏ lại đằng sau đám khói khét lẹt lẫn trong mớ bụi cát mù mịt cùng với toán người đang la ó, gào thét, cố săn theo chiếc xe một cách tuyệt vọng. Thật sự là không kịp nữa, bởi chiếc xe đã khuất sau rặng tre cuối làng, chỉ còn khói thốc vào họng hăng hắc, và cát bụi tát vào mặt chúng tôi ran rát…
Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo