Truyện cười: Bảo bối của sư phụ
Các sếp ở trên vừa đưa về sở thú chỗ tôi một con hà mã. Theo các tiến sĩ hà mã học hàng đầu của Việt Nam thì đây là giống hà mã quý hiếm, được nhập khẩu nguyên con từ khu đầm lầy Nam Mỹ, trên thế giới hiện nay chỉ còn sót lại đúng ba con: một con đực đang được nuôi ở sở thú chỗ tôi, một con cái ...
Các sếp ở trên vừa đưa về sở thú chỗ tôi một con hà mã. Theo các tiến sĩ hà mã học hàng đầu của Việt Nam thì đây là giống hà mã quý hiếm, được nhập khẩu nguyên con từ khu đầm lầy Nam Mỹ, trên thế giới hiện nay chỉ còn sót lại đúng ba con: một con đực đang được nuôi ở sở thú chỗ tôi, một con cái đang được chăm sóc tại khu bảo tồn động vật Châu u, và một con bê-đê đang ở đâu không rõ.
Các sếp yêu cầu sở thú chỗ tôi chăm sóc con hà mã thật chu đáo theo chế độ đặc biệt: ngày phải tắm cho nó hai lần bằng nước nóng – vì nó quen với khí hậu ấm vùng Nam Mỹ, nếu tắm nước lạnh nó rất dễ bị cảm cúm, ho có đờm và sổ mũi; Cỏ cho nó ăn cũng phải là cỏ nhập ngoại, mấy trăm nghìn một thùng, mỗi bữa nó xơi mấy thùng, toi cả triệu bạc. Tất nhiên, tiền là do trên rót xuống, chả phải của chúng tôi, nhưng nhìn nó ngốn tiền ừng ực giống như một gã bợm nốc bia hơi trong một chiều trời nóng nực mà tôi xót xa muốn đứt từng khúc ruột.
Tôi thấy khá kì quặc: vợ tôi đôi ba ngày mới tắm một lần còn được, tại sao cái con vật xấu xí này lại phải tắm hai lần mỗi ngày? Trâu bò quanh đây lâu nay vẫn ăn cỏ thường mọc đầy ngoài đường, vẫn khoẻ re, cớ gì phải tốn tiền nhập cỏ ngoại cho cái thứ hà mã đần độn như thế? Nghĩ vậy nên tôi lệnh cho nhân viên tuần chỉ tắm cho con hà mã ấy một lần, và cho nó ăn bằng thứ cỏ dại cắt ngoài vườn… Và mọi việc vẫn ổn, chả sao cả! Còn tôi, nhờ ăn bớt được tiền nhập cỏ, nên mỗi ngày, tôi đút túi cả triệu bạc ngon lành…
Nhưng rồi đùng một cái: con hà mã lăn ra chết. Và sự cố này, tất nhiên, khiến tôi vô cùng lo sợ: lo là lo các sếp ở trên biết chuyện sẽ phiền phức; còn sợ là sợ sẽ mất đi cái khoản tiền triệu vẫn đều đều hàng ngày chảy vào túi tôi…
Người đời có câu “Họa vô đơn chí, họa chi đông rứa”: đang lúc rối bời chưa biết lấp liếm ra sao cái vụ con hà mã chết thì tôi lại nhận được điện thoại báo là trưa mai sẽ có đoàn cán bộ ở trên về để thanh tra và kiểm tra tình hình sức khỏe của con hà mã. Căng thật! Nếu là khỉ, dê hay ngựa thì tôi kiếm được con khác thế vào ngay, đằng này lại là hà mã Nam Mỹ quý hiếm mà thế giới chỉ còn đúng 3 con, nên tôi hoang mang không biết tính sao.
Đường cùng, tôi đành phải đến gặp sư phụ tôi để cầu cứu. Sư phụ tôi là người học rộng tài cao: trên thông thiên văn, dưới tường địa chất, giữa nắm lòng người, tóm lại là cái đầu… cua tai nheo gì sư phụ tôi cũng biết, nên tôi tin là sư phụ sẽ có cách giúp tôi.
Quả đúng vậy! Sau khi tôi vừa trình bày dứt lời, sư phụ liền buông ngay một câu: “Lợn”. Tôi hỏi lại: “Sư phụ chửi con ngu như lợn ạ?”. Sư phụ lắc đầu, bảo: “Ta không có ý đó, mặc dù ý đó cũng đúng. Ý của ta là hãy dùng lợn, mà cụ thể hơn là lợn sề, vì lợn sề có bộ dạng gần giống nhất với hà mã. Trong phim Bao Công, có vụ dùng li miêu đánh tráo thái tử, thì giờ, hãy dùng lợn sề đánh tráo hà mã!”.
Tôi nghe xong không khỏi băn khoăn: “Làm thế sao được ạ? Dân họ mua vé vào vườn thú để xem hà mã, vậy mà ta lại cho họ xem lợn sề, họ chả chửi mả bố cho à?”. Sư phụ tôi cười ha hả: “Con là giám đốc sở thú, coi như cũng ở vị thế của một người cán bộ. Làm cán bộ mà lại sợ dân chửi thì sao mà làm cán bộ được?”. Tôi thì vẫn ngập ngừng: “Nhưng còn các cán bộ trong đoàn thanh tra nữa ạ. Họ có mù đâu mà không phân biệt được hà mã với lợn sề!”.
Sư phụ tôi vẫn khoan thai vuốt chòm râu xoăn tít như lông bẹn, cười bình thản: “Kẻ khó đánh thức nhất không phải kẻ ngủ say, mà là kẻ giả vờ ngủ. Người khó thấy nhất không phải người mù, mà là người cố tình không muốn thấy! Mấy cái thằng ấy, thật ra lại dễ đối phó hơn”. Nói rồi sư phụ vào trong, lát sau mang ra một cái gói nhìn như bịch Kotex, bảo: “Ta cho con bảo bối này! Khi nào thực sự nguy cấp hãy mở ra!”.
Tôi quay về và làm y lời sư phụ dặn. Ngay trong đêm hôm ấy, tôi cho kiếm một con lợn sề to rồi đóng cái cọc dưới đáy bể sình – nơi con hà mã hay đầm mình – và cột chặt chân con lợn sề xuống đó để cho nó chỉ ngóc được mỗi nửa cái đầu và một phần lưng đen sì lên khỏi mặt sình thôi…
Ấy vậy mà cái con lợn sề khốn kiếp ấy nó vẫn giật đứt được sợi dây cột rồi bơi ùm ũm quanh bể một cách sảng khoái như thể muốn trêu ngươi. Con lợn ấy bơi đủ kiểu, từ bơi sấp, bơi ngửa, đến bơi bướm, bơi ếch, bơi chó, rồi cuối cùng, nó ngồi lên bờ, kêu eng éc đòi ăn cám. Càng khốn kiếp hơn khi mà nó thực hiện những hành động ấy đúng lúc các cán bộ trong đoàn thanh tra đang đứng xung quanh cái bể để khảo sát, quay phim, chụp hình, ghi chép làm báo cáo.
“Cái quái gì thế này? Lợn sề à? Đéo phải hà mã à?” – mấy cán bộ trong đoàn thanh tra thốt lên đầy vẻ ngỡ ngàng và kinh ngạc, còn tôi thì cũng thật sự hốt hoảng. “Tới lúc phải dùng đến bảo bối của sư phụ rồi” – tôi nghĩ vậy và lập tức lấy bảo bối ra xem: bên trong bảo bối là một tập phiếu khảo sát đã được in sẵn câu hỏi: “Theo bạn, con lợn sề đó là con gì?”, kèm theo hai đáp án: “A – Con lợn sề”; “B – Con hà mã”.
Tôi thấy hơi hoang mang và hụt hẫng: “Thế này mà gọi là bảo bối ư? ĐKM sư phụ! Chả có đéo gì đặc biệt cả mà cứ làm ra vẻ nghiêm trọng”. Vừa chửi thầm, tôi vừa lật qua lật lại cái tập phiếu khảo sát, và rồi tôi phát hiện ra một chi tiết lạ: ấy là tất cả các phiếu khảo sát đều được gấp nếp và có đường băng keo dán sẵn giống hệt như những chiếc phong bì. “Ôi, thôi đúng rồi! Đây chính là sự kì diệu của cái bảo bối mà sư phụ đã cho tôi. Sư phụ ơi, con xin lỗi vì đã chửi nhầm sư phụ!”.
Tức thì, tôi chạy vào trong, gấp các phiếu khảo sát lại thành hình phong bì, rồi cho vào mỗi phiếu một xấp tiền polyme xanh ngát, xong dán băng keo, rồi đem phát cho các cán bộ thanh tra để làm khảo sát. Và kết quả khảo sát thật bất ngờ: đa số đồng ý rằng đó là con hà mã!
Buổi khảo sát của các cán bộ đoàn thanh tra đã thành công tốt đẹp với kết luận cuối cùng được đưa ra là: “Đa số người dân đồng ý rằng đó là con hà mã”.
Trước lúc lên xe ra về, ông trưởng đoàn bắt tay tôi đầy thân tình, phấn khởi. Ông khen sở thú chỗ tôi làm rất tốt, còn khoe là sắp tới sẽ tiếp tục nhập nguyên con một đàn khủng long bắc cực từ châu Phi về để giao cho sở thú chỗ tôi chăm sóc.
Cậu trợ lý của tôi nghe vậy thì không giấu được vẻ băn khoăn, lo lắng: “Hà mã và lợn sề dù sao cũng có nét giống nhau, chết còn thay tạm được vào, chứ khủng long mà chết thì thay con gì được hả anh?”. Tôi cười, xoa đầu cậu trợ lý, bảo: “Yên tâm! Có bảo bối của sư phụ anh đây rồi, thì có thể lấy gà mà thay vào khủng long cũng được!”.
Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo