13/01/2018, 19:56

Trường TH Kỳ Phú kiểm tra cuối năm môn Tiếng Việt lớp 4 có đáp án năm 2017

Trường TH Kỳ Phú kiểm tra cuối năm môn Tiếng Việt lớp 4 có đáp án năm 2017 Đáp án và đề thi học kì 2 lớp 4 môn Tiếng Việt của trường TH Kỳ Phú năm 2017. Em hãy tả một con vật mà em yêu thích. A. KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm) Đọc thầm (7 điểm) CỘT MỐC ĐỎ TRÊN BIÊN GIỚI Khi những ...

Trường TH Kỳ Phú kiểm tra cuối năm môn Tiếng Việt lớp 4 có đáp án năm 2017

Đáp án và đề thi học kì 2 lớp 4 môn Tiếng Việt của trường TH Kỳ Phú năm 2017. Em hãy tả một con vật mà em yêu thích.

A. KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)

Đọc thầm (7 điểm)          

CỘT MỐC ĐỎ TRÊN BIÊN GIỚI

Khi những người U Ní ở vùng biên bước ra khỏi căn nhà đất này như cái kén trong suốt mùa đông để đi những đường cày đầu tiên thì hoa gạo bắt đầu nở. Sau một mùa giá lạnh đứng so ro, cây gạo giờ đây bung nở hết cái sức tích tụ bao tháng ngày.

Khắp đất nước có lẽ không ở đâu hoa gạo có sắc màu đẹp tuyệt như ở đây. Suốt một rẻo biên giới, trên những nương lúa đã bỏ hoang, hoa gạo rừng rực cháy đỏ một vệt dài tít tắp. Chẳng có thứ cây nào mà lại hào phóng sắc đỏ đến thế. Bông nào bông ấy bằng cái cốc vại. Mỗi bông đậu trên cành trông không khác một đốm lửa, phấp phới vẫy gọi những đàn sáo từ xa bay đến. Bọn sáo vô tư, líu lo, nhảy nhót, đôi lúc vô ý đánh gãy một bông hoa. Nhưng hoa chỉ giật mình trong chốc lát, trên đường rơi nó đã kịp thời giữ thế cân bằng, quay từ từ như cái chong chóng năm cánh hoa đầy.

Trong cái ngẫu hứng tài tình của tự nhiên, ta cứ nghĩ tới sự sắp xếp cố tình của con người. Biên giới không chỉ hoạch định bằng cột mốc, mà còn bằng cây cỏ. Những hạt gạo, đuôi xòe lông tơ từ một miền nảo miền nào theo gió phát tán tới đây, giống như hiện tượng chim đậu đất lành, lại như là có ý thức trong việc xác định ranh giới quốc gia.

Đất vắng, rộng, thật là hợp với loài gạo. Gạo ưa hạn, chịu sáng, quen chịu đựng mọi khắc nghiệt. Cho đến bây giờ thì gạo đã thật sự có những hàng đại thụ, thân hai ba người ôm, mùa xuân này nghềnh ngàng các nhánh ngang vùng vẫy, đốt đuốc trên bầu trời.

Theo Ma Văn Kháng

Đọc thầm bài tập đọc, trả lời các câu hỏi và bài tập bằng cách khoanh vào chữ cái trước các ý trả lời đúng nhất hoặc hoàn thiện câu trả lời theo hướng dẫn dưới đây:

1. Bài văn tả những cây gạo ở vùng nào?

A. Ở trên những mảnh đất hoang

B. Ở trên khắp đất nước ta

C. Ở biên giới

2. Câu văn nào dưới đây tả sắc màu tuyệt đẹp của hoa gạo?

A. Bông nào bông ấy bằng cái cốc vại.

B. Hoa gạo rừng rực cháy đỏ một vệt dài tít tắp, mỗi bông không khác một đốm lửa.

C. Năm cánh hoa đầy quay từ từ như cái chong chóng.

3. Theo tác giả, do đâu những cây gạo có mặt ở vùng này?

A. Do sự ngẫu hứng tài tình của tự nhiên

B. Do sự sắp xếp cố tình của con người

C. Do cả sự ngẫu hứng của tự nhiên và sự sắp xếp của con người

4. Vì sao tác giả nghĩ biên giới còn được hoạch định bằng cây cỏ?

A. Vì những cây gạo mọc ở biên giới như những cột mốc xác định ranh giới quốc gia.

B. Vì hạt gạo từ khắp nơi theo gió phát tán tới đây, mọc thành cây.

C. Vì cây gạo mọc ở biên giới như hiện tượng chim đậu đất lành.

5. Hãy gạch dưới một gạch cho bộ phận trạng ngữ trong câu văn sau:

Suốt một rẻo biên giới, trên những nương lúa đã bỏ hoang, hoa gạo rừng rực cháy đỏ một vệt dài tít tắp.”

6. Hãy chuyển câu kể sau thành câu khiến: “Đàn sáo từ xa bay đến.”

7. Câu dùng sai từ có tiếng “nhân” là:

A. Thời đại nào nước ta cũng có nhiều nhân tài.

B. Nhân dân ta có truyền thống lao động cần cù.

C. Cô giáo lớp tôi rất nhân tài.

D. Bà tôi là người nhân hậu, thấy ai gặp khó khăn bà thường hết lòng giúp đỡ.

8. Dòng nào dưới đây chỉ gồm các từ láy:

A. đắn đo, lưỡng lự, bờ bãi, gầy gò

B. gầy gò, xanh xao, mềm mại, xinh xắn

C. tròn trịa, máy bay, mỏng manh, cây cỏ

II. Đọc thành tiếng: (3 Điểm)

   Mỗi học sinh bốc thăm và đọc đoạn hoặc bài kết hợp trả lời câu hỏi theo yêu cầu của giáo viên. (Phần đọc thành tiếng 2,5 điểm, trả lời câu hỏi 0,5 điểm).

Điểm…………………Đọc bài hoặc đoạn trong bài……………………………..

Của tác giả…………………………………………………………………………

B. KIỂM TRA VIẾT: (10 điểm)

I. Chính tả ( 2 điểm )

1. Chính tả:Giáo viên đọc cho học sinh (nghe viết) bài:“Vương quốc vắng nụ cười ”. Tiếng Việt 4 – Tập II, trang 132 (Từ đầu …. trên những mái nhà) trong khoảng thời gian 15 phút.

2. Tập làm văn (8 điểm)

Đề bài: Em hãy tả một con vật mà em yêu thích.


ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

A. KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)

I. Đọc thành tiếng (3 điểm)

* Đọc (2,5điểm)

+ Đọc đúng tiếng, đúng từ, ngắt nghỉ hơi đúng chỗ, bước đầu đọc diễn cảm được đoạn văn, đọc tốc độ đạt yêu cầu khoảng 80 tiếng/ phút. (4 điểm)

+ Đọc sai 1, 2 tiếng hoặc ngắt nghỉ hơi đôi chỗ còn chưa đúng, bước đầu đọc diễn cảm được đoạn văn, đọc tốc độ đạt yêu cầu khoảng 80 tiếng/ phút. (3,5 điểm)

+ Đọc sai 3,4 tiếng hoặc ngắt nghỉ hơi đôi chỗ còn chưa đúng, bước đầu đọc diễn cảm được đoạn văn, đọc tốc độ đạt yêu cầu khoảng 80 tiếng/ phút. (3 điểm)

+ Đọc sai 5,6 tiếng hoặc ngắt nghỉ hơi đôi chỗ còn chưa đúng, đọc tốc độ đạt yêu cầu khoảng 80 tiếng/ phút. (2,5 điểm)

+ Đọc còn sai hoặc ngắt nghỉ hơi chưa đúng; đọc tốc độ đạt yêu cầu khoảng 80 tiếng/ phút. (2 điểm)

+ Đọc sai nhiều, ấp úng hoặc ngắt nghỉ hơi không đúng, tốc độ đọc chậm (1,5 điểm)

+ Đọc sai nhiều, còn phải đánh vần, tốc độ đọc chậm (1 điểm)

* Trả lời câu hỏi (0,5 điểm)

– Tùy vào nội dung phần trả lời của học sinh mà giáo viên cho các mức điểm:

+ Trả lời đúng đủ nội dung câu hỏi, diễn đạt tốt ( 0,5điểm)

+ Trả lời còn chưa đủ                                      ( 0,25 điểm)

+ Trả lời sai                                                               ( Không cho điểm)

II. Đọc hiểu (7 điểm)

Đáp án đúng và biểu điểm:

Câu123478
Đáp ánCBCACB
Số điểm1,01,01,01,00,50,5

Câu 5 :  (1 điểm )  Học sinh gạch dưới trạng ngữ: Suốt một rẻo biên giới, trên những nương lúa đã bỏ hoang,

 Câu 6:  (1 điểm)   Học sinh chuyển như sau:  “Đàn sáo từ xa bay đến đi!” hoặc “Đàn sáo từ xa hãy bay đến!”…

 B. KIỂM TRA VIẾT: (10 điểm).

I. Chính tả: (2 điểm)

– Bài viết không mắc lỗi chính tả; chữ viết rõ ràng; đúng mẫu chữ; đảm bảo độ cao, rộng;  nét chữ trơn đều; trình bày bài đúng thể thức (4 điểm)

– Mỗi lỗi chính tả trong bài viết sai về phụ âm đầu hoặc vần, thanh, không viết hoa đúng quy định…trừ 0,25 điểm.

– Chữ viết không rõ ràng, sai về độ cao, khoảng cách, kiểu chữ hoặc trình bày bẩn trừ 1 điểm toàn bài.

Lưu ý: Tùy thuộc vào bài viết của học sinh mà giáo viên chấm các mức điểm tương ứng, phù hợp.

II. Tập làm văn (8 điểm)

=> Nội dung: (7,5 điểm)

a) MB:: (1,0 điểm)

 – Giới thiệu được con vật yêu thích.

b) TB:: (5,5 điểm)

+ Tả bao quát con vật   (1,5  điểm)

+ Tả chi tiết các bộ phận tiêu biểu của con vật (2,5 điểm)

– Tả được hoạt động của con vật đó (1,5 điểm)

c) KB:: (1,0 điểm)

– Nêu được cảm nghĩ  của bản thân đối với con vật mình tả.

Bài làm

Nhà em có nuôi một đàn gà, có rất nhiều loại như: gà trống, gà mái, gà con…nhưng em chú ý nhất đến chú gà trống màu đỏ rực rỡ.

Con gà trống được mẹ em xin dưới bà ngoại về, khi mang về nó cũng khá to và bây giờ sau hai tháng ở nhà em nó đã trở thành một con gà trống cường tráng. Nó có cân nặng khoảng ba ki lô gam, có bộ lông màu đỏ rực rỡ, óng mượt riêng phần đuôi thì có điểm thêm một vài sợi lông khác màu. Chiếc đuôi cong cong khiến em liên tưởng đến chiếc cầu vồng với đủ các màu sắc. Chiếc mào đỏ rực rỡ như những bông hoa gạo tháng ba, hai mắt như hai hạt cườm, chiếc mỏ cứng mỗi khi nó nhặt thóc hay gạo ở sân là lại phát ra tiếng lạch cạch. Nó cũng hay dùng chiếc mỏ cứng ấy để mổ những con gà khác khi tranh nhau thức ăn, hay mổ bất cứ cái gì có ý định tấn công nó.

Chiếc cổ cao, vươn dài kiêu hãnh mỗi khi nó cất tiếng gáy. Hai chân to, vững chắc màu vàng với mỗi bên là ba ngón giúp nó đứng vững, ở đầu mỗi ngón là những móng vuốt sắc nhọn, giúp nó bới đất để tìm các loại thức ăn như giun, dế…Đặc biệt sau mỗi bên chân đều có những chiếc cựa đặc trưng chỉ ở những con gà trống mới có.Thỉnh thoảng có xảy ra xung đột giữa những con gà trống với nhau thì chiếc cựa và móng vuốt là vũ khí để tự vệ.

Con gà trống giống như chiếc đồng hồ báo thức của cả xóm vậy. Hôm nào cũng vậy, cứ sáng sớm là cả xóm vang dội trong tiếng gáy của nó. Nó ra khỏi chuồng và bay lên một chỗ thật cao như đống rơm hoặc mái nhà phẩy cánh phành phạch và cất cao tiếng gáy Ò…ó…o. Mỗi lần như vậy nó gáy khoảng từ năm đên sáu lần liên hồi. Nhờ có nó mà cả nhà em luôn thức dậy đúng giờ, em không bị đi học trễ giờ học, bố mẹ cũng không bị muộn giờ làm.

Em rất yêu quý con gà trống nhà em, em coi nó là chiếc đồng hồ báo thức của riêng em, giúp em thuận lợi rất nhiều về việc giờ giấc. Em sẽ cho nó ăn thật cẩn thận để nó lớn hơn nữa.

Hình thức: (0,5 điểm)

– Bài viết đủ 3 phần trình bày đúng các phần, chữ viết rõ ràng, cả bài không sai quá 5 lỗi chính tả. (0,5 điểm )

0