Đề bài: Trong truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu, nhân vật Nhĩ, vào những ngày cuối cùng của cuộc đời, sau bao nhiêu trải nghiệm đã rút ra một nhận xét mang tính triết lí: "Con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình".
Trong truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu, nhân vật Nhĩ, vào những ngày cuối cùng của cuộc đời, sau bao nhiêu trải nghiệm đã rút ra một nhận xét mang tính triết lí: "Con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình".
1. Qua nhận xét trên của Nhĩ, Nguyễn Minh Châu muốn nói gì với chúng ta.
2. Hãy nghĩ lại về mình để nhận ra trong cuộc sống, học tập... đã có lần vì những cái điều vòng vèo, hoặc chùng chình mà mình phải ân hận. Kể về một lần như vậy và nêu cảm nghĩ của em sau đó.
BÀI LÀM
Câu 1.
Qua nhận xét của nhân vật Nhĩ: "Con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình", Nguyễn Minh Châu muốn nói với chúng ta rằng: trên đường đời, ta rất dễ sa vào những thứ rất ít ý nghĩa, nếukhông muốn nói là nhạt nhẽo, vô vị. Nhưng chính những thứ ấy sẽ cản đường ta, làm chậm, thậm chí làm lỡ mất việc ta tìm đến những giá trị đích thực của cuộc sống. Dẫn chi tiết: Nhĩ nhờ con trai sang bãi bồi bên kia sông hộ mình, song cậu con anh vì sa vào trò chơi cờ thế nên đã bỏ lỡ.
Câu 2 (Lập dàn ý)
I. Mở bài
- Nhân đọc truyện ngắn Bến quê, thấm thìa nhận xét của nhân vật Nhĩ ngẫm lại thấy cũng đã có lần mình sa vào việc vô bổ đểlỡ mất, hoặc không làm được những việc có ý nghĩa mà mình định làm.
II. Thân bài
1. Việc vô bỗ, hay nói khác đi cái điều vòng vèo hoặc chùng chình mà mình sa vào là gì? Đã sa vào như thế nào? Vì sao mà sa vào? Hậu quả của nó ra sao?
2. Những nỗi ân hận của bản thân khi nhận ra sai lầm của mình.
III. Kết bài
Nhắc nhở mình và mọi người hãy tỉnh táo, hãy cảnh giác với chính mình để không mắc những sai lầm tương tự.
BÀI LÀM THAM KHẢO
I. Mở Bài
Nguyễn Minh Châu – nhà văn có ngòi bút luôn hướng vào đời sống thế sự nhân sinh thường ngày với những chi tiết sinh hoạt đời thường, có khi nhỏ nhặt để phát hiện những chiều sâu của đời sống với bao nhiêu quy luật và nghịch lí. Bên quê – một truyện ngắn của nguyễn Minh Châu, như một sự nhận thức, sự thấu hiểu về cái điều mà tác giả gọi là cuộc đời vốn đa sự, con người thì đa đoan. Nhân vật Nhĩ trong truyện đã chiêm nghiệm được cái quy luật đầy vẻ nghịch lí của đời người: Con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hay chùng chình. Đó là một triết lí giản dị mà sâu sắc, mang tính trải nghiệm, có ý nghĩa tổng kết cuộc đời một con người.
II. Thân Bài
Truyện Bến quê được trần thuật theo cái nhìn và tâm trạng của nhận vật Nhĩ trong một cảnh ngộ hết sức đặc biệt, trớ trêu như một nghịch lí. Nhĩ làm một công việc đã cho anh có điều kiện đi đến hầu khắp mọi nơi trên thế giới “suốt đời Nhĩ từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên Trái Đất”. Ấy thế mà đến cuổi đời, căn bệnh quái ác lại buộc chặt anh vào giường bệnh và hành hạ như thế hàng năm trời. Vào cái buổi sáng hôm ấy, khi Nhĩ muốn nhích người đến bên cửa sổ, thì việc ấy đối với anh khó khăn như phải đi hêt cả một vòng Trái Đất và phải nhờ vào sự giúp đỡ của đám trẻ con hàng xóm. Cũng vào lúc đó Nhĩ phát hiện ra vẻ đẹp lạ lùng của bãi bồi bên kia sông, ngay trước cửa sổ nhà anh. Nhưng anh cũng biết rằng anh sẽ không bao giờ có thể đặt chân lên mảnh đất ấy dù nó ở rất gần anh. Cũng trong những ngày cuối đời, Nhĩ mới thực sự thấu hiểu, biết ơn sâu sắc đối với người vợ tần tảo, giàu tình yêu và đức hi sinh. Ngay lúc này, Nhĩ mang sự ân hận và xót xa của một người nhìn vào hiện tại và quá khứ của mình ở cái thời điểm biết mình sắp phải từ giã cõi đời.
Đó là một nghịch lí của cuộc sống.
Chính vào buổi sáng hôm ấy, khi nhận ra tất cả những cảnh vật rất đỗi bình dị và gần gũi qua ô cửa sổ căn phòng. Đồng thời cùng hiểu rằng mình sắp phải giã biệt cõi đời, ở Nhĩ bừng lên một niềm khao khát vô vọng là được đặt chân một lần lên cái bãi bồi bên kia sông. Điều ước muốn ấy chính là sự thức tỉnh về những giá trị bền vững, bình thường và sâu xa của cuộc sống – những giá trị thường bị người ta bỏ qua, lãng quên, nhất là lúc còn trẻ, khi những ham muốn xa vời đang lôi cuốn con người tìm đến. Sự nhận thức này chỉ đến được với người ta ở cái độ đã từng trải.
Với Nhĩ thì đó là lúc cuối đời, khi phải nằm liệt trên giường bệnh: “Hoạ chăng chỉ có anh đã từng trải, đã từng in gót chân khắp mọi chân trời xa lạ mới nhìn thấy hết sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp cửa một cái bãi bồi sông Hồng ngay bờ bên kia”.
Suy ngẫm về triết lí trong “Bến quê”
Truyện Bến quê của Nguyễn Minh Châu hàm chứa những triết lí sâu sắc về cuộc đời
Không thể nào làm được cái điều mình khao khát, Nhĩ đã nhờ đứa con thay minh sang bên kia sông, đặt chân lên cái bãi phù sa màu mỡ. Nhưng ở đây anh lại gặp một nghịch lí nữa: đứa con không hiểu được ước muốn của người cha nên làm một cách miễn cưỡng và rồi lại bị cuốn hút vào trò chơi hấp dẫn mà nó gặp trên đường đi, để rồi có thể lờ chuyến đò ngang duy nhất trong ngày. Từ sự việc ấy, Nhĩ đã chiêm nghiệm được cái quy luật phổ biến của đời người: con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình, Anh không trách đứa con trai bởi vì “nó đã thấy có gì đáng hấp dẫn ở bên kia sông đâu”. Ở cuối truyện, khi thấy con đò ngang vừa chạm mũi vào bờ đất bên này sông, Nhĩ đã thu hết tàn lực dồn vào một cử chỉ có vẻ kì quặc: “Anh đang cố thu nhặt hết mọi chút sức lực cuối cùng còn sót lại để đu mình nhô người ra ngoài, giơ một cánh tay gầy guộc ra phía ngoài cửa sổ khoát khoát y như đang khẩn thiết ra lệnh cho một người nào đó”. Hành động này có thể hiểu như mong muốn thức tĩnh mọi người về những cái vòng vèo, chùng chình mà chúng ta đang sa vào trên đường đời, để dứt ra khỏi nó, để hướng tới những giá trị đích thực, vốn rất giản dị, gần gũi và bền vững.
Cuộc sống là một chuỗi dài của những nghịch lí, những điều vòng vèo, chùng chình. Triết lí trong truyện Bên quê quả là sâu sắc gợi nhiều suy ngẫm với mỗi người đọc chúng ta. Khi còn bé, ta ước mình lớn thật nhanh để có thế được tự do về giờ giấc, có thể kiếm tiền nuôi bản thân hay phụ giúp gia đình. Nhưng khi bước ra đời, ta lại xiết bao nhớ về cái thời thơ ấu, ta lại muốn được nhỏ lại để sống vô tư, không lo âu toan tính, để được nô đùa bên bè bạn, được che chở trong vòng tay ba mẹ. Ở cái tuổi được bảo bọc và có chỗ dựa, chúng ta luôn muốn mình mạnh mẽ hơn để tự đứng vững. Và rồi vào cái tuổi ta phải mạnh mẽ để đối diện với đời, ta mới thấy cuộc sống có thể xô ngã mình bất cứ lúc nào… Và cái nghịch lí lớn nhất đó là chúng ta sống trong một cuộc sống với rất nhiều nghịch lí nhưng chúng ta vẫn yêu và tha thiết với cuộc sống này.
Ai đó đã nói rằng: “Nếu bạn muốn cảm thấy mình giàu có, hãy tính tất cả những điều bạn đang có mà tiền bạc không thể mua được”. Và một trong những điều đó chính là thời gian. Cho dù bạn là người giàu có nhất trên thế giới này, tiền có thể cho bạn nhiều thứ nhưng tiền không thể giúp bạn mua được thời gian, mua lại được quá khứ. Thế nên ta hãy sống cho một tương lai tốt đẹp, đồng thời không lãng quên quá khứ và biết cách nâng niu hiện tại.
17 tuổi, tôi đang cầm trong tay một hạt giống của mình, đang đứng trên một mảnh đất rộng mênh mông và không biết sẽ gieo hạt giống của mình xuống nơi nào.Trong cuộc sống, bạn luôn phải đứng trước nhiều lựa chọn: lựa chọn cho cách sống, lựa chọn cho tương lai của mình.
III. Kết bài
Cuộc sống vốn dĩ là vậy đó, luôn có những ngã rẽ, những chân trời chờ bạn khám phá. Không phải lựa chọn của bạn lúc nào cũng đúng, không phải con đường nào bạn đi cũng trải đầy hoa. Nhưng, bạn có thể quyết định đời mình bằng cách xem mình muốn gì, làm gì và hãy đừng “chùng chình” khi lựa chọn hạt giống gieo xuống đời mình, để rồi nuôi dưỡng và vun đắp nó.
Tôi tin rằng ánh bình minh vẫn luôn chờ đón hạt giống của bạn nảy mầm.
Nguồn: Những Bài Văn Hay