Trái đất nuôi được bao nhiêu người?
Các nhà sinh học thử tính xem sinh quyển Trái đất có thể duy trì tối đa được bao nhiêu con người? Những dự báo lạc quan cho rằng dù nhân loại có lên tới 10 tỷ vẫn có khả năng tránh được nạn đói. Nhưng với tốc độ phát triển dân số hiện nay, giới hạn này nhanh chóng bị phá vỡ. Theo Pravda , ...
Các nhà sinh học thử tính xem sinh quyển Trái đất có thể duy trì tối đa được bao nhiêu con người? Những dự báo lạc quan cho rằng dù nhân loại có lên tới 10 tỷ vẫn có khả năng tránh được nạn đói. Nhưng với tốc độ phát triển dân số hiện nay, giới hạn này nhanh chóng bị phá vỡ.
Theo Pravda, từ cuối thế kỷ 18, nhà triết học Thomas Malthus trong một công trình nghiên cứu về tương lai của loài người đã cho rằng khó khăn không thể khắc phục nổi của nhân loại là sự tăng dân số, và điều không tránh khỏi là sự phân bố lại dân cư trên khắp hành tinh, sự cạn kiệt mọi nguồn lực và cuối cùng là nạn đói.
Trái đất sẽ đi đến đâu khi tới đỉnh điểm của khả năng bảo vệ sự tồn tại của con người?
Theo tính toán của các nhà khoa học hiện đại khả năng cho phép tối đa của hành tinh là từ 9 đến 10 tỷ người. Nhà xã hội học Edward Wilson dựa vào đánh giá của mình về những nguồn lực hiện có để dự đoán tương lai của nhân loại.
Thứ nhất, lượng nước ngọt đã đến giới hạn của việc sử dụng. Thứ hai, Trái đất không thể sản xuất ra đủ lượng lương thực như 200 năm về trước. Thậm chí nếu toàn bộ lượng ngũ cốc chỉ sử dụng cho con người, bỏ qua nhu cầu của đàn gia súc (vì đó là phương pháp chuyển hóa năng lượng thực vật thành năng lượng động vật với hiệu suất rất thấp) thì cũng không thể đáp ứng được đầy đủ nhu cầu.
Theo Wilson "nếu như tất cả mọi người cùng đồng thuận rằng, không dùng ngũ cốc để nuôi gia súc nữa, thì việc canh tác trên 1,4 tỷ hecta đất trồng trọt cũng không thể nuôi sống được 10 tỷ người”. Thu hoạch trên diện tích đó tối đa là 2 tỷ tấn ngũ cốc mỗi năm. Nếu toàn thế giới đều không ăn thịt, chỉ gặm bánh mì và uống nước lã thì cũng tạm đủ, song nếu với khẩu phần ăn như hiện nay thì lượng ngũ cốc đó chỉ đáp ứng được 1/4 nhu cầu hay nói cách khác chỉ đủ để nuôi sống 2,5 tỷ người (vì phần lớn ngũ cốc phải dùng để chăn nuôi gia súc, gia cầm).
Nhà dân số học Doel Koen, Trường ĐH Columbia (New York) bổ sung thêm một số yếu tố hạn chế khả năng của hành tinh – đó là sự tuần hoàn của nitơ, tốc độ xử lý khí CO2 trong khí quyển, sự bảo đảm đủ lượng photpho… cho cây trồng. Thậm chí khi dân số thế giới theo xu hướng chỉ ăn rau thôi, thì chúng ta nếu không chết đói cũng sẽ chết vì không đủ oxy.
Vì chính loài người đang tác động đến khí quyển nên chưa thể biết một cách chính xác khí nhà kính sẽ tăng bao nhiêu cho dù các nhà khoa học đang tập trung vào tìm kiếm các phương pháp tránh cho Trái đất khỏi biến thành một ngôi nhà kính khổng lồ. Koen lúng túng kết luận: "Nói đúng ra, chẳng ai biết được khi nào và ở mức độ nào dân số loài người sẽ đạt đến giới hạn”.
Thế giới đã vượt ngưỡng 7 tỷ người. Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, năm 2100, dân số thế giới sẽ lên đến 9 tỷ. Nhưng liệu 90 năm sau, loài người có thể đảo ngược được tình thế? Hiện nay, người ta đang chứng kiến một khuynh hướng phát triển mạnh mẽ, đó là quy mô gia đình càng ngày càng thu nhỏ lại. Nhìn vào các số liệu thống kê của 230 nước, bắt đầu từ năm 1950, các nhà nghiên cứu đều đi đến kết luận rằng, tại đa số quốc gia, tỷ lệ sinh liên tục giảm.
Hiện nay, tỷ lệ sinh của mỗi người phụ nữ là trung bình 2,1 con khiến dân số vẫn hơi tăng. Nếu tỷ lệ tăng trưởng dân số trên toàn cầu tương đương với mức tăng của cuối thế kỷ trước, thì sau khi lên tới 9-10 tỷ, nó sẽ trở nên ổn định. Khó có thể nhìn vào tương lai xa hơn, vì không lường trước được động thái phát triển của loài người.