Giải mã những tiếng ầm ì bí ẩn từ lòng đất
Người dân ngôi làng nhỏ Woodland (Durham - Anh) hầu như đêm nào cũng phải nghe thấy những tiếng ầm ì bí ẩn kỳ lạ phát ra từ lòng đất. Những tiếng ầm ì từ lòng đất – còn được biết đến với cái tên “Taos hum” (Tiếng ầm Taos), bắt nguồn từ trường hợp đáng chú ý đầu tiên tại ngôi làng ...
Người dân ngôi làng nhỏ Woodland (Durham - Anh) hầu như đêm nào cũng phải nghe thấy những tiếng ầm ì bí ẩn kỳ lạ phát ra từ lòng đất.
Những tiếng ầm ì từ lòng đất – còn được biết đến với cái tên “Taos hum” (Tiếng ầm Taos), bắt nguồn từ trường hợp đáng chú ý đầu tiên tại ngôi làng Taos của nước Mỹ – thường nghe giống như tiếng của một động cơ diezel chạy không tải, đôi khi còn mạnh như những tiếng nổ làm cho đồ đạc trong nhà phải rung lắc. Hiện tượng bí ẩn trên theo thời gian vẫn thường nảy sinh tại nhiều khu vực khác nhau trên khắp thế giới.
Đã có rất nhiều nghiên cứu và giả thuyết khác nhau giải thích cho hiện tượng này – những thử nghiệm bí mật của chính phủ, hội chứng ảo giác tập thể hay tiếng động nảy sinh từ những quá trình kiến tạo dưới lòng đất v.v… Có điều tất cả những giả thuyết trên hoặc chưa được chứng minh rõ ràng, hoặc không thể lý giải cho mọi trường hợp.
Ngôi làng Taos nhỏ bé tại Mỹ đã trở nên nổi tiếng
toàn thế giới sau khi xuất hiện những tiếng động lạ
Từ hơn hai tháng qua, tất cả 300 người dân ngôi làng Woodland gần như không ngủ yên vì những tiếng ầm lớn phát ra từ lòng đất trong suốt vài tiếng vào ban đêm. Âm thanh giống như tiếng một động cơ ôtô chạy không tải này liên tục phát ra từ nửa đêm cho đến tận 4 giờ sáng. Tiếng động mạnh và khó chịu đến nỗi tất cả đều cảm thấy bất an, không thể ngủ yên giấc.
Trên thực tế, những âm thanh có tần số thấp như vậy là chuyện không phải quá hiếm – chúng được nghe thấy tại nhiều nơi trên thế giới từ Mỹ, Bắc Âu, New Zealand, Anh, Thụy Sĩ v.v… Nhưng trường hợp nổi tiếng được biết nhiều nhất từ trước tới giờ đã xảy ra tại một ngôi làng của người da đỏ có tên Taos (bang New Mexico, Mỹ) từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước. Sau 3 năm liên tục nhận được sự phản ánh của người dân, Quốc hội Mỹ đã nhìn nhận đây là một vấn đề nghiêm trọng, nên đã giao nhiệm vụ cho một phái đoàn chuyên gia tới đây để tìm hiểu. Trước các nhà chức trách, người dân địa phương đã thi nhau phàn nàn về những triệu chứng buồn nôn, chóng mặt, chảy máu cam, đau đầu vì tiếng ầm kỳ lạ. Tuy nhiên, các chuyên gia cuối cùng đã không thể tìm ra nguồn gốc của âm thanh bí ẩn trên.
Woodland là trường hợp tương tự gần nhất mới được ghi nhận. Người dân tại đây còn chia nhau tổ chức canh gác nhằm tìm ra nguồn gốc âm thanh. Khi tất cả mọi nỗ lực tìm hiểu đều bất thành, chính quyền địa phương đã phải báo cáo lên chính phủ để nhờ giúp đỡ. Tiếng ầm trong lòng đất tại Woodland khác với nhiều trường hợp trước đây, đều được tất cả mọi người nghe thấy rất rõ. Trong khi, theo như tờ “Daily Telegraph”, tại khu vực này không có bất cứ một cơ sở công nghiệp, luyện kim hay hầm mỏ nào có thể gây ra những âm thanh tương tự. Theo một số người dân địa phương, tiếng động này được nghe rõ hơn tại một số ngôi nhà, có cảm tưởng như chúng xuyên qua các bức tường từ bên ngoài, nén vào tai.
Ngôi làng nhỏ Woodland (Durham - Anh)
Khoa học cho tới giờ vẫn chưa thể giải thích một cách toàn diện về nguồn gốc của những âm thanh bí ẩn trên. Chuyên gia về âm học David Baguley từ Bệnh viện Addenbrooke (Cambridge) cho rằng, có ít nhất 1/3 trường hợp xảy ra có thể xác định được nguyên nhân tiếng ầm. “Đó có thể là một chiếc tủ lạnh, một chiếc quạt công nghiệp hay một tổ hợp máy công nghiệp nặng nào đó từ nhà máy bên cạnh” – Baguley giải thích. Chẳng hạn như “tiếng ầm Kokomo” tại thị trấn Kokomo (bang Indiana) xuất phát từ một nhà máy tại địa phương của Hãng Chrysler. Năm 2005, sau một thời gian dài nghiên cứu hiện tượng tại Taos, giới khoa học chỉ nhận định đây rất có thể là một trường hợp ảo giác tập thể kỳ lạ tác động lên màng nhĩ, ngoài những cư dân địa phương là người da đỏ, những người khác lại không nghe thấy âm thanh này. Tuy nhiên, nguyên nhân tiếng ồn tại Woodland hiện giờ vẫn còn là một bí ẩn.
Năm 1998, khoa học đã chứng minh được rằng, trái đất luôn phát ra một âm thanh nhỏ tần số thấp mà tai chúng ta không thể nhận biết. Rất có khả năng âm thanh trên đôi khi lại tăng về cường độ khiến con người nhận biết được. Một vài nhà khoa học cho rằng, tiếng ầm trên có liên quan đến những quá trình kiến tạo địa chất, chẳng hạn như các chuyển động kiến tạo hay chuyển động của các dòng magma phía dưới lớp vỏ mỏng của trái đất. Có một giả thuyết được cho là chính xác đối với hiện tượng xảy ra tại khu vực bờ biển phía Thái Bình Dương của Bắc Mỹ.
Năm 2009, người ta xác định được tiếng ầm từ lòng đất tại đây trên thực tế là từ dưới nước, hình thành khi những con sóng khổng lồ va vào đáy biển. Khi hai con sóng với tần số gần nhau có hướng di chuyển ngược va chạm vào nhau, chúng tạo ra một con sóng mang năng lượng của mình ở dưới đáy biển. Khi đó nảy sinh một đợt rung động thường xuyên với tần số gần 10 milihertz. Rung động này ở các tần số siêu thấp và hạ âm (tương ứng từ 0 milihertz đến 3 hertz, và từ 3 đến 20 hertz) có khả năng không chỉ lan truyền dưới nước mà còn tới đất liền.
Tại một vài trường hợp khác, các nhà khoa học đã đổ lỗi thủ phạm cho chương trình nghiên cứu cực quang tần số cao của Mỹ (HAARP), chương trình tương tự “Sura” của Nga, hay hoạt động của các tàu ngầm sát khu vực bờ biển v.v… Nhưng vẫn còn không ít trường hợp, giới chuyên gia hoặc là không thể xác định nổi nguyên nhân, hoặc là chỉ đưa ra những giả thuyết phỏng đoán không thể chứng minh.