Trắc nghiệm khách quan và đổi mới tuyển sinh ĐH
Bước vào kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2001, bộ GD-ĐT đã công bố sẽ thí điểm thi tuyển sinh bằng phương pháp trắc nghiệm khách quan tại một số trường ĐH, trong đó có một số trường của ĐH Quốc gia TPHCM. Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của GS Phạm Phụ–ĐH Kỹ ...
Bước vào kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2001, bộ GD-ĐT đã công bố sẽ thí điểm thi tuyển sinh bằng phương pháp trắc nghiệm khách quan tại một số trường ĐH, trong đó có một số trường của ĐH Quốc gia TPHCM. Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của GS Phạm Phụ–ĐH Kỹ thuật, người có nhiều công trình nghiên cứu về GDĐH.
Có 3 câu hỏi liên quan nhau trong đổi mới tuyển sinh ĐH (TSĐH). Thứ nhất, tuyển sinh theo phương thức nào đảm bảo tốt hơn các mục tiêu, yêu cầu của tuyển sinh?; thứ hai, tổ chức thi tuyển như thế nào?; và thứ ba, liệu có thể gắn kết được thi tốt nghiệp phổ thông (TNPT) với kỳ thi TSĐH?. Cả ba câu hỏi này cần được xem xét trong tổng thể của quá trình đổi mới giáo dục đại học (GDĐH) ở nước ta hiện nay.
Về câu hỏi thứ nhất, có thể cho rằng, thi tuyển cho số đông thường là kiểu thi viết (Writing–Tests) bao gồm kiểm tra và đo lường (Test and Measurements). Có nhiều phương pháp trắc nghiệm viết và chính việc tồn tại đồng thời các phương pháp này cũng đã nói lên là không có một phương pháp nào có thể thích hợp cho mọi mục đích và hoàn cảnh trắc nghiệm.
Hiện nay, nền GDĐH của nước ta đang trong quá trình chuyển từ tính chất “tinh hoa” (Elite) sang tính chất “đại trà” (Mass). Điều này, về mặt TSĐH, biểu hiện qua hai hiện tượng: Số lượng dự thi tuyển hàng năm rất lớn và tỷ lệ sinh viên (SV) trúng tuyển trên học sinh TNPT tương đối cao và sẽ còn tiếp tục tăng cao. Trong mấy năm qua, số lượng dự tuyển thực hàng năm khoảng 1,1–1,2 triệu và số SV trúng tuyển khoảng 150 –160 ngàn (mỗi thí sinh thường dự tuyển vào 2–3 trường ĐH). Tỷ lệ trúng tuyển nói trên, nếu trước đây là 10%-15% thì hiện nay đã khoảng trên dưới 25% (không tính số dự tuyển lại năm sau). Hơn nữa, trong nền GDĐH đại chúng, phần lớn SV sẽ theo học những chương trình nặng về tính chất dạy nghề (Vocational). Do đó, TSĐH ngày nay chưa phải là thi tuyển “nhân tài”. Mặt khác, chỉ tiêu tuyển hằng năm đã được bộ GD-ĐT cũng như các trường ĐH xác định trước. Từ đó có thể cho rằng, mục đích TSĐH ở nước ta là: chọn đúng những thí sinh có năng lực thích hợp hơn vào ĐH để một mặt góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo và mặt khác đảm bảo được sự công bằng về cơ may.
Trong bối cảnh đó, cơ sở lý luận cũng như thực tiễn đã cho thấy, với TSĐH, phương pháp “Trắc nghiệm khách quan” (chọn một câu trả lời đúng trong số những câu trả lời cho trước ở một câu hỏi- Objective Tests –TNKQ) rõ ràng có ưu thế hơn so với phương pháp “Trắcnghiệm tự luận” (dạng thi viết kiểu truyền thống - Essay Tests - TL) đã được áp dụng nhiều năm qua ở nước ta và đã có nhiều kinh nghiệm. Các ưu thế đó có thể tóm tắt như sau:
- Chọn đúng hơn những thí sinh có khả năng thích hợp cho GDĐH (thường được đánh giá qua các hệ số giá trị (Validity Coefficients, ví dụ: Hệ số tương quan giữa kết quả học tập ở ĐH và điểm đánh giá của kỳ thi TSĐH); xem xét được năng lực thí sinh toàn diện hơn (kiến thức, kỹ năng, thái độ) vì đề thi có thể phủ kín một phạm vi rộng, nhiều môn của chương trình phổ thông.
- Đảm bảo được tính khách quan (như chính tên gọi của phương pháp), tạo thêm sự bình đẳng về cơ may do hạn chế được những chủ quan, sai sót, thiên vị và tiêu cực trong ra đề, chấm bài, thủ tục hành chính tuyển chọn; hạn chế được sự may rủi, quay cóp trong quá trình làm bài (nhờ đảo đề thi); tạo thuận lợi cho con em người lao động nghèo không đủ tiền để vào các lò luyện thi kiểu đúng tủ.
- Giảm được chi phí thời gian, tiền bạc của xã hội, áp dụng được công nghệ mới khi ra đề, tổ chức thi tuyển, chấm thi, phân tích kết
quả, v.v...; nhanh chóng và thuận tiện hơn trong quản lý.
Yếu thế của TNKQ là khó đánh giá được khả năng tư duy, sáng tạo và diễn đạt của thí sinh. Về hạn chế này, một mặt thiết nghĩ, có thể chấp nhận được trong tuyển sinh cho một nền GDĐH đại chúng. Mặt khác nếu cần có thể bổ sung bằng một phần câu hỏi có tính tự luận, ở dạng “xử lý phân tích” (Analytical Writing Assessment) - và SV phải tự viết mà không phải ở dạng câu hỏi nhiều lựa chọn (Multi-Choice) như trong TNKQ. Trong TSĐH bằng tự luận lâu nay, sự hạn chế của chất lượng đề thi, sự quá tải trong chấm thi (mỗi thầy, cô có khi phải chấm hàng nhiều ngàn bài trong 2-3 tuần theo barème), trên thực tế cũng không đáp ứng được mấy việc đo đạc các khả năng này.
Chính vì vậy, hiện nay trên thế giới có lẽ không còn mấy nơi TSĐH theo kiểu chủ yếu bằng tự luận. Các nước xung quanh ta như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… cũng đã tuyển sinh chủ yếu bằng TNKQ. Ở nước ta đã có nhiều thí điểm tuyển sinh bằng TNKQ, bắt đầu từ ĐH Đà Lạt năm 1996 và cũng đã có một số kết quả nghiên cứu của GS Lâm Quang Thiệp, của nhóm tác giả Hoàng Dũng, Dương Thiệu Tống, Bạch Thu Hiền… Về tổng thể, các kết quả đều khẳng định những ưu thế nói trên của TNKQ. Nhiều trường ĐH cũng đang hướng đến việc tuyển sinh bằng TNKQ. Có lẽ những thí điểm trong mùa tuyển sinh năm 2001 không còn là việc lựa chọn phương pháp mà là để hoàn thiện hơn những kỹ năng về tổ chức. Rõ ràng, đã đến lúc cần một chủ trương chính thức của bộ GD-ĐT.
Về câu hỏi thứ hai, rõ ràng trong TNKQ, việc ra đề thi chuẩn bị cho ngân hàng câu hỏi là một công việc rất khó, nhất là các câu hỏi nhằm đánh giá tốt các khả năng tổng hợp, phân tích logic và phê phán của thí sinh. (Với thí sinh thì có thể làm quen với cách thi theo TNKQ trong một vài tuần). Nó đòi hỏi người ra đề thi phải có trình độ cao cả về chuyên môn cũng như về kỹ thuật trắc nghiệm, đo lường, đánh giá. Đây cũng là công việc rất tốn kém về công sức, tiền của. Từng trường ĐH không đủ sức để làm tốt việc này. Do vậy, cần tổ chức tuyển sinh bằng TNKQ theo những mạng lưới trường liên kết và từng bước, mạng lưới này có thể bao gồm hầu hết các trường ĐH trong toàn quốc như một số nước đã thực hiện. Điều này còn cho phép mở rộng cơ hội dự tuyển của thí sinh ở nhiều trường hơn trong mạng lưới so với chỉ 2-3 cơ hội như hiện nay, hạn chế được việc thí sinh có năng lực thích hợp hơn lại không có được một chỗ trong trường ĐH. Thí sinh cũng tiết kiệm được chi phí đi lại để dự tuyển ở nhiều trường .
Về tổ chức địa điểm thi tuyển, có lẽ chỉ nên bố trí ở những thành phố trung tâm vùng, không nên bố trí theo đơn vị tỉnh. Việt Nam đã có những kinh nghiệm buồn về việc này.
Về câu hỏi thứ ba, trước hết ta thấy, bản chất thi tốt nghiệp phổ thông là một cuộc “Trắc nghiệm thành quả” có tính quốc gia cũng như ở TSĐH, và về phương thức hiện nay vẫn là tự luận và được bố trí ngay sát trước kỳ thi TSĐH. Kết quả nghiên cứu sơ bộ cũng cho thấy “Độ giá trị” của kỳ thi này có khá hơn nhưng vẫn còn thấp. Tuy nhiên, mục đích của hai kỳ thi là khác nhau: thi tốt nghiệp phổ thông là để chọn những người có khả năng đạt trình độ phổ thông với thủ tục chọn là theo điểm tối thiểu ấn định trước, còn TSĐH là để tuyển những người có khả năng thích hợp hơn với thủ tục chọn là theo số lượng dự tuyển ấn định trước.
Thiết nghĩ, nếu TSĐH thực hiện theo phương thức TNKQ thì thi tốt nghiệp phổ thông càng nên tổ chức theo phương thức này vì ở đây còn cần hơn một chuẩn có tính chất quốc gia và chưa phải tính đến những vấn đề có tính chất sở trường , năng khiếu cũng như chính sách ưu tiên, kể cả ưu tiên vùng, như trong TSĐH. Như vậy, tuy 2 kỳ thi có mục đích khác nhau nhưng tính chất và phương thức lại giống nhau, về lâu dài cần nghiên cứu để kết hợp hai kỳ thi này nhằm tiết kiệm chi phí của xã hội và sức lực của đa số các em học sinh. Có thể gợi ý một phương án kết hợp như sau:
- Tổ chức thi TNPT nhiều môn theo phương thức TNKQ với ngân hàng câu hỏi tiêu chuẩn hoá. Các câu hỏi phải có “độ khó” (Difficulty) thích hợp để đáp ứng yêu cầu đủ trình độ của TNPT, đồng thời phải có “Độ phân biệt” (Discrimination) tốt để thấy rõ sự tương phản kết quả giữa các nhóm trình độ của thí sinh, phục vụ cho việc tuyển người có năng lực thích hợp hơn trong TSĐH sau này.
- Các trường ĐH xác định và thông báo trước số lượng định tuyển, môn học yêu cầu, hệ số điểm, nếu có (có thể cả tổng số điểm tối thiểu cần có) và chính sách vùng cho từng ngành học của trường mình. Theo đó, thí sinh đã đủ điểm TNPT xem xét và nộp đơn vào 4-5 trường thích hợp.
- Các trường ĐH hoặc chỉ căn cứ vào kết quả thi TNPT để xét tuyển, hoặc tổ chức thêm một kỳ thi bổ sung bằng tự luận cho những yêu cầu riêng ở một số ngành học có yêu cầu. Số thí sinh chọn cho kỳ thi tự luận này chỉ nên gấp khoảng 2 lần số định tuyển.
- Để đáp ứng ước vọng dự thi lại vào một số ngành nghề mình mong muốn của một số thí sinh, có lẽ cần có một tổ chức đủ thẩm quyền để tổ chức thi TNKQ lại hằng năm theo một số môn học có yêu cầu để họ có thể cải thiện điểm, góp vào số điểm đã có để nộp đơn vào ĐH trong năm sau (ở Mỹ có 4 kỳ thi tương tự hàng năm).
Có lẽ không có một giải pháp nào trọn vẹn, giảp pháp nêu trên mới chỉ là một gợi ý. Nhưng nếu chấp thuận TSĐH theo hướng trên, cần thực hiện đổi mới dưới dạng một dự án với một lộ trình cụ thể trong khoảng 5 năm và sớm thành lập Uỷ ban “khảo thí” quốc gia. Trước mắt, có thể là các trường ĐH liên kết thành một số mạng để tổ chức kỳ thi TSĐH theo phương thức TNKQ và có một phần tự luận ở một số môn nào đó, nếu cần thiết.