Triết lý giáo dục còn chưa được làm rõ
LTS. Khi hồi tưởng về cuộc cải cách GD của Nhật Bản năm 1982, nguyên Thủ tướng Nhật Bản Iaxuhicô Nacaxônê đã phải thốt lên: Nguyên nhân khiến cuộc cải cách thời ấy mang tính chất nửa vời vì thiếu một chủ thuyết rõ ràng; cụ thể là, không có một chủ ...
LTS. Khi hồi tưởng về cuộc cải cách GD của Nhật Bản năm 1982, nguyên Thủ tướng Nhật Bản Iaxuhicô Nacaxônê đã phải thốt lên: Nguyên nhân khiến cuộc cải cách thời ấy mang tính chất nửa vời vì thiếu một chủ thuyết rõ ràng; cụ thể là, không có một chủ thuyết triết học với những tư tưởng cấu thành. Một chủ thuyết khung không có, thay vào đó là một tập hợp không mang tính hệ thống, gồm những ý tưởng và những kết luận khác nhau. Không thể xây dựng nên tòa Nhà, nếu trước đó không có khung tòa Nhà. Từ câu chuyện của nguyên Thủ tướng Nacaxônê, chúng tôi thử đặt câu hỏi với GS Phạm Phụ, (ĐH Bách Khoa TPHCM), một chuyên gia GD và cũng là ủy viên Hội đồng Quốc gia GD Việt Nam
- Gần đây cụm từ “đổi mới tư duy, đổi mới triết lý” trong GD đã được các nhà giáo và ngay cả Bộ trưởng bộ GD-ĐT đề cập đến trên nhiều diễn đàn cũng như trong báo cáo trước phiên họp Quốc hội tới. Thưa GS, ông suy nghĩ gì về các ý kiến trên?
- Theo tôi, nói như vậy có nghĩa là phải đổi mới cả những vấn đề có tính chất nguyên lý cũng như quan niệm và cách nghĩ truyền thống. Mà thay đổi cách suy nghĩ luôn tốn thời gian và là vấn đề khó khăn nhất, khó khăn cho từng con người cũng như xã hội. Đồng thời, cũng không là câu chuyện “yên ả” cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta vẫn cần nghiên cứu để tiến tới một triết lý GD trên cơ sở kế thừa và phát triển những quan điểm chính thống hiện nay.
- “Đổi mới’ luôn là cụm từ mà tất cả mọi người đều nhắc đến kể từ khi đất nước bước sang một nhịp sống mới. Thế nhưng, trên lĩnh vực GD, đổi mới nội dung gì, đổi mới như thế nào? Hình như chúng ta còn nhiều lúng túng. Nguyên do vì đâu? Theo GS, GD sẽ phải đổi mới tư duy gì? triết lý gì?
- Thiết nghĩ, nói tư duy, triết lý chính là nói đến hệ thống quan điểm quốc gia về GD. Nói riêng trong GDĐH, hệ thống này phải thỏa mãn 3 yêu cầu: Thứ nhất, thể hiện được cơ chế thị trường định hướng XHCN và những định hướng lớn của Đảng-Nhà nước như “quốc sách hàng đầu”, xã hội học tập, xã hội hóa v.v.; đồng thời phải phản ánh được xu thế thời đại. Nhưng cũng đừng quá ảo tưởng về các nguồn lực phát triển GD, bởi ngay cả nước giàu cũng không thể thỏa mãn được các mong muốn của người dân, huống chi lại là nước nghèo như ta. Thứ hai là, có thể làm cơ sở để xây dựng một nền GDĐH đáp ứng được sự nghiệp CNH-HĐH, hội nhập quốc tế và thỏa mãn nhu cầu học tập chính đáng của người dân. Thứ ba, tuy chỉ ở mức “nguyên lý phát triển” nhưng phải cụ thể đến mức có thể sử dụng để xây dựng các chính sách công về GD. Ví dụ, GDĐH còn có sứ mệnh thỏa mãn nhu cầu học tập chính đáng của người dân hay không? Nếu có thì dễ dàng hơn cho việc xây dựng chính sách mở rộng quy mô GDĐH. Hoặc nguyên tắc “chia sẻ chi phí” trong GDĐH giữa Nhà nước , người học và cộng đồng; Có phải ngân sách Nhà nước vẫn giữ vai trò là nguồn lực chính? Một triết lý khả thi cần phải phù hợp với chính sách quốc gia và được sự đồng thuận của đa số dân chúng.
- Hệ thống GD ĐH, trong hình dung của GS sẽ phải được phát triển theo hướng nào?
- Đó là một hệ thống GDĐH đa dạng cả về sứ mệnh, tính chất và cơ cấu trình độ, loại hình sở hữu, nguồn lực, chương trình đào tạo v.v…được tổ chức theo kiểu “phân tầng”, nhằm xây dựng một xã hội học tập, học tập suốt đời; Có nhiều khả năng liên thông để tạo mọi cơ hội đi học cho người dân trong mọi hoàn cảnh, có khả năng, không phân biệt thành giai đoạn đi học và giai đoạn đi làm, người già cũng có thể học nếu có nhu cầu. Và từng bước xây dựng nền GDĐH cho số đông.
- Quyền tự chủ ĐH, sao chưa thấy GS nhắc đến, ông không quan tâm lắm vấn đề này?
- Tôi nghĩ đó là việc làm đương nhiên. Nhưng mở rộng quyền tự chủ ĐH phải đi cùng, có tính “đánh đổi” (trade-off), với việc xây dựng hệ thống trách nhiệm xã hội của các cơ sở đào tạo thông qua việc tham gia vào quá trình ra quyết định của đại diện các nhóm có lợi ích liên quan và quản lý minh bạch. Mục đích của tự chủ là để quản lý một cách có hiệu quả - hiệu suất, chất lượng và có khả năng cạnh tranh trong xu thế toàn cầu hóa .
- Theo chủ trương của Chính phủ, sắp tới ngân sách GD của Nhà nước sẽ tập trung cho khu vực GD phổ thông, càng lên bậc học cao, tỷ lệ trường ngoài công lập sẽ càng tăng đáng kể. Trong bối cảnh đó, theo ông, còn hay không vấn đề công bằng xã hội trong GD ĐH?
- Theo tôi, vấn đề công bằng xã hội trong GDĐH đã tương đối nghiêm trọng. Chẳng hạn, số người có trình độ ĐH trở lên tính trên 100.000 dân của đồng bằng Sông Hồng nhiều gấp 5 lần đồng bằng Sông Cửu Long… Về sự phân bố số SV trên vùng miền, có tỉnh có chưa đến 10 SV / vạn dân, trong khi bình quân cả nước là 120 SV. Ngoài ra, nếu chỉ số phân hóa giàu nghèo ở nước ta vừa qua là khoảng 7 - 8 lần, thì mức độ bất bình đẳng trong GDĐH, theo con số không chính thức là vào khoảng 20 lần. Và tình trạng phân hóa này đang có nguy cơ ngày một nặng nề hơn, nếu Nhà nước không kịp thời có những chính sách xã hội thích hợp.
- Kiến giải của GS trước tình trạng trên?
- Để giảm bất bình đẳng trong GDĐH, một trong những chính sách công quan trọng là thực hiện “phân phối lại”, dựa vào nguyên tắc “công bằng theo chiều dọc”, nghĩa là những “người không bình đẳng” phải được thu phí khác nhau, dù cùng được một mức hưởng lợi. Nói cách khác, đó là cách thu phí “theo khả năng đóng góp”. Và cả chính sách tín dụng SV thích hợp.
- GS là một trong những người đầu tiên trong ngành GD đề cập đến quan điểm: xem dịch vụ GDĐH là một loại hàng hóa đặc biệt và cần phải có sự can thiệp của Nhà nước . Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, cũng có một số ý kiến ngược lại, phê phán quan điểm ‘hàng hóa GD” của ông. Ông thấy mình sai hay đúng?
- Đây là vấn đề quá phức tạp và nhạy cảm. Nhưng tôi là người không tránh né sự thực. Trước hết nói về khái niệm hàng hoá. Trong kinh tế chính trị cũng như trong kinh tế học của cơ chế thị trường, khi một “sản phẩm lao động dùng để thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người và đi vào quá trình tiêu dùng thông qua trao đổi” thì đều được gọi là hàng hóa, chứ đâu phải cứ mua bán mới được gọi là hàng hoá. Ví dụ cổ điển của “hàng hoá công cộng” thuần túy là cây đèn biển, chính phủ cung cấp hoàn toàn miễn phí dịch vụ này (và có muốn thu phí cũng không được), người đi tàu thuyền hưởng lợi không phải trả một chi phí nào và việc người này hưởng thụ không loại trừ sự hưởng thụ của người kia. Ở đây chỉ có trao đổi chứ không mua bán cũng được gọi là hàng hóa.
Có lẽ do gắn hàng hóa với mua bán theo cách hiểu thường ngày nên dẫn đến việc e ngại chữ hàng hóa. Nhưng xin lưu ý, tôi gọi dịch vụ GDĐH là hàng hoá chứ không phải GDĐH là hàng hóa. GDĐH luôn mang tính nhân văn của nó. Có trường hợp, để tránh từ ngữ nhạy cảm này, một số người dùng từ dịch vụ. Nhưng cũng là nội dung đó thôi. Còn thương mại hóa lại là vấn đề khác.
- Hiện nay có ý kiến: không được thương mại hóa GD. Nhưng thực tiễn thì.. “nhan nhản” trên khắp đường phố, với các hoạt động GD nước ngoài tại VN, việc du học của học sinh, các trường ngoài công lập…! Ông lý giải hiện tượng này như thế nào?
- Trước hết tôi xin hạn chế trong phạm vi GDĐH. Cần phân biệt 2 mảng. Mảng thứ nhất là GDĐH trong phạm vi quốc gia và mảng thứ hai là GDĐH xuyên biên giới. Với mảng thứ hai, đây là xuất nhập khẩu hàng hoá dịch vụ GDĐH, là thương mại. Hiện nay có đến trên 30.000 SV Việt Nam đang mua dịch vụ GD ở nước ngoài, mỗi năm chi ngoại tệ khoảng 300 Triệu USD (lớn hơn toàn bộ chi phí hàng năm của các trường ĐH cho hơn 1 triệu SV đang học trong nước!). Cũng đã có chi nhánh ĐH nước ngoài ở Việt Nam. Việt Nam, theo Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, cũng đã cam kết để cho Hoa Kỳ tham gia có lộ trình vào kinh doanh 53 ngành dịch vụ trong số 155 ngành, trong đó có dịch vụ GDĐH. Còn ở mảng thứ nhất, đây là vấn đề còn khá khác nhau giữa các nhóm nước khác nhau và nhiều quan điểm khác nhau ngay trong một nước. Nhưng xin lưu ý, ngay ở nước Mỹ, Quốc hội Mỹ gần đây (2004) cũng đã nói: “Trường ĐH không phải là nơi để kinh doanh”, UNESCO (2003) vẫn khẳng định: GDĐH là “hàng hoá công” (public good) và không được để GDĐH bị chi phối hoàn toàn bởi các quy luật của cơ chế thị trường.
- Còn ở Việt Nam thì sao? Và sắp tới, nền GDĐH của chúng ta sẽ tiếp tục mở rộng các loại hình đào tạo ngoài công lập. Một vấn đề mà các nhà đầu tư GD, giáo chức và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, đó là quyền sở hữu tài sản. Theo GS, nên nhìn nhận quyền sở hữu trong GD như thế nào để “đôi bên cùng có lợi”
- Nói cho cùng thì cơ bản là chính sách “chia sẻ chi phí” giữa Nhà nước , người học và cộng đồng như đã nói ở trên. Tỷ lệ này trên thế giới rất khác nhau, phần ĐH tư thục tính theo tổng chi phí hiện nay là 55,8% ở Phillippine, 56,4% ở Indonesia, 65,7% ở Thailan, 75,8% ở Chilê…, trong khi đó phần học phí trong tổng chi phí ở ĐH chỉ khoảng 5% ở Anh, Ấn độ, 20% (1997) ở Trung Quốc, 18 – 25% ở Hồng Kông, Singapore (chi phí vận hành).
Ở Việt Nam, trong tổng thu hàng năm của các trường ĐH, phần học phí về trung bình đã chiếm đến trên 40%. Nhưng suất đầu tư trong GDĐH một cách tương đối còn quá thấp so với rất nhiều nước trên thế giới. Còn về tương lai, có lẽ phần ngân sách Nhà nước vẫn tiếp tục đóng vai trò chính nhưng chủ yếu dành cho nhóm dân chúng bị “yếu thế”, người nghèo, vùng sâu vùng xa, người dân tộc… và “chi phí” cho chính sách tín dụng đối với đa số SV (Ví dụ: Chính sách tín dụng không có lãi thực và việc trả vốn phụ thuộc vào thu nhập sau khi ra trường - income contingent repayment).
Còn với các loại hình ĐH ngoài công lập, trong điều kiện Việt Nam, nên phát triển chủ yếu là loại trường không vì mục đích cực đại lợi nhuận. Không vì mục đích cực đại lợi nhuận ở đây không có nghĩa là không có lợi nhuận. Người đầu tư bỏ vốn ra thì chẳng những phải “bảo toàn” được vốn mà còn phải có một mức lãi nào đó để trả cho “chi phí sử dụng vốn” và “bù đắp rủi ro” (Risk premium). Nhưng cần có khống chế trên mức lợi nhuận, Ví dụ: tối đa không vượt quá 150% mức lãi suất của ngân hàng Nhà nước. Phần dôi ra và những hỗ trợ đất đai, cơ sở vật chất của Nhà nước sẽ trở thành “tài sản chung không chia” của nhà trường (Endowment). Nếu để “ khoảng mờ” ở đây, sẽ là cơ hội cho một số người lợi dụng. Có ủy viên hội đồng quản trị đã nói: “Chúng tôi không vụ lợi, ở đây không có từ lợi nhuận”, nhưng thực tế họ đã chia lãi cao gấp 3 lần lãi suất ngân hàng! Và về tài chính của loại ĐH này, tôi đã có một ví dụ tính toán bằng số và có thăm dò một số nhà đầu tư có mong muốn đóng góp cho sự nghiệp GDĐH, họ nói rằng họ sẵn sàng đầu tư theo phương thức đó.
Tôi hy vọng Quốc hội sẽ có một nghị quyết nào đó, ví dụ, cần phải chuẩn bị một chương trình và một lộ trình thực bài bản để tiến hành cải cách GD. Việc chuẩn bị thiếu tính chuyên nghiệp và “cải cách vội vã là bóp chết cải cách” (UNESCO).
- Xin cám ơn GS.
MAI LAN thực hiện