Tổng quan về thị trường
Khái niệm thị trường . Theo C.MAC “Hàng hoá là là một vật phẩm có thể thoả mãn được nhu cầu nào đó của con người và nó được sản xuất ra không phải là để cho người sản xuất tiêu dùng mà là để bán”. ...
Khái niệm thị trường .
Theo C.MAC “Hàng hoá là là một vật phẩm có thể thoả mãn được nhu cầu nào đó của con người và nó được sản xuất ra không phải là để cho người sản xuất tiêu dùng mà là để bán”.
Hàng hoá được bán ở thị trường, tuy nhiên không thể coi thị trường chỉ là cái chợ, là cửa hàng, mặc dù đó là nơi mua bán hàng hoá. “Thị trường là biểu hiện của quá trình mà trong đó thể hiện các quyết định của doanh nghiệp về số lượng, chất lượng, mẫu mã của hàng hoá. Đó là những mối quan hệ giữa tổng số cung và tổng số cầu với cơ cấu cung cầu của từng loại hàng hoá cụ thể “. Vậy, thị trường là nơi mà người mua và người bán tự tìm kiếm đến với nhau qua trao đổi, thăm dò, tiếp xúc để nhận lấylời giải đáp mà mỗi bên cần biết.
- Các doanh nghiệp thông qua thị trường để giải quyết các vấn đề:
+ Phải sản xuất loại hàng gì ? Cho ai ?
+ Số lượng bao nhiêu ?
+ Mẫu mã, kiểu cách, chất lượng thế nào?
- Người tiêu dùng thông qua thị trường để tìm hiểu :
+ Ai sẽ đáp ứng được nhu cầu của mình ?
+ Nhu cầu được thoả mãn đến mức nào ?
+ Khả năng thanh toán ra sao ?
Vai trò của thị trường.
Thị trường có vai trò hết sức quan trọng trong sản xuất kinh doanh. Qua thị trường có thể nhận biết được sự phân phối các nguồn lực thông qua hệ thống giá cả. Trên thị trường, giá cả hàng hoá và các nguồn lực về tư liệu sản xuất, sức lao động ...luôn luôn biến động nhằm đảm bảo các nguồn lực có giới hạn này được sử dụng để sản xuất đúng những hàng hoá, dịch vụ mà xã hội có nhu cầu. Thị trường là khách quan từng doanh nghiệp không có khả năng làm thay đổi thị truờng. Nó phải dựa trên cơ sở nhận biết nhu cầu xã hội và thế mạnh kinh doanh của mình mà có phương án kinh doanh phù hợp với đòi hỏi của thị trường.
Tái sản xuất hàng hoá bao gồm cả sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng. Thị trường nằm trong khâu lưu thông, như vậy thị trường là khâu tất yếu của sản xuất hàng hóa. Thị trường chỉ mất đi khi hàng hoá không còn. Thị trường là “chiếc cầu” nối của sản xuất và tiêu dùng. Để sản xuất ra hàng hóa, doanh nghiệp phải chi phí sản xuất, chi phí lưu thông, và thị trường sẽ là nơi kiểm nghiệm các chi phí đó của doanh nghiệp.
Sự vận động của thị trường chịu sự chi phối chủ yếu của các quy luật:
_ Quy luật giá trị: quy định hàng hoá phải được sản xuất và trao đổi trên cơ sở hao phí lao động xã hội cần thiết, tức là chi phí bình quân trong xã hội.
_ Quy luật cung cầu: nêu nên mối quan hệ giữa nhu cầu và khả năng cung ứng trên thị trường. Quy luật này quy định cung và cầu luôn có xu thế chuyển động xích lại gần nhau để tạo ra sự cân bằng trên thị trường.
_ Quy luật giá trị thặng dư: yêu cầu hàng hoá bán ra phải bù đắp chi phí sản xuất và lưu thông đồng thời phải có một khoản lợi nhuận để tái sản xuất sức lao động và sản xuất mở rộng.
_ Quy luật cạnh tranh: quy định hàng hóa sản xuất ra phải ngày càng có chi phí thấp hơn, chất lượng tốt hơn để thu được lợi nhuận cao và có khả năng cạnh tranh với các hàng hóa cùng loại.
Các chức năng của thị trường.
- Chức năng thừa nhận: thị trường là nơi gặp gỡ giữa người sản xuất và người tiêu dùng trong quá trình trao đổi hàng hóa, nhà doanh nghiệp đưa hàng hoá của mình ra thị trường với mong muốn chủ quan là bán được nhiều hàng hoá với giá cả sao cho bù đắp được mọi chi phí đã bỏ ra và có nhiều lợi nhuận. Người tiêu dùng tìm đến thị trường để mua những hàng hóa đúng công dụng, hợp thị hiếu và phù hợp với khả năng thanh toán của mình. Trong qúa trình diễn ra trao đổi, mặc cả trên thị trường giữa đôi bên về một hàng hoá nào đó, sẽ có hai khả năng xẩy ra là thừa nhận hoặc không thừa nhận. Tức là có thể loại hàng hóa đó không phù hợp với khả năng thanh toán hoặc không phù hợp với công dụng và thị hiếu của người tiêu dùng.. trong trường hợp này quá trình tái sản xuất sẽ bị ách tắc không thực hiện được. Ngược lại, trong trường hợp thị trường thực hiện chức năng chấp nhận, tức là đôi bên đã thuận mua vừa bán thì quá trình tái sản xuất được giải quyết.
- Chức năng thực hiện: Thị trường thực hiện các hành vi trao đổi hàng hoá, thực hiện cân bằng cung cầu, thực hiện giá trị thông qua giá cả hàng hoá và làm cơ sở cho việc phân phối các nguồn lực trong doanh nghiệp.
- Chức năng điều tiết : nhu cầu của thị trường là mục đích của quá trình sản xuất. Thị trường là tập hợp các hoạt động của các quy luật kinh tế. Do đó, thị trường vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển doanh nghiệp. Chức năng này thể hiện ở chỗ nó cho phép doanh nghiệp bằng khả năng của mình tìm được nơi tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ với hiệu quả hay lợi nhuận cao, đồng thời cũng cho phép người tiêu dùng mua những hàng hóa có lợi ích tiêu dùng cho mình một cách hợp lý nhất.
- Chức năng thông tin: thể hiện ở chỗ nó chỉ ra cho nhà sản xuất biết nên sản xuất mặt hàng nào, khối lượng bao nhiêu, và nên đưa ra thị trường ở thời điểm nào, chỉ ra cho người tiêu dùng biết nên mua một hàng hoá hay một mặt hàng thay thế nào đó hợp với nhu cầu của họ. Chức năng này hình thành là do trên thị trường có chứa đựng các thông tin về tổng số cung, tổng số cầu, cơ cấu cung cầu, quan hệ cung cầu của từng loại hàng hoá, chi phí sản xuất, giá cả thị trường, chất lượng sản phẩm, các điều kiện tìm kiếm và tập hợp các yếu tố sản xuất và phân phối sản phẩm. Đó là những thông tin cần thiết để người sản xuất và người tiêu dùng ra các quyết định phù hợp với lợi ích của mình.
Việc tách biệt các chức năng ấy chỉ là các ước lệ mang tính chất nghiên cứu, trên thực tế, một hiện tượng kinh tế diễn ra trên thị trường thể hiện đầy đủ và đan xen lẫn nhau của các chức năng trên.
Một trong những bí quyết quan trọng nhất để thành công trong kinh doanh là sự hiểu biết căn kẽ tính chất của thị trường, nên sự cần thiết là phải phân loại thị trường. “Phân loại thị trường có nghĩa là chia một thị trường lớn thành các thị trường nhỏ mà người tiêu dùng ở một thị trường nhỏ có cùng đặc điểm về hành vi mua bán “. Mỗi cách phân loại có một ý nghĩa quan trọng riêng đối với quá trình kinh doanh. Dưới đây là một số cách phân loại chủ yếu:
Căn cứ vào quan hệ mua bán giữa các nước:
_ Thị trường dân tộc: là nơi diễn ra các hoạt động mua bán của những người trong cùng một quốc gia và có quan hệ kinh tế diễn ra trong mua bán chỉ ảnh hưởng đến các vấn đề kinh tế -chính trị -xã hội trong phạm vi nước đó.
_ Thị trường thế giới: là nơi diễn ra hoạt động mua bán giữa các nước với nhau. Quan hệ kinh tế diễn ra trên thị trường thế giới ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế của mỗi nước.
Căn cứ vào hàng hoá lưu thông trên thị trường :
_ Thị trường tư liệu sản xuất :Vai trò của tư liệu sản xuất trong tái sản xuất xã hội quyết định thị trường, hoạt động trên thị trường là các doanh nghiệp lớn, cạnh tranh diễn ra mạnh mẽ, quy mô thị trường lớn. Nhu cầu không phong phú đa dạng như nhu cầu trên thị trên thị trường tiêu dùng. Thị trường tư liệu sản xuất phụ thuộc nhiều vào thị trường tư liệu tiêu dùng.
_ Thị trường tư liệu tiêu dùng: Tính đa dạng, phong phú về nhu cầu của người tiêu dùng cuối cùng quyết định tính phong phú đa dạng của thị trường tư liệu tiêu dùng.
Căn cứ vào vai trò của người mua và người bán trên thị trường :
_ Thị trường người bán: Vai trò quyết định thuộc về người bán, giá cả bị áp đặt, cạnh tranh bị thủ tiêu hoặc không đủ điều kiện để hoạt động, nhiều mặt hàng, loại hàng cung ứng ra thị trường không theo yêu cầu của thị trường, vai trò của người mua bị thủ tiêu. Thị trường người bán được hình thành một mặt do hàng hoá chưa phát triển, mặt khác do sự tác động của hệ thống quản lý hành chính bao cấp.
_ Thị trường người mua: Vai trò quyết định trong quan hệ mua bán thuộc về người mua, vì vậy là yếu tố quyết định của quá trình tái sản xuất hàng hoá. Thị trường người mua là môi trường khách quan cho sự hoạt động của các quy luật kinh tế thị trường.
Căn cứ vào số lượng người mua người bán trên thị trường :
_ Thị trường độc quyền : Có thị trường độc quyền người bán và thị trường độc quyền người mua. Trên thị trường độc quyền giá cả và các quan hệ kinh tế khác bị chi phối rất lớn bởi các nhà độc quyền. Song không vì thế mà cho rằng các quan hệ kinh tế, giá cả tiền tệ ... trên thị trường độc quyền là hoàn toàn chủ quan, bởi vì trên thị trường độc quyền vẫn còn tồn tại cạnh tranh giữa người mua và người bán, vẫn có sự hoạt động của quy luật kinh tế thị trường.
_ Thị trường cạnh tranh: có nhiều người mua, nhiều người bán, thế và lực của họ là có thể tương đương, họ cạnh tranh với nhau và do đó tạo ra thị trường cạnh tranh. Trên thị trường quan hệ kinh tế diễn ra tương đối khách quan và tương đối ổn định.