03/06/2017, 23:36

Tính sử thi và cảm hứng lãng mạn trong truyện ngắn Rùng xà nu của Nguyễn Trung Thành.

Nhận xét về tiểu thuyết Đất nước đứng lên và truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, các nhà nghiên cứu văn học đã thống nhất rằng: có thể coi đây là những bản anh hùng ca mang đậm tính sử thi và cảm hứng lãng mạn về cuộc chiến đấu của nhân dân Tây Nguyên, nói rộng ra là về hai cuộc chiến ...

Nhận xét về tiểu thuyết Đất nước đứng lên và truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, các nhà nghiên cứu văn học đã thống nhất rằng: có thể coi đây là những bản anh hùng ca mang đậm tính sử thi và cảm hứng lãng mạn về cuộc chiến đấu của nhân dân Tây Nguyên, nói rộng ra là về hai cuộc chiến tranh nhân dân kì diệu của dân tộc ta. Tính sử thi và cảm hứng lãng mạn của truyện ngắn Rừng xà nu được biểu hiện trên mọi phương diện từ bối cảnh hện thực khách quan mà tác phẩm phản ánh đến ...

Khái niệm sử thi xuất hiện từ thời cổ đại với những áng sử thi bất hủ của nhân loại như: I-li-át, Ô-đi-xê (Hy Lạp), Ramayana, Marabrahata (Ân Độ). Ở Việt Nam, Tây Nguyên là vùng đất đã được coi là cái nôi của sử thi mà tiêu biểu là Trường ca Đam San. Sử thi ra đời trong thời kì hình thành các bộ tộc và các bộ tộc phải đấu tranh để tồn tại và phát triển. Do đó, tính cộng đồng là đặc điểm nổi bật của sử thi. Người anh hùng trong các bộ sử thi thường mang sức mạnh và khát vọng của cả cộng đồng.
 
Khuynh hướng sử thi hiện đại không phải là một khái niệm thể loại mà là đặc điểm của văn học sáng tác trên nền tảng của ý thức cộng đồng xuất hiện vào thời kì đất nước có chiến tranh chống ngoại xâm. Người anh hùng vừa mang tầm vóc, khát vọng của cả dân tộc vừa mang tư tưởng lớn của thời đại.
 
Cảm hứng lãng mạn là cảm hứng gắn liền với tính sử thi. Chủ nghĩa lãng mạn xuất hiện ở phương Tây và tràn sang Việt Nam vào đầu thế kỉ XX. Cảm hứng lãng mạn trong văn học sau Cách mạng tháng Tám là cảm hứng lãng mạn cách mạng. Cảm hứng lãng mạn nâng suy nghĩ, tình cảm, tâm hồn con người vượt lên trên hiện thực khốc liệt bằng niềm tin, lòng lạc quan phơi phới. Vẻ đẹp của lí tưởng và vẻ đẹp của những điều cao cả, vĩ đại, lớn lao được ca ngợi bằng bầu nhiệt huyết mê say. Cảm xúc là một yếu tố không thể thiếu trong bút pháp lãng mạn. Bên cạnh đó, lối kết cấu trùng điệp, tính tương phản. cũng được khai thác triệt để.
 
Văn học có thể nói đến những mất mát hi sinh nhưng tính sử thi và cảm hứng lãng mạn đã nâng đỡ tạo nên chất bi tráng lẫm liệt.
 
Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành là một truyện ngắn mang đậm tính sử thi và cảm hứng lãng mạn bởi trước hết tác phẩm đề cập đến vấn đề liên quan tới vận mệnh cả cộng đồng, cả dân tộc. Tác phẩm ra đời trong thời kì khó khăn của cách mạng song với tất cả những gì mà tác giả thể hiện, ta hoàn toàn có thể tin vào thắng lợi tất yếu của dân tộc.
 
Rừng xà nu là câu chuyện về đời tư của một người (Tnú) được kể trong một đêm, cái đêm “cũng dài như đời một con người”. Nhưng ý nghĩa khái quát của Rừng xà nu lại không chỉ là chuyện của một đời người, nó là chuyện của một thời, một nước. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, đất nước chia làm hai miền. Kẻ thù phá hoại hiệp dịnh, khủng bố, thảm sát, lê máy chém đi khắp miền Nam. Cách mạng rơi vào thời kì đen tối. Xét về vật chất, đây là một cuộc chiến không cân sức.
 
Khát vọng thống nhất đặt ra nhiều câu hỏi mà câu trả lời phải bằng thực tế, bằng máu của các thế hệ. Rừng xà nu được Nguyễn Trung Thành viết ra để khẳng định chân lí: phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực cách mạng. “Chúng nó cầm súng, mình phải cầm giáo”. Đó là lời cụ Mết nhưng đó là một cụ Mết “trông kì ảo như một anh hùng trong các bài hát dài hát suốt đêm”. Đó là lời của cội nguồn, là phán quyết thiêng của lịch sử. Đó cũng chính là chủ đề, là cảm hứng chủ đạo của tác phẩm. Chủ đề và cảm hứng chủ đạo này mang đậm tính sử thi và cảm hứng lãng mạn, nó chi phối từ nội dung đến bút pháp, từ kết cấu đến hệ thống hình tượng, nhân vật, ngôn ngữ và giọng điệu.
 
Chủ đề chính trị tạo nên hai mảng sáng - tối trong kết cấu thiên truyện. Rừng xà nu là sự lồng quyện hai cuộc đời: cuộc đời Tnú và cuộc đời làng Xô Man. Hai cuộc đời ấy đều đi từ bóng tối đau thương ra ánh sáng của chiến đấu và chiến thắng đi từ hai bàn tay không đến hai bàn tay cầm vũ khí đứng lên dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực cách mạng.
 
Cốt truyện Rừng xà nu căng ra trong xung đột quyết liệt một mất một còn giữa một bên là nhân dân, một bên là kẻ thù Mĩ - Diệm. Xung đột ấy đi theo tình thế đảo ngược mà thời điểm đánh dấu là lúc ngọn lửa của lòng căm thù ngùn ngụt cháy trên 10 đầu ngón tay Tnú.
 
Âm hưởng sử thi và cảm hứng lãng mạn chi phối hệ thống hình tượng, từ cách chọn đến cách xây dựng hình tượng. Hình tượng nổi bật, xuyên suốt tác phẩm là hình tượng cây xà nu, rừng xà nu. Đó là một hình tượng đau thương mà bất khuất, một hình tượng thiên nhiên được đặt trong thử thách của lửa đạn chiến tranh và là biểu tượng cho con người, cho cộng đồng. Câu văn mở đầu tác phẩm: “Làng ở trong tầm đại bác” đã mở ra một không khí căng thẳng của một cuộc đụng đầu lịch sử đầy quyết liệt. Câu mở đầu gợi ra sự tàn sát, sự đau thương của “làng”. Rừng xà nu cũng được đặt trong không khí căng thẳng ấy: “đạn rơi cả vào cánh rừng xà nu cạnh con nước lớn”.
 
Rừng xà nu cũng là đối tượng của sự hủy diệt nên hình tượng thiên nhiên này cũng được nâng lên với tầm vóc sử thi hùng tráng. Rừng sát cánh với làng, cây cùng với con người hiên ngang trong cuộc đụng đầu lịch sử vừa khốc liệt vừa bất khuất.
Xà nu là hình tượng bao trùm, là mạch sống, mạch hồn của tác phẩm. Dáng nét xà nu kiêu dũng, mầm sống căng ngọt, nồng nàn. “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không cây nào là không bị thương, chỗ vết thương, nhựa ứa ra tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt”, “một cây ngã, bốn năm cây con mọc lên, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”. Rừng xà nu bộc lộ một sức sống mãnh liệt, một vẻ đẹp hùng tráng, man dại đậm tố chất núi rừng đại ngàn Tây Nguyên. Không một thứ bom đạn nào có thể tàn phá, hủy diệt rừng cây căng đầy sức sống và kiêu dũng bất khuất đó.
 
Xà nu là một phần không thể thiếu được trong đời sống dân làng Xô Man. Ngọn lửa xà nu cháy trong mỗi bếp nhà, cháy trong đống lửa lớn của nhà ưng. Xà nu tham dự vào các sự kiện trọng đại của làng. Lửa xà nu cháy rần rật trong đêm mưa gió, soi cho dân làng vào rừng lấy giáo mác. Ngọn lửa trên 10 đầu ngón tay Tnú châm dậy ngọn lửa căm hận của dân làng Xô Man. Lửa xà nu trong đêm đồng khởi ào ào rung động. Trong sức mạnh quật cường và bất khuất, cây và người luôn chiếu ứng, tỏa sáng, làm đẹp lẫn nhau. Cây ham ánh sáng cũng như con người yêu chuộng tự do. Các thế hệ cây cũng như các thế hệ dân làng Xô Man trước bao đau thương không bao giờ gục ngã. Hình tượng xà nu chính là một ẩn dụ, biểu tượng cho vẻ đẹp của con người trong chiến tranh khốc liệt, biểu tượng cho lòng tự hào, kiêu hãnh và biểu tượng cho sự trường tồn, bất diệt. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn đã dùng hình tượng này để mở đầu và kết thúc tác phẩm: “Đứng trên đồi xà nu trông ra xa, đến hết tầm mát, cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu tiếp tới chân trời”. Hình tượng xà nu là một thành công của sự sáng tạo nghệ thuật. Nhà văn đã sử dụng biện pháp nhân hóa như một biện pháp tu từ chủ đạo để đặc tả hình tượng, vận dụng bút pháp lãng mạn để tô đậm ý nghĩa biểu tượng, lối tương phản để tạo cho hình tượng tính bi tráng lẫm liệt. Rừng xà nu đã rời số phận của tự nhiên để sống với số phận cộng đồng, số phận dân tộc.
 
Âm hưởng sử thi chi phối việc xây dựng hệ thống nhân vật. Hệ thống nhân vật chia làm hai tuyến thiện - ác tương phản gay gắt bộc lộ những xung đột quyết liệt.
 
Về phía địch, tiêu biểu là thằng Dục, bên cạnh nó và đằng sau nó là cả một lũ ác ôn tay sai. Nhà văn đã tô đậm cái ác, cái tàn bạo (nhất là đoạn chúng tra tấn mẹ con Mai) để khẳng định tính tất yếu của sự nổi dậy cầm vũ khí của dân làng Xô Man.
Về phía ta, tác giả xây dựng một hệ thống nhân vật gồm nhiều thế hệ. Các thế hệ đều bị hút về vấn đề vận mệnh dân tộc để rồi từ đó mỗi nhân vật đều bộc lộ phẩm chất anh hùng.
 
Cụ Mết “quắc thước như một cây xà nu lớn” là hiện thân cho truyền thống thiêng liêng, biểu tượng cho sức mạnh tập hợp để nổi dậy đồng khởi. Cụ là truyền thống hào hùng của cộng đồng. Trong lồng ngực “căng như một cây xà nu lớn”, trong giọng nói “ồ ồ vang dội” là tiếng của cội nguồn, của rừng núi, của lịch sử. Lời cụ là lời sấm truyền sử thi. Mỗi lời nói của cụ Mết đều như một lời phán quyết của lịch sử trong đó vừa có sức âm vang của truyền thống vừa có sức mạnh hào hùng của thời đại.
 
Dít mang vẻ đẹp vững chãi và đầy bản lĩnh, vẻ đẹp của sự bất khuất. Chỉ vài nét tuổi thơ của Dít cũng đủ để ta thấy cả một nghị lực phi thường. Tấm thân mảnh dẻ bên cạnh bầy giặc dữ và những tiếng nổ liên tiếp chát chúa của những viên đạn sượt qua tóc, dưới chân... tưởng có thể gục ngã trong phút chốc. Nhưng không, Dít không khóc. Đôi mắt bình thản vẫn nhìn thẳng vào kẻ thù như thách thức. Dít đã lớn rất nhanh trong bản lĩnh, trong nhận thức. Dường như cuộc chiến khốc liệt này đòi hỏi mỗi người phải có sức trỗi dậy của Phù Đổng Thiên Vương. Dít là hiện thân của những gì cao đẹp. Trong Dít có Mai của thời trước và có Dít của hôm nay. Vẻ đẹp của Dít là vẻ đẹp của sự kiên định, vững vàng trong bão táp chiến tranh.

Tiêu biểu sống động nhất cho phẩm chất anh hùng của dân làng Xô Man là Tnú. Cuộc đời Tnú gắn liền với cuộc đời làng Xô Man. Âm hưởng sử thi chi phối tác giả trong khi xây dựng nhân vật này. Tnú có cuộc đời tư nhưng không được quan sát từ cái nhìn đời tư. Tác giả xuất phát từ vấn đề cộng đồng để phản ánh đời tư của Tnú. Ngay từ khi còn rất nhỏ, Tnú đã bộc lộ tính cách của một anh hùng: gan góc, táo bạo và đầy quả cảm. Mặc cho địch khủng bố dã man, chặt đầu những người đi nuôi cán bộ để thị uy, đe dọa, Tnú và Mai vẫn đi đầu trong công việc nguy hiểm này. Có những lần đi liên lạc (đưa thư) bị giặc bắt, Tnú không khai lại còn yêu cầu giặc cởi trói để rảnh tay chỉ vào bụng mình tuyên bố: “Cộng sản ở đây này” và chấp nhận sự tra tấn của kẻ thù.
 
Ở Tnú, tình cảm yêu thương và lòng căm thù đều rất rạch ròi và trong sáng, được bộc lộ một cách trung thực, không có sự giằng xé nội tâm, tư tưởng. Khi học chữ, thua Mai, Tnú tự trừng phạt mình, “cầm đá đập vào đầu khiến máu chảy ròng ròng”. Cụ Mết đã nói về Tnú: “Đời anh khổ nhưng bụng anh sạch như nước suối làng”. Tnú yêu con người, yêu mảnh đất quê hương và căm thù cái ác, sự tàn bạo. Mối tình của Tnú và Mai là một mối tình đẹp. Hạnh phúc của họ cũng đẹp như trăng rằm trên đỉnh Ngọc Linh. Nhưng kẻ thù tàn bạo đã cướp đi hạnh phúc của họ, đã tra tấn đến chết vợ con Tnú. Tnú phải chứng kiến tất cả cảnh mẹ con Mai bị tra tấn dã man.
 
Đoạn văn diễn tả sự bất lực và lòng căm thù của Tnú trước cái chết của vợ con là một đoạn văn gây ấn tượng mạnh và tràn đầy cảm xúc.
 
Số phận của người anh hùng gắn liền với số phận cộng đồng. Chân lí cách mạng là chân lí đi ra từ máu và nước mắt của mỗi con người mà cuộc đời Tnú là bằng chứng sống cho quy luật nghiệt ngã ấy. Từ cuộc đời Tnú và cuộc đời làng Xô Man, một điều tất yếu phải đến: “Chúng nó cầm súng, ta phải cầm giáo”. Kết luận như dao chém đá của cụ Mết mở ra một trang mới cho làng Xô Man và cuộc đời Tnú. Đó là sự nổi dậy đồng khởi làm rung chuyển núi rừng. Câu chuyện về cuộc đời một con người trở thành câu chuyện một thời, một nước.
 
Hình ảnh đôi bàn tay Tnú là một hình ảnh nghệ thuật giàu ý nghĩa và có sức ám ảnh. Bàn tay ấy cũng có một lịch sử, một cuộc đời. Đó là bàn tay trung thực tình nghĩa khi còn lành lặn, bàn tay cầm phấn viết những chữ cái đầu tiên, bàn tay cầm đá đập vào đầu tự trừng phạt vì tội học dốt, bàn tay tự đặt vào bụng tuyên bố với giặc: cộng sản ở đây... Đó là đôi bàn tay khi lớn lên đã hồi hộp cầm tay Mai lúc họ gặp nhau trong lần Tnú vượt ngục trở về. Bàn tay Tnú là bàn tay của người lao động, bàn tay nâng niu chiều chuộng vợ con... Nhưng cũng đôi bàn tay ấy khi chưa cầm vũ khí đã bị tra tấn một cách dã man. Mười đầu ngón tay Tnú bị quấn giẻ và tẩm nhựa xà nu đốt cháy. Những ngón tay Tnú trở thành những ngọn đuốc đốt lên ngọn lửa căm thù, ngọn lửa chiến đấu của dân làng Xô Man. Mười ngón tay Tnú, ngón nào cũng bị cụt một đốt trở thành chứng tích của tội ác mà kẻ thù đã gây ra trên mảnh đất này. Song cũng chính từ đôi bàn tay ấy, Tnú đã cầm súng bóp cò tiêu diệt kẻ thù, bóp chết thằng Dục, trả nợ máu cho vợ con và cho đồng bào mình.

Như vậy, câu chuyện về cuộc đời Tnú đã mang ý nghĩa cuộc đời một dân tộc. Nhân vật sử thi của Nguyễn Trung Thành gánh trên vai sứ mệnh lịch sử to lớn.

Tác phẩm chịu sự chi phối chặt chẽ của âm hưởng sử thi. Nguyễn Trung Thành đã chọn được một giọng điệu đắc địa: giọng kể của già làng - cụ Mết. Tác giả đặt lời kể trong một không gian đặc biệt: ngoài ra, rừng đại ngàn im ắng, trong nhà ưng, dân làng im lặng lắng nghe lời cụ Mết vang, trầm, trang nghiêm cất lên giữa đại ngàn Tây Nguyên như lời phán truyền của lịch sử. Âm hưởng của lời cụ Mết phảng phất lối kể “khan” Tây Nguyên. Sử dụng hình thức kể “khan” làm nghệ thuật kể chuyện, nhà văn đã tạo được bầu không khí bàng bạc bao phủ trang văn của mình làm nổi bật hình tượng người anh hùng kết tinh sức mạnh cộng đồng và truyền thống lịch sử dân tộc.
 
Bổ sung cho giọng điệu sử thi là độ căng sử thi. Toàn bộ không khí lịch sử một giai đoạn đầy đau thương, bi tráng được tác giả “ép” trong một thời gian ngắn. “Chỉ trong một đêm Tnú trở về sống với buôn làng mà mở ra cả một quãng đường dài của cách mạng, của nhân dân, đất nước từ đau thương đến đồng khởi vĩ đại” (Phong Lê). Đó là độ hàm súc đặc biệt tạo nên sức chứa lớn của một thiên truyện ngắn mang âm hưởng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
 
Rừng xà nu được khai sinh trên mảnh đất của những thiên anh hùng ca nổi tiếng như Đam San, Xinh Nhã. lại ra đời trong bối cảnh của một cuộc đụng độ quyết liệt giữa dân tộc ta với đế quốc Mĩ nên như một lẽ tự nhiên, tác phẩm mang đậm tính sử thi và cảm hứng lãng mạn. Điều đó đã làm cho Rừng xà nu có một giá trị thẩm mĩ riêng và cùng với những bản anh hùng ca bất hủ của dân tộc Tây Nguyên, Rừng xà nu có sức âm vang tới hôm nay và mai sau.

van vinh thang

0 chủ đề

23876 bài viết

0