24/05/2018, 22:28

Tính giá nguyên vật liệu- NVL

Tính giá nguyên vật liệu là một công tác quan trọng trong việc tổ chức hạch toán nguyên vật liệu. Tính giá nguyên vật liệu là dùng tiền để biểu hiện giá trị của chúng. Trong công tác hạch toán nguyên vật liệu ở các doanh nghiệp sản xuất, ...

Tính giá nguyên vật liệu là một công tác quan trọng trong việc tổ chức hạch toán nguyên vật liệu. Tính giá nguyên vật liệu là dùng tiền để biểu hiện giá trị của chúng. Trong công tác hạch toán nguyên vật liệu ở các doanh nghiệp sản xuất, nguyên vật liệu được tính theo giá thực tế.

Giá thực tế của nguyên vật liệu là loại giá được hình thành trên cơ sở các chứng từ hợp lệ chứng minh các khoản chi hợp pháp của doanh nghiệp để tạo ra nguyên vật liệu.

Các doanh nghiệp tính thuế Giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp thì giá thực tế bao gồm cả thuế giá trị gia tăng. Các doanh nghiệp tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì giá thực tế không bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Tính giá nguyên vật liệu nhập trong kỳ:

Giá thực tế của VL nhập kho được xác định tuỳ thuộc vào từng nguồn nhập:

- Vật liệu mua ngoài: Giá thực tế gồm giá mua ghi trên hoá đơn của người bán, các khoản thuế(nếu có), chi phí thu mua vận chuyển, lưu kho, lưu bãi.... trừ đi các khoản giảm trừ như: giảm giá, chiết khấu(nếu được người bán chấp nhận).

- Vật liệu chế biến xong nhập kho: Giá thực tế bao gồm chi phí tự chế biến, chi phí thuê ngoài gia công chế biến( nếu thuê ngoài gia công).

- Đối với NVL nhận góp vốn liên doanh: Giá thực tế là giá trị NVL được các bên tham gia góp vốn thoả thuận cộng (+) các chi phí tiếp nhận (nếu có).

- Nguyên vật liệu được tặng thưởng: Giá thực tế tính theo giá thị trường tương đương cộng (+) các chi phí liên quan đến việc tiếp nhận.

- Phế liệu thu hồi từ quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: Giá thực tế được tính theo đánh giá thực tế hoặc giá thị trường.

Tính giá nguyên vật liệu xuất trong kì.

Việc lựa chọn phương pháp tính giá thực tế nguyên vật liệu tuỳ thuộc vào đặc điểm của từng doanh nghiệp và trình độ của kế toán trong doanh nghiệp.

Các phương pháp tính giá thực tế NVL xuất kho thường dùng là:

Phương pháp tính giá thực tế bình quân:

Giá thực tế của NVL xuất kho = Giá bình quân 1 đơn vị NVL x Lượng NL xuất kho

Trong đó:

- Phương pháp bình quân cả kỳ dự trữ:

Giá bình quân 1 đơn vị NVL =
Giá trịn NVL tồn đầu kỳ+ giá trị NVL nhập trong kỳ
Số lượng NVL(tồn đầu kỳ+ số lượng nhập trong kỳ)

Phương pháp này thích hợp với các doanh nghiệp có ít danh điểm nguyên vật liệu nhưng số lần nhập, xuất của mỗi danh điểm nhiều:

Ưu điểm: Giảm nhẹ việc hạch toán chi tiết nguyên vật liệu

Nhược điểm: công việc tính giá NVL vào cuối kỳ hạch toán nên ảnh hưởng đế tiến độ của các khâu kế toán; đồng thời phải tính cho từng loại NVL.

- Phương pháp giá thực tế bình quân sau mỗi lần nhập:

Theo phương pháp này, kế toán phải xác định giá bình quân của từng danh điểm nguyên vật liệu sau mỗi lần nhập:

Giá đơn vị bình quân sau mỗi lần nhập =
Giá trị thực tế NVL (tồn trước khi nhập+ nhập vào lần này
Lượng thực tế VL(tồn trước khi nhập+ nhập vào lần này)

Phương pháp này thích hợp với các doanh nghiệp có ít danh điểm nguyên vật liệu và số lần nhập nguyên vật liệu mỗi loại ít.

Ưu điểm: Theo dõi thường xuyên, kịp thời, chính xác.

Nhược điểm: Khối lượng công việc tính toán nhiều.

- Phương pháp giá thực tế bình quân cuối kỳ trước:

Giá đơn vị bình quân cuối kỳ trước =
Giá thực tế VL tồn đầu kỳ(hoặc cuối kỳ trước)
Lượng VL tồn đầu kỳ ( hoặc cuối kỳ trước)

- Phương pháp này có:

Ưu điểm: Đơn giản, giảm nhẹ khối lượng tính toán.

Nhược: Không chính xác nếu giá cả NVL trên thị trường có sự biến động.

Phương pháp này chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp có danh điểm nguyên vật liệu có giá thị trường ổn định.

Phương pháp nhập trước - xuất trước (FIFO)

Theo phương pháp này NVL được tính giá thực tế xuất kho trên cơ sở giả định là lô NVL nào nhập trước sẽ được xuất trước. Vì vậy, lượng NVL xuất kho thuộc lần nhập nào thì tính theo giá thực tế của lần nhập đó.

Ưu điểm: kế toán có thể tính giá nguyên vật liệu xuất kho kịp thời

Nhược điểm: Hạch toán chi tiết theo từng loại, từng kho mất thời gian công sức, chi phí kinh doanh không phản ánh kịp thời theo giá thị trường NVL.

Phương pháp này chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ, chủng loại NVL ít, số lượng nhập, xuất NVL ít, giá cả thị trường ổn định...

Phương pháp nhập sau - xuất trước (LIFO)

Theo phương pháp này, NVL được tính giá thực tế xuất kho giả định là lô NVL nào nhập vào kho sau sẽ được dùng trước. Vì vậy, việc tính giá xuất của NVL được làm ngược lại với phương pháp nhập sau - xuất trước.

Ưu điểm: Tính giá NVL xuất kho kịp thời, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp được phản ảnh kịp thời theo giá thị trường của ngân hàng.

Nhược điểm: Phải hạch toán theo chi tiết từng nguyên vật liệu, tốn công.

Phương pháp trực tiếp (gọi là phương pháp giá thực tế đích danh hay phương pháp đặc điểm riêng)

NVL được xác định theo đơn chiếc hay từng lô và giữ nguyên từ lúc nhập vào cho đến lúc xuất dùng (trừ trường hợp điều chỉnh). Vì vậy, khi xuất nguyên vật liệu ở lô nào thì tính giá thực tế nhập kho đích danh của lô đó.

Phương pháp này thích hợp với các doanh nghiệp có điều kiện bảo quản riêng từng lô nguyên vật liệu nhập kho với các loại NVL có giá trị cao, phải xây dựng hệ thống kho tàng cho phép bảo quản riêng từng lô NVL nhập kho.

Ưu điểm: công tác tính giá được thực hiện kịp thời, thông qua đó kho kế toán có thể theo dõi được thời gian bảo quản riêng từng loại NVL.

Nhược điểm: chi phí lớn cho việc xây dựng kho tàng để bảo quản NVL.

Phương pháp trị giá hàng tồn cuối kỳ

Áp dụng đối với những doanh nghiệp có nhiều chủng loại NVL mẫu mã khác nhau nhưng không có điều kiện kiểm kê từng nghiệp vụ xuất kho. Vì vậy, doanh nghiệp phải tính giá cho số lượng NVL tồn kho cuối kỳ trước, sau đó mới xác định được NVL xuất kho trong kỳ:

Giá thực tế NVL tồn cuối kỳ = Số lượng tồn cuối kỳ x Đơn giá NVL nhập kho lần cuối
Giá thực tế NVL xuất kho = Giá thực tế NVL nhập kho + Giá trị thực tế tồn đầu kỳ - Giá trị thực tế tồn cuối kỳ

Doanh nghiệp nên áp dụng đối với những NVL có giá thị trường ổn định.

Phương pháp hệ số giá

Áp dụng đối với doanh nghiệp có nhiều chủng loại NVL, giá cả thường xuyên biến động, nghiệp vụ nhập- xuất NVL diễn ra thường xuyên thì việc hạch toán theo giá thực tế trở nên phức tạp tốn nhiều công sức và nhiều khi không thực hiện được. Do đó, việc hạch toán hàng ngày nên sử dụng giá hạch toán.

Giá hạch toán là loại giá ổn định có thể sử dụng trong thời gian dài để hạch toán nhập- xuất- tồn kho NVL trong khi tính được giá thực tế của nó.

Giá hạch toán có thể là giá kế hoạch, giá mua vật liệu ở thời điểm nào đó hoặc giá bình quân tháng trước.

Việc tính giá thực tế xuất trong kỳ dựa trên cơ sở hệ số chênh lệch giữa giá thực tế và giá hạch toán.

Hệ số giá VL =
Giá thực tế VL tồn đầu kỳ+Giá thực tế VL nhập trong kỳ
Giá hạch toán VL tồn đầu kỳ+Giá hạch toán VL nhập trong kỳ

Do đó, giá thực tế:

VL xuất trong kỳ (hoặc tồn cuối kỳ) = Giá hạch toán VL xuất trung kỳ (tồn cuối kỳ) x Hệ số giá VL

Phương pháp này cho phép kết hợp chặt chẽ giữa hạch toán chi tiết và tổng hợp NVL trong công tác tính giá nên công việc tính giá được tiến hành nhanh chóng không bị phụ thuộc vào chủng loại, số lần nhập- xuất NVL; Vì vậy khối lượng công việc ít, hạch toán chi tiết đơn giản hơn.

Tuy nhiên, khối lượng công việc dồn vào cuối kỳ.

Phương pháp này có thể tính cho từng loại, từng nhóm, từng thứ nguyên vật liệu chủ yếu tùy thuộc vào yêu cầu và trình độ quản lý.

Trên đây là một số phương pháp tính giá xuất NVL trong kỳ. Từng phương pháp có ưu, nhược điểm và điều kiện áp dụng riêng. Vì vậy, tuỳ vào quy mô, đặc điểm doanh nghiệp và trình độ quản lý của kế toán mà sử dụng phương pháp tính toán thích hợp.

0