31/05/2017, 12:48

Tính chủ quan, chất trữ tình rất đậm, nhân vật chính là cái tôi của nhà văn ... Cho nên sự hấp dẫn của tuỳ bút chủ yếu là sự hấp dẫn của cái tôi ấy

Về thể tuỳ bút, SGK Ngữ văn 12 Nâng cao, tập một, trang 159 cho rằng đây là thể loại có "tính chủ quan, chất trữ tình rất đậm, nhân vật chính là cái tôi của nhà văn [...] Cho nên sự hấp dẫn của tuỳ bút chủ yếu là sự hấp dẫn của cái tôi ấy". Hãy làm sáng tỏ ý kiến trên bằng việc phân tích "cái tôi" ...

Về thể tuỳ bút, SGK Ngữ văn 12 Nâng cao, tập một, trang 159 cho rằng đây là thể loại có "tính chủ quan, chất trữ tình rất đậm, nhân vật chính là cái tôi của nhà văn [...] Cho nên sự hấp dẫn của tuỳ bút chủ yếu là sự hấp dẫn của cái tôi ấy". Hãy làm sáng tỏ ý kiến trên bằng việc phân tích "cái tôi" của Nguyễn Tuân trong đoạn trích Người lái đò Sông Đà.

1.   Mở bài

-     Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân, in trong tập Sông Đà, là thiên tuỳ bút tiêu biểu của Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.

-     Sức hấp dẫn của bài tuỳ bút này chính là ở "tính chủ quan, tính trữ tình rất đậm, nhân vật chính là cái tôi của nhà văn".

2.   Thân bài

Là nhà văn có.phong cách nghệ thuật đặc sắc, văn chương Nguyễn Tuân hấp dẫn người đọc bởi "cái tôi" độc đáo, sự tài hoa, uyên bác, giác quan sắc nhọn, tinh tế, nghệ thuật sử dụng ngôn từ điêu luyện, giàu hình ảnh, cảm xúc. Sức hấp dẫn của ngòi bút Nguyễn Tuân trong bài tuỳ bút Người lái đò Sông Đà là ở sự độc đáo, sự giàu có về chữ nghĩa, sự công phu trong quan sát và lựa chọn ngôn từ,... Tất cả đều mang đậm chất Nguyễn Tuân.

-     "Cái tôi" tài hoa thể hiện ở những rung động, say mê của nhà văn trước vẻ đẹp hùng vĩ và mĩ lệ của thiên nhiên đất nước; ở sự phát hiện và ngợi ca phẩm chất tài hoa nghệ sĩ của những con người lao động; ở những trang văn đẹp như thơ, như nhạc, như hoạ. Nhà văn đã phát hiện và miêu tả sông Đà như một sinh thể sống, với tính cách hung bạo và trữ tình, để từ đó tấu lên một khúc tráng ca về con sông dũng mãnh trên chốn thượng nguồn; đồng thời ngân nga những thanh âm dịu dàng, trong trẻo, êm ái chốn hạ lưu. Từ đó, nhà văn đã tạc dựng hình ảnh người lái đò trong cuộc vượt thác đầy kịch tính và cũng thật ngoạn mục. Nguyễn Tuân tỏ ra hứng thú đặc biệt trong việc khám phá, thể hiện "chất vàng mười" trong tâm hồn con người Tây Bắc. Tất cả đã cho ta thấy ở Nguyễn Tuân một "cái tôi" tài hoa, tinh tế.

-     "Cái tôi" uyên bác thể hiện ở cách nhìn và sự khám phá hiện thực có chiều sâu; ở sự vận dụng kiến thức sách vở và các tri thức của đời sống một cách đa dạng, phong phú;ở sự giàu có về chữ nghĩa. Các thuật ngữ chuyên môn của các ngành quân sự, điện ảnh, thể thao,... được huy động một cách hết sức linh hoạt nhằm diễn tả một cách chính xác và ấn tượng những cảm giác về đối tượng. Hình ảnh dòng sông Đà và người lái đò sông Đà đã được nhà văn miêu tả, tái hiện một cách ấn tượng từ nhiều góc nhìn, với những chi tiết điển hình, tiêu biểu; những liên tưởng, so sánh bất ngờ, thú vị. Tất cả đều cho thấy khả năng quan sát và sử dụng ngôn ngữ hết sức điêu luyện của Nguyễn Tuân.

-     "Cái tôi" tài hoa và uyên bác chính là một cách thể hiện tình yêu quê hương đất nước, lòng yêu cái đẹp của người nghệ sĩ chân chính; đồng thời cũng cho thấy quan niệm của Nguyễn Tuân: viết văn là để khẳng định sự độc đáo của chính người cầm bút. Thổ tuỳ bút, với đặc điểm của một lối văn "độc tấu” (chữ dùng của Nguyễn Tuân) đã phát huy tối đa hiệu quả của nó trong việc bộc lộ "cái tôi" trữ tình của nhà văn.

3.   Kết bài

-     Khẳng định cái tài và cái tâm của người nghệ sĩ trong sáng tác văn chương.

-     Nêu cảm nhận, ấn tượng riêng của cá nhân về "cái tôi" trữ tình Nguyễn Tuân trong tuỳ bút Người lái đò Sông Đà.

Nguồn: Nhungbaivanhay.net
0