04/09/2018, 23:31

Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh 

(Văn mẫu lớp 12) – Em hãy phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh (Bài văn phân tích của bạn Trương Thị Hoa lớp 12A2 trường THPT chuyên Thái Nguyên). BÀI LÀM Với những tác phẩm “Tơ tằm trời biếc”, “Hoa dọc chiến hào”, “Gió Lào ...

(Văn mẫu lớp 12) – Em hãy phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh (Bài văn phân tích của bạn Trương Thị Hoa lớp 12A2 trường THPT chuyên Thái Nguyên).

BÀI LÀM

Với những tác phẩm “Tơ tằm trời biếc”, “Hoa dọc chiến hào”, “Gió Lào cát trắng”, “Lời ru trên mặt đất”… cái tên Xuân Quỳnh đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam từ em thơ đến lão ấu. Đặc biệt “Sóng” là một trong những bài thơ của Xuân Quỳnh được độc giả yêu thích nhất. Bài thơ được trích từ tập “Hoa dọc chiến hào”, lấy cảm hứng từ tình yêu, thể hiện tư tưởng của tác giả về tình yêu. 

Hình tượng sóng được Xuân Quỳnh lấy làm biểu tượng ẩn dụ cho hình ảnh người phụ nữ trong tình yêu. Bài thơ bắt đầu bằng những câu thơ âm điệu sâu lắng:

“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”

Sóng giống như lòng người phụ nữ trong tình yêu luôn có những trăn trở và khát khao nhận thức về chính tâm hồn mình. Các trạng thái đối lập “dữ dội” – “dịu êm”, “ồn ào” – “lặng lẽ” tượng trưng cho tâm trạng người phụ nữ trong tình yêu cũng thật thất thường và đa sắc thái, khi vui buồn hờn giận, khi đắng cay, khi yêu thương lúc lại ghét bỏ. Liên từ “và” tinh tế thể hiện sự song hành tồn tại nhiều trạng thái khác nhau trong cùng một tâm hồn. Việc sóng từ bỏ không gian nhỏ hẹp là “sông” để tìm ra không gian rộng lớn là “bể” đã thể hiện hình ảnh người phụ nữ không chấp nhận tình yêu tù túng, chật hẹp. 

>>>Mời các bạn xem thêm:

  • Bình giảng 2 khổ thơ cuối bài thơ Sóng
  • Cảm nhận về hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh
  • Phân tích hình tượng Sóng trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

Dù người phụ nữ trong tình yêu có tâm trạng nào thì cũng đều có chung một nét đẹp đó là tình cảm dạt dào, say đắm, nồng nhiệt:

“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”

Sóng được đặt trong phạm trù thời gian ngày xưa – ngày sau – vẫn thế. Điều này đã thể hiện ý niệm về sự vĩnh hằng. Son sóng vỗ bờ để được bất tử. Người phụ nữ cũng khát khao hóa thân như sóng để được vĩnh hằng. Đứng trước biển, mặt biển tựa vầng ngực của trái đất, sóng chính là trái tim vỗ tạo nhịp. Nó khiến ta liên tưởng về nhịp đập con tim của người phụ nữ trong tình yêu cũng đầy nhiệt huyết.

Từ những băn khoăn trên, Xuân Quỳnh đã quyết định làm một cuộc hành trình đi tìm kiếm lời giải đáp nguồn cội của tình yêu:

“Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?

Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”

Xuân Quỳnh đã soi mình vào quy luật vận động nguồn cội của sóng, của gió để tìm kiếm lời giải đáp. Tuy nhiên, hành trình đấy chỉ có câu hỏi mà không tìm ra câu trả lời. Tuy cuối cùng vẫn là “không biết nữa” nhưng điều này lại cho thấy một nét đẹp rất đáng yêu của người phụ nữ. Người phụ nữ cũng có hàng ngàn câu hỏi như thể có ngàn mối suy tư, trăn trở, lo âu về tình yêu 

phan-tich-bai-tho-song-cua-xuan-quynhphan-tich-bai-tho-song-cua-xuan-quynh

Không tìm được lời giải đáp Xuân Quỳnh trở lại với vẻ đẹp người phụ nữ:

“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức

Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương

Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”

Người phụ nữ yêu hết mình, sống phóng khoáng và luôn thủy chung, son sắt. Họ luôn mang trong mình nỗi nhớ lớn lao, da diết. Từ việc xây dựng không gian và thời gian “dưới lòng sâu”, “trên mặt nước”, “ngày đêm”, “trong mơ”… thi sĩ thể hiện nỗi nhớ cồn cào trong lòng người. Đâu chỉ là thương nhớ, người phụ nữ muôn đời luôn hướng về tình yêu mà họ đã lựa chọn. Trong không gian “xuôi” – “ngược”, “phương Bắc” – “phương Nam” người phụ nữ chỉ chọn lựa duy nhất, đó là “phương anh”. Hình ảnh con sóng tìm tới bờ cũng là hình ảnh người phụ nữ nhất mực hướng về với tình yêu mà họ lựa chọn. Vẻ đẹp thủy chung ấy cũng là truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. 

Cuối cùng, Xuân Quỳnh hóa thân vào con sóng để được bất tử:

“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”

Thi sĩ đã so sánh sự hữu hạn của đời người với sự vĩnh hằng của thiên nhiên và chỉ ra một con đường để được bất tử. Đó là hòa mình vào thiên nhiên. Con sóng chịu từ bỏ cái tôi nhỏ bé để hòa vào biển lớn, bất từ “ngàn năm”. Xuân Quỳnh cũng thế, người phụ nữ sẵn sàng hi sinh dâng hiến tất cả cho tình yêu để được bất tử. 

Thông qua bài thơ “Sóng”, Xuân Quỳnh thể hiện vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam trong tình yêu: nồng hậu, thiết tha, thủy chung và giàu đức hi sinh. Bài thơ ngũ ngôn âm điệu thơ liền mạch, ý thơ đăng đối, luân phiên bằng – trắc nhịp nhàng, vừa gần gũi vừa sáng tạo. Qua bài thơ, người đọc hiểu hơn về nội tâm thầm kín Xuân Quỳnh trong tình yêu nói riêng và của người phụ nữ Việt Nam nói chung.

>>>Xem thêm: 

  • Bình giảng bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
  • Cảm nhận 3 khổ cuối bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
  • Soạn bài thơ sóng lớp 12
0