18/06/2018, 17:10

Tiếng Việt thời LM de Rhodes – vài suy nghĩ về ‘Phép Giảng Tám Ngày’ (phần 9)

Nguyễn Cung Thông[1] Phần này bàn về cuốn “Phép Giảng Tám Ngày – Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội, mà vào đạo thánh đức Chúa trời”. Các tương quan ghi nhận trong bài cho thấy LM Alexandre de Rhodes đã sử dụng nhiều tài liệu dòng Tên để hoàn thành cuốn sách ...

1

Nguyễn Cung Thông[1]

Phần này bàn về cuốn “Phép Giảng Tám Ngày – Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội, mà vào đạo thánh đức Chúa trời”.  Các tương quan ghi nhận trong bài cho thấy LM Alexandre de Rhodes đã sử dụng nhiều tài liệu dòng Tên để hoàn thành cuốn sách giáo lý này. Ngoài ra, Phép Giảng Tám Ngày còn phản ánh khuynh hướng truyền đạo của các giáo sĩ dòng Tên mà LM de Rhodes đã được huấn luyện rất kỹ càng trước khi sang Đông Á để thi hành nhiệm vụ của hội thánh. Khuynh hướng truyền giáo dòng Tên có khác với các ‘chỉ đạo khô khan’ và hầu như ‘một chiều’ từ Toà Thánh La-Mã như “Dottrina Cristiana Breve” của LM Roberto Bellarmino[2] vào cùng giai đoạn. Các chữ viết tắt trong phần này là PGTN (cuốn Phép Giảng Tám Ngày), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), NCT (Nguyễn Cung Thông), ĐCT (Đức Chúa Trời), ĐCGS (Đức Chúa Giê-Su), LM (Linh Mục), HV (Hán Việt), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1234), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), ĐNQATV (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để bạn đọc tiện tra cứu thêm.

Hi vọng bạn đọc thấy thích thú và tìm hiểu sâu xa hơn về những vấn đề ghi lại trong bài viết nhỏ này. Trước khi đi vào đầu đề phần này, chúng ta hãy nghe chính tác giả/LM de Rhodes trình bày vài suy nghĩ về sách giáo lý của ông:”Các chư tăng rất hài lòng vì thấy tôi làm cho họ nhận biết sự hoà hợp giữa Tôn giáo và Lý trí[3] và nhất là họ khen ngợi Thập điều của Chúa … Phương pháp tôi đem trình bày với họ là: trước hết tôi bàn về linh hồn bất tử và sự sống đời sau, rồi từ đó tôi làm chứng cớ có Thượng đế, sự quan phòng của ngài, và dần dần tôi đưa họ tới những mầu nhiệm khó hơn … Kinh nghiệm cho hay rằng lối trình bày giáo lý cho người ngoài Kitô giáo như vậy rất bổ ích. Phương pháp đó, tôi đã giải thích trong sách Giáo lý (Phép giảng tám ngày) mà tôi đã làm tám ngày, trong đó tôi cố gắng đề cập đến hết các chân lý căn bản phải dạy cho người ngoài Kitô giáo” – trích từ trang XXIV-XXV “Phép giảng tám ngày” Tủ sách Đại Kết (sđd, 1993).

  1. Tại sao lại là Phép Giảng Tám Ngày?

Nên nhắc lại là LM de Rhodes có ý định là sang Nhật Bản để truyền giáo (1619), nhưng Nhật Bản lại cấm đạo nghiêm ngặt vào thời kỳ này nên ông phải lưu lại ở Goa cho đến năm 1622. Đến cuối tháng 12 năm 1624 LM de Rhodes mới cập bến Đà Nẵng bắt đầu học tiếng Việt. Một cách giải thích nguồn gốc của PGTN là LM de Rhodes đã dựa vào các tài liệu dòng Tên trước đó để soạn ra PGTN, như cuốn Catechismus Japonensis (Phép Giảng cho Nhật Bản, viết tắt là PGNB – khoảng năm 1586) của LM Alessandro Valignano[4] và nhất là cuốn Thiên Chúa Thật Nghĩa 天主實義 (viết tắt là TCTN – khoảng năm 1603) của LM Matteo Ricci[5]. Trong quá trình huấn luyện để thụ phong LM dòng Tên, đặc biệt là được gởi sang Nhật Bản để truyền giáo, LM de Rhodes đã có thể phải tham khảo và học hỏi từ các tài liệu như PGNB và TCTN. Cuốn TCTN rất phổ thông và có nhiều bản lưu hành ở TH, VN, Nhật và Hàn quốc[6]. Ngoài ra, trong các hoạt động truyền đạo sau này ở An Nam thì LM de Rhodes thường đem theo cuốn TCTN của LM Matteo Ricci để trao cho các người biết chữ Nho để đọc thêm[7] khi có dịp. Dựa vào phương pháp lý luận tự nhiên (“phải lẽ”) của LM Matteo Ricci, mà LM de Rhodes nhắc lại nhiều lần:”Trời (blời) là nhà chẳng biết đí gì, thờ thì chẳng phải lẽ (mlẽ) đâu … Có phải lẽ thì phải làm, chẳng phải thì chớ” PGTN trang 14, 17 …v.v… Cả hai tài liệu trên (PGNB và TCTN) đều có cấu trúc 8 chương (PGNB gọi là conference) với phương pháp luận và cách trình bày khá giống nhau: từ ý nghĩa của cuộc sống và đấng Tạo Hoá, linh hồn bất diệt so với thể xác, tam giáo và các sự vô lý, cuộc đời ĐCGS và mười điều răn. Cả hai tài liệu đều phủ nhận thuyết luân hồi của PG, khái niệm VÔ 無 của đạo Lão và KHÔNG 空 của PG và THÁI CỰC 太極 của trường phái Tân Nho Gia (Neo-Confucianism). PGTN cũng có 8 chương (LM de Rhodes ghi là 8 ngày) cũng có một bố cục 8 phần (8 ngày[8]) với nội dung tương tự tuy thứ tự có hơi khác, đương nhiên là có một số chi tiết trích từ Kinh Thánh – các vấn đề đã được bàn đến trong PGNB và TCTN sẽ ghi trong ngoặc (V) hay (R) hay viết tắt của các tên tác giả Valignano và Ricci:

Ngày thứ nhất bàn về sự mong ước được sống lâu (“hằng sống”) linh hồn thì bất diệt so với thể xác (V) (R), nguồn gốc trời đất và con người, dẫn đến một Đấng Tạo Hoá hay ĐCT ở trên thiên đàng so với địa ngục (“âm phủ”) (R).

Ngày thứ hai bàn về Tam Giáo, phủ nhận các đạo thờ Bụt (ngẫu tượng, kể cả đức Phật Thích Ca) và khái niệm âm dương/thái cực so với một ĐCT là “cội rễ đầu mọi sự” (PGTN trang 43) (V) (R), hay “Thiên địa vạn hữu chi chân chúa” PGTN trang 29.

Ngày thứ ba bàn về đức Thợ Cả (ĐCT) (V) (R) làm nên mọi loài (PGTN trang 72) và câu chuyện ông Adam và bà Eva (tổ tiên loài người) trong “vườn vui vẻ[9]“.

Ngày thứ bốn bàn về tội tổ tông (từ thời Adam và Eva ăn trái cấm hay “trái chết” PGTN trang 91) (V), chuyện ông Noe đóng tàu và các đời con cháu về sau và ngôn ngữ loài người. Đi sâu hơn vào chi tiết của Tam Giáo và phủ nhận các “đạo vạy” này. Chi tiết về nguồn gốc PG ở TH – xem thêm mục 2 bên dưới.

Ngày thứ năm bàn về khái niệm Ba Ngôi đồng nhất thể và câu chuyện về ông thánh Augustinus để cho thấy khái niệm này rất thâm sâu (“ta suy chẳng đến” PGTN trang 142). Sau đó ghi lại câu chuyện đức Mẹ “đồng thân[10]” và khi ĐCGS ra đời cứu thế.

Ngày thứ sáu bàn về cuộc đời ĐCGS, con ĐCT, làm các phép mầu nhiệm cứu giúp thiên hạ.

Ngày thứ bảy bàn về chuyện Juda phản chúa, ĐCGS bị đóng đanh trên cây thập tự cùng với hai tên trộm. Sau khi chết, xuống “limbo” (Lâm-Bô HV) và ĐCGS sống lại (V) (R), ĐCGS sau đó lên trời và các Thánh Thiên Thần hiện xuống.

Ngày thứ tám bàn về ngày tận thế và sự phán xét chung (R) để cho thưởng hay phạt con người đời đời. Phải tin vào Giáo Hội CG với đức giáo hoàng[11] (“ông thánh Papa” PGTN trang 312) coi sóc từ Roma. Người CG phải luôn tuân theo mười điều răn cùng phép Rửa Tội (V). Phần cuối bàn về các điểm chính trong Kinh Tin Kính, dựa nhiều vào sách giáo lý Roma của công đồng Trentô[12] (The Catechism of The Council of Trent, 1566).

Lại có một cách giải thích khác về tựa đề PGTN theo các tác giả Trần Duy Nhiên và Roland Jacques[13]: ” trong Cựu Ước, một người[14] muốn xác định mình theo Thiên Chúa thì phải chịu cắt bì (cắt da qui đầu) vào ngày thứ tám. Sau này, khi một người muốn gia nhập Công Giáo thì phải chịu bí tích Thanh Tẩy (cũng còn gọi là phép Rửa Tội). Vì thế mà Alexandre đã xếp những bài giảng trong vòng 8 ngày để cho một dự tòng nhận phép Rửa Tội. Điều này được ông cho thấy rõ ngay ở tựa cuốn sách mình: “Phép giảng tám ngày. Cho kẻ muốn chịu phép rửa tội, mà vào đạo thánh đức Chúa trời”.

  1. Câu chuyện về đạo Phật truyền sang Đông Á

Một câu chuyện rất đáng chú ý, về giai đoạn PG đầu tiên nhập vào Trung Hoa, được ghi trong PGTN trang 109-110:”lại có vua đại minh đời xưa, tên là Hán minh đế, coi thấy điều ấy trong sách ông khổng … chốc ấy vua Hán minh thì chọn trong đại thần một người nhít, đi sứ bên nước ấy … cho đến bên đại tây dương, chưa được nửa phần đàng: song le vì đã chịu nhiều khốn khó dọc đàng ấy, mà nhọc, thì toan chẳng đi xa nữa, lại tìm ở nước thiên trúc ấy, có đạo nào chăng, mà đam về cho vua đại minh[15], khi ấy bên thiên trúc cuốc (quốc) có cho nó đạo Thíc (Thích, đạo Phật – NCT), những dối blá (trá) vậy, nó thì mầng (mừng), mà lếy (lấy) đạo ếy (ấy) đam về cho vua nó; cùng nói dối vua rằng ‘bởi đại tây dương lấy đạo ấy mà về’. Vua thì tin mlời (lời) sứ, mà chẳng có xét gì, những chịu lấy đạo ấy, mà tức thì có đạo bụt, và làm chùa triền thờ vậy: chốc ấy dên (dân) dại dột thì theo vua, mà chịu lấy đạo gian, thờ bụt cùng vua”. Hai thập niên sau, Samuel Baron[16] cũng ghi lại câu chuyện sứ thần nhà Đông Hán thay vì sang Đại Tây Dương (để thỉnh kinh CG về) lại lạc qua Thiên Trúc (Ấn Độ – cũng vì mệt nhọc và không muốn đi xa nữa – NCT) và thỉnh các bộ kinh PG về TH – xem hình chụp trang 706 bên dưới từ bài viết  “A Description of the kingdom of Tonqueen” đăng lại bởi John Walhoe, London (1732). Tác giả Baron còn nhận xét thêm là nếu đem kinh CG về thì các nước Á Châu bây giờ không đến nỗi ‘vô thần’ và ‘mê tín dị đoan như thế’ (để ý năm ra đời của viết bài này là 1683 – ghi trong trang 681). Hình thứ nhì bên dưới chụp lại trang 76 từ “Sách Sổ Sang chép các việc” của LM Philiphê Bỉnh (1822), tác giả cũng ghi lại câu chuyện sứ thần vua Hán Minh Đế thay vì qua Tây phương thỉnh kinh ĐCT (kinh CG) thì lại ngừng ở giữa đường. Đấy là nước Thiên Trúc (Ấn Độ) và lại lấy kinh PG đem về cho vua, vua cả tin và từ đó đạo Phật (đạo Thích Ca) bắt đầu phát triển ở TH và Nhật Bản …v.v…. Có thể đã từng hiện diện một ‘tài liệu nào đó[17]’ mà LM de Rhodes, Samuel Baron và LM Philliphê Bỉnh[18] đã biết qua, cũng nên nhắc là trang đầu bài viết (trang 656), Baron có nhắc đến các LM dòng Tên Martin (Martini, tiếng Ý) và Alexandre de Rhodes: ông cũng cho là các tài liệu từ các vị này thì đáng tin hơn là bài viết của Jean Baptiste Taverniere (1680). Các tác giả này đều đã từng là LM dòng Tên hay đã dùng rất nhiều tài liệu để lại từ dòng Tên: như LM Philiphê Bỉnh, trong “Sách sổ sang ghi chép các việc” ông ghi rõ ngày chết của LM Alexandre de Rhodes và LM Maiorica, số sách Nôm của LM Maiorica đã soạn, 42 quyển kinh PG đem về TH vào thời Hán Minh Đế, thư viện của dòng Tên với thư mục theo tên tác giả …v.v…

1

Trang 706 cuốn “A Description of the kingdom of Tonqueen” của Samuel Baron (in lại năm 1732)

Theo các tài liệu Hán và PG[19], như 後漢書·卷八十八·列傳·西域傳·第七十八 “Hậu Hán thư· Quyển bát thập bát· Liệt truyện· Tây Vực truyện· Đệ thất thập bát” thì Hán Minh Đế (năm 68 SCN) nằm mộng thấy người bằng vàng chói sáng, gọi là Phật (*bụt), nên sai sứ sang Thiên Trúc thỉnh kinh PG về Lạc Dương, sau đó dựng chùa Bạch Mã và thỉnh các cao tăng sang TH hành lễ. Đa số các tài liệu và sử gia thường trích câu chuyện trên khi viết nguồn gốc PG ở TH. Vấn đề các giáo sĩ Dòng Tên đặt ra về nguồn gốc PG ở TH cho thấy một cách nhìn và diễn giải khác hơn so với cách hiểu ‘truyền thống’, cũng như so với khả năng PG đến TH qua ngã Giao Chỉ[20] (Luy Lâu) – mà rất ít người TH chấp nhận!

2

Sách Sổ Sang chép các việc/trang 76

3.png

Sách Sổ Sang chép các việc/trang 473

  1. Sử dụng văn hoá và ngôn ngữ bản địa trong quá trình truyền đạo

Kiên thằng khả kế ngưu giác lý ngữ năng phục nhân tâm là “dây bền khá buộc được sừng trâu, lẽ thật khá phục được lòng người ta” PGTN trang 11. Trong PGTN, cột tiếng Việt lại có thêm phần chú bằng HV trong ngoặc như câu này! VBL chỉ ghi nhận hai chữ HV lí (mlẽ) và nhân (nhin) mà thôi. Theo PGTN thì câu trên lấy từ sách An Nam ra, hàm ý phải học chữ Nho hay Nôm mới biết được! Một nhận xét thêm ở đây là cách dùng HV như thế cho thấy LM de Rhodes đã nhờ một cộng sự viên nào đó – người này phải rất rành chữ Nho/HV – để viết thêm vào câu trên, tăng thêm mức độ đáng tin của lời giảng  và rõ ý hơn, hay phục vụ cho một thiểu số người An Nam có học (“hay chữ”/VBL – có học chữ Hán/Nôm) vào thời này. Người viết (NCT) rất ngạc nhiên khi LM de Rhodes lại nói câu trên là “Có chữ trong sách An Nam rằng: kiên thằng khả kế ngưu giác lý ngữ năng phục nhân tâm”. Tra cứu thêm nguồn gốc câu trên từ các tài liệu Hán văn thì thấy trong tác phẩm Thiên Chúa Thật Nghĩa 天主實義 của LM Matteo Ricci (Lợi Mã Đậu 利瑪竇) có ghi câu nói này trong các đối thoại (dialogue) giữa một nhà nho và một tín đồ CG. Theo tác phẩm đã trích thì câu này là một ngạn ngữ ở Tây phương (Tây ngạn hữu vân: kiên thằng khả kế[21] ngưu giác, lí ngữ năng phục nhân tâm 西諺有雲 “堅繩可繫牛角,理語能服人心”). Như vậy thì có thể LM de Rhodes đã nhầm chăng? Hay sách An Nam mà PGTN ghi nhận có thể là sách ở bên TQ đem qua để tham khảo? Rải rác trong PGTN và VBL, ta cũng có thể nhận ra ảnh hưởng các tài liệu Hán văn của LM Matteo Ricci thời đầu thế kỷ XVII như được ghi nhận trong bài viết này. Câu trên cũng phản ánh phương pháp dùng lý lẽ tự nhiên trong quá trình giảng đạo của các giáo sĩ dòng Tên: từ thời LM bề trên Alessandro Valignano cho đến LM Matteo Ricci. Đặc biệt là dùng ngôn ngữ bản địa để hoà nhập vào tư tưởng CG. Dĩ nhiên là LM de Rhodes đã thừa hưởng nhiều lý luận trong các tài liệu Dòng Tên để lại và từ các LM tiên phong đàn anh. Thí dụ như trang 49 trong PGTN, LM de Rhodes ghi nhận một câu nói từ đời xưa ở An Nam “(sinh kí dã, tử qui dã) sống là gửi, chết là về[22]” và chỉ ra sự khác biệt giữa sống lành và sống dữ để về sau sẽ bị phán xét công bằng, hàm ý là nên lưu tâm đến cuộc sống hiện tại để khi chết không bị xử phạt khốn khổ (~bị xuống địa ngục hay ‘về quê[23]’ dữ).

“Thiên phú địa tải, Trời (blời) che đất chở” là thành ngữ HV 天覆地載, lặp lai hai lần trong VBL (mục phú và tái) và PGTN. Thành ngữ bốn chữ này từng hiện diện từ thời Lễ Kí – Trung Dung 記•中庸:天之所覆,地之所載 Thiên chi sở phú, địa chi sở tái – hàm ý trời đất bao la hay ơn huệ cho con người (ơn vua ban chẳng hạn – NCT) thì thâm hậu vô cùng, hay chỉ sự việc gì rất to tát có ảnh hưởng lớn rộng : “Trong (tlaŏ) đại minh (VBL không viết hoa – NCT) có lời rằng (thiên phú địa tái) trời (blời) che đất chở. Vậy thì trời là nhà, đất là nền … Cũng có kẻ nói rằng (thiên phú địa tải) trời che ta, đất chở ta: mà sao ta chẳng lạy” PGTN trang 11-12, 14 ; “cùng cho những ơn trọng, dạy trời che đất chở, mặt trời soi cùng muôn vật nuôi nấng như con thật” TCTGHTK trang 15a. LM de Rhodes đã dựa vào thành ngữ phổ thông[24] vào thời này để lý luận tiếp theo là ta phải thờ phượng gốc rễ hay người đã tạo ra cái nhà to lớn đã cho ta ở, tức là ĐCT, chứ không nên thờ trời hay đất vì chúng chỉ là vật chất mà không có lý trí (VBL trang 714, PGTN trang 12-15).

  1. Ba đấng cha (Tam phụ)

Thượng phụ 上父 là đấng cha trên hết tất cả hay Thượng Đế (PGTN trang 22). VBL không ghi cách dùng này, PGTN trang 22 ghi “Thứ nhất là thượng phụ, thật là thượng đế, mà vua Chúa An nam tế thượng đế trước mặt thiên hạ cùng đại thần”. Trung phụ 中父 là vua chúa trong một nước (PGTN trang 22/23). VBL không ghi các cách dùng này, Trung phụ chỉ đấng cha dưới Thượng phụ nhưng trên Hạ phụ (Tam phụ). Béhaine/Taberd (1772/1773-1838) ghi rõ các nghĩa của thượng phu, trung phụ và hạ phụ. LM Matteo Ricci từng bàn về Tam Phụ thuyết 三父說, PGTN ghi là ba đấng cha, đưa ra các tương ứng giữa liên hệ quân-sư-phụ và thượng đế-vua/chúa-cha mẹ/ông bà ông vải. PGTN (trang 17) ghi nhận “Bây giờ ta phải hay có ba đấng bề trên, gọi là ba cha, ta phải thờ ở đấng nào, cho nên đấng ấy”. PGTN (trang 23-25) giải thích thêm chi tiết các liên hệ trên qua các tục cúng lễ vào đầu năm ở An Nam, đặc biệt nhìn từ lăng kính hai đạo trung và hiếu. Cách dùng trên cho thấy phần nào khuynh hướng hội nhập tư tưởng Á Đông trong quá trình truyền đạo một cách hữu hiệu hơn của các giáo sĩ dòng Tên. Một mục đích nữa là dẫn đến khả năng hiện diện của một đấng cha toàn năng và là cội rễ của con người (thuyết Sáng Tạo/Creation Theory). Cấu trúc ba phần (Trinity, nghĩa mở rộng) thường gặp trong văn hóa truyền thống Á Đông và PG như tam tài (trời, đất và người), tam tai, tam cương (vua tôi, cha con, vợ chồng), tam tòng, tam sinh, tam giới, tam nguyên (trời, đất và nước).

  1. Trời và Thiên Chúa (chủ của trời)

LM Matteo Ricci giải thích thiên HV 天 là bầu trời hay không gian cụ thể, chẳng liên hệ gì đến nét nghĩa trừu tượng của thần học hay Thượng Đế 上帝. LM de Rhodes cũng đưa ra nhận xét tương tự: “trời là nhà không chẳng biết đí gì, chẳng khá lạy đất, vì đất là nền, chẳng có hồn nào” PGTN trang 27. Dĩ nhiên là các vị giáo sĩ tiên phong này rất quan tâm về sự hiểu về trời đất và thần thánh của các nền văn hoá bản địa đã có từ lâu đời, đồng thời cố gắng hoà nhập luồng tư tưởng này với giáo lý CG: “chữ ngô có chữ thiên là trời, giải thì có hai chữ, một là chữ nhất, hai là chữ đại nghĩa là một cả. Song le ai là một cả, ắt là đức Chúa Trời sinh ra trời đất muôn vật, thật là một cả” PGTN trang 14. Nhận xét này khá phù hợp với quá trình hình thành chữ thiên từ thời giáp cốt văn[25] (tượng hình một người đang đứng với cái đầu to hay một vùng không gian lớn ở phía trên, thời VBL thì giáp cốt văn chưa được khám phá) – trích từ trang http://www.zdic.net/z/17/zy/5929.htm

4.png

LM de Rhodes đã thừa hưởng nhiều công trình dịch thuật trước đó, như cách dùng Thiên Chúa 天主 từ thời LM dòng Tên Michele Ruggieri (1543-1607). VBL trang 762 ghi “thiên chủ, Chúa trời (blời) – chúa của trời, tốt hơn nên dùng thiên chúa”. Chữ đệm chúa làm rõ nghĩa của thiên hơn, cũng như cách dùng thiên đàng mà LM de Rhodes đề nghị rằng tốt hơn là nên dùng “thiên Chúa đàng, nhà Chúa trời” trong VBL trang 763. Cách dùng “thiên chúa đàng” 天主堂 thật ra đã hiện diện trong Thiên Chúa Thực Lục/TCTL[26] 天主實錄 (1584). PGTN trang 16 giải thích thêm:”khi thế gian nói rằng ‘lạy trời’ thì thiếu một chữ Chúa[27], vì vậy thì phải thêm đơm chữ ấy, mà từ này về sau nói làm vậy, ‘tôi lạy đức Chúa trời’, là Chúa cả trên hết mọi sự”. Cũng như thượng phụ, cách dùng thượng đế 上帝 cũng bắt đầu đồng nghĩa với thiên chúa theo nhận định của LM Matteo Ricci:”các bạn có thể thấy ngay rằng, sau khi phân tích các cổ thư TH, thượng đế và thiên chúa chỉ khác nhau về cách gọi mà thôi”. Đây là những vấn đề cốt lõi mà LM de Rhodes cố gắng giải thích trong “Ngày thứ nhất”.

  1. Lâm-Bô

Lâm-Bô là phiên âm HV từ tiếng Bồ-Đào-Nha/Ý limbo, gốc là tiếng La Tinh limbus nghĩa là cạnh/bên, hàm ý vùng biên giới của địa ngục. Lâm-Bô là một khái niệm thần học quan trọng trong CG vào thời trung cổ: đặc biệt là nơi chứa linh hồn các hài nhi (limbus infantum) chưa được rửa tội mà đã qua đời và tổ tiên con người trước khi ĐCGS xuống dưới đó (limbus patrum), sau khi trút linh hồn trên cây thánh giá . Khái niệm này bị đào thải từ năm 1992 qua các văn kiện chính thức từ Tòa thánh La Mã[28]. VBL không ghi Lâm-Bô nhưng cụm từ này lại xuất hiện nhiều lần trong PGTN và các bản Nôm của LM Maiorica, chữ Nôm Lâm-Bô viết qua dạng lâm bô HV 林逋 hay lâm phủ HV 林甫: “gọi là limbo, đấy cũng là tù rạc … ĐCT khi vào nơi limbo chẳng lọ là làm cho sáng như trên trời …đã khỏi tù limbo … các linh hồn người thánh ra khỏi lymbo” PGTN trang 240, 243, 249…” cho nhiều linh hồn kẻ ở Lâm-Bô xưa vào xác cũ mà sống lại nữa … Các Thánh bởi Lâm-Bô mà lên” ĐCGS quyển chi cửu/chi thập trang 21-22, 26 – để ý cách dùng lặp lại ý tù ~ limbo. Tiếng Anh vẫn dùng thành ngữ in limbo để chỉ trạng thái không nhất định, kiểu nói ẩn dụ vì limbo từng là vùng biên giới không rõ ràng giữa địa ngục và thiên đàng: “I’ve made no firm decisions yet, I’m in limbo” (tôi vẫn chưa quyết định hẳn, tôi vẫn còn chần chờ – NCT).

  1. Cách dùng ‘Đức Thợ cả’

‘Đức thợ cả’, có lúc LM de Rhodes viết hoa Thợ, dùng 5 lần trong PGTN và Thợ cả dùng 1 lần:” làm ra lâu đài lớn … Song le ĐCT là đức thợ cả làm nên thế giới này ta xem … Song le ĐCT là đức thợ cả làm nên mọi sự … ĐCT là đức Thợ cả làm nên mọi loài” PGTN trang 39, 40, 78. Đức Thợ cả là dịch từ tiếng La Tinh architectus hay artifex chỉ người tạo ra (tác giả), có tay nghề (thủ công) … Khái niệm thợ cả là một ẩn dụ dành riêng và làm cho ĐCGS gần gũi với lương dân hơn, cũng như cha của ĐCGS đã là thợ mộc và dạy cho các con nghề nuôi thân này. Cách dùng đức thợ cả[29] rất lạ trong tiếng Việt vào thời VBL (và ngay cả đến bây giờ): không có ai gọi ông thợ là đức, tuy nhiên đức là danh từ đứng trước tên gọi các bậc tối cao hay vua chúa (theo VBL trang 240) như đức vua, đức Chúa trời … Một điều cần nhắc ở đây là câu chuyện xây dựng lâu đài trong PGTN giống với câu chuyện dựng cung thất/lâu đài trong TCTN của LM Matteo Ricci (1603), dẫn đến kết quả là cần một thợ cả tổ chức khéo léo mới tạo ra nhà cửa lâu đài cho ta ở: ” Đền đài cửa nhà ắt có thợ khéo làm cho nên … Cũng bằng ai bầy đặt có lâu đài nào khéo, mà có phòng có no mọi nơi … Như thế thợ nào khéo lo toan làm ra lâu đài lớn, dù mà đã có hình tượng khéo lâu đài ấy trong lòng một mình, song le nếu chẳng có ai giúp việc ấy, mà làm ra bề ngoài, thì làm chẳng được lâu đài ấy đâu” PGTN trang 12, 32, 38-39. Ý kiến ‘xây dựng cung thất/nhà cửa cần đến một người thiết kế/thợ cả khéo léo đầu tiên’ (người biết xếp đặt một cách hệ thống/kiến trúc sư) đã được LM bề trên Alessandro Valignano bàn đến trong cuốn PGNB (viết ở Nhật Bản từ năm 1579 to 1582). LM Matteo Ricci dùng cụm từ cung thất 宮室, LM de Rhodes dùng lâu đài… Điều này cho thấy LM de Rhodes đã chịu ảnh hưởng của các LM dòng Tên đàn anh trong khi soạn PGTN, không những từ những lý luận tổng quát hơn, nhưng cũng có lúc dùng chữ quốc ngữ một cách chọn lọc trong quá trình phiên dịch (VBL: thiên đàng thì nên gọi là thiên Chúa đàng …).

  1. Nhít/nhất phu nhít/nhất phụ : ghi trong mục phụ/VBL – hay một chồng một vợ:”khi chẳng phải việc ngay trong một vợ một chồng … Mà sự giao cảm cho ngay, thì phải có một vợ một chồng” PGTN trang 299. Một trong những điều răn (điều thứ sáu và thứ chín) gây không ít phản ứng ‘tiêu cực’ ở An Nam (và TH) vào thời này vì hoàn toàn phủ nhận chế độ thê thiếp của truyền thống lâu đời …v.v… Thiên Chúa Thật Lục và Thiên Chúa Thật Nghĩa (Matteo Ricci) đã công kích mạnh mẽ truyền thống này (đa thê, cũng như các mê tín dị đoan xã hội liên hệ), lây lan qua các tác phẩm của de Rhodes[30] (VBL, PGTN). Đây là một trong nhiều vết tích cho thấy ảnh hưởng không nhỏ từ các LM dòng Tên đàn anh khi LM de Rhodes soạn VBL và PGTN.
  2. Giác hồn và sinh hồn

Trong TCTN, LM Matteo Ricci đề cập đến linh hồn của thú vật và cây cỏ, dựa vào TCTL của LM Ruggieri trước đó – theo LM Ruggieri thì “hồn con người không mất đi và rất khác biệt so với hồn của chim chóc hay thú vật” theo GS Thierry Meynard viết trong “The Overlooked Connection between Ricci’s Tainzhu shiyi and Valignano’s Catechismus Japonensis”. LM de Rhodes cũng ghi nhận:”sách Thíc ca nói tỏ tường rằng hồn cây cối cùng hồn muông chim cho đến hồn người ta, thì chẳng có khác; vậy thì nó làm linh hồn người ta hay chết, cũng bằng giác hồn hay sinh hồn” PGTN 116-117. VBL ghi rõ là sinh hồn chỉ hồn của cây cối  (anima vegetatiua/L), giác hồn chỉ hồn của súc vật (alma dos animais/Bồ-Đào-Nha, anima sensitiva[31]/L). Học giả Huỳnh Tịnh Của (ĐNQATV) lại giải thích sinh hồn là hồn của người sống, phù hợp với nghĩa HV như trong Thái Bình Quảng Kí 太平廣記 (đầu thời Tống, 978), hay trong các tác phẩm của nhà viết kịch Chu Khải 朱凱 thời Nguyên. Truyền thống người Việt thường tin vào linh hồn của cây cối như qua ca dao “Cây gạo có ma, cây đa có hồn … Ở cho phải phải phân phân. Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa”, cũng như một số tôn giáo trên thế giới (như đạo Jain ở Ấn Độ). Đây là một điều mà các giáo sĩ Tây phương hoàn toàn phủ nhận vì không phù hợp với giáo lý CG.

  1. Cách dùng vạn, vàn và muôn

10.1 Vàn là một trăm ngàn (centum millia/L), “thiên vàn thiên vàn” (VBL ghi thien uàn ~ thiên vàn) là ước gì anh sống triệu năm:”có phải chém hay là chết chứng khác, đã đến mười một vàn người ta, mà kẻ bắt đi làm tội, khi giặc được thành Ierusalem, thì kể chín muôn bảy nghìn đứa” PGTN trang 259-260, “kẻ quan Ti-Tô bắt được chín muôn bảy nghìn, kể những kẻ chết chém cùng kẻ chết đói thì được mười một muôn” ĐCGS quyển chi thập trang 134. Vàn là một trăm ngàn, do đó mười một vàn là một triệu một trăm ngàn, đúng với số lượng mà tài liệu  lịch sử từng ghi lại. Ngoài ra, vàn còn dùng trong PGTN trang 62 “khiến một mình đánh phá hết cả và giặc thằng Assirio : mà một đêm thì đánh chết một vàn tám muôn năm nghìn quân giặc ấy”. Đây là đoạn trích từ Kinh Thánh (Các Vua) 2 Kings 19:35 “Chính đêm ấy, thiên sứ của ĐỨC CHÚA ra đánh chết một trăm tám mươi lăm ngàn người trong trại quân Át-Sua. Ban sáng, khi người ta thức dậy, thì kìa, toàn là thây ma xác chết”. LM Maiorica/cộng sự viên đã đánh đồng muôn (mười ngàn hay vạn) và vàn (một trăm ngàn) trong bản Nôm ĐCGS quyển 9/10. Hiện tượng thay đổi thanh điệu với nét nghĩa mở rộng vào thời VBL còn thấy trong các cách dùng đây (ở đây) so với đấy (ở đấy), kia (hôm kia – đã qua ba ngày) so với kìa (hôm kìa – đã qua bốn ngày) và kĩa (kỉa – đã qua năm ngày thời ĐNQATV). VBL cũng ghi cách dùng man vạn hay muôn muôn vàn vàn (từ láy) là hàng ngàn triệu, muôn tuổi là chúc sống lâu. Chữ Nôm vạn và vàn đều là vạn HV 萬, đây là một khuyết điểm của chữ Nôm so với chữ quốc ngữ, nhất là từ lăng kính đo lường chính xác (định lượng).

10.2 Vạn, muôn là mười ngàn (decem millia/L), tương ứng với vạn HV 萬. Đến thời Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838) thì vàn và vạn đã cùng một nghĩa là mười ngàn. Các dạng vạn, vàn, muôn, man cho thấy khả năng vạn[32] HV 萬 có gốc phương Nam.

Tóm lại, LM de Rhodes dĩ nhiên đã dùng nhiều chi tiết từ Kinh Thánh (Tân Ước và Cựu Ước) để soạn ra PGTN, nhưng khi xem kỹ văn bản thì ta có thể tìm thấy các ảnh hưởng khá rõ nét từ các tài liệu dòng Tên và toà thánh La-Mã thời trước VBL hay cách đây trên bốn thế kỷ. Từ PGNB của LM Alessandro Valignano cho đến TCTN của LM Matteo Ricci và PGTN: bài viết (phần 9) này chỉ ghi lại vài dữ kiện tiêu biểu để minh chứng mối dây liên hệ thú vị giữa các tài liệu trên. Đây còn là một kết quả trực tiếp từ quá trình huấn luyện và chuẩn bị các giáo sĩ dòng Tên khi chính thức được gởi đi truyền đạo, luôn khuyến khích sự học hỏi và ghi chép về ngôn ngữ và văn hoá những nơi đến truyền đạo. Khả năng sử dụng thành thạo ngôn ngữ bản địa và hoà nhập/thích nghi văn hoá (culture accommodation) từng được LM bề trên Alessandro Valignano nhắc nhở, và chính sách mới mẻ này hầu như được duy trì cho suốt thế kỷ XVII. Đây cũng là lý do khiến LM dòng Tên Maiorica[33] viết rõ là “Sách có một hai khi bớt hay là thêm mặc, có khi phải chịu theo [ý] thói An-Nam” TCTGKM trang 14. Truyền thống này còn thể hiện qua các tác phẩm của LM Philiphê Bỉnh[34] cách đây khoảng hai thế kỷ. PGTN cho ta cơ hội so sánh sự thay đổi và trọng tâm của giáo lý CG so với thời nay như khái niệm về địa ngục Lâm-Bô, cũng như một số phép lễ đặc biệt vào thời đó như tục thờ cúng tổ tiên, ma chay … Nhờ vào các tài liệu này – phần nào mang sắc thái của công trình tập thể (so với VBL chẳng hạn) – mà ta có thể tìm thấy nhiều dữ kiện chính xác hơn về tiếng Việt và văn hoá của tiền nhân cách đây bốn thế kỷ.  Các tài liệu như PGTN/VBL là nguồn bổ túc quan trọng cho các tác phẩm chữ Nôm vào cùng thời đại.

0