Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc hay là một lược sử văn xuôi tự sự Trung Quốc (Đọc lại Trung Quốc tiểu thuyết sử lược của Lỗ Tấn) 再讀鲁迅的《中國小說史略》
Lê Thời Tân 1.Nguyên khởi Tác phẩm học thuật quan trọng nhất của Lỗ Tấn, cuốn sách góp phần đặt nền móng cho khoa văn học sử tại Trung Quốc – Trung Quốc tiểu thuyết sử lược (中 國 小 說 史 略 Zhongguo xiaoshuo shilue )[1] đã có bản dịch tiếng Việt Sơ lược lịch sử tiểu ...
Lê Thời Tân
1.Nguyên khởi
Tác phẩm học thuật quan trọng nhất của Lỗ Tấn, cuốn sách góp phần đặt nền móng cho khoa văn học sử tại Trung Quốc – Trung Quốc tiểu thuyết sử lược (中 國 小 說 史 略 Zhongguo xiaoshuo shilue)[1] đã có bản dịch tiếng Việt Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc (Lương Duy Tâm dịch, Nxb.Văn hóa, Hà Nội, 1996; Nxb.ĐHQGHN, 2000). Độc giả Việt ngữ chỉ cần lướt qua một lượt mục lục cuốn sách là đã đủ thấy cách gọi (sơ lược) lịch sử tiểu thuyết trong nhan đề bản dịch là không phù hợp với thực tế nội dung cuốn sách. Vấn đề dường như không chỉ còn gói gọn trong câu chuyện dịch thuật. Thực tế thì ngay từ những ngày đầu Lỗ Tấn được giới thiệu ở Việt Nam, độc giả đã được chứng kiến tình trạng không dứt khoát rạch ròi về mặt sử dụng thuật ngữ “tiểu thuyết” trong thực tế dịch thuật và bàn luận về tác phẩm của văn hào này. Phan Khôi là một ví dụ. Đọc một đoạn trong bài Đời sống và sự nghiệp văn học của Lỗ Tấn đủ thấy Phan Khôi không chú ý lắm tới cách dùng thuật ngữ “tiểu thuyết” theo cách hiểu của người Trung Quốc trong phân biệt với cách hiểu của người Việt Nam: “Về tạp văn, tôi sẽ nói ở hai đoạn sau, ở đây xin nói về tiểu thuyết của ông. Kể về lượng thì tiểu thuyết Lỗ Tấn không nhiều bằng tạp văn, nhưng kể về phẩm thì hai thứ ngang nhau, tiểu thuyết cũng có cái đặc sắc của tiểu thuyết. Trọng yếu nhất là hai truyện ngắn Nhật ký người điên và A Q. chính truyện”. Giới thiệu của ông về cuốn Trung Quốc tiểu thuyết sử lược cũng phản ánh điều đó: “Như bộ Trung Quốc tiểu thuyết sử lược, liệt kê những tiểu thuyết cổ từ đời Hán đến đời Thanh, tóm tắt nội dung, thêm lời luận đoán gọn mà rõ, người đọc có thể do đó tìm thấy cái vết phát triển và tiến bộ của tiểu thuyết (người dẫn nhấn mạnh bằng in đậm-LTT) Trung Quốc”.[2] Có thể nói trong tình hình tiếng Việt có phân biệt tiểu thuyết với truyện ngắn và truyện vừa, việc không chú ý đó gây ảnh hưởng tiêu cực cho nhận thức vấn đề thể tài tự sự trong văn học Trung Quốc cũng như trong văn học Việt Nam.
Thực ra, cũng giống như tại Việt Nam, tiếp xúc văn học phương Tây ở Trung Quốc đầu thế kỉ XX làm nảy sinh nhu cầu phải có tên gọi cho thể loại tự sự trường thiên phân hoặc không phân chương trong văn học Âu Mĩ. Hai chữ “tiểu thuyết” vốn có từ xa xưa trong ngôn ngữ Hán bắt đầu được đưa ra dùng lại trong một hệ thống thuật ngữ văn học mới phục vụ cho việc thống nhất tên gọi các thể loại văn xuôi tự sự hư cấu vừa xuất hiện: đoản thiên tiểu thuyết, trung thiên tiểu thuyết và trường thiên tiểu thuyết (câu chuyện cũng tương tự như việc vào đầu thế kỉ trước người Trung Quốc ghép chữ “triết” và “học” hay các chữ “kinh” “tế” vốn có để tạo tên gọi bộ môn triết học và kinh tế vậy). Vậy là thay cho những là truyền kì, chí nhân, chí quái, chí dị xa xưa – văn học hiện đại Trung Quốc bắt có truyện ngắn; thay cho thoại bản, thuyết thư, chương hồi, diễn nghĩa – văn học hiện đại Trung Quốc có tiểu thuyết đánh số thứ tự các chương bằng con số hoặc đơn giản chỉ cách các trường đoạn văn bản tự sự bằng một số kí hiệu văn bản (ba dấu hoa thị chẳng hạn) nhất định. Hệ thống thuật ngữ đoản thiên tiểu thuyết, trung thiên tiểu thuyết và trường thiên tiểu thuyết chính là chỉ ba thể loại tự sự mà tiếng Việt gọi bằng các từ truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết. Trong lúc từ tiểu thuyết của tiếng Việt chuyên chỉ thể loại tự sự trường thiên thì trong tiếng Trung khi dùng độc lập không kèm các định ngữ đoản-trung-trường thiên thì thường chỉ chung các văn bản tự sự hư cấu hoặc nói sáng tác truyện nói chung. Bản thân Lỗ Tấn cũng dùng từ “tiểu thuyết” hiểu theo nghĩa như thế trong toàn bộ công trình nhan đề Trung Quốc tiểu thuyết sử lược hay Trung Quốc tiểu thuyết đích lịch sử đích biên thiên.[3] Như vậy cụm từ “Trung Quốc tiểu thuyết” trong nhan đề tác phẩm của Lỗ Tấn cần được hiểu là chỉ (các dạng thức, dòng phái) văn xuôi tự sự (cổ-trung đại) Trung Quốc. Đó cũng là lí do vì sao chúng tôi lại gọi công trình học thuật này của Lỗ Tấn là “lược sử văn xuôi tự sự Trung Quốc” hoặc “tác phẩm văn học sử văn xuôi tự sự của Trung Quốc” trong suốt bài viết này.
2.1. Trung Quốc tiểu thuyết sử lược – Tác phẩm văn học sử văn xuôi tự sự đầu tiên của Trung Quốc
Trung Quốc cận đại đồng thời với việc tiếp thu văn minh phương Tây mới bắt đầu “nhập khẩu” khái niệm văn học sử. Mấy chữ “văn học sử” (“history of literature” “wenxueshi”), bắt đầu xuất hiện trong chương trình nhà trường Tây học tại Trung Quốc những năm đầu thế kỉ XX. Theo gương Nhật Bản duy tân, năm 1900, Trung Quốc ban bố “Khâm định Kinh sư Đại học đường chương trình” dự tính mở các nghành học chính trị, văn học, cách trí (tức vật lí, hoá học…), nông nghiệp, thương vụ, y học tại Kinh sư Đại học đường (tiền thân của Bắc Kinh Đại học). Từ đó văn học sử trở thành một môn của khoa văn học dạy-học ở bậc đại học.
Nhưng phải đến 1904, văn khoa đại học Trung Quốc mới có thể xem là đã có bộ giáo trình văn học sử riêng. Đó chính là cuốn Trung Quốc văn học sử (Zhongguo wenxueshi) do Lâm Truyền Giáp (1877-1921; Kinh sư Đại học đường) và Hoàng Nhân (Đông Ngô Đại học) biên soạn dưới ảnh hưởng của các bộ lịch sử văn học Trung Quốc của học giả ngoại quốc. Lâm Truyền Giáp bắt đầu giảng Trung Quốc văn học sử tại Kinh sư Đại học đường từ năm 1904. Đến 1910 (năm thứ hai niên hiệu Tuyên Thống) Võ Lâm Mưu Tân Thất cho sắp chữ và chính thức phát hành sách của Lâm Truyền Giáp. Đây được xem là công trình văn học sử Trung Quốc đầu tiên của Trung Quốc. Lâm soạn Trung Quốc văn học sử dưới ảnh hưởng trực tiếp của bộ Chi Na lịch triều văn học sử (Shina Bungaku-shi, xuất bản năm 1898) của người Nhật Sasagawa Rinpu (Thế Xuyên Chủng Lang, 1870-1949). Trong Lời đầu sách, Lâm nói rõ ý định mô phỏng cách làm của Thế Xuyên Chủng Lang. Thế nhưng so ra hai sách không giống nhau. Thế Xuyên bao quát toàn bộ các thể từ thơ, từ, phú, hí khúc cho đến tiểu thuyết. Các tác phẩm lớn như Tam Quốc diễn nghĩa, Tây sương kí, Tì bà kí, Tây du kí, Kim Bình Mai, Hồng lâu mộng đều có giới thiệu riêng. Trong lúc sách của Lâm vẫn bộc lộ quan điểm văn chương truyền thống – chỉ chấp nhận thi văn chính thống, bài bác hí khúc và tiểu thuyết. Lâm cho rằng đưa hí khúc, tiểu thuyết vào lịch sử văn học – “thức kiến đó thấp kém, không khác gì với cách nhìn của giới hạ đẳng trong xã hội Trung Quốc”. Chi Na lịch triều văn học sử được Thượng Hải Trung Tây thư cục dịch ra Trung văn xuất bản rất sớm (1904, tức năm thứ 29 đời Quang Tự) khiến cho phần đông học giả Trung Quốc cho rằng đây là công trình văn học sử Trung Quốc sớm nhất của người nước ngoài. Thực ra ngay từ 1897 (năm thứ 30 niên hiệu Minh Trị) tại Nhật đã xuất bản cuốn Shina Bungaku-shi (Chi Na văn học sử) của tác giả Kojo Teikichi (Cổ Thành Trinh Cát, 1866-1949). Shina Bungaku-shi của Kojo Teikichi mãi đến 1913 mới được dịch sang tiếng Trung và xuất bản với nhan đề Trung Quốc ngũ thiên niên văn học sử. Đây sẽ được xem là công trình văn học sử Trung Quốc đầu tiên trên thế giới nếu không tính đến công trình A History of Chinese Literature của học giả Anh Herbert Allen Giles (1845-1935). H.Giles là nhà Hán học, giáo sư Đại học Cambridge. Ông là người dịch Trang Tử, Liêu Trai chí dị ra tiếng Anh. Các công trình liên quan đến Trung Quốc của ông có Chinese-English Dictionary (Hoa Anh Từ điển), A Chinese Biographical Dictionary, The Civilization of China (Văn minh Trung Hoa), An Introduction to the History of Chinese Picturial Art (Dẫn luận lịch sử nghệ thuật hội hoạ Trung Quốc). Trước lúc được công ti William Heinemann in độc lập thành sách riêng (448 trang) năm 1900, A History of Chinese Literature đã được in làm quyển thứ 10 trong bộ Short Histories of the Literature of the World (Thế giới văn học giản sử tùng thư) do Edmund W.Gosse chủ biên xuất bản năm 1897 tại Luân Đôn. Sách này được xuất bản ở Mĩ từ 1909 và mãi đến 1973 vẫn còn được tái bản. Đồng thời với việc trình bày lịch sử văn học Trung Quốc một cách hệ thống và khái quát, H.Giles cho cho in các phiến đoạn trích dịch tiểu thuyết cổ điển và hí khúc Trung Quốc kèm theo. Sau H.Giles, năm 1902 học giả Đức W.Grube (1855-1908) cũng cho xuất bản tại Leipzig một bộ Lịch sử văn học Trung Quốc. H.Giles tin tưởng công trình Trung Quốc văn học sử của mình là cuốn lịch sử văn học Trung Quốc đầu tiên trên thế giới mà không biết rằng từ đầu thập niên 80 thế kỉ XIX, học giả Nga V.P.Vacilbev (1818-1900) đã soạn xong cuốn Trung Quốc văn học giản sử cương yếu. V.Vacilbev sau khi tốt nghiệp Đông phương học ở Nga đã theo sứ đoàn truyền giáo sang Trung Quốc. Sau mười năm ở Trung Quốc (1840 đến 1850), ông về Nga rồi soạn lịch sử văn học Trung Quốc giới thiệu các thành tựu văn học Trung Hoa từ Kinh thi, Hán phú, Đường thi, Tống từ cho đến Hồng lâu mộng, Kim Bình Mai, Liêu Trai chí dị và hí kịch Tây sương kí với độc giả Nga.
Như vậy có thể sắp xếp theo thứ tự thời gian những bộ văn học sử Trung Quốc đầu tiên trong lịch sử văn học thế giới theo trật tự sau: Trung Quốc văn học giản sử cương yếu của V.Vacilbev (1880), Chi na văn học sử của Kojo Teikichi (1897) và Trung Quốc văn học sử của H.A.Giles (1897), Chi Na lịch triều văn học sử của Sasagawa Rinpu (1898), Lịch sử văn học Trung Quốc của W.Grube (1902), Trung Quốc văn học sử của Lâm Truyền Giáp (1904). Kể từ đó cho đến khi Lỗ Tấn viết Trung Quốc tiểu thuyết sử lược còn có thể kể đến Trung Quốc đại văn học sử của Tạ Vô Lượng (1918). Trong tổng số 63 chương, Tạ Vô Lượng chỉ dành cho tiểu thuyết có bốn chương. Tình hình quả đúng như nhận xét của Lỗ Tấn khi ông quyết định viết riêng cho tiểu thuyết Trung Quốc riêng một cuốn sử (nguyên văn “Trung Quốc tiểu thuyết chuyên sử”): “Cho đến nay vẫn chưa có một bộ thông sử cho văn tự sự Trung Quốc. Có chăng, thì trước tiên phải xem trong các bộ Trung Quốc văn học sử của người nước ngoài. Sau đó trong một số sách của người Trung Quốc soạn cũng có viết về lịch sử tiểu thuyết, vậy mà cả sách mười phần thì phần nói về lịch sử thể đó không đến một” (Xem Trung Quốc tiểu thuyết sử lược, Lời Tựa-Tự Ngôn).
2.2. “Trung Quốc tiểu thuyết sử lược” – quá trình trước tác và xuất bản
Trung Quốc tiểu thuyết sử lược – “Lược sử văn xuôi tự sự Trung Quốc” là bộ sách văn học sử văn xuôi tự sự đầu tiên của Trung Quốc, một mốc học thuật lớn của văn học Trung Quốc thế kỉ XX. Tác phẩm này cùng với Tống Nguyên hí khúc sử (Vương Quốc Duy), Bạch thoại văn học sử (Hồ Thích), Trung Quốc thi sử (Lục Khản Như) tạo thành một tứ đại danh tác trong học thuật Trung Hoa thời Ngũ Tứ. Tác giả của Bạch thoại văn học sử khen ngợi sách của Lỗ Tấn là “công trình khai sơn phá thạch” cho khoa văn học sử của Trung Quốc. Công trình của Lỗ Tấn ban đầu vốn là tập các bài giảng về lịch sử văn xuôi tự sự cổ-trung đại Trung Quốc (bản in thô phổ biến nội bộ nhan đề Trung Quốc tiểu thuyết sử đại lược) cho sinh viên văn khoa các trường Bắc Kinh Đại học, Bắc Kinh Sư phạm Đại học và Đại học Sư phạm Nữ sinh Bắc Kinh. Như ta đã biết, từ tháng 8/1920 Lỗ Tấn soạn bài giảng lên lớp môn tiểu thuyết sử cho sinh viên văn khoa. Bảo tàng hiện còn lưu giữ được hai tập bài giảng này. Một tập là bản in đầu đề “Tiểu thuyết sử đại lược”, tập kia là bản sắp in chữ rời đề “Trung Quốc tiểu thuyết sử đại lược”. Bắt đầu từ tháng 12/1923 đến tháng 6/1924, nhà xuất bản Tân Triều (Đại học Bắc Kinh) chính thức xuất bản thành sách hai tập dưới nhan đề Trung Quốc tiểu thuyết sử lược, nhưng mới chỉ in được tập thượng 15 chương. Tập hạ 13 chương bản thảo viết xong lần đầu vào tháng 12/1923 và được hoàn chỉnh vào ngày 4/3/1924 mới hoàn chỉnh. Lời ghi sau sách (Hậu kí) đề ngày 3/3/1924 có thể được viết trong thời gian này. Tập hạ mãi đến 6/1924 mới in xong. Trung Quốc tiểu thuyết sử lược vốn định gộp hai tập đó thành một quyển xuất bản vào tháng 9/1925 nhưng do nhà xuất bản Tân Triều giải tán nên để Bắc Tân thư cục xuất bản. Từ đó về sau các đợt in lại Trung Quốc tiểu thuyết sử lược đều do Bắc Tân thư cục đảm trách. Trung Quốc tiểu thuyết sử lược bản in năm 1931 là bản được chính tác giả giả sữa chữa lần thứ nhất. Đến tháng 6 năm 1935 Lỗ Tấn hiệu đính lần cuối cùng để xuất bản bản in lần thứ 10. Bản in lần thứ 10 này trở thành bản gốc cho việc xuất bản sách này trong suốt thời gian về sau. Thư viện Quốc gia (Đài Loan) hiện còn tàng bản Trung Quốc tiểu thuyết sử lược do Trùng Khánh tác gia thư ốc ấn hành năm 1943 trong thời gian kháng chiến chống Nhật.
Trung Quốc tiểu thuyết sử lược gồm 28 chương, miêu thuật diễn trình văn xuôi tự sự Trung Quốc từ ngọn nguồn thần thoại truyền thuyết thượng cổ qua chí nhân chí quái Lục Triều, Đường truyền kì cho đến tiểu thuyết chương hồi Minh Thanh. Riêng phần phụ lục Trung Quốc tiểu thuyết đích lịch sử đích biến thiên là bài giảng trong đợt lên dạy ở Diên An tháng 7/1924.[4] Trên thực tế bài giảng này chưa từng in trong bất cứ sách nào mà Lỗ Tấn cho xuất bản lúc sinh thời. Ngay cả trong Toàn tập Lỗ Tấn xuất bản ở Thượng Hải ngay sau lúc ông mất cũng chưa có công trình này. Mãi đến năm 1957, số đầu tiên của tạp chí Thu hoạch xuất bản tại Thượng Hải mới giới thiệu với đông đảo độc giả toàn văn Trung Quốc tiểu thuyết đích lịch sử đích biến thiên. Ngày nay công trình này đã trở thành phụ lục thứ nhất của sách Trung Quốc tiểu thuyết sử lược, trong lúc phần Hán văn học sử cương thì được đưa vào làm phụ lục thứ hai. Trung Quốc tiểu thuyết đích lịch sử đích biến thiên gồm sáu bài giảng sắp xếp theo trình tự như sau:
Bài giảng I: Từ thần thoại đến truyện thần tiên
Bài giảng II: Chí quái và chí nhân thời Lục Triều
Bài giảng III: Truyền kì đời Đường
Bài giảng IV: Thuyết thoại đời Tống và ảnh hưởng của nó
Bài giảng V: Hai trào lưu chính của tiểu thuyết đời Minh
Bài giảng VI: Bốn dòng phái trong tiểu thuyết đời Thanh