24/05/2018, 21:30

Tiến bộ khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Khái niệm và đặc điểm Những khái niệm: - Lịch sử xã hội loài người đã trải qua những giai đoạn phát triển khác nhau từ thời kỳ mông muội, thời kỳ đồ đá, thời kỳ đồ đồng... cho đến thời kỳ ...

Khái niệm và đặc điểm

Những khái niệm:

- Lịch sử xã hội loài người đã trải qua những giai đoạn phát triển khác nhau từ thời kỳ mông muội, thời kỳ đồ đá, thời kỳ đồ đồng... cho đến thời kỳ của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật hiện đại ngày nay. Để đạt được những "nấc thang" tiến bộ trong quá trình phát triển như trên, con người từ chỗ lệ thuộc vào tự nhiên, đến chỗ vươn lên nhận thức qui luật khách quan của tự nhiên, tiến tới chinh phục tự nhiên đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của mình. Như vậy, khoa học theo nghĩa chung nhất là hệ thống những kiến thức, hiểu biết của con người về qui luật vận động và phát triển khách quan của tự nhiên, xã hội và tư duy. Công nghệ theo nghĩa chung nhất là tập hợp những hiểu biết về các phương thức và phương pháp hướng vào cải tạo tự nhiên, phục vụ các nhu cầu con người. Ngày nay thuật ngữ "công nghệ" được sử dụng rất phổ biến trong các lĩnh vực sản xuất khác nhau. Ví dụ: Công nghệ hoá dầu, công nghệ đóng tàu, công nghệ chăn nuôi, công nghệ gen, công nghệ sinh học... Như vậy, khái niệm "công nghệ" cũng là tập hợp những hiểu biết của con người, nhưng không phải là những hiểu biết hay nhận thức sự vật khách quan nói chung, mà là những hiểu biết đã được chuyển hoá thành phương thức và phương pháp sản xuất, những hiểu biết đã được "vật chất hoá" trong công cụ lao động, đối tượng lao động, trong qui trình công nghệ hoặc kết tinh lại thành kỹ năng, kỹ xảo hay cách thức kết hợp các yếu tố đầu vào sao cho có hiệu quả nhất của người lao động trong hoạt động sản xuất.

Cũng có sự phân biệt giữa hai khái niệm kỹ thuật và công nghệ. Kỹ thuật thường được hiểu là một tập hợp các máy móc, thiết bị cũng như hệ thống các phương tiện được dùng để sản xuất hay phục vụ các nhu cầu khác của xã hội. Như vậy khi nói đến kỹ thuật người ta thường nghĩ ngay đến yếu tố quan trọng nhất là máy móc thiết bị, tức là các công cụ lao động. Tuỳ theo việc công cụ lao động được sử dụng là thủ công hay cơ khí mà người ta gọi đó là nền sản xuất có kỹ thuật thủ công hay kỹ thuật cơ giới. Giữa kỹ thuật và công nghệ có mối liên quan mật thiết với nhau. Sáng tạo ra một công nghệ mới thường kéo theo sự đổi mới kỹ thuật, đòi hỏi những phương tiện kỹ thuật mới để thực hiện nó. Ngược lại, sự đổi mới kỹ thuật thường được tạo ra bởi những công nghệ mới và đến lượt nó kỹ thuật mới thúc đẩy việc hoàn thiện hơn và khẳng định công nghệ mới.

- Xét từ góc độ nghiên cứu công nghệ nhằm phục vụ việc quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ và thúc đẩy toàn diện các hoạt động công nghệ, người ta phân biệt hai phần khác nhau là “phần cứng” và “phần mềm” của công nghệ như sau:

+ Phần cứng của công nghệ hay phần kỹ thuật của công nghệ bao gồm những máy móc, thiết bị, công cụ, nguyên nhiên vật liệu... Phần này còn gọi là những yếu tố vật chất hay phương tiện vật chất của công nghệ. Những phương tiện vật chất này có trình độ kỹ thuật càng hiện đại thì trình độ kỹ thuật của công nghệ sản xuất càng cao.

+ Phần mềm của công nghệ. Phần này gồm ba bộ phận cấu thành:

Một là, yếu tố con người trong đó có kỹ năng, kinh nghiệm, tính sáng tạo, truyền thống, đạo đức kinh doanh, năng lực quản lý.... Với trình độ công nghệ cao thì đòi hỏi phải có những con người có năng lực và trình độ tương ứng để vận hành và sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện có.

Hai là, các tài liệu công nghệ gồm các thiết kế, các định mức, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, các hướng dẫn nghiệp vụ hay kỹ thuật vận hành, các bí quyết... Phần này còn gọi là phần thông tin của công nghệ chứa đựng những vấn đề đã được tồn trữ và tư liệu hoá.

Ba là, yếu tố thể chế hay phần tổ chức của công nghệ bao gồm việc xây dựng, hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch và tổ chức động viên, thúc đẩy, kiểm soát hoạt động, xây dựng và thực hiện chính sách khuyến khích...

Sau khi thống nhất cách hiểu khái niệm khoa học và công nghệ như đã trình bày ở trên, phân tích lịch sử phát triển của khoa học và công nghệ, ta thấy có một số điểm quan trọng đáng chú ý sau đây:

Thứ nhất, khoa học và công nghệ có mối quan hệ tác động qua lại biện chứng và trong thời đại ngày nay khoa học kỹ thuật và công nghệ gắn kết chặt chẽ với nhau.

Thứ hai, các yếu tố hợp thành của công nghệ gồm: Vật chất - kỹ thuật, con người, thông tin và yếu tố thể chế, như đã trình bày ở trên có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau trong quá trình thực hiện những tiến bộ khoa học - công nghệ. Đối với một công nghệ bất kỳ thì phần kỹ thuật là phần cốt lõi. Tuy nhiên, kỹ thuật tự bản thân nó không hoạt động được. Vì vậy cùng với việc nâng cao trình độ của phần kỹ thuật, cần phải thay đổi tương ứng trình độ của phần thông tin và phần con người. Nếu đội ngũ nhân lực được cung cấp đầy đủ thông tin, kỹ thuật cần thiết, tổ chức tốt sẽ làm cho phần kỹ thuật có khả năng sử dụng cao và có hiệu quả hơn. Phần thể chế là yếu tố điều hoà, phối hợp các yếu tố còn lại làm cho một tiến bộ khoa học công nghệ có thể được khẳng định trên thực tế hoạt động sản xuất.

Thứ ba, đối với mỗi tiến bộ khoa học - công nghệ trong lĩnh vực sản xuất của bất kỳ ngành kinh tế nào cũng đều có quá trình phát sinh, phát triển, lạc hậu và cuối cùng bị thay thế bằng một tiến bộ khoa học - công nghệ mới hơn. Người ta nói tiến bộ khoa học - công nghệ có vòng đời của nó.

Thứ tư, việc triển khai một tiến bộ khoa học - công nghệ mới trong nền kinh tế nói chung và trong nông nghiệp nông thôn nói riêng, bao giờ cũng tạo nên những tác động nhất định lên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy việc hoạch định và thực thi những chính sách hạn chế tác động tiêu cực có ý nghĩa rất to lớn.

Đặc điểm tiến bộ khoa học - công nghệ trong nông nghiệp.

Các tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp phải dựa vào những tiến bộ về sinh vật học và sinh thái học, lấy công nghệ sinh học và sinh thái học làm trung tâm. Các tiến bộ khoa học công nghệ khác như thuỷ lợi hoá, cơ giới hóa, điện khí hoá, hoá học hoá, cải tạo đất v.v... phải đáp ứng yêu cầu của tiến bộ khoa học - công nghệ sinh học và sinh thái học.

Mối quan hệ sinh vật, sinh thái trong sản xuất nông nghiệp đòi hỏi các tiến bộ khoa học - công nghệ khác hướng sự phát triển của mình vào việc cải tiến bản thân sinh vật (các cây trồng vật nuôi) và cải tiến môi trường sống của sinh vật. Việc nghiên cứu để tạo ra giống mới trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời lại đòi hỏi việc nghiên cứu để tạo ra một loạt các yếu tố đồng bộ khác. Cứ như vậy, tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp ngày càng phát triển theo chiều rộng và chiều sâu.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp ngày nay đang phải đối mặt với tính khan hiếm của các yếu tố nguồn lực. Như vậy, những công nghệ mới trong trồng trọt và chăn nuôi không những phải nhằm hướng nâng cao sức sống bên trong của cây trồng, vật nuôi, sử dụng với hiệu quả cao nhất nguồn tài nguyên đất đai sinh thái hiện có, mà còn phải góp phần giữ gìn, tái tạo các nguồn tài nguyên đó để đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững trong tương lai.

Việc nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp mang tính vùng, tính địa phương cao.

Do có sự khác biệt về loại đất, địa hình, thời tiết khí hậu v.v... Sự khác biệt giữa các vùng nông nghiệp nông thôn đòi hỏi phải khảo nghiệm, phải địa phương hoá các tiến bộ khoa học công nghệ trước khi triển khai áp dụng đại trà.

Tính đa dạng của các loại hình công nghệ trong nông nghiệp.

Xét mối quan hệ tiến bộ khoa học - công nghệ với sản phẩm, có hai loại hình công nghệ. Một loại gọi là công nghệ thâm canh nhằm nâng cao năng suất sinh vật và năng suất kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích. Loại thứ hai gọi là công nghệ cơ giới và tự động hoá, chủ yếu nhằm nâng cao năng suất việc làm, tiết kiệm thời gian lao động trong mỗi khâu công việc, giảm bớt hao phí lao động sống. Lựa chọn sự kết hợp hai loại công nghệ nói trên như thế nào là tuỳ thuộc mỗi giai đoạn phát triển của ngành nông nghiệp ở từng vùng khác nhau để đáp ứng nhu cầu xã hội; nhu cầu rút bớt lao động nông nghiệp để phát triển các ngành dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp ở nông thôn; vấn đề giải quyết việc làm và thu nhập v.v...

Tính đồng bộ cân đối trong phát triển tiến bộ khoa học - công nghệ nông nghiệp.

Xét trên khía cạnh vật chất - kỹ thuật, một tiến bộ khoa học công nghệ bất kỳ trong nông nghiệp đều được biểu hiện ra ở sự phát triển về công cụ lao động, đối tượng lao động và sự phát triển kỹ thuật, kỹ năng của ngay chính bản thân người lao động. Nói cách khác, sự phát triển từng mặt, từng bộ phận của lực lượng sản xuất là sự biểu hiện có tính vật chất kỹ thuật của tiến bộ khoa học - công nghệ nông nghiệp. Nếu như từng tiến bộ khoa học - công nghệ riêng lẻ chỉ tác động đến sự phát triển từng mặt, từng yếu tố của lực lượng sản xuất, thì ngược lại sự phát triển của ngành nông nghiệp lại dựa trên sự phát triển đồng bộ của các yếu tố cấu thành cơ sở vật chất kỹ thuật của bản thân nông nghiệp. Điều này có nghĩa là cần có sự vận dụng tổng hợp các tiến bộ khoa học công nghệ riêng lẻ để đảm bảo sự phát triển ổn định và vững chắc của nông nghiệp.

Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn phát triển, do kết quả tác động khác nhau của các tiến bộ khoa học - công nghệ riêng lẻ vào sự phát triển từng yếu tố của lực lượng sản xuất làm cho tổng thể cơ sở vật chất kỹ thuật của nông nghiệp lộ ra những bộ phận lạc hậu, yếu kém hơn. Khắc phục những bộ phận lạc hậu yếu kém này chính là nhiệm vụ trọng tâm trong một giai đoạn nhất định của việc nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ.

Nội dung tiến bộ khoa học - công nghệ trong nông nghiệp.

Tiến bộ khoa học - công nghệ nông nghiệp có nội dung rộng lớn liên quan tới sự phát triển của tất cả các yếu tố, bộ phận cấu thành lực lượng sản xuất của ngành này. Sau đây là một số nội dung chủ yếu:

Thuỷ lợi hoá nông nghiệp.

. Khái niệm:

- Thủy lợi hoá là quá trình thực hiện tổng hợp thể các biện pháp khai thác sử dụng và bảo vệ các nguồn nước trên mặt đất và dưới mặt đất cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt ở nông thôn, đồng thời hạn chế các tác hại của nước gây ra cho sản xuất và đời sống.

- Thuỷ lợi hoá là tiến bộ khoa học - công nghệ liên quan đến nước của sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn. Yếu tố nước thường gắn liền với đất đai, sông biển, thời tiết khí hậu v.v... Vì vậy thuỷ lợi hoá có nội dung rộng lớn với những phạm vi khác nhau trên một vùng, một quốc gia, thậm chí có vấn đề mang tính khu vực và quốc tế.

- Thuỷ lợi hoá là tiến bộ khoa học - công nghệ nhằm cải tạo và chinh phục thiên nhiên, trên cơ sở nhận thức các qui luật của tự nhiên, trước hết là các qui luật về nước, thời tiết khí hậu, dòng chảy của sông, suối v.v... luôn có diễn biến phức tạp, vì vậy thuỷ lợi hoá là quá trình lâu dài và phức tạp.

Nội dung:

Trị thuỷ các dòng sông lớn.

Trị thuỷ các dòng sông lớn là nội dung trọng yếu của thuỷ lợi hoá, có ý nghĩa quyết định tới việc sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước và chinh phục thuỷ tai. Tuỳ theo đặc điểm hình thành của các con sông, qui luật hoạt động dòng chảy mà việc trị thuỷ các dòng sông mang tính chất vùng, quốc gia hay quốc tế.

Để thực hiện trị thuỷ các dòng sông có hiệu quả, đặc biệt là các dòng sông lớn ở nước ta như sông Hồng và sông Mê kông, trên cơ sở khảo sát, qui hoạch, cần chú ý một số vấn đề chủ yếu sau đây:

+ Xây dựng các hồ chứa nước, các đập dâng và kênh lái dòng, xây dựng các hồ chứa nước có tác dụng cơ bản là điều hoà tài nguyên nước và lợi dụng tổng hợp như nuôi cá, làm thuỷ điện nhỏ. các đập dâng và kênh lái dòng có tác dụng phân thuỷ vào mùa mưa lũ.

+ Nạo vét các dòng sông ở hạ lưu và khai thông dòng chảy để giải phóng lũ.

+ Trồng rừng đầu nguồn. Trồng và bảo vệ rừng ngập mặn ở ven biển.

+ Củng cố và xây dựng thêm hệ thống đê sông, đê biển ở những nơi cần thiết. ở những khúc đê sông yếu, xét thấy cần thiết phải có kế hoạch phân lũ, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh thích hợp với vùng phân lũ.

+ Tăng cường hiệp tác quốc tế toàn diện trong việc trị thuỷ các dòng sông.

Công tác thủy nông.

Công tác thuỷ nông có nội dung chủ yếu là tưới và tiêu nước. Trong các ngành kinh tế quốc dân, nông nghiệp là ngành sử dụng nhiều nước nhất bằng biện pháp tưới. Theo tài liệu của Viện Khoa học và kinh tế thuỷ lợi, tính đến năm 1992 cả nước có 5,63 tr.ha canh tác, trong đó được tưới tiêu là 2,037 tr.ha. Bình quân hàng năm đã sử dụng 49,3 tỉ m3 nước, trong đó mùa khô 30 tỉ m3. Dự kiến đến năm 2010 đưa diện tích canh tác được tưới lên 3,40 tr.ha (tương ứng diện tích gieo trồng được tưới là 8,0 tr.ha) sẽ nâng tổng lượng nước tưới tiêu lên 72,0 tỉ m3/năm, trong đó riêng mùa khô 44,0 tỉ m3. Tổng trữ lượng nước mùa khô các sông ở nước ta là 128 tỉ m3/vụ, như vậy đòi hỏi phải xây dựng nhiều công trình hồ chứa để tiếp ngưồn nước cho các con sông và bổ sung nước cho đập dâng như Liễu Sơn, Bái Thượng, Nam Thạch Hãn và các trạm bơm ở hạ lưu. Các hệ thống tiêu hiện tại không chỉ phục vụ trồng trọt mà tiêu thoát cho toàn lưu vực phục vụ dân sinh, kinh tế, xã hội, quốc phòng. Đến năm 1992 diện tích lưu vực vùng hệ thống tiêu là 2,138 tr.ha, trong đó ở Miền Bắc là dạng tiêu riêng biệt diện tích là 1,003 tr.ha, còn ở Miền Nam là hệ thống tiêu tự nhiên và tưới kết hợp với diện tích lưu vực là 1,135 tr.d. Dự kiến đến năm 2010 nâng lưu vực vùng hệ thống tiêu thoát lên 2,9 tr.ha. Như vậy trong tương lai, ngành thuỷ nông đang ở giai đoạn phát triển cả về số lượng và chất lượng phục vụ.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển như trên, đòi hỏi phải xâydựng hệ thống công trình hoàn chỉnh, đồng bộ, hợp lý và sử dụng tối đa công suất thiết kế. Hệ thống công trình tưới tiêu hoàn chỉnh là hệ thống bao gồm công trình lợi lớn, lợi vừa và loại nhỏ gắn liền hữu cơ với nhau, trong mỗi công trình đều có đầy đủ các bộ phận cần thiết để có thể đưa nước thông suốt từ đầu nguồn tới chân ruộng và nhanh chóng tháo nước ra khỏi ruộng khi cần thiết. Công tác thuỷ nông cần chú ý những vấn đề kinh tế và quản lý chủ yếu sau đây:

Tổ chức quản lý công trình thuỷ nông:

Hiện nay trong một lưu vực nước hoặc vùng lãnh thổ, các công trình tưới, tiêu nước loại nhỏ, vừa, lớn thường phát triển riêng biệt theo khả năng đầu tư của nền kinh tế và nhu cầu của các ngành, vì vậy hình thành các tổ chức quản lý riêng rẽ, tách biệt gây nên những hiện tượng trùng lặp, mâu thuẫn trong đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình. Để việc phát triển đầu tư và khai thác thuỷ lợi có hiệu quả trên thực tế có ba hướng tổ chức quản lý các hệ thống công trình thuỷ nông như sau:

- Quản lý theo tuyến công trình (quản lý theo ngành). Đây là phương thức quản lý được áp dụng từ thời bao cấp ở nước ta. Hệ thống các công trình thuỷ lợi được phân chia thành hệ thống công trình đầu mối, cấp I, cấp II và cấp III được tổ chức quản lý chặt chẽ với sự bao cấp của nhà nước. Quản lý theo tuyến đối với các công trình thuỷ lợi tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý kinh tế và kỹ thuật thuỷ lợi, song có hạn chế cơ bản là không gắn kết được với quản lý của các cấp chính quyền địa phương.

- Quản lý theo lưu vực nước (quản lý theo lãnh thổ) . Lưu vực nước hay còn gọi là khu vực thuỷ lợi, là vùng lãnh thổ có quan hệ về nguồn nước, khai thác sử dụng, tiêu thoát hay thải nước cũng như các biện pháp bảo vệ môi trường nước. Phương thức này thường được áp dụng trong quản lý sử dụng các dòng sông, quản lý các công trình lớn như công trình Bắc Hưng Hải, công trình thoát lũ biển Tây…

- Kết hợp quản lý theo ngành và theo lãnh thổ. ở mỗi lưu vực nước hay khu vực thuỷ lợi thường có các hệ thống thuỷ lợi lớn, vừa và nhỏ đan xen nhau. Việc xây dựng, tu bổ, quản lý khai thác sử dụng các công trình cần theo nguyên tắc: Công trình trong phạm vi xã do xã phụ trách; Công trình trong phạm vi liên xã do huyện phụ trách; Công trình liên huyện do tỉnh phụ trách; Công trình liên tỉnh do Trung ương phụ trách. Như vậy hình thành các đơn vị quản lý trực thuộc các cấp, tạo thành mối quan hệ về kinh tế và hành chính theo từng cấp có mối quan hệ với nhau.

Nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình thuỷ nông:

Đầu tư thuỷ nông của Nhà nước :

*Hướng đầu tư thuỷ nông của Nhà nước bao gồm: Đầu tư xây dựng, phát triển các hệ thống thuỷ nông mới; Đầu tư khôi phục, sửa chữa lớn các hệ thống thuỷ nông đang vận hành đã hết hạn sử dụng; Đầu tư ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới; Trợ giá dịch vụ thuỷ nông trong các trường hợp thiên tai, tiêu thoát nước phi canh tác; Trợ cấp vốn đầu tư phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng xã và HTX.

* Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào thuỷ nông bao gồm vốn ngân sách, vốn nước ngoài, vốn do Nhà nước huy động dưới dạng quỹ, tín phiếu, trái phiếu, cồ phần theo từng dự án hay công trình cụ thể. Tuỳ điều kiện cụ thể mà Nhà nước đầu tư vốn cho các công trình thuỷ lợi theo các hình thức chủ yếu sau đây:

+ Đầu tư và tự tổ chức doanh nghiệp để làm dịch vụ theo chính sách kinh tế tài chính hiện hành.

+ Đầu tư ban đầu một phần rồi giao cho doanh nghiệp quản trị đầu tư làm dịch vụ, tự hạch toán.

+ Cho doanh nghiệp, tư nhân vay vốn với lãi suất ưu dãi, thời gian dài để đầu tư làm dịch vụ thuỷ nông.

+ Trợ cấp đầu tư ban đầu một phần cho doanh nghiệp, không hoàn lại vốn.

+ Bảo tín cho các doanh nghiệp vay vốn nước ngoài để làm thuỷ lợi.

- Đầu tư thuỷ nông của xă hay hợp tác xă:

*Hướng đầu tư: Đối với thuỷ lợi nhỏ, nội đồng do xã hoặc HTX nông nghiệp đảm nhiệm. ở nơi nào chưa có HTX kiểu mới, UBND xã thành lập tổ thuỷ nông đảm nhiệm việc huy động vốn, nhân lực theo chính sách Nhà nước và qui chế địa phương để đầu tư vào thuỷ lợi. ở nơi nào có HTX thì sẽ do các HTX đảm nhiệm.

*Nguồn đầu tư cho thuỷ lợi nội đồng gồm:

+ Trợ cấp đầu tư phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng từ ngân sách cấp trên. Ngân sách xã trực tiếp đầu tư phát triển thuỷ lợi nội đồng.

+ Huy động ngày công lao động nghĩa vụ công ích đối với lao động trong tuổi tham gia xây dựng, tu bổ hệ thống kênh mương nội đồng.

+ Các đóng góp khác, các khoản trợ giúp khác.

Các hình thức tổ chức sử dụng, khai thác hệ thống thuỷ nông.

- Các hình thức tổ chức quản lý sử dụng hệ thống thuỷ nông của Nhà nước bao gồm: Doanh nghiệp khai thác thuỷ lợi (theo hình thức công ty), xí nghiệp hoặc Ban quản lý thuỷ nông.

Hoạt động dịch vụ thuỷ lợi của các công ty, doanh nghiệp khai thác thuỷ nông có thể có các mô hình chủ yếu sau:

+ Hạch toán chưa đầy đủ, theo dạng cân đối thu chi hàng năm, Nhà nước cấp bù kinh phí chi theo dự toán các hạng mục kinh phí được cấp bù. Mô hình này được áp dụng cho hầu hết các đơn vị quản lý khai thác thuỷ lợi vừa và nhỏ.

+ Sự nghiệp dịch vụ thuỷ lợi có thu nhưng số thu nhỏ chỉ 10-20% số cần chi. Hàng năm doanh nghiệp lập tổng dự toán chi phí và dự kiến phần thu, cuối năm quyết toán dựa vào số thực chi và thực thu.

Hoạt động của các ban quản lý hoặc một số xí nghiệp thuỷ lợi khác theo các mô hình:

+ Sự nghiệp dịch vụ có thu nhưng nguồn thu chủ yếu là các sản phẩm phụ và số thu nhỏ, còn sản phẩm chính thì hàng năm lập dự toán chi phí trình cấp thẩm quyền duyệt cấp vốn ngân sách.

+ Sự nghiệp dịch vụ thuỷ nông: Đơn vị không có nguồn thu trực tiếp, mọi chi phí hàng năm đều do ngân sách cấp theo dự toán chi phí và do cấp thẩm quyền duyệt. Mô hình này áp dụng trong trường hợp thực hiện chính sách không thu thuỷ lợi phí đối với nông nghiệp hoặc thu nhưng bằng phương thức gián tiếp qua thuế nông nghiệp, thuế xuất khẩu hoặc hình thức quĩ.

- Các hình thức quản lý sử dụng hệ thống thuỷ nông của tập thể và tư nhân, thường gắn với mục tiêu kinh doanh, có thể có các dạng chủ yếu sau:

+ Các HTX dịch vụ thuỷ nông hay HTX nông nghiệp làm chức năng dịch vụ, các tổ hợp tác đường nước v.v...

+ Các công ty cổ phần: Hiện nay nước ta chưa có dạng này nhưng trong quá trình cổ phần hoá sẽ hình thành nhờ việc cổ phần hoá các hệ thống thuỷ nông vừa và nhỏ hiện nay Nhà nước vẫn đang quản lý sử dụng.

Bảo vệ nguồn tài nguyên nước.

Tài nguyên nước phân bổ khắp nơi, gồm nước mặt đất và nước ngầm. Nguồn nước dễ bị hoà tan các hoá chất, rác thải, mầu, mùi vị trở nên ô nhiễm, nhất là nguồn nước mặt do chịu ảnh hưởng của các hoạt động của người và động vật. Công tác bảo vệ tài nguyên nước bao gồm hai nội dung chính sau đây:

Phòng chống kạn kiệt nguồn nước.

Ngoài các nguyên nhân khách quan do thay đổi môi trường tự nhiên, khí hậu; các nguyên nhân làm kạn kiệt nguồn nước do con người gây nên chủ yếu là khai thác rừng bừa bãi, tạo nên đất trống đồi trọc làm giảm lượng nước trữ ở tầng đất, khi mưa tạo thành dòng chảy lũ lớn, làm giảm nước trong mùa kiệt. Các biện pháp chủ yếu là:

+ Trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, nhất là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ.

+ Định canh định cư đối với đồng bào dân tộc vùng cao.

+ Khai thác cây rừng hợp lý, vừa khai thác vừa trồng rừng tạo lớp phủ chống xói mòn.

+ Xây dựng các công trình hồ chứa để điều tiết lại nguồn nước, tăng lượng nước trong mùa khô và chống lũ trong mùa mưa.

Phòng chống ô nhiễm nguồn nước.

Các biện pháp chủ yếu để phòng chống ô nhiễm nguồn nước bao gồm:

+ Giữ vệ sinh môi trường, dọn rác thải, làm giảm các yếu tố gây ô nhiễm nguồn nước.

+ Xây dựng, phát triển các công trình xử lý chất thải và nước thải của các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư. Trong phát triển các nhà máy mới cần coi xử lý chất thải là yêu cầu bắt buốc trong khi duyệt Luận chứng kinh tế kỹ thuật, đặc biệt là các nhà máy thuộc các ngành như hoá chất, phân bón v.v...

+ Quản lý và bảo vệ môi trường biển.

+ Xây dựng và thực hiện chương trình quốc gia bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường nước.

+ Tham gia các chương trình hợp tác quốc tế về chinh phục nguồn nước, cải tạo và bảo vệ môi trường nước.

Cơ giới hoá nông nghiệp.

Khái niệm:

Cơ giới hoá nông nghiệp là quá trình thay thế công cụ thủ công thô sơ bằng công cụ lao động cơ giới; thay thế động lực sức người và gia súc bằng động lực của máy móc; Thay thế phương pháp sản xuất thủ công lạc hậu bằng phương pháp sản xuất với kỹ nghệ cao.

Cơ giới hoá nông nghiệp dựa trên cơ sở nền công nghiệp cơ khí phát triển, có khả năng nghiên cứu, chế tạo ra các máy động lực và máy công tác để thực hiện các khâu công việc canh tác phù hợp với yêu cầu sinh trưởng phát triển của cây trồng, vật nuôi và phù hợp với hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp.

- Nội dung cơ giới hoá nông nghiệp bao gồm cơ giới hoá bộ phận (cơ giới hoá từng khâu riêng lẻ) tiến lên cơ giới hoá tổng hợp và tự động hoá sản xuất.

Cơ giới hoá bộ phận trước hết và chủ yếu thường được thực hiện ở những khâu công việc nặng nhọc, tốn nhiều lao động thủ công hay thời vụ căng thẳng và dễ dàng thực hiện như khâu làm đất, vận chuyển, chế biến thức ăn gia súc v.v.... Nét đặc trưng của giai đoạn này là việc áp dụng các chiếc máy riêng lẻ của các nông hộ và trang trại khá giả. Thời kỳ này, sau khi hoàn thành nhiệm vụ sản xuất cho mình, họ còn đi làm thuê cho các hộ và trang trại khác trên địa bàn lân cận.

Cơ giới hoá tổng hợp là việc sử dụng liên tiếp các hệ thống máy ở tất cả các giai đoạn của quá trình sản xuất trồng trọt hay chăn nuôi kể từ lúc bắt đầu đến lúc ra sản phẩm. Nét đặc trưng của giai đoạn này là sự ra đời của các hệ thống máy nông nghiệp, có tác dụng hỗ trợ, bổ sung cho nhau để hoàn thành liên tiếp tất cả các khâu công việc của quá trình sản xuất .

Tự động hoá là giai đoạn phát triển cao hơn của cơ giới hoá tổng hợp, gắn liền với cách thức khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, các phương tiện điều khiển tự động để hoàn thành mọi khâu liên tiếp của quá trình sản xuất từ khi chuẩn bị đến lúc kết thúc cho sản phẩm. Nét đặc trưng của giai đoạn này là loại trừ lao động chân tay và một phần lao động trí óc. Sự tham gia của con người chỉ với vai trò giám đốc, kiểm tra, điều chỉnh để quá trình sản xuất diễn ra theo một kế hoạch đã định trước.

Những vấn đề kinh tế - kỹ thuật cần chú ý khi thực hiện cơ giới hoá nông nghiệp.

Những điều kiện khách quan thực hiện cơ giới hoá nông nghiệp Việt Nam.

- Điều kiện trước hết để tiến hành cơ giới hoá nông nghiệp là phải có nền công nghiệp phát triển có khả năng chế tạo máy kéo và máy móc nông nghiệp, sản xuất các phụ tùng thay thế và công nghiệp sủa chữa phát triển. Trong điều kiện ngày nay khi hợp tác quốc tế đã phát triển chưa nhất thiết phải có công nghiệp chế tạo máy kéo và máy móc phát triển. Song do môi trường hoạt động của máy móc nông nghiệp xấu, để thực hiện cơ giới hoá nông nghiệp có hiệu quả nhất thiết phải phát triển công nghiệp sản xuất phụ tùng thay thế và công nghiệp sửa chữa.

Từ một nền kinh tế có trình độ còn tương đối thấp so với các nước trong khu vực, chúng ta tiến hành cơ giới hoá trong đIều kiện công nghiệp nặng chưa phát triển, chúng ta chưa tự nghiên cứu chế tạo được hàng loạt máy móc cho nông nghiệp. Hiện nay ngành cơ khí mới chỉ sản xuất ra được những chiếc máy loại nhỏ, nhưng chưa chế tạo được phần động cơ, phần lớn là lắp ráp. Công nghiệp nước ta chưa đáp ứng nhu cầu sửa chữa và sản xuất phụ tùng thay thế cho máy móc nông nghiệp loại vừa và loại lớn. Vì vậy, hiệu quả cơ giới hoá nông nghiệp đem lại chưa cao. Cơ giới hoá nông nghiệp gần đây sử dụng các loại máy móc nhỏ được sản xuất trong nước và nhập ngoại.

- Điều kiện tiếp nhận cơ giới hoá nông nghiệp. Người tiếp nhận cơ giới hoá nông nghiệp là các trang trại, các hộ gia đình nông dân tự chủ. Phần lớn trong số họ hiện nay đang gặp nhiều khó khăn để tiếp nhận cơ giới hoá như: Năng lực tự tích luỹ về vốn thấp; chưa có tri thức, kỹ năng về máy móc cơ khí (như sử dụng, bảo dưỡng, vận hành...), sản xuất còn nhỏ và phân tán, nhất là ruộng đất bị phân chia manh mún. Kích thước các thửa đất không phù hợp với hoạt đọng của máy móc, nhất là loại máy quá lớn. Những vấn đề trên đều là những chướng ngại đối với việc tiếp thu và trang bị cơ giới hoá cho các hộ và trang trại.

Lao động nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng khá cao. Lực lượng lao động này khi được giải phóng khỏi nông nghiệp nhờ cơ giới hoá có thể gây nên tình trạng thất nghiệp ở nông thôn. Như vậy, sự phân công lao động chưa phát triển, việc đưa máy móc vào sản xuất sẽ giải phóng sức lao động, nếu chưa tạo ra sự phân công lại lao động hợp lý, lao động dư thừa không được các ngành khác thu hút sẽ gây ra sự lãng phí lớn cho nông nghiệp và nền kinh tế quốc dân.

- Điều kiện hoạt động của máy móc phải thuận lợi. ở nước ta điều kiện này không giống nhau ở các ngành (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp), giữa các vùng nông thôn, làm cho việc thực hiện cơ giới hoá nông nghiệp có sự khác nhau giữa các ngành sản xuất và giữa các vùng. Những ngành sản xuất, vùng sản xuất thuận lợi sẽ có khả năng tiếp thu cơ giới hoá nhanh và hiệu quả hơn và ngược lại.

Xuất phát từ những điều kiện khách quan trong nước như trên, phương châm và bước đi thực hiện cơ giới hoá nông nghiệp nước ta là: Phải kết hợp một cách phổ biến các công cụ thô sơ, công cụ cải tiến với công cụ nửa cơ khí và công cụ cơ khí hiện đại, lấy công cụ hiện đại làm phương hướng chính để tiến lên; kết hợp lao động thủ công với lao động nửa cơ khí và cơ khí, lấy lao động cơ khí làm phương hướng chính. Trong những trường hợp nhất định, có thể đi thẳng vào cơ khí hiện đại ở những khâu quan trọng và những nơi có điều kiện như các khâu làm đất, thuỷ lợi, khai hoang, vận chuyển, chế biến ... đặc biệt ở những vùng chuyên canh lớn hoặc vùng chuyên môn hoá sản xuất xuất khẩu. Theo phương châm nói trên, các bước đi thực hiện cơ giới hoá sẽ kết hợp tuần tự với nhảy vọt. Sự tồn tại đan xen các loại trình độ kỹ thuật khác nhau trong từng khâu công việc, trong các khâu canh tác của quá trình sản xuất, trong từng ngành kinh tế kỹ thuật và trong từng vùng sinh thái là biểu hiện cụ thể của phương châm và bước đi thực hiện cơ giới hoá nông nghiệp ở nước ta.

Những đặc điểm kinh tế - kỹ thuật và những vấn đề kinh tế đặt ra cần chú ý.

Để thực hiện có hiệu quả phương châm và bước đi của cơ giới hoá nông nghiệp như trình bày ở trên cần chú ý những vấn đề kinh tế - kỹ thuật chủ yếu sau đây:

- Ngành cơ khí phải từng bước thực hiện việc sản xuất và trang bị đủ công cụ thường và công cụ cải tiến cho nông nghiệp. Trong điều kiện lao động thủ công là chủ yếu thì số lượng và chất lượng của công cụ cầm tay, công cụ cải tiến có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao năng suất của lao động nông nghiệp. Thực hiện nhiệm vụ này cần coi trọng vai trò của ngành thủ công nghiệp chế tạo và sửa chữa công cụ trong nông thôn.

- Việc trang bị các máy móc, công cụ hiện đại phải đảm bảo tính đồng bộ và cân đối. Tính đồng bộ và cân đối này thể hiện ở các khía cạnh: Giữa máy động lực và máy công tác; giữa trang bị với sửa chữa và cung cấp phụ tùng thay thế; giữa trang bị máy móc và hướng dẫn kỹ thuật vận hành.v..v...

- Nâng cao hiệu quả sử dụng máy móc, công cụ. Phương hướng cơ bản là trang bị và sử dụng máy móc công cụ vạn năng, sử dụng vào nhiều khâu canh tác; trang bị hệ thống máy công cụ đồng bộ đi kèm máy động lực v.v... Tăng cường khâu bảo quản, duy tu máy móc thiết bị.

- Đi đôi với quá trình thực hiện cơ giới hoá, cần thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phân công lại lao động nông thôn theo hướng tiến bộ.

- Tạo ra những điển hình tiên tiến về cơ giới hoá nông nghiệp ở những ngành trọng điểm, những vùng trọng điểm. Quá trình thực hiện cần được tổng kết rút bài học kinh nghiệm để nhân lên diện rộng.

Điện khí hoá nông nghiệp nông thôn.

Khái niệm:

Trong quá trình phát triển, nông nghiệp sử dụng ngày càng nhiều các nguồn năng lượng khác nhau. Điện khí hoá là một tiến bộ khoa học công nghệ trong việc sử dụng nguồn điện năng vào các hoạt động sản xuất và phục vụ đời sống nông thôn. Điều kiện để thực hiện điện khí hoá nông nghiệp nông thôn là hình thành được mạng lưới điện quốc gia thông suốt từ nơi phát điện đến tận các cơ sở sử dụng điện là các hộ gia đình, các trang trại trồng trọt, chăn nuôi v.v... ở mọi vùng nông thôn. Như vậy, thực hiện điện khí hoá nông nghiệp nông thôn là một quá trình rất lâu dài.

Trong nông nghiệp, nông thôn việc sử dụng nguồn năng lượng điện chủ yếu theo các hướng sau đây:

- Năng lượng điện là cơ sở của việc cơ khí hoá lao động ở một số khâu sản xuất nông nghiệp như thuỷ lợi, chế biến, chăn nuôi ... Điện năng là nguồn động lực chủ yếu của các xưởng cơ khí, xưởng chế biến nông, lâm, thuỷ, hải sản, các trạm bơm tưới tiêu.

- Sử dụng điện dưới dạng khác như nhiệt năng hay quang năng để chiếu sáng, sấy khô, ấp trứng, sưởi ấm gia súc v.v...; hoặc dưới dạng sóng như tia hồng ngoại, tia tử ngoại để khử độc trong nước, tiêu diệt các vi sinh vật có hại cho giống cây trồng vật nuôi, chữa bệnh gia súc .v.v...

- Sử dụng điện phục vụ sinh hoạt nông thôn.

Những vấn đề cần chú ý khi thực hiện điện khí hoá.

- Trong qui hoạch xây dựng mạng lưới điện nông thôn cần chú ý:

+ Bên cạnh các cơ sở điện lực do Trung ương quản lý, cần xây dựng các trạm thuỷ điện vừa, nhỏ và cực nhỏ nhằm khai thác sức nước của các dòng sông suối để phục vụ sản xuất và đời sống nông thôn vùng trung du và núi cao. Kết hợp hợp lý việc xây dựng nhiệt điện với thuỷ điện.

+ Trong xây dựng mạng lưới điện nông thôn, cần kết hợp sức mạnh của Trung ương với địa phương, kết hợp Nhà nước và nhân dân cùng làm.

- Trong quản lý vận hành mạng lưới điện và sử dụng điện cần chú ý:

+ Ưu tiên điện cho sản xuất. Nâng cao mức độ sử dụng điện cho sinh hoạt trên cơ sở khả năng sản xuất điện cho phép.

+ Trước hết đưa điện vào sử dụng ở những khâu công việc tĩnh tại. Điện khí hoá trước hết trong các khâu công việc của ngành chăn nuôi.

+ Hình thành các bộ phận chuyên trách quản lý, bảo dưỡng vận hành mạng lưới điện nông thôn. Thực hiện hạch toán kinh tế về dịch vụ điện.

+ Cần có hướng dẫn tối thiểu về kỹ thuật an toàn sử dụng điện cho các cơ sở dùng điện ở nông thôn, đặc biệt là hộ nông dân.

Hoá học hoá nông nghiệp.

Khái niệm:

Hoá học hoá là quá trình áp dụng những thành tựu của ngành công nghiệp hoá chất phục vụ nông nghiệp, bao gồm việc sử dụng các phương tiện hoá học vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp và phục vụ đời sống ở nông thôn.

Hóa học hoá nông nghiệp là quá trình liên tục của những tiến bộ khoa học công nghệ liên quan đến các phương tiện hoá học của lao động nông nghiệp và của các phương tiện phục vụ đời sống nông thôn. Nội dung của hoá học hoá nông nghiệp bao gồm:

- Bổ sung và tăng cường cung cấp thức ăn cho cây trồng vật nuôi bằng việc sử dụng các loại phân bón hoá học, thức ăn gia súc có bổ sung các nguyên tố vi lượng.

- Bảo vệ cây trồng vật nuôi thông qua việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ dịch bệnh gia súc, gia cầm v.v...

- Sử dụng các vật liệu hoá học trong xây dựng các công trình phục vụ nông nghiệp như công trình thuỷ lợi, cải tạo đất, xây dựng chuồng trại v.v...

- Sử dụng các vật liệu hoá học trong sản xuất các đồ dùng phục vụ sinh hoạt nông thôn.

Những vấn đề cần chú ý.

Để thực hiện hoá học hoá nông nghiệp có hiệu quả, cần chú ý những vấn đề sau:

- Sử dụng đúng liều lượng các loại hoá chất trong việc cung cấp thức ăn cho cây trồng vật nuôi, trong bảo vệ động thực vật. Kết hợp hợp lý việc sử dụng phân bón hoá học với các loại phân chuồng và phân xanh. Sử dụng hợp lý các chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi.

- Sử dụng đúng kỹ thuật các loại hoá chất, đặc biệt là trong khâu chế biến, bảo quản rau quả thực phẩm.

- Tăng cường quản lý Nhà nước đối với việc sản xuất, tiêu thụ sử dụng các phương tiện hoá học dùng trong sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn.

- Phải có hướng dẫn kỹ thuật cho người nông dân, đảm bảo an toàn lao động, đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình sử dụng các phương tiện hoá chất vào sản xuất nông nghiệp.

Sinh học hoá nông nghiệp.

Khái niệm:

Sinh học hoá nông nghiệp là quá trình nghiên cứu và áp dụng được những thành tựu về khoa học sinh vật và khoa học sinh thái vào nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp và bảo vệ môi trường sinh thái. Nói cách khác, sinh học hoá nông nghiệp là quá trình tiến bộ khoa học công nghệ liên quan đến các tư liệu sản xuất sinh vật của nông nghiệp bao gồm tập đoàn các loài động vật, thực vật, vi sinh vật sử dụng trong nông nghiệp; mối quan hệ tương tác giữa chúng với nhau và với môi trường sinh thái trên từng vùng và toàn bộ lãnh thổ nông nghiệp cả nước.

Theo khái niệm như trên thì sinh học hoá không chỉ bao hàm nội dung liên quan đến công tác giống cây trồng vật nuôi, mặc dù đây là nội dung quan trọng nhất. Sinh học hoá nông nghiệp là một quá trình bao gồm những nội dung rộng lớn sau đây:

- Điều tra cơ bản một cách toàn diện và có trọng điểm các điều kiện thiên nhiên và các nguồn tài nguyên phong phú về thực vật, động vật và vi sinh vật ở nước ta.

- Nghiên cứu, phát hiện và nắm vững hệ thống các qui luật phát sinh và phát triển của các cá thể và quần thể động thực vật, vi sinh vật trên từng vùng sinh thái.

- Nghiên cứu, phát hiện và nắm vững các qui luật về mối quan hệ giữa các quần thể sinh vật với nhau và với điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí hậu ... trên các tiểu vùng, các vùng và trên cả nước.

- Nghiên cứu và đề ra được phương hướng đúng đắn để khai thác, bảo vệ và sử dụng ngày càng tốt hơn, bảo đảm tái sinh không ngừng các nguồn tài nguyên sinh vật của đất nước. Nhập nội một số giống cây con phù hợp từ nước ngoài để bổ sung vào quĩ gen hiện có hoặc làm phong phú quỹ gen bằng con đường lai tạo. Xây dựng các tập đoàn cây trồng vật nuôi có năng suất sinh học cao và cho sản phẩm chất lượng tốt ổn định cùng với qui trình kỹ thuật cần thiết cho mỗi cây con phù hợp với từng vùng sinh thái nông lâm ngư nghiệp.

- Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học một cách hiệu quả.

Những thành tựu công nghệ sinh học chủ yếu của nước ta.

Ngày nay, công nghệ sinh học là một mũi nhọn của tiến bộ khoa học công nghệ thế giới. Lịch sử phát triển công nghệ sinh học thế giới đã trải qua ba giai đoạn phát triển với những đặc trưng riêng. Hai giai đoạn đầu là công nghệ sinh học truyền thống (lên men thực phẩm để sản xuất rượu bia, dấm, nước chấm, sữa chua, sản phẩm muối chua …) và công nghệ sinh học cận đại (công nghệ sản xuất thuốc kháng sinh, vitamin, axit hữu cơ, axit amin, dung môi, enzym, sinh khối giầu prôtein…). Hiện nay, công nghệ sinh học đang phát triển ở giai đoạn hiện đại. Công nghệ sinh học hiện đại bao gồm một số lĩnh vực quan trọng như công nghệ di truyền, công nghệ tế bào, công nghệ enzym/prôtein, công nghệ sinh học vi sinh vật, công nghệ sinh học môi trường. Dựa trên thành tựu của công nghệ di truyền, người ta biết rõ từng loại gen và giải mã chúng, từ đó chế tạo ra các loại thuốc đặc trị diệt virut gây bệnh cho động thực vật. Đối với lĩnh vực tạo giống người ta tạo ra các cây trồng vật nuôi chuyển gen để cho năng suất và những chất lượng mới của sản phẩm. Ví dụ nhờ chuyển gen có thể tăng lượng chứa prôtein và cải thiện chất lượng prôtêin trong sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Lại cũng có thế chuyển vào cây trồng, vật nuôi loại gen chống côn trùng, chống nấm, chống virut, để kháng với thuốc diệt cỏ….Dựa trên thành tựu của công nghệ tế bào, người ta đã tạo giống cây trồng bằng nuôi cấy mô, tạo giống con nuôi bằng phương pháp cấy phôi …

Ngành sinh học nước ta đến nay đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng góp phần phát triển nông nghiệp, đó là:

- Trong trồng trọt, nghiên cứu đặc điểm quang hợp của cây lúa, quang hợp và dinh dưỡng ruộng lúa năng suất cao làm cơ sở cho các biện pháp thâm canh. Đã đưa vào sản xuất công nghệ quang hợp trồng tảo giầu dinh dưỡng để thu sinh khối làm nguồn dinh dưỡng và dược liệu quí. Nghiên cứu quan hệ cộng sinh giữa vi khuẩn Azolla - Anabaens azolla cũng như những vi khuẩn Rhizobium và cây đậu tương, sử dụng các chất điều hoà sinh trưởng, các nguyên tố khoáng vi lượng làm tăng năng suất cây trồng trong nông lâm nghiệp. Nghiên cứu thành công các kỹ thuật di truyền như lai tạo, đột biến, đa bội thể tạo ra nhiều giống lúa, ngô, đậu, đỗ, dâu ... được ứng dụng vào sản xuất.

- Trong chăn nuôi, đã thành công trong việc ghép hợp tử và tạo ra bò giống con chất lượng cao. Ngoài ra còn một số thành công trong việc tạo ra các giống lai khác như lợn, gia cầm...

- Trong lĩnh vực vi sinh vật, đã tuyển chọn và xây dựng các sưu tập vi sinh vật có ích, nghiên cứu và áp dụng có kết quả công nghệ vi sinh phục vụ sản xuất và đời sống như thuốc trừ sâu vi sinh vật, phân vi sinh vật cố định đạm cho cây họ đậu, hóc môn thực vật sản xuất bằng công nghệ vi sinh, kháng sinh thô, a xít a min v.v...

- Trong công nghệ thực phẩm, nhiều kỹ thuật và qui trình công nghệ sinh học được nghiên cứu và áp dụng như sản xuất nước chấm, nước giải khát lên men, rượu vang v.v...

Nhờ những thành tựu chủ yếu trên của ngành sinh học đã góp phần đáng kể vào việc thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, chương trình lương thực thực phẩm ở nước ta trong những năm qua.

Những giải pháp kinh tế kỹ thuật cần chú ý:

- Trong công tác nghiên cứu, cần coi trọng các vấn đề sau đây:

+ Trong trồng trọt, không chỉ coi trọng nghiên cứu cây lúa mà cần triển khai mạnh mẽ hơn việc nghiên cứu các loại cây màu như ngô, khoai, đậu đỗ các loại. Đối với cây dài ngày, bên cạnh việc nghiên cứu các cây có giá trị xuất khẩu cần mở rộng nghiên cứu các loại cây khác trong quần thể thực vật chung sống với các cây công nghiệp.

+ Trong chăn nuôi bên cạnh việc coi trọng nghiên cứu con lợn, cần mở rộng nghiên cứu các loại con gia súc gia cầm khác.

+ Trong nghiên cứu quần thể động thực vật trong môi trường nước, cần coi trọng hơn nữa việc nghiên cứu các loại động thực vật nhỏ như nấm, tảo, rong rêu...

+ Nghiên cứu hậu quả của chiến tranh hoá học của Mỹ đối với quần thể động thực vật ở nước ta.

- Trong công tác giống cần chú ý:

+ Lựa chọn, thuần dưỡng các loại giống tốt địa phương. Tổng kết kinh nghiệm nuôi trồng dân gian, mang lại kết quả cao cho mỗi vùng sinh thái nông nghiệp. Cần coi trọng và bảo vệ các loại giống đặc sản.

+ Nhập nội, lai tạo, nuôi thuần chủng để có những giống mới. Coi trọng công tác kiểm dịch động thực vật nhập nội.

+ Xây dựng hệ thống quốc gia từ Trung ương đến địa phương bao gồm các cơ sở nghiên cứu, tuyển chọn, lai tạo, sản xuất, thí nghiệm, sản xuất và cung cấp giống cho sản xuất đại trà v.v... Có biện pháp quản lý giống chặt chẽ, chống lẫn giống và thoái hoá giống.

+ Xây dựng, phổ biến thực hiện qui trình kỹ thuật cho từng loại cây trồng và con nuôi. Qui trình kỹ thuật là một hệ thống biện pháp kỹ thuật với những tiêu chuẩn đã được qui định gắn liền hữu cơ với nhau theo một trật tự thời gian nhất định, phù hợp với qui luật phát triển và phát dục của cây trồng vật nuôi, với điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện đất, nưóc, thời tiết khí hậu ở từng vùng, từng địa phương.

- Thực hiện đổi mới cơ cấu sản xuất trồng trọt và chăn nuôi; cơ cấu mùa vụ; công thức luân canh, xen canh, gối vụ phù hợp trên mỗi vùng sinh thái để khai thác có hiệu quả các tiềm năng sinh học, sinh thái và các tiềm năng khác.

Phương hướng và những biện pháp chủ yếu thúc đẩy cách mạng khoa học công nghệ trong nông nghiệp nước ta.

Mục tiêu và phương hướng.

- Nền nông nghiệp nước ta có lịch sử phát triển từ rất lâu đời. Tuy nhiên vì nhiều lý do về lịch sử, kinh tế - xã hội, đến nay về cơ bản sản xuất nông nghiệp vẫn đang trong tình trạng kỹ thuật thủ công là chủ yếu. Đặc biệt ở những vùng núi, vùng đồng bào dân tộc, kỹ thuật sản xuất rất lạc hậu. Mục tiêu phát triển tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp nước ta là từng bước hoàn thiện và phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật của nông nghiệp ngày càng hiện đại, khai thác có hiệu quả nhất những tiềm năng to lớn của nền nông nghiệp nhiệt đới phục vụ cho nhu cầu phát triển nền kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu và cải thiện đời sống nhân dân. Như vây, trong khi nắm vững "khâu trung tâm là cơ khí hoá", cần đặc biệt coi trọng "thuỷ lợi là biện pháp quan trọng hàng đầu", tiến bộ khoa học công nghệ cần tác động tích cực tới con người lao động ở nông thôn, tới đất đai, tới các tập đoàn cây trồng con nuôi cùng các biện pháp sinh học, tới các công cụ lao động và tới các tư liệu sản xuất khác của nông nghiệp. Nói tóm lại cần coi trọng thúc đẩy các tiến bộ khoa học của nông nghiệp, các tiến bộ khoa học công nghệ liên quan đến tất cả các bộ phận, các yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất nông nghiệp nước ta hiện nay.

- Thúc đẩy sự phát triển cách mạng khoa học công nghệ của một nước đang phát triển như nước ta, trong điều kiện cách mạng khoa học công nghệ nông nghiệp thế giới đã và đang đạt được những thành tựu rất lớn trên mọi lĩnh vực về hoá học, sinh học, năng lượng v.v..., chúng ta phải có phương hướng và bước đi thích hợp. Một mặt, vừa phải đẩy mạnh các chương trình tiến bộ khoa học công nghệ trong nước, mặt khác phải tranh thủ được những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến của các nước khác. Với phương châm kết hợp các bước đi tuần tự với nhảy vọt, phương hướng của cuộc cách mạng khoa học công nghệ nông nghiệp nước ta là tiến hành một cách tổng hợp, trong đó thực hiện thuỷ lợi hoá là biện pháp hàng đầu để thực hiện rộng rãi sinh học hoá, hoá hóc hoá, từng bước cơ giới hoá, điện khí hoá. Cơ giới hoá giữ vai trò trung tâm trong quá trình hiện đại hoá sản xuất nông nghiệp nước ta.

Những biện pháp chủ yếu:

Để đạt được mục tiêu của cách mạng khoa học công nghệ trong nông nghiệp nước ta với phương hướng và bước đi thích hợp như trên, cần thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu sau đây:

Xây dựng các chương trình và thực hiện theo chương trình các tiến bộ khoa học công nghệ nông nghiệp.

Để thực hiện có kết quả cách mạng khoa học công nghệ trong nông nghiệp cần phải xây dựng được một hệ thống các chương trình tiến bộ khoa học công nghệ bao gồm các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và một số ngành khác có liên quan. Các chương trình đó vừa phản ánh những yêu cầu cơ bản, cấp bách của sản xuất, vừa góp phần tác động vào từng yếu tố cho đến toàn bộ lực lượng sản xuất nông nghiệp nước ta.

Nói chung, một chương trình tiến bộ khoa học công nghệ nông nghiệp phải có mục tiêu cuối cùng và mục tiêu từng bước, có một loạt các biện pháp về khoa học, kỹ thuật, kinh tế - tổ chức ... có liên quan với nhau cần thực hiện trong một thời gian nhất định, dưới một sự chỉ đạo thống nhất. Trong kế hoạch thực hiện chương trình, cần xác định mục tiêu cụ thể và thời gian cụ thể, lực lượng cán bộ và cơ quan có trách nhiệm thực hiện, những biện pháp cụ thể về khoa học - kỹ thuật - công nghệ, những đảm bảo về vật chất và tài chính, trách nhiệm và quyền hạn của các bên tham gia chương trình. Với cách làm trên, phương thức hoạt động khoa học công nghệ nông nghiệp theo chương trình sẽ có ý nghĩa lớn vì nó là phương thức vừa đảm bảo tính kế hoạch chặt chẽ, vừa linh hoạt cho phép tập hợp những khả năng hiện có và sẽ có vào các phương hướng trọng điểm, các mục tiêu trọng điểm trong từng thời kỳ do yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Người ta có thể phân loại các chương trình tiến bộ khoa học công nghệ nông nghiệp theo các tiêu thức khác nhau:

- Căn cứ vào kết

0