25/05/2018, 13:16

Thượng viện Hoa Kỳ

(United States Senate) là một trong hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ, viện kia là Hạ viện Hoa Kỳ. Thành phần và quyền lực của Thượng viện và Hạ ...

(United States Senate) là một trong hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ, viện kia là Hạ viện Hoa Kỳ. Thành phần và quyền lực của Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ được thiết lập trong Điều I Hiến pháp Hoa Kỳ (không dùng các từ như "thượng" và "hạ"). Mỗi tiểu bang Hoa Kỳ được đại diện với hai thượng nghị sĩ bất kể dân số nhiều ít. Điều này nhằm bảo đảm sự đại diện đồng đều cho mỗi tiểu bang trong Thượng viện. Các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ phục vụ nhiệm kỳ 6 năm. họp ở cánh bắc của Tòa Quốc hội Hoa Kỳ tại Washington, D.C., thủ đô quốc gia. Hạ viện Hoa Kỳ họp ở cánh nam của cùng tòa nhà.

có một số quyền lực đặc biệt mà Hạ viện không có trong đó gồm có việc tán thành các hiệp ước như là điều kiện tiên khởi trước khi chúng được phê chuẩn, việc tán thành hoặc phê chuẩn về việc bổ nhiệm các bộ trưởng nội các, thẩm phán liên bang, và các giới chức hành chánh liên bang khác, các giới chức quân sự và những giới chức đồng phục liên bang khác. Thượng viện là một bộ phận thiên về hội thảo hơn so với Hạ viện vì Thượng viện nhỏ hơn và thành viên của Thượng viện phục vụ nhiệm kỳ lâu hơn nên bầu không khí tại Thượng viện ít đảng phái hơn và hợp tác hơn Hạ viện. Thượng nghị sĩ có thế lực hơn Hạ nghị sĩ vì nhiệm kỳ lâu hơn, thành viên ít hơn và đại diện cho cộng đồng to lớn hơn.

Hiến pháp Hoa Kỳ tạo ra một quốc hội lưỡng viện với ý muốn có hai viện lập pháp để trông coi lẫn nhau. Một viện lập pháp được lập lên có chủ đích là một "viện của nhân dân" phản ánh các ý kiến của công chúng. Viện lập pháp kia có chủ đích đại diện các tiểu bang. Viện lập pháp này là một diễn đàn thông thái ưu tú có tính cách bàn luận hơn mà nơi đó các thượng nghị sĩ với nhiệm kỳ sáu năm sẽ không bị chi phối bởi ý kiến của công chúng. Hiến pháp có nói rằng việc chấp thuận của cả hai viện lập pháp là cần thiết để phê chuẩn luật.

được thành lập theo mẫu Thượng viện La Mã cổ đại. Thuật từ Thượng viện trong tiếng Anh là "Senate" được lấy từ thuật từ "senatus" trong tiếng Latin có nghĩa là hội đồng trưởng lão (từ senex có nghĩa người già trong tiếng Latin).

Hiến pháp Hoa Kỳ qui định rằng không có một tu chính án hiến pháp nào có thể được tạo ra để từ chối một tiểu bang về quyền đầu phiếu công bằng tại Thượng viện mà không có sự đồng ý của tiểu bang đó. Đặc khu Columbia và các vùng lãnh thổ không được bao gồm trong qui định có đại diện trong Thượng viện. Với 50 tiểu bang trong liên bang kể từ năm 1959, hiện tại có 100 ghế. Tuy nhiên, vào lúc khởi đầu phiên họp đầu tiên của Quốc hội Hoa Kỳ lần thứ 111, chỉ có 98 ghế có chủ vì xảy ra vụ tham nhũng của Rod Blagojevich tại Illinois (nghi ngờ bán ghế thượng nghị sĩ của Barack Obama khi Obama đắc cử tổng thống) và vụ tranh chấp bầu cử tại Minnesota. ^^ thanks => design by Lyhung007

Tiêu chuẩn

Điều I, Phần III, Hiến pháp Hoa Kỳ tạo ra ba tiêu chuẩn dành cho các thượng nghị sĩ:

Mỗi thượng nghị sĩ phải ít nhất là 30 tuổi

Phải là công dân Hoa Kỳ ít nhất trong 9 năm qua

Phải là (vào thời gian bầu cử) một cư dân của tiểu bang mà họ ra tranh cử. Tuổi và tư cách công dân bắt buộc đối với thượng nghị sĩ thì nghiêm khắc hơn đối với dân biểu.

Thượng viện (không phải ngành tư pháp) là thẩm phán duy nhất xem xét tiêu chuẩn của một thượng nghị sĩ. Tuy nhiên vào những năm đầu tiên trong lịch sử, Thượng viện gần như đã không thực hiện nhiệm vụ xem xét về tiêu chuẩn thành viên của mình. Kết quả là có ba thượng nghị sĩ, theo hiến pháp qui định là không đủ tiêu chuẩn vì tuổi tác, vẫn được nhậm chức tại Thượng viện: Henry Clay (29 tuổi vào năm 1806), Armistead Thomson Mason (28 tuổi vào năm 1816) và John Eaton (28 tuổi vào năm 1818). Tuy nhiên những trường hợp như vậy đã không xảy ra kể từ đó trở đi. Năm 1934, Rush D. Holt, Sr. được bầu vào Thượng viện lúc 29 tuổi; ông phải đợi đến khi được 30 tuổi để tuyên thệ nhậm chức. Tương tự như vậy, Joe Biden được bầu vào Thượng viện ngay trước sinh nhật 30 tuổi vào năm 1972; ông qua sinh nhật 30 tuổi vào thời gian Thượng viện làm lễ tuyên thệ cho các ứng viên trúng cử vào tháng 1 năm 1973.

Tu chính án 14 Hiến pháp Hoa Kỳ loại bỏ khỏi Thượng viện bất cứ viên chức nào đã từng tuyên thệ ủng hộ Hiến pháp Hoa Kỳ nhưng sau đó tham dự vào các hành động phản loạn hay giúp đỡ kẻ thù của Hoa Kỳ. Tu chính án này, trở thành có hiệu lực chẳng bao lâu sau khi kết thúc Nội chiến Hoa Kỳ, có ý định ngăn cản không cho những ai từng sát cánh bên Liên hiệp các tiểu bang miền nam Hoa Kỳ phục vụ trong chính phủ. Tuy nhiên, Tu chính án này cho phép một người bị loại có thể phục vụ nếu như họ giành được sự ủng hộ của 2/3 thành viên Quốc hội Hoa Kỳ ở cả hai viện.

Bầu cử và nhiệm kỳ

Ban đầu, các thượng nghị sĩ được bầu lên bởi các nghị viện tiểu bang, không phải bởi các cuộc bầu cử phổ thông. Vào những năm đầu của thế kỷ 20, có đến 29 tiểu bang đã tổ chức bầu các thượng nghị sĩ của họ bằng phương pháp trưng cầu dân ý mà được lập pháp tiểu bang phê chuẩn. Bầu cử phổ thông để chọn thượng nghị sĩ được tiêu chuẩn hóa toàn quốc vào năm 1913 bằng việc phê chuẩn Tu chính án 17 Hiến pháp Hoa Kỳ.

Mỗi thượng nghị sĩ phục vụ nhiệm kỳ sáu năm; các nhiệm kỳ được phân chia sao cho khoảng 1/3 số ghế sẽ bị trống để được đưa ra cho bầu cử cứ hai năm một lần.

Bầu cử vào Thượng viện được tổ chức vào ngày thứ ba đầu tiên sau thứ hai đầu tiên trong tháng 11 của năm chẳng, được gọi là Ngày Bầu cử, và xảy ra cùng lúc với các cuộc bầu cử Hạ viện Hoa Kỳ. Mỗi thượng nghị sĩ được bầu bởi toàn thể người dân trong tiểu bang của người họ. Thông thường, một cuộc bầu cử sơ bộ được tổ chức cho các đảng Cộng hòa và Dân chủ trước tiên, theo sau là tổng tuyển cử vài tháng sau đó. Luật lệ bầu cử dành cho các ứng cử viên độc lập và các đảng thiểu số thì khác nhau theo từng tiểu bang. Người đắc cử là ứng cử viên nhận được đa số phiếu phổ thông. Tại một số tiểu bang, bầu cử lần hai được tổ chức nếu như không có ứng cử viên nào giành được đa số phiếu. Một khi trúng cử, một thượng nghị sĩ tiếp tục phụ phục vụ cho đến khi nhiệm kỳ của mình kết thúc, mất, từ chức hay bị trục xuất khỏi Thượng viện.

Một thành viên trúng cử nhưng đang chờ đợi để nhậm chức thì được gọi là "thượng nghị sĩ tân cử" (senator-elect); một thành viên được bổ nhiệm (không phải được bầu) vào một ghế Thượng viện nhưng chưa nhậm chức thì được gọi là "thượng nghị sĩ mới bổ nhiệm" (senator-designate)

Tuyên thệ

Hiến pháp Hoa Kỳ đòi hỏi rằng các thượng nghị sĩ phải tuyên thệ ủng hộ Hiến pháp Hoa Kỳ. Quốc hội đã chọn ra lời tuyên thệ như sau cho các tân thượng nghị sĩ.“ I do solemnly swear (or affirm) that I will support and defend the Constitution of the United States against all enemies, foreign and domestic; that I will bear true faith and allegiance to the same; that I take this obligation freely, without any mental reservation or purpose of evasion; and that I will well and faithfully discharge the duties of the office on which I am about to enter. So help me God. ”

Tạm dịch: Tôi trịnh trọng tuyên thệ (hoặc xác nhận) rằng tôi sẽ ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ chống lại tất cả mọi kẻ thù, bên ngoài và bên trong nước; rằng tôi sẽ tin tưởng và trung thành với Hiến pháp Hoa Kỳ, rằng tôi nhận bổn phận này 1 cách tự nguyện mà không có bất cứ biểu lộ ngầm nào về việc hạn chế tán thành hoặc có mục đích trốn tránh; và rằng tôi sẽ hoàn thành tốt và trung thành với các trách vụ văn phòng mà tôi sắp vào làm việc. Vì vậy xin Thượng Đế giúp tôi.

"Đảng đa số" là đảng chính trị hoặc là chiếm đa số ghế hoặc có thể thành lập một liên minh để có đa số ghế; nếu hai hoặc nhiều đảng bằng nhau về số ghế thì Phó Tổng thống sẽ quyết định đảng nào sẽ là đảng đa số. Đảng lớn nhất đứng kế tiếp được gọi là đảng thiểu số. Chủ tịch Thượng viện tạm quyền (president pro tempore), các chủ tịch ủy ban, và một số viên chức khác thường là từ đảng đa số; họ có đồng nhiệm (thí dụ, "các thành viên có chức quyền" trong các ủy ban) trong đảng thiểu số. Các thượng nghị sĩ độc lập và thành viên đảng thứ ba thì không được xét để quyết định đảng nào sẽ là đảng đa số.

Chức năng lập pháp

Các dự luật có thể được giới thiệu cả tại Thượng hay Hạ viện. Tuy nhiên, Hiến pháp Hoa Kỳ nói rằng "Tất cả các dự luật nhằm tăng tiền thuế thu nhập phải bắt đầu từ Hạ viện." Kết quả là Thượng viện không có quyền đưa ra sáng kiến về các dự luật ấn định mức thuế. Hơn nữa, Hạ viện cũng muốn bảo đảm rằng Thượng viện không có quyền khởi sự các dự luật về chi tiêu của chính phủ hay các dự luật cho phép chi tiêu ngân quỹ liên bang. Trong lịch sử, Thượng viện đã từng tranh chấp sự dẫn giải mà Hạ viện chủ trương. Tuy nhiên, bất cứ khi nào Thượng viện khởi sự một dự luật về chi tiêu thì Hạ viện từ chối xem xét nó ngay, qua đó giải quyết được sự tranh chấp trong thực tế. Luật định của Hiến pháp ngăn cản Thượng viện giới thiệu các dự luật thu thuế là dựa theo Quốc hội Vương quốc Anh, theo đó Hạ viện Vương quốc Anh mới có thể khởi sự những dự luật như vậy.

Mặc dù Hiến pháp cho Hạ viện quyền khởi sự các dự luật thu thuế nhưng trong thực tế Thượng viện ngang bằng Hạ viện trong các mối quan tâm về thuế và chi tiêu. Như Woodrow Wilson có viết:“ Quyền sửa đổi các dự luật của Thượng viện về chi tiêu tổng quát được cho phép trong phạm vi rộng rãi nhất như có thể. Thượng viện có thể thêm vào những gì họ muốn; có thể thay đổi hết các chi tiết gốc và mang vào các chi tiết khác hoàn toàn mới, thay đổi không chỉ các con số mà thậm chí cả đối tượng chi tiêu,... ”

Việc chấp thuận của cả Hạ viện và Thượng viện là bắt buộc đối với bất cứ dự luật nào, bao gồm dự luật về thu thuế, để chúng trở thành luật. Cả hai viện phải thông qua cùng phiên bản giống như của dự luật; nếu có khác biệt, chúng có thể được giải quyết bởi một ủy ban hội nghị mà trong đó có cả thành viên của hai viện.

Tổng thống có thể phủ quyết bất cứ dự luật nào mà cả Hạ viện và Thượng viện thông qua; nếu Tổng thống làm vậy thì dự luật không thể thành luật cho đến khi cả hai viện xem xét lại và với 2/3 đa số phiếu tại mỗi viện để giúp thông qua dự luật đó bất chấp sự phản đối của Tổng thống.

Kiểm tra và cân bằng quyền lực

Hiến pháp cho Thượng viện một số chức năng có một không hai là khả năng "kiểm tra và cân bằng" quyền lực của các thành phần khác trong chính phủ liên bang. Khả năng này gồm có qui định bắt buộc rằng Thượng viện có quyền tư vấn và Thượng viện phải ưng thuận đối với một số bổ nhiệm viên chức chính phủ của Tổng thống Hoa Kỳ; cũng như Thượng viện phải phê chuẩn tất cả các hiệp ước với các chính quyền ngoại quốc; xét xử tất cả các vụ luận tội, và bầu Phó Tổng thống Hoa Kỳ trong trường hợp không có ai nhận đa số phiếu đại cử tri.

Thượng viện có quyền xét xử các vụ luận tội; hình ở trên là hình vẽ của Theodore R. Davis về cuộc xử luận tội Tổng thống Andrew Johnson, 1867

Tổng thống có thể thực hiện một số bổ nhiệm mà chỉ cần có sự tư vấn và ưng thuận của Thượng viện. Các viên chức được bổ nhiệm cần phải có sự chấp thuận của Thượng viện gồm có thành viên nội các, lãnh đạo của đa số các cục hành pháp liên bang, đại sứ, thẩm pháp Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, và các thẩm phán liên bang khác. Theo Điều II, Phần 2 Hiến pháp Hoa Kỳ, một số lớn các vụ bổ nhiệm của chính phủ đều lệ thuộc vào sự phê chuẩn tiềm tàng; tuy nhiên, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua luật cho phép bổ nhiệm nhiều viên chức mà không cần phải có sự ưng thuận của Thượng viện (thường thường, các qui định đòi hỏi sự phê chuẩn chỉ dành cho các viên chức có thẩm quyền ra quyết định tối hậu quan trọng). Thông thường, một ứng viên trước tiên được giới thiệu trước một ủy ban Thượng viện trong một cuộc điều trần. Sau đó, ứng viên này sẽ được xem xét bởi cả Thượng viện. Đa số ứng viên được phê chuẩn, ngoài một số nhỏ trường hợp hàng năm các Ủy ban Thượng viện cố tình không xem xét để ngăn cản sự bổ nhiệm. Cũng đôi khi Tổng thống Hoa Kỳ tự rút lại các ứng viên khi họ trông có vẽ khó được phê chuẩn. Vì lý do này, việc bác bỏ thẳng thừng các ứng viên tại Thượng viện rất hiếm khi thấy (có chỉ 9 ứng viên nội các bị bác bỏ thẳng thừng trong lịch sử Hoa Kỳ).

Tuy nhiên quyền lực của Thượng viện đối với các ứng viên cũng bị một số hạn chế. Thí dụ, Hiến pháp cho phép Tổng thống Hoa Kỳ có thể bổ nhiệm viên chức mà không cần phải có sự tư vấn hay ưng thuận của Thượng viện trong lúc Quốc hội Hoa Kỳ không nhóm họp. Việc bổ nhiệm lúc Quốc hội không nhóm họp chỉ có giá trị tạm thời; văn phòng này lại bị bỏ trống vào cuối kỳ họp tới của Quốc hội. Tuy vậy, các Tổng thống Hoa Kỳ vẫn thường hay dùng cách bổ nhiệm này để đối phó với việc Thượng viện có thể bác bỏ ứng viên. Hơn nữa, như vụ Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ xử vụ Myers đối đầu với Hoa Kỳ, mặc dù việc tư vấn và ưng thuận của Thượng viên là bắt buộc đối với việc bổ nhiệm một số viên chức ngành hành pháp nhưng tước chức vụ của họ là không cần thiết.

Thượng viện cũng có một vai trò trong tiến trình phê chuẩn của hiệp ước. Hiến pháp có nói rằng Thổng thống Hoa Kỳ có thể chỉ phê chuẩn một hiệp ước nếu 2/3 số thượng nghị sĩ biểu quyết tán thành. Tuy nhiên, không phải tất cả các thỏa thuận quốc tế được xem là hiệp ước, và vì vậy không cẩn đến sự chấp thuận của Thượng viện. Quốc hội đã thông qua luật cho phép Tổng thống quyền quyết định các thỏa ước hành chính mà không cần hành động của Thượng viện. Tương tự, Tổng thống có thể thực hiện những thỏa thuận liên quan đến chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ nếu được chấp thuận với một đa số đơn giản tại mỗi viện của Quốc hội, hơn là phải cần đến 2/3 đa số phiếu tại Thượng viện. Cả những thỏa thuận hành chính và thỏa thuận liên quan đến chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đều không được nhắc đến trong Hiến pháp Hoa Kỳ, dẫn đến việc người ta nghi ngờ rằng chúng bất hợp hiến làm hỏng tiến trình phê chuẩn hiệp ước. Tuy nhiên, giá trị của các thỏa thuận như vậy đã đứng vững tại các tòa án.

Hiến pháp cho quyền Hạ viện Hoa Kỳ luận tội các viên chức liên bang vì lý do "phản quốc, hối lộ, hoặc các tội đại hình và tội phi pháp khác" và cho phép Thượng viện quyền xử những vụ luận tội như thế. Nếu Tổng thống Hoa Kỳ hiện thời bị xét xử, Thẩm phán trưởng Hoa Kỳ chủ tọa phiên xử. Trong bất cứ vụ xử luận tội nào, các thượng nghị sĩ được hiến pháp yêu cầu đến chứng kiến lời thề hoặc xác nhận lời khai. Để kết án trong một vụ luận tội cần phải có 2/3 đa số các thượng nghị sĩ có mặt. Viên chức bị kết án sẽ tự động bị sa thải khỏi chức vụ đang giữ; ngoài ra, Thượng viện có thể qui định rằng bị cáo đó sẽ bị cấm giữ chức vụ trong tương lại. Không có hình phạt nào khác nữa được phép đưa ra trong suốt thời gian tiến hành luận tội; tuy nhiên, bị cáo có thể đối diện với các hình phạt khác tại một tòa án luật pháp bình thường.

Trong lịch sử Hoa Kỳ, Hạ viện đã luận tội 16 viên chức trong đó 6 viên chức bị kết tội (một từ chức trước khi Thượng viện có thể tiến hành xử tội.) Chỉ có hai Tổng thống Hoa Kỳ từng bị luận tội: Andrew Johnson năm 1868 và Bill Clinton năm 1998. Cả hai vụ xử kết thúc bằng việc tha bổng; trong trường hợp của Tổng thống Johnson, Thượng viện thiếu một phiếu để được 2/3 đa số để kết tội.

Theo Tu chính án 12 Hiến pháp Hoa Kỳ, Thượng viện có quyền bầu Phó Tổng thống Hoa Kỳ nếu như không có ứng cử viên Phó Tổng thống nào nhận được đa số phiếu đại cử tri. Tu chính án 12 đòi hỏi Thượng viện chọn lựa từ hai ứng cử viên có số phiếu đại cử tri cao nhất. Sự bế tắc không thể quyết định được đối với đại cử tri đoàn thì rất hiếm; trong lịch sử Hoa Kỳ, Thượng viện phải giải quyết sự bế tắc như thế chỉ có một lần vào năm 1837 khi Thượng viện bầu cho Richard Mentor Johnson. Quyền bầu Tổng thống Hoa Kỳ trong trường hợp bế tắc của đại cử tri đoàn thuộc trách nhiệm của Hạ viện.

0