25/05/2018, 09:50

Thủ tục nhận con nuôi

Nộp hồ sơ. Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 72, việc nhận con nuôi phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đăng ký và ghi vào sổ hộ tịch. Trong trường hợp cả cha mẹ nuôi và con nuôi đều có quốc tịch Việt Nam ...

Nộp hồ sơ.

Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 72, việc nhận con nuôi phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đăng ký và ghi vào sổ hộ tịch. Trong trường hợp cả cha mẹ nuôi và con nuôi đều có quốc tịch Việt Nam và việc nhận con nuôi được thực hiện tại Việt Nam, thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người nuôi hoặc của người được nuôi (Nghị định số 83-CP ngày 10/10/1998 Điều 35).

Theo Điều 36 Nghị định đã dẫn; người xin nhận con nuôi phải nộp đơn xin nhận con nuôi; đơn phải có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi người nhận con nuôi công tác hoặc của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người nhận nuôi, về tư cách đạo đức cũng như về việc thoả mãn các điều kiện khác để được phép nhận con nuôi. Kèm theo đơn xin nhận con nuôi phải có các giấy tờ sau đây:

- Giấy khai sinh và chứng minh nhân dân của người nhận con nuôi ( Nếu người được nuôi đã trên 15 tuổi, thì cũng phải nộp chứng minh nhân dân.);

- Sổ hộ khẩu gia đình của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi (tùy theo người nuôi hoặc người được nuôi có đăng ký thường trú tại nơi đăng ký việc nuôi con nuôi);

- Giấy khai sinh của người được nhận làm con nuôi.

Ngoài ra, theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 71 khoản 1, việc nhận ngườìi chưa thành niên, người đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự làm con nuôi phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ ruột của người đó; nếu cha, mẹ ruột đã chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được cha, mẹ, thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người giám hộ.

Nếu người được nhận nuôi từ đủ 9 tuổi trở lên, thì việc nuôi con nuôi còn phải có sự đồng ý của người đó (Điều 71 khoản 2). Tuy nhiên, luật lại không đòi hỏi rằng sự đồng ý đó phải được ghi nhận bằng văn bản. Có lẽ, trước khi tiến hành thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi, đại diện UBND sẽ trực tiếp hỏi người được nuôi và nếu người này đồng ý, thì sự đồng ý sẽ được ghi nhận trong một biên bản.

Xem xét hồ sơ.

Theo Nghị định số 83-CP ngày 10/10/1998 Điều 37, sau khi nhận đủ hồ sơ, UBND phải tiến hành xác minh việc xin nhận con nuôi. Trong trường hợp người được nhận làm con nuôi có nguồn gốc không rõ ràng (nghĩa là không xác định được cha, mẹ), thì UBND phải tiến hành niêm yết công khai việc xin nhận con nuôi tại trụ sở UBND, đồng thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 7 ngày.

Trong trường hợp một bên hoặc các bên không có đủ các điều kiện nhận con nuôi hoặc làm con nuôi, thì UBND từ chối đăng ký và giải thích rõ lý do bằng văn bản (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 73); nếu cha, mẹ ruột, người giám hộ và người nhận nuôi con nuôi không đồng ý, thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật (cùng điều luật).

Trong trường hợp mọi điều kiện cần thiết cho việc nuôi con nuôi đều hội đủ, thì UBND thông báo cho bên giao và bên nhận con nuôi biết về ngày đăng ký (Nghị định đã dẫn Điều 37). Trong hạn 7 ngày kể từ ngày thông báo ( Điều luật viết không được rõ lắm. Có lẽ là trong hạn 7 ngày kể từ ngày ấn định cho việc đăng ký chứ không phải kể từ ngày thông báo, bởi vì ngày đăng ký do UBND ấn định và ngày này luôn luôn phải sau ngày thông báo. ), nếu bên giao, bên nhận và con nuôi không đến đăng ký việc nhận con nuôi mà không có lý do chính đáng, thì UBND huỷ việc xin đăng ký nhận con nuôi và thông báo cho các đương sự biết (cùng điều luật). Nếu sau đó, các bên vẫn muốn tiến hành việc nuôi con nuôi, thì phải bắt đầu lại các thủ tục (cùng điều luật).

Đăng ký và giao nhận.

Tại lễ giao nhận con nuôi, bên giao, bên nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi phải có mặt (Nghị định đã dẫn Điều 38). Bên giao, bên nhận con nuôi phải cùng ký tên vào sổ đăng ký nhận nuôi con nuôi và và biên bản giao nhận con nuôi. Chủ tịch UBND ký và trao cho mỗi bên một bản chính quyết định công nhận, giải thích cho bên nhận nuôi và con nuôi về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ nuôi và con nuôi theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình (cùng điều luật).

0