Thói quen ăn thịt chó mèo gây tranh cãi của người dân Thụy Sĩ
Dù thịt chó mèo phổ biến tại một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Lào, Campuchia, Indonesia, Việt Nam... một bộ phận người dân Thụy Sĩ cũng có thói quen gây tranh cãi này, theo AFP. "Khoảng 3% người Thụy Sĩ lén lút tiêu thụ thịt chó mèo. Bạn không thể báo cảnh sát nếu ...
Dù thịt chó mèo phổ biến tại một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Lào, Campuchia, Indonesia, Việt Nam... một bộ phận người dân Thụy Sĩ cũng có thói quen gây tranh cãi này, theo AFP.
"Khoảng 3% người Thụy Sĩ lén lút tiêu thụ thịt chó mèo. Bạn không thể báo cảnh sát nếu ai đó làm vậy, bởi không có lệnh cấm", theo Tomi Tomek, Chủ tịch Hội bảo vệ động vật SOS CHATS Noiraigue. Thói quen này chủ yếu tồn tại ở các vùng Appenzell, Lucerne, Jura, Berne...
Moritz Brunner, một công dân Thụy Sĩ, từng chạy chiến dịch quảng cáo gây tranh cãi cho nhà hàng không tồn tại phục vụ thịt mèo. (Ảnh: SF).
Tờ báo Thụy Sĩ Tages Anzeiger từng đưa tin về những nông dân vùng Appenzell và St. Gallen thường giết thịt chó mèo để lấy thịt ăn hoặc tặng bạn bè. Loại thịt yêu thích của họ là giống chó Rottweiler lực lưỡng.
Tờ Tages Anzeiger chú thích, những người trả lời khảo sát trên đều dưới dạng ẩn danh. Tất cả đều lo sợ người yêu động vật và các nhà hoạt động xã hội tức giận khi biết những gì họ tiết lộ.
Thụy Sĩ có đặc sản thịt khô ướp cay mostbröckli, thường làm từ thịt bò hoặc lợn nhưng người dân vùng Appenzell dùng thịt chó. "Chẳng ai biết nó là gì khi bạn chế biến đúng cách", một người cho hay. Thịt chó cũng được dùng làm thành xúc xích và có trong thành phần một số loại thuốc chữa bệnh khớp.
Đặc sản thịt khô mostbröckli. (Ảnh: Frigaliment).
Trong khi đó, thịt mèo thường được nấu như thịt thỏ trong dịp Giáng sinh, với vang trắng và tỏi. Thị trường nhỏ buôn bán lông mèo làm áo khoác hay ga trải giường có xu hướng mở rộng tại quốc gia Trung Âu này.
Martin Buhlmann, một người dân sống gần Lucerne, cho biết ông lớn lên trong một gia đình đông anh em, lúc nhỏ cả nhà thường đi bắt mèo về cho mẹ nướng. "Thịt mèo dễ tiêu và ngon hơn thịt thỏ", ông nói trên kênh truyền hình Thụy Sĩ SRF1.
Mặc dù thịt chó mèo không được kinh doanh trên diện rộng, thói quen tiêu thụ những loại thịt này khiến những nhà bảo vệ động vật tại Thụy Sĩ phẫn nộ, bởi chính phủ nước này chưa có lệnh cấm như Đức, quốc gia láng giềng. Luật pháp Thụy Sĩ chỉ xử phạt một người nếu họ giết chó mèo theo cách tàn nhẫn.
Martina Karl, chủ tịch của hội bảo vệ động vật Thụy Sĩ Mensch-Tier-Spirits-Helvetia, trả lời Swissinfo: "Chó và mèo là vật nuôi trong nhà, không nên bị đem ra làm thức ăn. Hành động nuôi và bắt lấy thịt nên bị xem là phạm pháp và chịu sự trừng phạt".
Những người yêu động vật tại Thụy Sĩ phản đối tiêu thụ thịt chó mèo. (Ảnh: Denis Balibouse).
AFP nhận định, các tổ chức bảo vệ động vật và những người nông dân tiếp cận vấn đề trên theo các hướng khác nhau. Một nông dân thừa nhận anh ta từ bỏ món khoái khẩu của mình vì điều đó khiến cộng đồng bất bình.
Đại diện Văn phòng Thú y Liên bang Thụy Sĩ cho rằng thói quen ăn thịt chó mèo là vấn đề thuộc phạm trù văn hóa, đồng thời chỉ ra rằng một số quốc gia trên thế giới có mô hình chăn nuôi chó lấy thịt.
Dennis Turner, chuyên gia về tâm lý học và động vật học tại Zurich, đã nghiên cứu chuyên sâu về những khác biệt văn hóa về thái độ đối với động vật của người dân tại 12 quốc gia (bao gồm Thụy Sĩ và Trung Quốc) và năm tôn giáo lớn.
"Đa số người dân ở các quốc gia này phản đối việc ăn thịt chó mèo. Lý do chính nằm ở mối quan hệ cá nhân của con người với chó và mèo. Bất cứ ai yêu thương một loài vật nào đều phản đối việc ăn thịt chúng", Turner nói. Ông cũng đề cập rằng thói quen nuôi thú cưng đang gia tăng ở Trung Quốc, tạo nên thay đổi về thái độ của xã hội đối với động vật.
Tới nay không có báo cáo chính thức nào về số lượng chó mèo bị giết thịt ở Thụy Sĩ. Quốc hội nước này từng bác bỏ đề xuất thay đổi luật để bảo vệ chó mèo khỏi nguy cơ bị giết thịt vào năm 1993.
Trong khi đó, Edith Zellweger, từ nhóm bảo vệ động vật Salez, tỏ quyết tâm với đề xuất chính phủ Thuỵ Sĩ sửa đổi luật pháp nước này. Năm 2014, những nhà hoạt động xã hội tại Thụy Sĩ đã thu thập gần 18.000 chữ ký ủng hộ chiến dịch cấm ăn thịt chó mèo để trình quốc hội ở Bern, theo Reuters.
- Những căn bệnh đáng sợ từ thịt chó