Thịt rắn trị được bệnh xương khớp?
Thịt rắn chỉ có giá trị dinh dưỡng, còn dược tính thì... tuỳ niềm tin thực khách. Đông ăn, Tây chế thuốc Theo một số tài liệu đông y, thịt rắn có vị ngọt, mặn, tính ấm, quy kinh can, tác dụng trừ phong thấp, định kinh giản, giảm đau, tiêu độc... Riêng mật rắn có vị ngọt, cay, ...
Thịt rắn chỉ có giá trị dinh dưỡng, còn dược tính thì... tuỳ niềm tin thực khách.
Đông ăn, Tây chế thuốc
Theo một số tài liệu đông y, thịt rắn có vị ngọt, mặn, tính ấm, quy kinh can, tác dụng trừ phong thấp, định kinh giản, giảm đau, tiêu độc... Riêng mật rắn có vị ngọt, cay, không đắng như các loại mật khác, tác dụng giảm đau, giảm ho, chống viêm... Gần như tất cả các thành phần trong rắn đều có thể sử dụng được: thịt chế biến món ăn, nọc dùng làm thuốc, tiết và mật pha rượu. Nghiên cứu hiện đại ghi nhận thịt rắn tương đối nhiều nạc, mềm, giàu đạm, ít mỡ. Thành phần dưỡng chất cũng phong phú: vitamin D (5.000 UI), vitamin A (2.500 UI), vitamin nhóm B (như B1, B2, B6…), folic axít, canxi, sắt, magie và kẽm...
Tây y không chú trọng dùng thịt rắn như thực phẩm chức năng mà nghiên cứu, chiết xuất và sử dụng nhiều chế phẩm dược lý từ nọc rắn (huyết thanh kháng nọc rắn, thuốc gây tê, giảm đau nhức, chống viêm, chống đông máu, trị bệnh tim mạch, hô hấp, thần kinh, huyết học...)
Chưa đủ cơ sở khoa học
Ăn thịt rắn hay uống rượu ngâm rắn có chữa trị được các bệnh lý xương khớp (thoái hoá khớp, loãng xương...) không? Y học chính thống đến nay chưa có nghiên cứu nào đánh giá đầy đủ hiệu quả điều trị của các bài thuốc có dùng thịt rắn. Các tác dụng nếu có chỉ mới dừng lại ở mức độ dinh dưỡng. Trong khớp người có chất acid hyaluronic với thành phần khoảng 3mg/1ml dịch khớp. Vai trò của axít này là tạo độ nhớt của dịch khớp giúp bôi trơn khớp và chống sốc, đồng thời còn có tác dụng kháng viêm bằng cách ức chế tác dụng của TNF-α, IL-1, dọn sạch các gốc tự do. Axít này có tác dụng giảm đau bằng việc ức chế thụ thể gây đau nociceptor. Chính vì có vai trò quan trọng như vậy nên khi nồng độ axít này giảm xuống (do thoái hoá khớp), khớp sẽ bị lực tác động khi đi gây đau, viêm… Mọi biện pháp tiêm chất nhờn chính là cung cấp lại axít này cho dịch khớp. Thuốc đưa vào trong khớp phải được chế tạo làm sao để kích thích tế bào sụn khớp sinh ra axít này nhằm duy trì khả năng bảo vệ sụn khớp của axít hyaluronic. Do đó, quan niệm ăn thịt rắn hay uống rượu rắn sẽ cải thiện được tình trạng thoái hoá khớp, loãng xương là không có cơ sở khoa học bởi các dưỡng chất không thể tự nhiên đi vào trong khớp để trở thành axít hyaluronic.
Cần biết rằng trong tự nhiên có cả trăm loài rắn, tác dụng của mỗi loài lại không giống nhau và sự kết hợp của các bộ phận rắn khác nhau sẽ tạo ra những công dụng khác nhau, với từng loại bệnh. Do đó không thể có chuyện cứ ăn thịt rắn hay uống rượu rắn là đương nhiên khỏi bệnh. Với các dưỡng chất trong thịt rắn như vitamin D, canxi, sắt... thì có cơ sở để nói thịt rắn tốt cho xương khớp về mặt dinh dưỡng. Tuy nhiên, không phải ai cũng dùng được. Do bổ dưỡng như vậy nên người bị tăng huyết áp, phong nhiệt, người tiêu hoá không tốt, phụ nữ có thai và trẻ em thường được khuyên không nên dùng nhiều thịt rắn. Những người hay bị dị ứng, bệnh đường tiêu hoá, không uống được rượu… cũng không nên dùng rượu rắn. Những người có bệnh nội khoa, nhất là các bệnh thận, huyết áp, gan, tim mạch cũng không nên sử dụng rượu rắn vì khi ngâm toàn tính (ngâm cả con rắn), nọc rắn dung hòa với các chất khác trong cơ thể rắn và trong rượu để lượng độc tố giảm bớt hoặc không gây nguy hiểm cho người bình thường, nhưng với người có các chức năng suy yếu thì sẽ rất khó phân giải độc tố này để đào thải ra khỏi cơ thể. Thực tiễn điều trị đã từng có những trường hợp nguy kịch, bị nhiễm ký sinh trùng, tử vong do uống rượu rắn hay rượu pha tiết rắn mà trong tiết có ấu trùng gây bệnh.
Thịt rắn tuy có chút đóng góp cải thiện sức khoẻ con người nhưng mức độ được y học ghi nhận vẫn còn rất thấp, chỉ dừng lại ở mức độ dinh dưỡng. Trong khi đó, sự tồn tại của các loài rắn rất cần thiết cho việc cân bằng hệ sinh thái và môi trường, nên mọi người không nên tiêu thụ quá nhiều thịt rắn, nhất là rắn trong tự nhiên.