08/02/2018, 00:36

Thiên nhiên trong thơ Bác phản ánh tâm hồn lớn của nhà thơ Hồ Chí Minh. Hãy chứng tỏ điều đó qua các bài thơ Chiều tối, Giải đi sớm, Mới ra tù, tập leo núi

Hướng dẫn DÀN BÀI CHI TIẾT I. Mở bài Ở Hồ Chí Minh, thơ văn chính là con người. Qua thơ văn Bác, ta thấy con người Bác. Điều này được bộc lộ rõ trong thơ của Người, cho dù thơ ấy viết về con người hay thiên nhiên. Qua các bài thơ Chiều tối, Giải đi sớm, Mới ra tù, tập ...

Hướng dẫn

DÀN BÀI CHI TIẾT

I. Mở bài

Ở Hồ Chí Minh, thơ văn chính là con người. Qua thơ văn Bác, ta thấy con người Bác. Điều này được bộc lộ rõ trong thơ của Người, cho dù thơ ấy viết về con người hay thiên nhiên. Qua các bài thơ Chiều tối, Giải đi sớm, Mới ra tù, tập leo núi ta thấy thiên nhiên trong thơ Bác đã phản ánh tâm hồn lớn của nhà thơ Hồ Chí Minh.

II. Thân bài

1. Thế nào là tâm hồn lớn trước thiên nhiên?

– Một con người có tâm hồn lớn trước thiên nhiên, trước hết phải là con người yêu thiên nhiên say đắm, giao hòa cùng thiên nhiên cảnh vật như đối với những người tri âm, tri kỉ. Sau nữa, phải nhìn thiên nhiên bằng con mắt lạc quan, yêu đời, bằng một tấm lòng thương yêu, trân trọng.

– Những điều này Bác đều có, và lại có ở mức độ cao và đẹp đẽ khiến cho khi tiếp xúc với thiên nhiên trong thơ Bác, chúng ta thường ngạc nhiên và khâm phục trước cái ánh sáng kì diệu của tâm hồn lớn ấy.

2. Tâm hồn lớn của Bác qua thiên nhiên trong ba bài thơ:

a) Bác yêu thiên nhiên say đắm và giao hòa cùng thiên nhiên cảnh vật:

– Chiều tối: lưu luyến nhìn theo một cánh chim bay về rừng và một chòm mây trôi trên bầu trời và tìm thấy tâm trạng của mình trong đó (dẫn chứng).

– Giải đi sớm: Giữa đêm tối mịt mùng trong cảnh tù đày khắc nghiệt, vẫn không thể bỏ qua một "chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn", để rồi sau đó, hồn thơ lai láng tràn đầy trước cảnh bình minh rực hồng, thời tiết ấm áp (dẫn chứng).

– Mới ra tù, tập leo núi: Bức tranh sơn thủy hữu tình đẹp như trong tranh thủy mạc là bằng chứng của một tình yêu thiên nhiên sâu sắc và đắm say (dẫn chứng).

b) Bác nhìn thiên nhiên bằng con mắt lạc quan yêu đời, bằng một tấm lòng thương yêu trân trọng:

– Chiều tối: thông cảm sâu sắc với cánh chim mỏi bay về rừng và chòm mây cô đơn đang trôi chầm chậm trên bầu trời. Trong sự thông cảm này dường như có cả sự chia sẻ chia – có cả nỗi lòng của Bác (mặc dù hoàn cảnh của Bác lúc bấy giờ thật gian khổ, mệt mỏi, cô đơn và buồn bã).

– Giải đi sớm: Bác thấy như trăng sao đang cùng lên đường với mình, và như vậy, người tù không hề cô đơn. Bác nhìn thẳng vào đêm tối – gió lạnh – đường xa, nhìn thẳng vào khó khăn để bình tĩnh chủ động dấn bước. Và dưới mắt người tù – chiến sĩ – thi sĩ ấy thì buổi bình minh của thời tiết đã có khí thế như buổi bình minh của thời đại (dẫn chứng).

– Mới ra tù, tập leo núi: Cảnh đẹp nhưng không vắng vẻ quạnh hiu như trong thơ xưa, mà ấm áp (núi ấp ôm mây, mây ấp núi) và trong sáng (lòng sông gương sáng bụi không mờ). Con người hài hòa với thiên nhiên hùng vĩ, giao hòa tuyệt đẹp trong cảnh trời mây non nước bao la khoáng đạt, trở thành trung tâm của bức tranh thiên nhiên, bởi Bác là chiến sĩ chứ không phải ẩn sĩ (dẫn chứng).

III. Kết bài

Thiên nhiên trong thơ Bác – dù là thơ trong nhà tù hay trên đường giải tù – bao giờ cũng là một thiên nhiên đẹp và đầy sức sống bởi chính tâm hồn lớn của Bác đã tỏa ánh sáng vào thiên nhiên cảnh vật khiến cho "thiên nhiên trong thơ Bác thường chan chứa một niềm vui lớn" như Hoài Thanh đã từng nhận xét.

Thu Trang

0