Thi Văn lớp 9 học kỳ 2 Hoài nhơn 2016: Khởi ngữ là thành phần biệt lập của câu. Đúng hay sai?
Thi Văn lớp 9 học kỳ 2 Hoài nhơn 2016: Khởi ngữ là thành phần biệt lập của câu. Đúng hay sai? Đề thi văn 9: ‘Nói với con’ – áng thơ tinh tế, sâu sắc về tình cảm gia đình, tình quê hương của nhà thơ Y Phương. 1: Bài văn “Bàn về đọc sách ” của tác giả nào? A. ...
Thi Văn lớp 9 học kỳ 2 Hoài nhơn 2016: Khởi ngữ là thành phần biệt lập của câu. Đúng hay sai?
Đề thi văn 9: ‘Nói với con’ – áng thơ tinh tế, sâu sắc về tình cảm gia đình, tình quê hương của nhà thơ Y Phương.
1: Bài văn “Bàn về đọc sách ” của tác giả nào?
A. Nguyễn Thiếp
B.Chu Quang Tiềm
C.Nguyễn Quang Sáng
D.Hoài Thanh
2: Ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh con cò trong văn bản “Con cò” của Chế Lan Viên là:
A. Hình ảnh người nông dân vất vả.
B.Hình ảnh người phụ nữ vất vả, nhọc nhằn, giàu đức hi sinh.
C.Biểu tượng cho tấm lòng người mẹ và những lời hát ru.
D.Là nhân vật trữ tình chính trong ca dao.
3:Trong những câu dưới, câu nào có thành phần khởi ngữ?
A. Tôi đọc quyển sách này rồi.
B.Quyển sách này tôi đọc rồi.
C.Nghèo, tôi đã hết nghèo.
D.Tôi vừa làm xong bài tập.
4:Nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lý là bàn về tư tưởng, văn hoá, đạo đức, lối sống của thế hệ thanh niên. Đúng hay sai?
A. Đúng
B.Sai
5:Khởi ngữ là thành phần biệt lập của câu. Đúng hay sai?
A. Đúng B.Sai
6: Điền từ để hoàn thành khái niêm:
a. Khởi ngữ là thành phàn câu đứng trước chủ ngữ để nêu lên ………….được nói đến trong câu.
b. Thành phần …………được dùng để thể hiện cách nhìn của người nói đối với sự việc được nói đến trong câu.
7: Ghép tên các thành phần biệt lập với công dụng của nó:
A. Thành phần biệt lập | B.Công dụng (được dùng để) | Ghép A với B |
1, Thành phần tình thái | a, bổ sung một số chi tiết cho nội dung chính của câu | 1, |
2, Thành phần cảm thán | b, thể hiện cách nhìn của người nói đối với sự việc được nói đến trong câu | 2, |
3, Thành phần gọi – đáp | c, bộc lộ tâm lý của người nói | 3, |
4, Thành phần phụ chú | d, nêu đề tài nói đến trong câu | 4, |
e, tạo lập hoặc duy trì quan hệ giao tiếp |
8:a, Thế nào là nghĩa tường minh? Hàm ý?
b, Đọc mẫu chuyện ngắn sau và trả lời câu hỏi:
Mẹ
Ba thằng bạn ngồi với nhau kể những chuyện buồn vì Mẹ
– Mẹ tao không cho tiền tiêu vặt, thật là chán!
– Online 1 tí đã bị mẹ mắng, bực thật!
Thằng thứ ba vẫn im lặng, chưa bao giờ nghe nó kể chuyện buồn vì mẹ cả.
– Thế Mẹ mày có làm gì mày buồn không? – Thằng thứ nhất hỏi.
– Không! Hồi Mẹ tao còn sống, Mẹ toàn làm cho tao vui thôi – thằng thứ ba trả lời.
Nó lại cười. Nụ cười rưng rưng.
–Chỉ ra hàm ý trong câu trả lời của thằng thứ ba?
9: “Nói với con” – áng thơ tinh tế, sâu sắc về tình cảm gia đình, tình quê hương của nhà thơ Y Phương.
1B; 2C; 3BC; 4B; 5B; 6a Đề tài; 6b tình thái; 7. 1-b, 2-c, 3-e, 4-a
8a: Nghĩa tường minh là phần thông báo được diễn đạt trực tiếp bằng từ ngữ trong câu.
Hàm ý là phần thông báo tuy không được diễn đạt trực tiếp bằng từ ngữ trong câu nhưng có thể suy ra từ những từ ngữ ấy.
8b: Hàm ý trong câu trả lời của thằng thứ ba:
+ Mẹ nó đã chết.
+ Tình yêu thương mẹ giúp ta thấy được tất cả những gì mẹ dành cho ta đều tốt đẹp.
– Mức không tính điểm: Có câu trả lời khác hoặc không có câu trả lời
9: Ca dao từng có câu: “Công cha như núi Thái Sơn”. Có phải vì vậy mà người cha luôn khao khát những đứa con có được sự vững vàng, rắn rỏi mạnh mẽ trên đường đời. Qua bài thơ Nói với con của Y Phương, người đọc nhận thấy tình cảm và mong ước của một người cha như vậy dành cho con, một thứ tình cảm nồng ấm và thiêng liêng, giản dị. Bài thơ đồng thời cũng gợi cho người đọc những suy nghĩ sâu sắc về trách nhiệm của người làm con.
Mượn lời một người cha nói với con, bài thơ gợi về cội nguồn của mỗi con người, đồng thời bộc lộ niềm tự hào trước sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của quê hương mình. Nhà thơ đã mở rộng từ tình cảm gia đình đến tình cảm quê hượng, từ những kỷ niệm gần gũi, thiết tha mà nâng lên thành lẽ sống.
Mở đầu bài thơ bằng những hình ảnh cụ thể, Y Phương đã tạo được không khí gia đình đầm ấm, quấn quýt. Từng bước đi, từng tiếng nói tiếng cười của con được cha mẹ mừng vui đón nhận:
“Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười”
Những câu thơ có cách diễn đạt thật độc đáọ đã cho thấy tình yêu thương của cha mẹ đối với con. Con lớn lên hàng ngày trong tình yêu thương ấy, trong sự nâng niu, mong chờ của cha mẹ.
Không chỉ có tình yêu thương của cha mẹ, thời gian trôi qua, con trưởng thành trong cuộc sống lao động, trong thiên nhiên thơ mộng và nghĩa tình của quê hương. Đó là cuộc sống của những “người đồng mình”, rất cần cù và tươi vui:
“Người đồng mình thương lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa, vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa, con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ nhớ mãi về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trong đời”.
Những từ ngữ giàu sắc thái biểu hiện: cài nan hoa, ken câu hát,… đã miêu tả cụ thể cuộc sống ấy đồng thời thể hiện tình cảm gắn bó, quấn quýt của con người quê hương. Rừng núi quê hương thơ mộng và trữ tình cũng là một trong những yếu tố nuôi con khôn lớn, nâng đỡ tâm hồn con. Thiên nhiên với những sông, suối, ghềnh, thác… đã nuôi dưỡng con người cả về tâm hồn và lối sống: “Rừng cho hoa, con đường cho những tấm lòng”. Cách gọi “người đồng mình” đặc biệt gần gũi, thân thiết và gắn bó như gợi niềm ruột thịt yêu thương.
Không chỉ gợi cho con về nguồn sinh dưỡng, cha còn nói với con về những đức tính cao đẹp của “người đồng mình”. Đó là lòng yêu lao động, hăng say lao động với cả tấm lòng. Đó là sức sống bền bỉ, mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ:
“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn”.
Dùng những từ ngữ rất mạnh mẽ như “cao”, “xa”, “lớn”, tác giả muốn nhấn mạnh cuộc sống khoáng đạt, mạnh mẽ của những “người đồng mình”. Dù khó khăn, đói nghèo còn nhiều nhưng họ không nhụt chí, ý chí của họ vẫn rất vững chắc, kiên cường:
“Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
] Còn quê hương thì là phong tục”
Những “người đồng mình” vượt qua vất vả để bám trụ lấy quê hương. Bằng cuộc sống lao động không mệt mỏi, họ xây dựng quê hương với những truyền thống cao đẹp. Những “người đồng mình” mộc mạc, thẳng thắn nhưng giàu chí khí, niềm tin…Người cha đã kể với con về quê hương với cảm xúc rất tự hào.
Tình cảm của người cha dành cho con rất thiết tha, trìu mến. Tình cảm này bộc lộ tự nhiên, chân thực qua những lời nhắn gửi của cha cho cọn. Người cha muốn con sống phải có nghĩa tình, thuỷ chung với quê hương, biết chấp nhận những khó khăn, vất vả để có thể:
“Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”
Người cha mong cho con mình sống ngay thẳng, trong sạch, sống với ý chí, niềm tin để vững vàng vượt qua mọi thử thách khó khăn. Người cha mong cho con sống phải luôn tin vào khả năng của mình, tin tưởng vào bản thân. Có như vậy, con mới có thể thành công, mới không thua kém ai cả Người cha đã nói với con bằng tất cả lòng yêu thương của mình, nói với con những điều từ đáy lòng mình. Điều lớn nhất người cha đã truyền dạy cho con chính là niềm tự tin vào bản thân và lòng tự hào với sức sống mạnh mẽ, bền bỉ, với truyền thống của quê hương.
Qua những lời người cha nói với con, có thể thấy tình cảm của người cha đối với con thật trìu mến, thiết tha và tin tưởng. Điều lớn lao nhất mà người cha muốn nói với con chính là niềm tự hào với sức sống mạnh mẽ bền bỉ của quê hương và niềm tin khi bước vào đời.
Bài thơ đã gợi cho người đọc những niềm cảm động sâu xa và những suy nghĩ sâu sắc. Thì ra, đằng sau những lặng lẽ, thâm trầm cùa cha là biết bao yêu thương, biết bao mong mỏi, biết bao hi vọng, biết bao đợi chờ … Con lớn lên như hôm nay không chỉ nhờ vào cơm ăn và áo mặc mà còn mang nặng ân tình của những lời dạy dỗ ân cần thấm thía. Quả là:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Vậy thì, là người làm con, con xin nguyện:
“Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Chẳng những vậy, con sẽ bước theo những bước chân vững chắc mà cha để lại trên con đường cha bước đến đỉnh Thái Sơn – nguyện “sống như sông như suối”, nguyện ngẩng cao đầu “lên đường” mà không “thô sơ da thịt”. Và trên con đường ấy, con sẽ mang theo hình ảnh quê hương để tiếp tục nối tiếp cha anh “tự đục đá kê cao quê hương” thân thiết của mình.
Bài thơ có nhiều nét đặc sắc về nghệ thuật, tuy nhiên, độc đáo nhất và đặc sắc nhất là cách thể hiện, diễn tả tình cảm. Những từ ngữ, hình ảnh trong bài rất mộc mạc nhưng đồng thời cũng rất giàu hình ảnh gợi tả vừa cụ thể vừa có sức khái quát cao.
Bài thơ nhắc nhở chúng ta về tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương, của dân tộc. Qua lời nói với con, ta phần nào hiểu rõ hơn, cảm nhận sâu sắc hơn những tình cảm của người cha dành cho con. Những bài học mà người cha trong bài thơ Nói với con có lẽ là những bài học mà bất kỳ người cha nào cũng muốn dạy cho con mình. Và những bài học giản dị, mộc mạc đó có lẽ sẽ theo con suốt trên chặng đường đời, bài học của cha – bài học đầy ý nghĩa sâu sắc.