25/05/2018, 09:11

Thị trấn (Việt Nam)

Thị trấn là đô thị cấp V (có thể là cấp IV) và là đơn vị hành chính tương đương cấp xã (cấp hành chính thấp nhất của Việt Nam hiện nay). Thông thường, cơ quan quản lý Nhà nước cấp huyện được đặt ở một thị trấn, gọi là huyện lỵ, song không phải thị trấn nào ...

Thị trấn là đô thị cấp V (có thể là cấp IV) và là đơn vị hành chính tương đương cấp xã (cấp hành chính thấp nhất của Việt Nam hiện nay). Thông thường, cơ quan quản lý Nhà nước cấp huyện được đặt ở một thị trấn, gọi là huyện lỵ, song không phải thị trấn nào cũng là huyện lỵ của một huyện (khi trong một huyện có nhiều thị trấn, hoặc khi thị trấn ở vị trí địa lý không thuận lợi).

Thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La

Thị trấn tương đương với:

* Tại các thành phố trực thuộc trung ương (TPTTTW):

  • Phường (phần nội thành hay nội thị (nếu có thị xã trực thuộc TPTTTW)).
  • Xã (phần ngoại thành của TPTTTW hay ở các huyện trực thuộc TPTTTW).

* Tại các tỉnh:

  • Phường (trong phần nội thành của các Thành phố trực thuộc tỉnh (nếu có) hay của các thị xã (nếu có)), cũng như xã ở phần ngoại thành (ngoại thị) của các đơn vị hành chính này.
  • Xã ở các huyện.

Sự so sánh trên đây chỉ mang tính chất tương đối, nhất là khi xét về mặt cảm quan. Một thị trấn có thể là trung tâm hành chính của một huyện, nhưng một phường nào đó tại một thị xã nào đó thì không thể coi là trung tâm hành chính của một thị xã, trong khi một huyện và một thị xã là hai đơn vị hành chính tương đương về cấp.

Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2008, Việt Nam có 617 thị trấn. Tỉnh có nhiều thị trấn nhất là Thanh Hoá với 30 thị trấn, tiếp theo là Hà Nội với 22 thị trấn. Tỉnh Ninh Thuận chỉ có 3 thị trấn còn thành phố Đà Nẵng không có thị trấn nào.

Tính đến ngày 11 tháng 12 năm 2010, Việt Nam có 626 thị trấn.

Tiêu chí để xét một khu vực dân cư là thị trấn hay xã thông thường gắn với tỷ lệ ngành nghề. Tại khu vực xã, tỷ lệ dân số làm nông nghiệp (lâm nghiệp, ngư nghiệp) cao hơn so với một thị trấn. Tại địa bàn một huyện, mật độ dân số tại các thị trấn thông thường cũng cao hơn so với mật độ dân số tại các xã. Các tiêu chí khác như số lượng dân số, đóng góp cho ngân sách (qua thuế chẳng hạn), diện tích đất đai không rõ nét trong trường hợp này. Một thị trấn có thể đông dân và nộp ngân sách nhiều hơn một xã, song cũng không ít trường hợp ngược lại.

Các sách báo gần đây đề cập nhiều đến khái niệm thị tứ. Tuy nhiên, thị tứ không phải là một đơn vị hành chính nhà nước chính thức. Một thị tứ thông thường được hiểu là trung tâm của một tiểu vùng kinh tế (bao gồm phạm vi nhiều xã với lượng dân cư khoảng 4-5 nghìn người, nhưng không phải trong phạm vi toàn huyện), trong đó các ngành nghề như thương mại; dịch vụ; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phát triển hơn so với các vùng phụ cận. Dân cư sống trong khu vực đó cũng sống tập trung và có mật độ cao hơn. Một thị tứ được hình thành khi ở khu vực đó có sự thuận lợi về các điều kiện hạ tầng cơ sở hơn so với khu vực phụ cận. Nó có thể nằm trong khu vực thuộc nhiều xã giáp ranh. Nó là tiên đề để hình thành nên các thị trấn mới trong tương lai, khi nó phát triển đủ lớn để chính quyền có thể công nhận.

0