Thị trấn kỳ lạ ở Mỹ: Cấm mọi đôi giày cao gót vì một lý do cực kỳ bất ngờ
Phải xin phép thì mới được mang giày cao gót, đó là luật bất thành văn tại thị trấn kỳ quặc nhất nước Mỹ, Carmel bên bờ biển. Carmel bên bờ biển (Carmel-by-the-Sea) , thường được gọi tắt là Carmel, là một thị trấn tại Monterey, bang California của Mỹ. Nó được thành lập vào năm 1902, và 4 năm ...
Phải xin phép thì mới được mang giày cao gót, đó là luật bất thành văn tại thị trấn kỳ quặc nhất nước Mỹ, Carmel bên bờ biển.
Carmel bên bờ biển (Carmel-by-the-Sea), thường được gọi tắt là Carmel, là một thị trấn tại Monterey, bang California của Mỹ. Nó được thành lập vào năm 1902, và 4 năm sau đó bỗng trở thành một địa điểm tuyệt vời dành cho các văn nghệ sĩ.
Carmel bên bờ biển.
Thị trấn của những điều mơ hồ
Từ thuở xa xưa, Carmel đã nổi tiếng là vùng đất nhỏ bé mà xinh đẹp. Nằm sát biển nhưng trong vùng khí hậu lạnh, bởi vậy thị trấn luôn chìm trong sương mờ. Nó khiến người ta liên tưởng tới những thứ như "cõi mộng" hay "tiên giới" giữa trần thế.
Và cũng nhờ thế, những tâm hồn lãng mạn tìm đến Carmel mỗi lúc một nhiều.
Diện tích chỉ vào khoảng 1,6km2 nhưng Carmel vẫn có đến 100 phòng trưng bày nghệ thuật.
Đầu Thế kỷ XX, dân nghệ thuật đến với Carmel du ngoạn hoặc ẩn cư đã đông đến mức người ta phải gọi đây là thị trấn dành riêng cho họ. Từ nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ Ansel Adams, đến nhà văn Jack London, ai đã một lần đến với Carmel là muốn ở lại luôn không chịu về.
Ngày nay, Carmel vẫn bé nhỏ như vậy. Và với tổng diện tích chỉ vào khoảng 1,6km2 ấy, Carmel vẫn có đến 100 phòng trưng bày nghệ thuật cực kỳ đa dạng cùng bề dày lịch sử rất riêng.
Đến những quy định để bảo vệ cõi mộng ảo
Để không bị đô thị hóa, Carmel đề ra khá nhiều quy tắc. Đèn đường không được quá chói lóa, cũng không được phép có quá nhiều bóng đèn. Biển hiệu không được phép phô trương, lòe loẹt. Nhà không được phép xây quá cao, cũng không được phép có số nhà.
Tại thị trấn này không có tên đường, tên ngõ hay số nhà.
Nếu phải đi đâu vào buổi tối, người dân của thị trấn Carmel luôn nhớ mang theo đèn pin. Chỉ tội cho những ai mới lần đầu tới thăm Carmel, mới rẽ qua đôi ba ngõ đã thấy bị lạc đường.
Hỏi thăm đường thì cũng được thôi, nhưng câu trả lời luôn là "rẽ góc đó", "đi vào đường kia", "tắt qua ngõ nọ". Không phải người chỉ đường cố ý chơi khăm hay muốn đánh đố gì đâu, mà chỉ tại Carmel vốn đâu có tên đường, tên ngõ hay số nhà.
Nhưng biết làm sao hơn! Carmel là thị trấn... mơ hồ mà.
Và điều luật kỳ cục nhất: cấm giày cao gót
Tuy nhiên, sự mơ hồ như "cõi mộng" ấy chưa phải là điều đặc biệt nhất ở Carmel. Nếu bạn là phụ nữ và muốn trải nghiệm "cõi mộng" Carmel một lần, hãy nhớ cất đôi giày cao gót yêu quý vào vali. Còn nếu bạn vẫn muốn được "diện" giày cao cho "điệu", đành phải đến ủy ban thị trấn một chuyến trước vậy.
Bởi lẽ nếu chưa được Carmel cấp phép đồng ý cho mang giày cao gót mà bạn vẫn cứ vô tư đeo vào chân, đi dạo dưới lòng đường, thì lỡ có gặp phải chuyện gì, bạn sẽ phải tự mình chịu trách nhiệm hết.
Cấm mang giày cao gót là điều luật khá kỳ cục tại Carmel.
Thật ra, Carmel đã 2 lần xin phép Mỹ ban lệnh cấm đi giày cao gót trong thị trấn rồi đấy. Tiếc là pháp luật Mỹ không đồng tình. Thế nên người đứng đầu thị trấn, dưới sự đồng tình của cư dân, bèn đặt ra quy tắc là phải xin phép nếu muốn mang giày cao gót.
Thật kỳ cục phải không, nhưng mọi thứ đều có nguyên do của nó. Với Carmel, nguyên do ấy là... cây xanh.
Mọi lối đi của Carmel đều có hàng cây xanh to lớn xòa bóng mát. Vì quá yêu chúng, người dân Carmel không nỡ cắt những cái rễ cây mọc trồi lên trên mặt đất. Nếu bạn có tính cẩn thận thì không sao, chứ lơ ngơ một chút là vấp rễ cây mà ngã liền.
Khổ nỗi, ngay cả khi bạn có tính cẩn thận đi nữa, cảnh đẹp mê hồn của Carmel và sương mù mờ mịt của nó vẫn khiến người ta bất thần ngơ ngẩn. Và khi ngơ ngẩn, con người ta dễ ngã sấp cả mặt vì đống rễ cây ấy.
Cũng bởi vì họ yêu cây xanh thôi
Mỗi năm, thị trưởng ở đây phải nghe quá nhiều lời than phiền về rễ cây. Và thế nên họ mới đưa ra quyết định kỳ cục như vậy.
Không chỉ thân thiện với cây cối, Carmel còn nổi tiếng là yêu mến thú cưng nữa. Họ nuôi rất nhiều chó và tất cả chúng đều được thả rông. Mọi cửa hàng địa phương của Carmel cũng luôn để sẵn bánh quy dành cho chó ở trước cửa. Trong số 45 khách sạn của thị trấn, thì có đến 25 khách sạn là đồng ý cho phép khách mang theo cả thú cưng vào rồi.