Hành trình vượt lãnh Đại Dữu, liên quan đến lịch sử Việt Nam
Hồ Bạch Thảo Lãnh tức là vùng núi, cao nguyên; có 5 lãnh nằm giữa đường biên giới nhà Hán và nước Nam Việt thời Triệu Đà, nên sử gọi là Ngũ Lãnh. Đại Dữu là một trong 5 lãnh đó, vị trí tại biên giới 2 tỉnh Giang Tây và Quảng Đông ngày nay. Thời xưa đã có đường giao thông từ bắc ...
Hồ Bạch Thảo
Lãnh tức là vùng núi, cao nguyên; có 5 lãnh nằm giữa đường biên giới nhà Hán và nước Nam Việt thời Triệu Đà, nên sử gọi là Ngũ Lãnh. Đại Dữu là một trong 5 lãnh đó, vị trí tại biên giới 2 tỉnh Giang Tây và Quảng Đông ngày nay. Thời xưa đã có đường giao thông từ bắc chí nam qua lãnh này, khái quát từ Cửu Giang [Cửu Giang thị, Giang Tây, tọa độ 29.703252, 116.018004] tại phía nam sông Dương Tử, vượt hồ lớn đến Nam Xương, rồi ngược dòng sông Cám mấy trăm cây số cho đến lãnh Đại Dữu [tọa độ 25.468275,114.434167]. Tại lãnh này phải dùng đường bộ một khoảng, rồi theo thượng nguồn sông Bắc Giang phát nguyên từ Cám Châu, xuôi dòng hợp với sông Châu Giang, chảy qua tỉnh thành Quảng Châu [tọa độ 23.104696,113.355309, Quảng Đông].
Lịch sử Việt Nam ghi nhận 3 sự kiện lớn liên quan đến hành trình vượt lãnh Đại Dữu:
Thứ nhất dưới thời nhà Hán, tướng Lâu thuyền Dương Bộc từ phương Bắc vượt lãnh đánh nước Nam Việt.
Thứ hai, thời Đông Tấn phản loạn Lô Tuần từ Quảng Châu đi, về, theo lãnh Đại Dữu đánh kinh đô Kiện Khang [Nam Kinh] rồi rút lui; sau đó thua chạy sang Việt Nam, khiến đồ đảng và cả nhà y bị tiêu diệt trên sông Hồng.
Thứ ba, sự việc xãy ra vào cuối thế kỷ thứ 18, phải đoàn Quang Trung giả thăm Trung Quốc, có danh sĩ Phan Huy Ích tháp tùng; từ Việt Nam qua ải Nam Quan rồi từ châu Ninh Minh đi đường thủy đến Quảng Châu, lại từ Quảng Châu ngược dòng Bắc Giang vượt lãnh Đại Dữu lên miền bắc, triều kiến vua Càn Long tại hành cung tránh nóng Nhiệt Hà. Chi tiết về các cuộc hành trình, xin lần lượt trình bày như sau:
1.Tướng quân lâu thuyền Dương Bộc vượt lãnh Đại Dữu đánh nước Nam Việt:
Năm Nguyên Đỉnh thứ 5 [-112] vua Hán Vũ Đế điều động 4 đạo binh đến đánh nước Nam Việt, mục tiêu chính là thành Phiên Ngung [Quảng Châu], kinh đô nước Nam Việt lúc bấy giờ. Bốn đạo binh gồm: Vệ úy Lộ Bác Đức xuất quân tại Quế Dương [Hồ Nam]; Đô úy Dương Bộc xuất quân tại Dự Chương, tức Nam Xương thị, tỉnh Giang Tây ngày nay; Cố Qui Nghĩa và Việt Hầu xuất quân tại Linh Lăng [Hồ Nam]; Trì Nghĩa hầu xuất quân từ Ba Thục [Tứ Xuyên]. Trong 4 đạo binh, 2 đạo của Lộ Bác Đức và Dương Bộc đến trước, làm nên chiến thắng.
Riêng đạo quân của Đô úy Dương Bộc sử dụng thuyền có 2 tầng tức lâu thuyền, xuất phát từ Nam Xương [Giang Tây], ngược dòng sông Cám, con sông lớn của tỉnh Giang Tây, đến quan ải Hoành Phố tức lãnh Đại Dữu. Hán Thư, quyển 95, phần liệt truyện Nam Việt Vương Triệu Đà, chép như sau:
“ Đô uý Dương Bộc giữ chức Tướng quân lâu thuyền ra quân tại Dự Chương [Nam Xương thị, Giang Tây], xuống quan ải Hoành Phố.”
[主爵都尉楊僕爲樓船將軍,出豫章下橫浦]
Đoàn quân phải đi bộ vượt lãnh Đại Dữu, rồi đốn cây rừng chế tạo thuyền để xuôi dòng Bắc Giang. Tại sông này, Đô úy Dương Bộc đánh tan quân Nam Việt tại Tầm Hiệp (1) và Thạch Môn (2); phối hợp với đạo quân của Phục Ba Tướng quân chiếm kinh thành Phiên Ngung, lại tiếp tục truy kích, bắt Vương Nam Việt Kiến Đức; cùng Thừa tướng Lữ Gia. Hán Thư, phần Liệt Truyện chép tiếp như sau:
“ Mùa xuân năm Nguyên Đỉnh thứ 6 [-111], Tướng quân lâu thuyền mang tinh binh đánh chiếm Tầm Hiệp, phá Thạch Môn, lấy được thuyền chở gạo của quân Việt. Tiếp tục tiến đánh, bẻ gãy quân tiên phong Việt. Tướng lâu thuyền cùng mấy vạn quân đợi Phục Ba Tướng quân. Phục Ba mang cả tội nhân, vì đường xa nên đi sau; khi gặp lâu thuyền quân số chỉ hơn 1.000, rồi cùng tiến. Cánh quân lâu thuyền tiến trước đến Phiên Ngung; Kiến Đức và Lữ Gia phòng thủ trong thành. Lâu thuyền chọn chỗ tiện nghi, đóng tại phía đông nam, Phục Ba đóng tại phía tây bắc. Vào lúc chiều tối, lâu thuyền đánh bại quân Việt, phóng lửa đốt thành. Quân Việt vốn biết tiếng Phục Ba, nhưng gặp trời chiều tối không biết quân nhiều hay ít; Phục Ba cho đóng trại, rồi sai sứ giả chiêu hàng, hứa ban ấn. Lâu thuyền ra sức đánh, quân bại trận bèn chạy ngược sang doanh Phục Ba; đến mờ sáng thì quân trong thành đều hàng Phục Ba. Lữ Gia và Kiến Đức nhân ban đêm, cùng vài trăm thuộc hạ chạy ra biển. Phục Ba hỏi những người xin hàng, biết được nơi Lữ Gia đến, bèn sai người truy kích; nguyên Hiệu uý tư mã Tô Hoằng bắt được Kiến Đức được phong Hải thường hầu; Việt lang (3) Đô Kê bắt Gia, được phong Lâm Thái hầu.”
[六年冬,樓船將軍將精卒先陷尋陿,破石門,得粵船粟,因推而前,挫粵鋒,以粵數萬人待伏波將軍。伏波將軍將罪人,道遠後期,與樓船會乃有千餘人,遂俱進。樓船居前,至番禺,建德、嘉皆城守。樓船自擇便處,居東南面,伏波居西北面。會暮,樓船攻敗粵人,縱火燒城。粵素聞伏波,莫,不知其兵多少。伏波乃爲營,遣使招降者,賜印綬,復縱令相招。樓船力攻燒敵,反驅而入伏波營中。遲旦,城中皆降伏波。呂嘉、建德以夜與其屬數百人亡入海。伏波又問降者,知嘉所之,遣人追。故其校司馬蘇弘得建德,爲海常侯;粵郎都稽得嘉,爲臨蔡侯]
2.Lô Tuần hành quân qua lãnh Dại Dữu đánh kinh đô Kiến Nghiệp, cuối cùng thua chết tại Việt Nam.
Lô Tuần nỗi dậy vào cuối thời Đông Tấn, cướp phá tại tỉnh Chiết Giang, bị danh tướng Lưu Dụ (4) đánh đuổi, phải rút chạy xuống Phúc Kiến. Rồi do hoàn cảnh bức bách, vượt biển rút lui tiếp xuống phía nam chiếm Quảng Châu. Sau khi kiểm soát toàn bộ châu, bèn tỏ ra hòa hoàn, sai sứ triều kiến nhà Tấn. Bấy giờ nhà Đông Tấn trong buổi suy vi, đất nước lắm loạn lạc, nên tạm thời đành phải trao chức Thứ sử Quảng Châu cho Tuần. Tấn Thư quyển 100, liệt truyện Lô Tuần chép như sau:
“Lô Tuần tự là Ư Tiên, còn có tên Nguyên Long; cháu Tư không tòng sự Kham. Mắt Tuần trong suốt, con ngươi liếc dược 4 phía; khéo viết chữ thảo, lệ; giỏi đánh cờ. Sa môn (5) Tuệ Viễn có tài xét người, từng gặp và bảo rằng:
“ Ông từng trải phong ba, nhưng ôm chí làm loạn.”
Tuần lấy em gái Tôn Ân, khi Ân làm phản, Tuần cùng dự mưu. Ân tính hung bạo tàn nhẫn, tuần thường can ngăn, nhân sĩ thường nhờ đó được miễn. Khi Ân mất, đám thuộc hạ cử Tuần làm thủ lãnh. Vào tháng giêng năm Nguyên Hưng thứ 2 [2/403] Tuần xua quân cướp phá Đông Dương [miền trung Chiết Giang], tháng 8 đánh Vĩnh Gia [Ôn Châu, Chiết Giang]. Lưu Dụ đánh đuổi Tuần đến Tấn An [Phúc Châu thị, Phúc Kiến]; gặp tình thế quẫn bách, bèn vượt biển đến Phiên Ngung, cướp phá Quảng Châu [Quảng Đông], đánh đuổi Thứ sử Ngô Ẩn Chi, rồi nắm quyền châu. Tuần tự xưng Bình nam tướng quân, sai sứ đến triều tiến cống. Lúc bấy giờ triều đình mới giết xong họ Hoàn (6), trong triều và ngoài cõi lắm việc; nên tạm thời phải ban cho Tuần chức Chinh lỗ tướng quân, Thứ sử Quảng Châu, Bình nam trung lang tướng.”
[盧循,字於先,小名元龍,司空從事中郎諶之曾孫也。雙眸冏徹,瞳子四轉,善草隸弈棋之藝。沙門慧遠有鑒裁,見而謂之曰:「君雖體涉風素,而志存不軌。」循娶孫恩妹。及恩作亂,與循通謀。恩性酷忍,循每諫止之,人士多賴以濟免。恩亡,餘眾推循為主。元興二年正月,寇東陽,八月,攻永嘉。劉裕討循至晉安,循窘急,泛海到番禺,寇廣州,逐刺史吳隱之,自攝州事,號平南將軍,遣使獻貢。時朝廷新誅桓氏,中外多虞,乃權假循征虜將軍、廣州刺史、平越中郎將。]
Bè lũ Lô Tuần biết rằng nhà Tấn sẽ không tha tội phản loạn, nên thừa dịp danh tướng Lưu Dụ mang đại quân lên phía bắc đánh Mộ Dung Khởi, bèn lập kế sách tập kích kinh đô Tấn tại Kiến Khang tức Nam Kinh. Lô Tuần cùng người anh vợ là Từ Đạo Phúc cho tạo thuyền tại lãnh Đại Dữu, rồi xuôi dòng sông Cám đánh thẳng xuống Nam Xương thuộc tỉnh Giang Tây. Sau khi đạo quân của Từ Đạo Phúc ngược sông Trường Giang mưu đánh Giang Lăng [Hồ Bắc] nhưng bị chặn; bèn quay trở lại hợp với đại quân của Lô Tuần tại Cửu Giang [Giang Tây]; cả hai đạo quân tổng hợp hơn 10 vạn, xuôi dòng tiến đánh kinh đô Kiện Khang. Nhưng không may cho chúng, Lưu Dụ đã trở về kịp, phá vây; truy kích đuổi ngược theo hướng cũ đến gần Nam Xương. Tại phòng tuyến Tả Lý bị thảm bại, lại phải ngược dòng sông Cám qua lãnh Đại Dữu, trở về lại Quảng Châu. Sự việc được kể tiếp trong Liệt Truyện Lô Tuần như sau:
“Vào thời Nghĩa Hy [405-419], lúc Lưu Dụ mang quân đánh Mộ Dung Khởi; anh vợ Tuần là Từ Đạo Phúc được Tuần giao cho làm Thái thú Thủy Hưng [Thiều Quan thị, Quảng Đông], sai người đến khuyên Tuần nên thừa cơ ra quân lúc phương bắc trống nhược, nhưng Tuần không nghe. Đạo Phúc bèn đến Phiên Ngung, thuyết Tuần rằng:
“Triều đình vẫn coi chú [em vợ] như bệnh tật trong tim bụng, bây giờ ông Lưu [Dụ] đang bận đánh nhau chưa trở về, chú nhờ dịp đó được tạm thời yên trong một ngày. Nếu dẹp Tề xong, ông Lưu sẽ mang đại quân đến Dự Chương [Nam Xương, Giang Tây], sai quân tinh nhuệ qua Ngũ Lãnh, bấy giờ tuy chú là thần vũ cũng không đương nỗi. Cơ hội ngày nay, vạn lần không thể đánh mất; một khi đánh được kinh đô, nếu Lưu Dụ trở về, cũng không làm gì nỗi ta. Nếu chú không chịu đi, thì tôi cũng suất quân từ Thủy Hưng lên đánh Tầm Dương.”
Tuần vốn không ưa việc này, nhưng không thể từ bỏ kế sách, nên đành phải theo. Trước đó, Đạo Phúc muốn bí mật đóng thuyền, hạm; bèn sai người khai thác gỗ tại núi Nam Khang, giả bộ nói rằng sẽ đem đến đô thị bán. Sau lại bảo rằng khó khăn không thực hiện được, nên đem số gỗ này bán rẻ đến mấy lần. Dân chúng tham rẻ, bán đồ vật tài sản lấy tiền tranh mua; nhưng vì sông Cống Thạch nước chảy gấp, gỗ khó vận chuyển, nên đều trử lại; sự việc xãy ra ba bốn lần, nên số gỗ tích trử càng nhiều, mà dân không nghi ngờ. Đến khi Đạo Phúc cử binh, cứ chiếu theo hàng đã bán lấy lại, dân không thể dấu diếm, dùng gỗ có sẵn chế tạo thuyền gấp, trong vài tuần thuyền, hạm sẵn sàng. Rồi mang quân đánh Nam Khang [nam Giang Tây], Lô Lăng [huyện Cát An, Giang Tây], Dự Chương [Nam Xương thị, Giang Tây], tướng phòng thủ đều bỏ chạy. Trấn Khang Tướng quân Hà Vô Kỵ suất quân chống cự; thua trận nên bị hại.
Tuần sai Đạo Phúc đánh phá Giang Lăng [phía nam tỉnh Hồ Bắc], chưa đến nơi thì đã bị quan quân đánh bại, Phúc bèn đến nơi bàn với Tuần rằng:
“Xin ra sức đánh kinh đô [Nam Kinh], nếu lấy được thì Giang Lăng không đáng lo.”
Rồi hai đạo quân phối hợp, sĩ tốt 10 vạn, thuyền hạm hàng ngàn, xuôi dòng Trường Giang; đánh bại đạo quân Vệ tướng quân Lưu Nghị tại Tang Lạc châu [Cửu Giang thị, Giang Tây], tiến thẳng đến Giang Ninh [Nam Kinh]. Đạo Phúc liều gan, biết Lưu Dụ đã trở về, muốn tranh thắng một trận, bèn xin đốt thuyền đổ bộ từ Tân Đình đến Bạch Thạch, đồng loạt tấn công. Tuần lắm mưu nhưng thiếu quyết đoán, muốn mưu kế vạn toàn, nên không nghe. Đạo Phúc cho rằng Tuần không quyết đoán, than rằng:
“Cuối cùng thì chúng ta bị ông Lô [Tuần] làm lỡ việc, sự tất không thành! Nếu để ta hành động một cách anh hùng, thì thiên hạ chưa biết về tay ai?”
Lưu Dụ lo sợ tập kích, bèn xây lũy chướng ngại từ Thạch Đầu đến Tương Phố để chống cự lại. Quân Lô Tuần đánh lũy bất lợi, thuyền hạm bị gió bão khuynh đảo, chết nhiều. Bèn bày trận tại phía nam sông Trường Giang, bị thua. Lại đánh phá vài huyện tại cửa kinh đô, cũng không thành công. Tuần bảo Đạo Phúc rằng:
“Quân suy yếu rồi, không thể chấn hưng lại! Hãy chiếm Tầm Dương [huyện Tầm Dương, Hồ Bắc], ra sức giữ Kinh Châu, rồi từ từ xuống kinh đô tranh hoành, thì có thể được.”
Nhân từ Thái Châu [Hồ Bắc] xuống phía nam, lại chiếm Tầm Dương. Dụ sai quân đi trước truy kích, tự mang đại binh tiếp tục tiến. Lại đánh bại Tuần tại Lôi Trì [bờ bắc Trường Giang, tỉnh An Huy]; Tuần muốn rút về Dự Chương [Nam Xương, Giang Tây] bèn ra sức xây lũy chướng ngại chặn tại Tả Lý [Cửu Giang thị, Giang Tây]. Dụ xua quân đánh lũy, quân Tuần tuy tử chiến, nhưng không chống nỗi. Dụ thừa thắng đánh mạnh, Tuần phải dùng thuyền riêng trốn thoát, thu tàn quân còn hơn một ngàn, trở về Quảng Châu.”
[義熙中,劉裕伐慕容超,循所署始興太守徐道覆,循之姊夫也,使人勸循乘虛而出,循不從。道覆乃至番禺,說循曰:「朝廷恆以君為腹心之疾,劉公未有旋日,不乘此機而保一日之安,若平齊之後,劉公自率眾至豫章,遣銳師過嶺,雖復君之神武,必不能當也。今日之機,萬不可失。既克都邑,劉裕雖還,無能為也。君若不同,便當率始興之眾直指尋陽。」循甚不樂此舉,無以奪其計,乃從之。
初,道覆密欲裝舟艦,乃使人伐船材于南康山,偽雲將下都貨之。後稱力少不能得致,即於郡賤賣之,價減數倍,居人貪賤,賣衣物而市之。贛石水急,出船甚難,皆儲之。如是者數四,故船版大積,而百姓弗之疑。及道覆舉兵,案賣券而取之,無得隱匿者,乃並力裝之,旬日而辦。遂舉眾寇南康、廬陵、豫章諸郡,守相皆委任奔走。鎮南將軍何無忌率眾距之,兵敗被害。
循遣道覆寇江陵,未至,為官軍所敗,馳走告循曰:「請並力攻京都,若克之,江陵非所憂也。」乃連旗而下,戎卒十萬,舳艫千計,敗衛將軍劉毅于桑落洲,逕至江寧。道覆素有膽決,知劉裕已還,欲乾沒一戰,請於新亭至白石,焚舟而上,數道攻之。循多謀少決,欲以萬全之計,固不聽。道覆以循無斷,乃歎曰:「我終為盧公所誤,事必無成。使我得為英雄驅馳,天下不足定也!」裕懼其侵軼,乃柵石頭,斷柤浦,以距之。循攻柵不利,船艦為暴風所傾,人有死者。列陣南岸,戰又敗績。乃進攻京口,寇掠諸縣,無所得。循謂道覆曰:「師老矣!弗能復振。可據尋陽,並力取荊州,徐更與都下爭衡,猶可以濟。」因自蔡洲南走,復據尋陽。裕先遣群率追討,自統大眾繼進,又敗循於雷池。循欲遁還豫章,乃悉力柵斷左裏。裕命眾攻柵,循眾雖死戰,猶不能抗。裕乘勝擊之,循單舸而走,收散卒得千餘人,還保廣州]
Lô Tuần tuy đến Quảng Châu nhưng không chiếm dược thành, bèn mang quân xuôi phía nam đến quận Hợp Phố, rồi tiến đến Giao Châu, quyết đánh thành Long Biên [Hà Nội] nhưng bị bại. Liệt Truyện Lô Tuần chép về kết cuộc như sau:
“ Lưu Dụ trước đó đã sai Tôn Xử dùng đường thủy đến chiếm Phiên Ngung, Tuần mang quân đánh không hạ được thành. Bảo Phúc trở lại giữ Thủy Hưng, nhân hiểm cố thủ. Tuần bèn tập kích Hợp Phố, chiếm được. Rồi tiến đánh Giao Châu, nhưng đến thành Long Biên [Hà Nội] bị Thứ sử Đỗ Tuệ Độ dùng kỳ binh đánh bại.
Tuần thế khuất, biết không khỏi chết, dùng độc dược giết chết vợ con hơn 10 người. rồi gọi tỳ thiếp đến bảo rằng:
“Ta nay tự sát, ai muốn chết theo?”
Phần đông đáp:
“ Chim chuột còn tham sống, chịu chết thực khó cho con người!”
Có kẻ bảo:
“Quan còn chịu chết, bọn tôi chẳng nguyện sống!”
Ngay lúc đó bèn cho dùng độc dược giết những người không muốn chết, rồi nhảy xuống sông tự tử. Tuệ Độ lấy được thây đem chém; cùng cha là Hỗ, cùng bắt tất cả đồng dảng, lấy đầu đem về kinh đô.”
[裕先遣孫處從海道據番禺城,循攻之不下。道覆保始興,因險自固。循乃襲合浦,克之,進攻交州。至龍編,刺史杜慧度譎而敗之 循勢屈,知不免,先鴆妻子十餘人,又召妓妾問曰:「我今將自殺,誰能同者?」多云:「雀鼠貪生,就死實人情所難。」有云:「官尚當死,某豈願生!」於是悉鴆諸辭死者,因自投于水。慧度取其屍斬之,及其父嘏;同黨盡獲,傳首京都。]
Riêng Liệt Truyện Đỗ Tuệ Độ trong Tống Thư quyển 92, mô tả trận đánh trên sông Hồng giáp thành Long Biên [Hà Nội] khá chi tiết:
“Tháng 6, Tuần mang đại quân vào lúc sáng sớm đến bến phía nam, mệnh ba quân đánh gấp để vào thành ăn sáng. Tuệ Độ dốc hết tiền tài cả họ để dùng vào việc khuyến thưởng. Em Tuệ Độ là Thái thú Giao Chỉ Tuệ Kỳ, Thái thú Cửu Chân Chương Dân cũng đốc suất quân thuỷ bộ; Tuệ Độ ngồi trên thuyền lớn đốc chiến, dùng tên lửa như đuôi chim trĩ bắn vào thuyền giặc, quân bộ hai bên bờ cũng bắn yểm hộ. Thuyền của Tuần bị tên lửa, tan vỡ; Tuần trúng tên rơi xuống nước chết. Quan quân chém đầu Tuần cùng cha là Hỗ, 2 con của Tuần; cùng bọn thân thuộc như Lục sự tham quân Nguyễn Tĩnh, Trung quân tham quân La Nông Phu, Lý Thoát; tất cả đều mang đầu về kinh”
Chú thích:
1.Tầm Hiệp: sách Quảng Châu Tân Ngữ cho biết từ Anh Đức đến Thanh Viễn có 3 hiệp [nơi sông hẹp vì núi nhô ra], Dương Bộc đánh Tầm Hiệp tại nơi này. Xét bản đồ từ Anh Đức [Yingde, Quảng Đông] tới Thanh Viễn [Quingyuan, Quảng Đông] có sông Bắc Giang chảy qua, hạ lưu sông này chảy qua phía nam tỉnh thành Quảng Châu.
2.Thạch Môn: cũng sách Quảng Châu Tân Ngữ cho biết cách Phiên Ngung [Quảng Châu] 40 lý, Lữ Gia cho xây kè đá giữa dòng sông, gọi là Thạch Môn.
3. Việt lang: quan lang nước Việt.
4. Lưu Dụ: danh tướng thời cuối đời Tấn, sau cướp ngôi lập nên nhà Tống.
5. Sa môn: chức sắc Phật giáo.
6.Hoàn thị: họ Hoàn tại tỉnh An Huy xưa, từng chống lại nhà Tấn.
(Còn tiếp)