25/05/2018, 08:38

Thành công mới trong nghiên cứu tế bào gốc

Lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu phôi thai học cho thấy tinh trùng phát triển từ tế bào gốc có khả năng thụ tinh. Thành công này được các nhà nghiên cứu y sinh học Đại học Goettingen (Đức) và Viện nghiên cứu di truyền học người thuộc Đại học Newcastle ...

Lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu phôi thai học cho thấy tinh trùng phát triển từ tế bào gốc có khả năng thụ tinh.

Thành công này được các nhà nghiên cứu y sinh học Đại học Goettingen (Đức) và Viện nghiên cứu di truyền học người thuộc Đại học Newcastle (Anh) công bố mới đây..

Các chuột con đầu tiên có "cha" là các tế bào gốc

Các chuột con đầu tiên có "cha" là các tế bào gốc

Tế bào gốc từ phôi được nuôi cấy trong môi trường nhân tạo. Các tế bào phát triển thành các tinh trùng được chọn lựa và được "bơm" vào tế bào trứng. Các phôi hình thành sau quá trình thụ tinh nhân tạo được chuyển vào tử cung của chuột cái. Điều tuyệt vời đã sảy ra khi một số tinh trùng đã "hoàn tất" được chức năng như những "con giống" được sản xuất tự nhiên trong dịch hoàn. Đây là lần đầu tiên các chú chuột trên thế giới có "cha" là các tế bào gốc ra đời.

65 trong số 210 tế bào trứng được "bơm" tinh trùng có quá trình phân chia và tạo phôi. Sau khi được đưa vào tử cung, 7 phôi phát triển đến khi cho ra đời 7 chuột con. Sau khi "ra đời", một trong số 7 chuột non chết khi chưa đạt tuổi thành thục. Tất cả 6 chuột còn lại có tỷ lệ tăng trưởng không bình thường so với đối chứng và đều bị chết trong vòng 5 tháng tuổi (trong khi chuột bình thường sống hàng năm tuổi).

Các nhà khoa học giải thích nguyên nhân dẫn đến những phát triển bất thường trên là do sự thay đổi biểu hiện của một số gene trong quá trình phát triển của phôi thai.

Tuy vậy, về quan điểm khoa học, thành công này giúp chúng ta tìm hiểu thêm để khám phá con đường hình thành các tinh trùng từ những tế bào gốc từ phôi từ đó phát triển hướng nghiên cứu các tinh trùng từ các loại tế bào gốc không phải từ phôi người (hướng nghiên cứu đang bị cấm hoặc chỉ trích ở nhiều nước). Nếu các tế bào gốc từ máu nhau thai hay cuống rốn cũng có khả năng trở thành các tế bào tinh trùng có khả năng thụ tinh thì áp dụng phương pháp tạo tinh trùng là liệu pháp mang tính nhân đạo và có triển vọng cho những trường hợp vô sinh vì dịch hoàn nam giới không có khả năng sản xuất các tinh trùng "khỏe mạnh".

Trước đó, các nhà khoa học ĐH Goettingen cũng đã thành công trong nghiên cứu tế bào gốc từ dịch hoàn nhưng đây là lần đầu tiên các tinh trùng từ tế bào gốc được chứng minh là có khả năng thụ tinh và cho ra đời thế hệ con.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Developmental Cell.

Nguyễn Bá Tiếp, (Theo "Göttinger Tageblatt" , thứ 3 ngày 11/07/2006)

Thể loại (7)Tin tức Khoa học | Y sinh học | Tế bào học | Y học | Goettingen University, Germany | Developmental Cell | Tế bào gốc

0