Tháng 11 tới vắc xin Ebola sẽ sẵn sàng được sử dụng
Vi rút Ebola đã gây ra cái chết của 2.097 người trong số 3.944 người nhiễm bệnh ở Liberia, Guinea và Sierra Leone, kể từ khi xuất hiện hồi tháng 12 năm ngoái. Nigeria đã ghi nhận thêm 8 ca tử vong trong số 22 trường hợp nhiễm. Ít nhất có thêm 30 người khác chết tại ổ dịch ở Cộng hòa Dân chủ ...
Vi rút Ebola đã gây ra cái chết của 2.097 người trong số 3.944 người nhiễm bệnh ở Liberia, Guinea và Sierra Leone, kể từ khi xuất hiện hồi tháng 12 năm ngoái.
Nigeria đã ghi nhận thêm 8 ca tử vong trong số 22 trường hợp nhiễm. Ít nhất có thêm 30 người khác chết tại ổ dịch ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
Kết quả của các thử nghiệm về độ an toàn của hai vắc xin mẫu sẽ có vào tháng 11.
Bạn nên xem thêm
- Bệnh do virus Ebola là gì? lây lan như thế nào?
- Khỉ gorilla (khỉ đột) cũng là nạn nhân của Ebola
- Xuất hiện “bệnh lạ” triệu chứng giống với Ebola?
- 10+ điều cần biết về sự nguy hiểm của virus Ebola
“Nếu được chứng minh là an toàn, vắc xin có thể sẽ sẵn sàng vào tháng 11 để sử dụng ưu tiên cho nhân viên y tế,” thông báo của WHO cho biết.
Thứ Sáu tuần trước, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã đặt mục tiêu chặn đứng vụ dịch tồi tệ nhất trong lịch sử này trong vòng 6 đến 9 tháng.
Kết quả hứa hẹn
Hiện chưa có vắc xin hay thuốc nào được chính thức phê chuẩn để điều trị bệnh Ebola. Tuy nhiên một số đang được thử trên động vật và cho thấy kết quả hứa hẹn.
Một trong số đó là truyền máu từ người bị bệnh Ebola còn sống, với hy vọng là nó sẽ tăng cường hệ thống kháng thể ở người bệnh.
“Chúng tôi nhất trí rằng có thể sử dụng liệu pháp máu toàn phần hoặc huyết thanh từ người từng bị bệnh để điều trị Ebola, và phải đầu tư mọi nỗ lực để giúp các nước bị ảnh hưởng sử dụng an toàn những liệu pháp này.” Trợ lý tổng giám đốc WHO Marie-Paule Kieny phát biểu.
Hai vắc xin mới nhất – dựa trên vi rút gây bệnh mụn nước (Vesicular stomatitis virus) và adenovirus tinh tinh- sẽ bắt đầu được thử nghiệm ở châu Phi và châu Âu vào giữa tháng 9.
WHO nhấn mạnh rằng cơ quan này sẽ làm việc với tất cả các đối tác để thử nghiệm xem liệu vắc xin này có an toàn không, và nếu có thì vắc xin sẽ nhanh chóng sẵn sàng.
Nguồn cung các thuốc thử nghiệm – bao gồm thuốc ZMapp – rất hạn chế và “sẽ không đủ cho vài tháng tới,” WHO cảnh báo.
ZMapp đã được dùng cho khoảng 10 nhân viên y tế nhiễm bệnh, bao gồm ở Mỹ và châu Âu, trong số này 3 người đã bình phục.
Kieny cho biết: “Chưa có đủ kinh nghiệm về ZMapp để kết luận liệu thuốc này có tác dụng hay không, nhưng có vẻ có những tín hiệu đáng phấn khởi”. Liên minh châu Âu đã giải ngân 140 triệu euro viện trợ cho công tác chống dịch, một ngày sau khi Mỹ cấp thêm 75 triệu đô la để mua giường bệnh và củng cố các trung tâm điều trị.
Quỹ nhi đồng LHQ cũng thông báo đã sử dụng những khoản tiền từ Ngân hàng thế giới để vận chuyển bằng đường hàng không 48 tấn thuốc và vật tư y tế, bao gồm găng tay và những trang bị bảo hộ khác, dịch truyền và kháng sinh để điều trị bệnh nhân Ebola ở Sierra Leone.
Hạ tầng y tế
Cuộc khủng hoảng đã thổi bùng lên tranh cãi gay gắt về việc thế giới lẽ ra cần đáp ứng thế nào sau khi những báo cáo đầu tiên được tiết lộ từ một số nước nghèo nhất thế giới với cơ sở hạ tầng y tế nghèo nàn.
“Hệ thống y tế yếu kém đồng nghĩa với thảm họa và cái chết”, BS Abdulsalami Nasidi, giám đốc dự án tại Trung tâm phòng chống bệnh dịch (CDC) Nigeria nói.
Bình luận trên tờ The Lancet xuất bản thứ Sáu tuần trước, Lawrence Gostin, trường đại học Georgetown cho rằng “sự thiếu thốn nguồn lực và hệ thống y tế yếu kém » là nguyên nhân khiến dịch bệnh lan rộng.
“Dịch Ebola lần này đã bị xem nhẹ như thế nào và liệu cộng đồng quốc tế sẽ rút ra bài họ gì và có thể làm gì để ngăn ngừa một đại dịch tiếp theo?”, ông đặt câu hỏi.
“Câu trả lời không nằm ở thuốc chưa kiểm nghiệm, kiểm dịch diện rộng hoặc thậm chí cứu trợ nhân đạo, mà nằm ở việc khắc phục những bất cập cấu trúc cố hữu”.
Theo dantri.com.vn