Thần trụ trời

Thuở ấy, chưa có muôn vật và loài người. Trời đất chỉ là một vùng hỗn độn, tối tăm. Bỗng xuất hiện một vị thần khổng lồ , cao lớn vô cùng, chân dài không sao tả xiết. Mỗi bước thần đi là băng từ vùng này qua vùng khác, vượt từ núi nọ sang núi kia. Ông khổng lồ đúc chuông Chàng khổng lồ trẻ ...

Thuở ấy, chưa có muôn vật và loài người. Trời đất chỉ là một vùng hỗn độn, tối tăm. Bỗng xuất hiện một vị thần khổng lồ, cao lớn vô cùng, chân dài không sao tả xiết. Mỗi bước thần đi là băng từ vùng này qua vùng khác, vượt từ núi nọ sang núi kia.

  • Ông khổng lồ đúc chuông
  • Chàng khổng lồ trẻ tuổi
  • Bà Tổ Cô

Một hôm, thần vươn vai đứng dậy, ngẩng đầu đội trời lên. Thần đào đất, khuân đá, đắp thành một cái cột vừa to, vừa cao để chống trời. Cột đắp lên cao chừng nào thì trời như tấm màn mênh mông được nâng dần lên chừng ấy. Thần một mình hì hục đào, đắp, cột đá cứ cao dần, cao dần và đẩy vòm trời lên tận mây xanh.

Từ đó, trời đất mới phân đôi. Đất bằng như cái mâm vuông, trời tròn như cái bát úp, chỗ trời đất giáp nhau ấy là chân trời.

Khi trời đã cao và khô cứng, thần liền phá tan cột đi, lấy đất đá ném tung ra khắp nơi. Mỗi hòn đá văng đi biến thành một hòn núi hay một hòn đảo, đất tung tóe ra mọi nơi thành gò, đống, thành những dải đồi cao. Vì thế, mặt đất ngày nay không còn bằng phẳng mà có chỗ lõm, chỗ lồi. Chỗ thần đào sâu để lấy đất đá đắp cột, ngày nay là biển cả mênh mông.

Cột trụ trời bây giờ không còn nữa. Người ta kể rằng vết tích cột đó ở núi Thạch Môn, vùng Hải Dương. Núi ấy còn gọi là Kình Thiên Trụ tức Cột chống Trời.

Sau khi thần Trụ Trời chia ra trời đất thì có những thần khác nối tiếp công việc xây dựng nên cõi thế gian này. Các vị thần đó rất nhiều, như thần Sao, thần Sông, thần Núi, thần Biển...

Vì vậy, dân gian có câu hát còn truyền đến ngày nay:

Ông đếm cát
Ông tát bể (biển)
Ông kể sao
Ông đào sông
Ông trồng cây
Ông xây rú (núi)
Ông trụ trờị..

Nguyễn Đổng Chi (kể)


Lời bình


"Thần Trụ Trời" là một tác phẩm dân gian truyền miệng của người Việt được sản sinh từ thời tối cổ còn tồn tại đến ngày nay và được nhà khảo cứu văn hóa dân gian Nguyễn Đổng Chi sưu tầm, kể lại bằng bản văn trong "Lược khảo về thần thoại Việt Nam". Như vậy "Thần Trụ Trời" là một truyện thuộc thể loại thần thoại của người Việt, có thể đứng độc lập hoặc xếp trong hệ thống thần thoại của các dân tộc anh em khác cùng sống chung trên dải đất Việt Nam. Truyện có kết cấu hoàn chỉnh: có mở đầu, có diễn biến và có kết truyện. Qua truyện thần thoại này, người Việt cổ muốn giải thích nguồn gốc các hiện tượng thiên nhiên như vì sao có trời, có đất và vì sao trời với đất lại phân đôi; vì sao mặt đất có những chỗ lồi lõm không bằng phẳng, vì sao có biển, có sao, có sông, có núi. Hóa ra ngay ở giữa thời mông muội, người Việt cổ cũng như nhiều tộc người khác trên thế giới, đã gắng tìm để hiểu rõ những gì có xung quanh họ. Không chịu bó tay, họ bèn sáng tạo ra một vị thần khổng lồ để giải thích tự nhiên vũ trụ một cách hết sức ngây thơ và đáng yêu. Người đọc ngày nay cảm nhận được trong đó cái hồn nhiên và ước mơ của họ mnốn vươn lên để giải thích thế giới tự nhiên quanh mình. Marx - nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học, từng gắn việc sáng tạo ra thần thoại với thời kỳ "ấu thơ" của xã hội loài người, coi đó là "nghệ thuật vô ý thức" của con người thời nguyên thủy và nhận định "thần thoại nào cũng chinh phục, chi phối và nhào nặn những sức mạnh tự nhiên ở trong trí tưởng tượng và bằng trí tưởng tượng". Người Việt cổ trong truyện "Thần Trụ Trời" cũng vậy, họ sáng tạo hình ảnh một vị thần đào đất đắp cột chống trời bằng trí tưởng tượng và trong trí tưởng tượng. Nhưng ngày nay mặc dù ở một trình độ văn minh rất cao, khi đọc lại truyện "Thần Trụ Trời", ta vẫn thấy hứng thú, giống như câu nói của Marx: "Đọc lại thần thoại, con người như thấy lại tuổi ấu thơ của mình, một tuổi ấu thơ hết sức hồn nhiên dễ mến như không sao trở lại được".

Hình tượng "Thần Trụ Trời" có thể coi là hình tượng thần đầu tiên của tác phẩm văn học Viêt Nam. Hãy xem thần ấy xuất hiện như thế nào? Truyện kể rằng: từ một vùng hỗn độn, tối tăm "Bỗng xuất hiện một vị thần khổng lồ, cao lớn vô cùng"... Mức độ khổng lồ ấy được đặc tả ở chi tiết đôi chân "dài không sao tả xiết", thể hiện ở bước đi "mỗi bước thần đi là băng từ vùng này qua vùng khác, vượt từ núi nọ sang núi kia". Rồi ta lại thấy thần trong một công việc thật bình dị: đào đất, khuân đá, đắp thành một cái cột vừa to, vừa cao để đội trời và chống trời lên. Với chi tiết này, thần đã trở thành một người lao động thực thụ rồi, chỉ có điều đó là một người lao động khổng lồ dám đắp cột để chống trời, phân đôi trời, đất từ "một vùng hỗn độn tối tăm" chứ đâu phải là công việc chỉ nhằm chống một mái lều nhỏ. Đây là một công việc lớn lao vất vả, tạo lập nên một vũ trụ "hoàn chỉnh" như ta thấy ngày nay" từ vật cực nhỏ, cực nhiều như cát (hằng hà sa số) đến vật cực lớn, cực rộng, cực xa như biển rộng, núi cao... tất cả đều được đếm, được kể, được trồng, được xây... Lại chi tiết chiếc cột ấy "đẩy vòm trời lên tận mây xanh", khi trời đã cao và khô cứng; thần liền phá chiếc cột ấy đi, rồi lấy đất đá ném tung tóe mà mỗi hòn đất đá văng đi xa có kích thước bằng "một hòn núi hay một hòn đảo", thì chiếc cột ấy quả hết sức khổng lồ, chỉ có trong trí tưởng tượng. Xây dựng hình tượng thần khổng lồ cùng một số thần khác như thần kể sao, thần đào sông, thần trồng cây, thần xây rú... (như bài hát đồng dao cuối truyện) với những công việc có tầm vóc vũ trụ, người Việt cổ đã giải thích được sự hình thành của bầu trời, của mặt đất, các dạng địa hình biển, núi, đồi lồi lõm khắp nơi. Chỗ thần đào đá đắp cột, ngày nay là biển cả mênh mông. Bởi chỉ bằng những hoạt động tương tự như chuyện đào lấy nguyên liệu xây dựng cái cột chống trời khổng lồ ấy, mặt đất mới bị khoét sâu xuống thành biển mênh mông (biển chiếm đến 3/4 bề mặt hành tinh).

Nhưng nếu truyện "Thần Trụ Trời" chỉ dừng lại ở đó thì có thể đặt truyện thần thoại này vào tộc người nào, đất nước nào cũng thuận cả. Cái hay của truyện là đã chỉ được địa danh nơi đắp cột chống trời còn vết tích "ở núi Thạch Môn, vùng Hải Dương ngày nay". Soi trên thực địa thì núi An Phụ, huyện Kim Môn, tỉnh Hải Dương, nơi có đền thờ Trần Liễu và tượng đài Trần Hưng Đạo ứng với vết tích Thạch Môn của truyện thần thoại này. Chi tiết đó cho phép ta khẳng định "Thần Trụ Trời" là truyện bản địa, là sáng tạo của người Việt cổ, ngay trên lãnh thổ của họ. Và mặc dù có nhiều yếu tố hoang đường, khoa trương, phóng đại nhưng truyện cũng có cái lõi sự thật là con người thời cổ đã khai khẩn, xây dựng, tạo lập đất nước, xứ sở này bằng chất liệu vật chất đất đá hữu hình, bằng sức lao động cật lực của nhiều thế hệ tộc người chứ không phải do một sức mạnh sáng tạo siêu nhiên vô hình nào cả. Ngay cả việc lý giải sự phân đôi giữa trời và đất ở phía chân trời cũng giúp trí tưởng tượng của người xưa bay bổng đến những hình tượng kỳ vĩ. Và thế là truyện thần thoại Việt Nam đã góp một viên gạch xây dựng nền văn học Việt Nam từ thuở ban sơ.

Nếu so sánh truyện "Thần Trụ Trời" với những thần thoại suy nguyên về nguồn gốc vũ trụ của các dân tộc khác có thể thấy khá rõ những đặc điểm chung (có tính nhân loại) và những nét riêng (mang tính dân tộc) của truyện này.

Quan niệm về tiền thân của vũ trụ, khi trời đất chưa hình thành là "một vùng hỗn độn, tối tăm" được thể hiện rõ trong truyện "Thần Trụ Trời" cũng như trong nhiều thần thoại khác của người Trung Hoa, người Hy Lạp, La Mã... Trạng thái "hỗn độn, tối tăm" chưa rõ ràng ấy, người Trung Quốc gọi là "hỗn mang", người Mường (trong "Đẻ đất đẻ nước") gọi là "bời lời, bạc lạc".

Hành động đầu tiên khi Thần Trụ Trời xuất hiện (từ trong cõi hỗn mang), là "vươn vai đứng dậy, ngẩng đầu đội trời lên, giạng chân đạp đất xuống..." cũng là hành động và việc làm có tính phổ biến của nhiều vị thần tạo thiên lập địa khác trên thế giới. Ông Bàn Cổ trong thần thoại Trung Quốc cũng làm đúng như vậy. Có điều khác là, sau khi đã xuất hiện từ trong cõi "hỗn mang, giống như cái "quả trứng" của vũ trụ, ông đạp cho "quả trứng" tách đôi, nửa trên là trời, nửa dưới là đất và ông tiếp tục đẩy trời lên cao, đạp đất xuống thấp bằng sự biến hóa, lớn lên không ngừng của chính bản thân ông; chứ không phải bằng việc xây đắp "cột chống trời" như ông Thần Trụ Trời của người Việt. Như vậy là công việc khai thiên lập địa của Ông Bàn Cổ (Trung Quốc) và Ông Thần Trụ Trời (Việt Nam) vừa có chỗ giống nhau, vừa có chỗ khác nhau. Và đó cũng là cái chung và cái riêng có ở trong thần thoại các dân tộc.

Từ cái vốn ban đầu ít ỏi, người Việt cũng như các dân tộc khác trên thế giới không ngừng bổ sung, sáng tạo làm cho nền văn học, nghệ thuật ngày một đa dạng, phong phú. Lại cũng chính Marx đã từng chỉ rõ: "Thần thoại Hy Lạp không những cấu thành kho tàng của nghệ thuật Hy Lạp, mà nó còn là miếng đất đã nuôi dưỡng nghệ thuật Hy Lạp". Chúng ta cũng có thể đánh giá về kho tàng thần thoại Việt Nam đối với nền nghệ thuật của Việt Nam như thế.

Chu Huy

0