Tham khảo đề thi học kì 1 lớp 8 môn Văn phòng GD Tân Hiệp có đáp án 2016
Mời thầy cô và các em tham khảo tài liệu ôn tập dưới đây: Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 8 Phòng GD&ĐT Tân Hiệp, Kiên Giang năm học 2016 – 2017 . Đề thi gồm có 3 câu hỏi tự luận với thời gian làm bài thi là 90 phút. PHÒNG GD&ĐT TÂN HIỆP ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I NĂM HỌC 2016 – ...
Mời thầy cô và các em tham khảo tài liệu ôn tập dưới đây: Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 8 Phòng GD&ĐT Tân Hiệp, Kiên Giang năm học 2016 – 2017. Đề thi gồm có 3 câu hỏi tự luận với thời gian làm bài thi là 90 phút.
PHÒNG GD&ĐT TÂN HIỆP | ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I NĂM HỌC 2016 – 2017 Môn: Ngữ Văn – lớp 8 Thời gian: 90 phút (Không kể thời gian giao đề) |
Câu 1: (3,0 điểm) Đọc đoạn trích sau:
“…Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi, như muốn bảo tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này à?”. (Lão Hạc – Nam Cao)
a. Người kể trong đoạn trích là ai? Kể về sự việc gì?
b. Chỉ ra các thán từ và các tình thái từ được sử dụng trong đoạn trích trên?
c. Đặt một câu ghép chỉ nguyên nhân vì sao lão Hạc gởi tiền cho ông giáo?
Câu 2: (2,0 điểm) Nêu đặc điểm nổi bật của văn thuyết minh? Hãy liệt kê các phương pháp thuyết minh đã học?
Câu 3: (5,0 điểm) Dựa vào nội dung đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” của Ngô Tất Tố, hãy tưởng tượng và kể lại tình huống chị Dậu chống trả lại cai lệ và tên người nhà lý trưởng.
_______ HẾT ________
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Câu 1
– Người kể trong đoạn trích là lão Hạc, kể về việc lão bán con chó vàng mà lão yêu quý.
– Các thán từ: Này, a.
– Các tình thái từ: ạ, à.
Đặt câu:
– Vd: Vì lão không muốn khi chết liên lụy đến hàng xóm nên lão đã gởi tiền ông giáo để lo ma chay cho mình.
Câu 2
* Đặc điểm
– Tri thức trong văn bản thuyết minh đòi hỏi tính khách quan, xác thực, hữu ích cho con người.
– Văn bản thuyết minh được trình bày chính xác, rõ ràng, chặt chẽ.
* Các phương pháp
– Nêu định nghĩa, giải thích
– Phương pháp liệt kê
– Phương pháp nêu ví dụ
– Phương pháp dùng số liệu
– Phương pháp so sánh
– Phương pháp phân loại, phân tích.
Câu 3.
Ngô Tất Tố (1893 – 1954), quê ở làng Lộc Hà, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc Đông Anh, Hà Nội; là một nhà Nho sống ở nông thôn, có vốn hiểu biết Hán học khá sâu rộng, ông nổi tiếng trên lĩnh vực báo chí và văn chương trong giai đoạn đầu thế kỉ XX. Tắt đèn là tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của Ngô Tất Tố và trong trào lưu văn học hiện thực trước Cách mạng tháng Tám 1945.
Tác giả lấy đề tài từ một vụ thu thuế hàng năm ở một làng quê Bắc Bộ, qua đó phản ánh số phận bi thảm của nông dân và bản chất tàn bạo của giai cấp thống trị trong xã hội đương thời. Có thể nói tác phẩm Tắt đèn là bức tranh thu nhỏ của nông thôn Việt Nam dưới thời Pháp thuộc.
Trong tác phẩm Tắt đèn, bằng ngòi bút tả thực sắc sảo, nhà văn đã vẽ lên chân dung sinh động của một loạt nhận vật. Từ vợ chồng lão Nghị Quế keo kiệt bất nhân đến bọn cường hào tham lam hống hách. Từ một quan “phụ mẫu” oai vệ mà bỉ ổi đến bọn tay sai đầu trâu mặt ngựa. Mỗi đứa một vẻ nhưng đều giống nhau ở bản chất tàn ác và tư cách đê tiện. Những nhân vật phản diện này tiêu biểu cho tầng lớp phong kiến thống trị ở nông thôn lúc bấy giờ.
Đặc biệt, Ngô Tất Tố đã thành công xuất sắc trong việc xây dựng hình tượng điển hình về người phụ nữ nông dân qua nhân vật chị Dậu. Nhà văn miêu tả chân thực và cảm động về số phận tủi cực của người nông dân bị áp bức, bóc lột, bị dồn đến bước đường cùng. Nhà văn chân thành ca ngợi phẩm chất đáng quý của họ trong hoàn cảnh sống tối tăm, ngột ngạt.
Thái độ yêu ghét của Ngô Tất Tố thể hiện rất rõ ràng qua từng trang viết. Tình cảm yêu mến, trân trọng mà ông dành cho người nông dân khiến ông thật sự là tri âm, tri kỉ của họ. ông cũng không giấu diếm sự khinh bỉ và căm ghét đối với bọn thống trị sâu mọt ở nông thôn. Về nghệ thuật, Tắt đèn được coi là tiểu thuyết hiện thực xuất sắc mà thành công lớn nhất là tác giả đã dựng nên một thế giới nhân vật sinh động, trong đó có những điển hình độc đáo.