Tâm thức
, đôi khi được gọi tắt là tâm , là từ chỉ chung cho các khía cạnh của trí tuệ ( intellect ) và ý thức ( consciousness ), thể hiện trong các kết hợp của tư duy, tri giác, trí nhớ, cảm xúc, ý muốn, và trí tưởng tượng; tâm thức là dòng ý thức. Nó bao gồm ...
, đôi khi được gọi tắt là tâm, là từ chỉ chung cho các khía cạnh của trí tuệ (intellect) và ý thức (consciousness), thể hiện trong các kết hợp của tư duy, tri giác, trí nhớ, cảm xúc, ý muốn, và trí tưởng tượng; tâm thức là dòng ý thức. Nó bao gồm tất cả các quá trình có ý thức của bộ não. Đôi khi, trong một số ngữ cảnh, nghĩa của từ tâm thức còn bao hàm hoạt động của tiềm thức con người.
Có nhiều học thuyết về tâm thức và hoạt động của nó. Các nghiên cứu cổ xưa nhất được ghi nhận về tâm thức là của Đức Phật, Plato, Aristotle, Adi Shankara và các triết gia Hy Lạp và Ấn Độ cổ khác. Các học thuyết tiền khoa học, dựa trên thần học, tập trung vào mối quan hệ giữa tâm thức và linh hồn - cái được cho là tinh túy siêu nhiên thần thánh trời cho của con người. Các lý thuyết hiện đại, dựa vào hiểu biết khoa học về bộ não, cho rằng tâm thức là một hiện tượng của bộ não và đồng nghĩa với ý thức.
Người ta bàn cãi nhiều về câu hỏi: tâm thức bao gồm những đặc tính gì của con người. Một số cho rằng tâm thức chỉ bao gồm các chức năng trí óc "bậc cao": cụ thể là lý tính và trí nhớ. Trong quan niệm này, các cảm xúc như yêu, ghét, sợ, vui có bản chất "nguyên thủy" hơn hay chủ quan hơn, và do đó nên được nhìn nhận khác với tâm thức. Những người khác tranh luận rằng không thể tách rời hai mặt lý luận và cảm xúc của một con người, rằng chúng có cùng bản chất và nguồn gốc, và rằng cả hai đều nên được xem là một phần của tâm thức cá nhân.
Chữ "tâm" (心) có nghĩa là tim. Theo Từ điển Hán Việt Thiều Chửu, người đời xưa cho tim là vật để nghĩ ngợi, cho nên cái gì thuộc về tư tưởng đều gọi là tâm, ví dụ "tâm cảnh" (心 境), "tâm địa" (心 地), v.v. Ngành khoa học nghiên cứu về các hiện tượng của ý thức con người được gọi là tâm lý học.