Tâm Sự: Say Quá! Ngồi Lan Man Về Việc Bỏ Tết Cổ Truyền
: Say Quá! Ngồi Lan Man Về Việc Bỏ Tết Cổ Truyền Thứ nhất, đừng lấy cái mác “hiện đại”, “hòa nhập” và đại khái như thế để giết chết những ngày tết cổ truyền của dân tộc. Trong quá trình phát triển, người ta đã xóa sổ rất nhiều những dấu ấn văn hóa và các di tích lịch sử ...
: Say Quá! Ngồi Lan Man Về Việc Bỏ Tết Cổ Truyền
Thứ nhất, đừng lấy cái mác “hiện đại”, “hòa nhập” và đại khái như thế để giết chết những ngày tết cổ truyền của dân tộc. Trong quá trình phát triển, người ta đã xóa sổ rất nhiều những dấu ấn văn hóa và các di tích lịch sử từ thời xa xưa để lại, hình như mới đây mấy cái hoa văn ở bia Quốc Học cũng bị cạo sạch luôn!? Màu sắc mới thì lòe loẹt, nhưng xót xa hơn là các dấu tích cổ đã bị mất, lại còn ngốn tiền tỉ. Tôi hay đi dạo còn thấy mấy cái lăng tẩm nó còn đen đen, ngó khá rêu phong cổ kính, chắc phải thông báo cho các bác đập đi xây lại cái mới, thêm mấy cái cổng thành với đại nội nữa!
Thứ hai, đừng lấy Nhật Bản để so sánh: Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia đều ăn tết cổ truyền, và đó đều là những quốc gia phát triển. Tại sao cứ phải cứ cố gắng tiết kiệm đồng 10 mà mặc kệ cái đồng 100 bị lãng phí? Tại sao những cái cực kỳ phi lý, cực kỳ khó tin rầm rộ gần đây thì những người có ảnh hưởng không phát ngôn một tiếng mà cứ im thin thít? Nhắc tới kinh tế & xã hội, làm ơn hãy dũng cảm nhìn thẳng vào vấn đề chính, chấn chỉnh những điều cốt lõi. À, mà đang viết thì có con muỗi nó tự đập đầu vào tay tôi rồi nhăn răng chết, hihi! Mà không biết là nó đập mặt vào tay tôi hay tôi gạt tay trúng má nó nữa.
Thứ ba, tết cổ truyền không phải của người Việt vì bắt nguồn từ Trung Quốc, chúng ta nên xác định lại bản sắc văn hóa Việt khi tết cổ truyền của ta là theo lịch Trung Quốc? Xin lỗi, tết dương lịch cũng chẳng phải của Việt Nam, ngay cả cái bảng chữ cái latinh chúng ta đang dùng cũng đâu phải của Việt Nam? Văn hóa là một sự giao thoa và tiếp biến, mặt khác, bắt nguồn từ Trung Quốc thì sao? Cả thế giới công nhận văn minh của Trung Quốc là nền văn minh nhân loại, nó có gì xấu? Sao cứ phải nhìn nó với con mắt chính trị để rồi phủ nhận những giá trị tốt đẹp của nó như thế? Lịch âm còn có những giá trị nhất định của nó với người Việt và các nước Á Đông, tiết khí xuân hạ thu đông đã quá quen thuộc với mỗi người kể từ ngày ông cha truyền lại.
Thứ tư, nông dân sẽ bỏ ruộng lúa để ăn tết? Tôi lạy luôn, cũng chẳng biết nói sao, đi về mà hỏi mấy bác nông dân, hỏi xem có vụ Đông – Xuân nào mất mùa vì… ăn tết không? Có thì cũng có sao? Tôi chứng kiến nhiều rồi cái cảnh mất trắng vì bão lụt, nhưng họ chẳng ấm ức đâu, họ chỉ ấm ức khi mùa màng bị phá vì xả lũ lúc nhiều và chặn nguồn khi hạn hán thôi!
Tôi ăn tết nhiều ở miền Trung và miền Nam, còn ngoài Bắc thì họ hàng không có nên chưa có dịp về đó. Nghe nói ở đó nhiều lễ hội, ăn chơi dài ngày. Nhưng đó cũng là cơ hội để cung kích cầu, người ta chi tiêu nhiều, du lịch nhiều, há chẳng phải có lợi cho kinh tế? Nói tới tết, cũng không nên bỏ qua những mặt tiêu cực của nó, say xỉn, chém giết, nhưng ấy là yếu tố con người, chuyển tết sang ngày khác thì những vấn đề ấy vẫn còn ở lại là điều chắc chắn! Đó là cả một màng nhện chằng chịt có liên kết với nhau từ hệ thống giáo dục cho tới đạo đức xã hội.
Tết ngày nay, phải công nhận có nhiều thứ vô nghĩa khi người ta mê tín dị đoan, mua ma bán quỷ, tôi không xúc phạm tới những lễ hội hay tín ngưỡng và lòng tin của riêng ai. Nhưng thật sự ngày nay quá quá nhiều thứ nó đã biến tướng và trở nên lố bịch. Xưa giờ tôi không có hứng thú với mấy chuyện đó, tết có ý nghĩa khi thăm lại gia đình họ hàng, tảo mộ cha ông, nhớ về tổ tiên, dòng dõi.
Tết không chỉ là ngày của lễ hội và ăn chơi, tết không phải là một “thói quen truyền thống”, quan trọng hơn cả nó là ý niệm tâm linh và cội nguồn gốc rễ của dân tộc. Đó là ngày xum họp, đoàn viên, quây quần. Đó là những ngày đầu xuân, cúc mai nở rợp, tiết khí hài hòa, trong trẻo. Đó là ngày để người ta lại bắt đầu một năm mới, tiếp tục lao động và cống hiến. Thói quen? Quen cái nồi!
Bỏ tết, hay chuyển tết hay không, thực ra với tôi nó không quan trọng để mà bàn cãi hay lý sự. Bởi trong tôi thì cái khoảnh khắc giao thừa nó vẫn còn thiêng liêng lắm, và việc nhà nước có gán cái danh nghĩa tết nguyên đán cho ngày nào, không công nhận nó là ngày 1-1 âm lịch thì cũng chẳng ảnh hưởng gì cả. Chỉ thấy bực mình khi người ta dùng những lý do chẳng đâu ra đâu để vịn vào nó mà nói rằng nên bỏ tết. Tết nhạt nhẽo trong mắt một người làm kinh tế, tết nhạt nhẽo trong mắt của một nhà văn trẻ quanh năm bận rộn với người thành phố thì không có nghĩa là cả nước Việt Nam đều thế. Nhưng mọi ý kiến đều mang tính cá nhân, không bắt bẻ, những người không đi làm xa nhà, những người đã quá đầy đủ hay những người chưa bao giờ có một cái tết đầm ấm thì họ muốn bỏ tết là há cũng là điều dễ hiểu!
Đừng nói đến kinh tế, vì nó chẳng thấm gì với những thứ dở hơi khác vẫn còn hiển hiện, nó nằm trong mỗi chúng ta từ thái độ cá nhân cho tới cung cách làm việc của một tập thể, những vấn đề cốt lõi to lớn hơn còn đang nằm đó và vẫn chẳng ai thèm giải quyết hay lên tiếng. Đừng nói đến hiện đại, hội nhập này nọ, Việt Nam kém chẳng phải vì cái tết, điều ai cũng biết nhưng không ai nói.
Mỗi độ xuân về, tết đến, ba tôi lại chăm bẵm cho những cội mai, gốc bông, nhành lan, khóm liễu. Mẹ lại tất bật với những dưa hành, củ kiệu, bánh chưng, bánh tét, mấy đứa em thì háo hức với đồ đạc mới. Khắc giao thừa cả nhà cùng ngồi bên nhau để nghe tiếng pháo, cùng quây quần bên nồi bánh ngun ngút khói và lắng nghe trời đất chuyển mình, lắng nghe ba kể về chuyện đời xưa, thời ba còn nhỏ, thời của nội. Năm nào cũng những câu chuyện ấy, nhưng có lẽ… nó chưa bao giờ là cũ!
Tôn giáo với tôi là không ràng buộc, và những thứ ý nghĩa với tôi nó không nằm trên hình thức hay danh nghĩa. Nên có bỏ tết hay chuyển tết hay không, nó nào quan trọng? Nhưng tôi không đồng ý nếu như nói rằng tết là cổ hũ, bỏ tết để phát triển kinh tế, để hội nhập với thế giới, mặt khác, tôi sẽ đồng tình nếu nói rằng những ngày tết và sau tết có quá nhiều những thứ biến tướng, có nhiều những vụ tai nạn, say xỉn, bác sĩ làm việc không được nghỉ ngơi, lại còn làm gấp bội bình thường. Tuy nhiên, để giải quyết những vấn đề đó, không đơn thuần là bỏ tết hay chuyển nó sang một ngày khác. Có lẽ, chúng ta hãy tập trung vào những thứ thiết thực hơn chứ đừng nên nghĩ tới việc xóa sổ một thứ gì đó còn mang nặng những ý nghĩa và đã đi vào trái tim, tâm hồn của người dân Việt!
– Xem Thêm hoặc &