22/06/2018, 09:24

Tại sao giá dầu tăng?

Nguồn: “The strange geopolitics of rising oil prices”, The Economist , 26/11/2017 Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp Một nghịch lý kỳ lạ đang nằm sau sự gia tăng gần đây của giá dầu lên mức khoảng 60 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng hai năm qua. Một ...

Nguồn: “The strange geopolitics of rising oil prices”, The Economist, 26/11/2017

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Một nghịch lý kỳ lạ đang nằm sau sự gia tăng gần đây của giá dầu lên mức khoảng 60 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng hai năm qua. Một mặt, nó phần nào phản ánh sự lạc quan rằng khi các nhà sản xuất từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) họp tại Vienna vào ngày 30/11/2017, họ sẽ kéo dài thỏa thuận với các nhà sản xuất không thuộc OPEC như Nga để hạn chế sản lượng cho đến cuối năm sau. Mặt khác, nó phần nào phản ánh sự lo ngại rằng căng thẳng khu vực giữa Saudi Arabia và các thành viên OPEC khác là Iran và Qatar có thể trở nên tồi tệ đến mức làm gián đoạn nguồn cung từ khu vực sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Theo Reuters, những căng thẳng trong nội bộ OPEC đã gia tăng đến mức các quan chức dầu mỏ vùng Vịnh đã ngừng sử dụng một nhóm chat WhatsApp vốn từng là một công cụ phối hợp hữu ích giữa họ với nhau. Vậy có thể tưởng tượng rằng những người không thể nói chuyện với nhau thông qua phương tiện truyền thông xã hội vẫn có thể đồng ý về những mức cắt giảm mạnh sản lượng, một điều quan trọng để giữ mức giá cao, hay không?

Câu trả lời ngắn gọn là có. Trong suốt lịch sử, OPEC đã giữ vững liên minh một cách kỳ lạ mặc cho các cuộc tranh cãi nội bộ diễn ra mạnh mẽ và thậm chí là xung đột, như cuộc xâm lược Kuwait của Iraq (cả hai nước đều là thành viên OPEC) vào năm 1990. Thật vậy, một lý do cho sự tự tin ngày càng tăng về việc kéo dài thỏa thuận vốn sẽ hết hạn vào tháng 3/2018 này là việc tỷ lệ tuân thủ lên tới 96% vào tháng trước. Đây là điều đáng chú ý khi xem xét đến những căng thẳng gia tăng giữa người Sunni Saudi Arabia và những kẻ thù người Shia (Iran) của họ. Ngay cả ở thời điểm tốt nhất trong quá khứ, các nước tham gia thường bắt đầu gian lận (bằng cách tăng sản lượng, trái cam kết – NBT) khi giá dầu tăng.

Ngoài OPEC và địa chính trị, còn có những lý do khác khiến giá dầu leo ​​thang. Xu hướng tăng trưởng rộng khắp trong nền kinh tế toàn cầu có nghĩa là nhu cầu về dầu đang tăng lên. Cơ quan Năng lượng Quốc tế, một cơ quan dự báo quốc tế, gần đây đã làm làm thị trường hoảng sợ khi nói rằng mức giá cao hơn có thể sẽ tác động xấu đến mức tiêu thụ dầu thô trong năm tới. Điều đó là có thể, nhưng khi mức giá vẫn chưa bằng một nửa mức đỉnh hồi năm 2008, thì người tiêu dùng, chẳng hạn như những người lái xe, vẫn không cho thấy có dấu hiệu giảm mức tiêu dùng.

Mức cầu toàn cầu đang gia tăng và mức cung dầu giảm từ OPEC vẫn chưa kích thích sự gia tăng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ, và đây là vấn đề gây lo lắng cho các nhà đầu tư dầu mỏ. Martijn Rats của hãng Morgan Stanley cho biết rằng để giữ cho thị trường cân bằng, các nhà sản xuất dầu đá phiến sẽ phải tăng sản lượng từ 5,8 triệu thùng/ngày lên 6,8 triệu thùng/ngày trong 12 tháng tới, tức tăng 17%. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng phân tích tổng hợp về các nhà sản xuất dầu đá phiến đã niêm yết cho thấy sản lượng của họ chỉ tăng trưởng ở mức khoảng 5% một năm, một mức chưa đủ để lấp đầy khoảng trống. Thay vì tiếp tục bơm nhanh nhất có thể, họ đang tập trung vào việc bơm như thế nào để tạo ra nhiều lợi nhuận hơn.

Với giá dầu Brent ở mức trên 60 USD/thùng, và giá dầu thô West Texas Intermediate của Hoa Kỳ cũng đang tiến tới mức đó, phần lớn những yếu tố này sẽ tác động tới giá dầu. Các khoản đầu tư đầy lạc quan của các quỹ đầu cơ vào hợp đồng dầu mỏ tương lai đang gần ở mức cao kỷ lục. Nếu OPEC và các quốc gia dầu mỏ khác không thể thống nhất tại Vienna vào tháng 11/2017, sẽ có nguy cơ diễn ra một cuộc bán tháo mạnh. Nhưng lần đầu tiên trong nhiều năm, lợi ích của các nhà sản xuất lớn nhất trong việc kiềm giữ sản lượng có thể gặp nhau. Saudi Arabia muốn giá dầu cao để đạt được mức định giá tốt cho công ty dầu mỏ quốc gia Aramco mà họ đang muốn tư nhân hóa một phần. Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn giữ ổn định nền kinh tế – và theo đó là chính quyền của ông. Và các nhà sản xuất dầu đá phiến đều mong muốn kết quả này bởi vì các nhà đầu tư của họ yêu cầu lợi nhuận cao hơn chứ không phải sản lượng lớn hơn. Chẳng có nghịch lý nào ở đây cả.

0