Eleanor Roosevelt – Đệ nhất phu nhân đấu tranh vì nhân quyền
Nguồn: 100 Leaders (truy cập ngày 24/7/2015) Biên dịch & Hiệu đính : Phạm Hồng Anh Eleanor Roosevelt là phu nhân Tổng thống Franklin D. Roosevelt. Bà được nhớ đến như một người từ cương vị đệ nhất phu nhân trở thành một nhà hoạt động chính trị xã hội. Bà sử dụng vị thế của mình để ...
Nguồn: 100 Leaders (truy cập ngày 24/7/2015)
Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh
Eleanor Roosevelt là phu nhân Tổng thống Franklin D. Roosevelt. Bà được nhớ đến như một người từ cương vị đệ nhất phu nhân trở thành một nhà hoạt động chính trị xã hội. Bà sử dụng vị thế của mình để thể hiện sự quan tâm đến tình cảnh của người nghèo trong cuộc Đại Khủng hoảng. Bà đấu tranh cho những nhóm người bị chối bỏ nhân quyền, bao gồm nhóm người Mỹ gốc Phi và gốc Á. Sau cái chết đột ngột của chồng, bà được Tổng thống Harry Truman lựa chọn làm đại biểu dự hội nghị thành lập Liên Hiệp Quốc. Cương vị này giúp bà nâng chương trình hoạt động vì nhân quyền lên tầm quốc tế.
Là cháu gái của (cố tổng thống) Theodore Roosevelt, Eleanor bà gặp khó khăn trong những năm tháng vị thành niên. Mẹ, cha và anh trai đều qua đời trước khi bà bước sang tuổi 15. Sau khi hoàn thành việc học gần London, bà trở về quê và gặp Franklin D. Roosevelt. Họ đính hôn rồi kết hôn vào ngày 17 tháng 3 năm 1905.
Sau thất bại trong cuộc đua giành chức Phó tổng thống năm 1920, Franklin mắc chứng bệnh bại liệt. Eleanor thuyết phục chồng tiếp tục sự nghiệp chính trị của mình. Hoạt động chính trị của Eleanor đã hỗ trợ Franklin trong cuộc vận động tranh chức Thống đốc tiểu bang New York. Bà hoạt động tích cực trong nhiệm kỳ của chồng, và đã đi thăm khắp tiểu bang.
Năm 1932, Franklin được bầu làm tổng thống. Với quyết tâm kiến tạo lại hình mẫu của một đệ nhất phu nhân, Eleanor cho tiến hành các cuộc họp báo, viết bài bình luận trên báo, và phát biểu ở đại hội toàn quốc đảng Dân chủ. Bà gặp ‘Đoàn quân đòi bổng lộc’ (Bonus Army – gồm các cựu binh Mỹ trong Thế chiến thứ nhất) trong cuộc biểu tình lần hai và giải tỏa sự căng thẳng. Bà cũng đặc biệt quan tâm đến việc thành lập một cộng đồng dành cho các thợ mỏ ở Tây Virginia.
Eleanor được biết đến với những nỗ lực đấu tranh vì quyền con người: bà tiếp đãi những người Mỹ gốc Phi ngay tại Nhà Trắng. Khi tổ chức “Những người con gái của Cách mạng Mỹ”(DAR)[1] từ chối tổ chức buổi biểu diễn cho Marian Anderson (một ca sĩ người Mỹ gốc Phi) tại nhà hát Constitution Hall, Eleanor đã từ bỏ tư cách hội viên DAR và tự tổ chức một buổi hòa nhạc nhân lễ Phục sinh tại Tượng đài tưởng niệm Lincoln. Các nhà sử học cho rằng hành động của bà đã lôi kéo được cử tri người Mỹ gốc Phi chuyển từ bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa sang bỏ phiếu cho đảng Dân chủ.
Franklin Roosevelt mất không lâu sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Tháng 12 năm sau đó, bà được bổ nhiệm làm đại biểu Hoa Kỳ tại hội nghị thành lập Liên Hiệp Quốc. Bà làm chủ tịch hội đồng nhân quyền. Những quy định căn bản của hội đồng mà bà và những người cùng chí hướng đã đề ra ngày nay vẫn được thực hiện nhằm đảm bảo quyền con người trên toàn cầu.
Trong phần đời còn lại, bà vẫn giữ được vị thế chính trị của mình. Bà qua đời ở tuổi 78 do một cơn đau tim, nhưng di sản của bà trong cuộc đấu tranh vì những người bị đè nén vẫn còn mãi.
————————————–
[1] Daughters of the American Revolution (DAR) là một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ cho những phụ nữ là con cháu của những người tham gia Cách mạng Mỹ. Mục tiêu của tổ chức này là thúc đẩy bảo tổn lịch sử, giáo dục và lòng yêu nước.