22/06/2018, 08:59

Tại sao bỏ phiếu là bắt buộc ở một số quốc gia?

Tác giả: Nguyễn Huy Hoàng Bầu cử là một trong những cơ chế phổ biến nhất ở các nền dân chủ để người dân, thông qua những lá phiếu của họ, có thể bầu ra đại diện cho mình trong các vị trí lãnh đạo nhà nước. Ở hầu hết các nước trên thế giới, bầu cử là không bắt buộc. Người dân có thể chọn ...

polling-station

Tác giả: Nguyễn Huy Hoàng

Bầu cử là một trong những cơ chế phổ biến nhất ở các nền dân chủ để người dân, thông qua những lá phiếu của họ, có thể bầu ra đại diện cho mình trong các vị trí lãnh đạo nhà nước. Ở hầu hết các nước trên thế giới, bầu cử là không bắt buộc. Người dân có thể chọn tham gia hoặc không tham gia bỏ phiếu.

Vì không bắt buộc nên tỉ lệ cử tri đi bầu ở mỗi quốc gia này là rất khác nhau. Chẳng hạn, trong cuộc Bầu cử Quốc hội Việt Nam lần thứ 13, diễn ra vào năm 2011, tỉ lệ cử tri đi bầu trên cả nước là 99,51%; thậm chí ở một số tỉnh, con số này còn lên tới 99,99%. Trong khi đó, trong cuộc Bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ lần thứ 57, diễn ra vào năm 2012, tỉ lệ này chỉ đạt 58,2%. Cuộc tổng tuyển cử của Vương quốc Anh năm 2015 diễn ra tuần trước có tỉ lệ cử tri đi bầu cao hơn khi 66,1% số cử tri đã đi bỏ phiếu.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, trong đó hai nguyên nhân quan trọng nhất là văn hóa (chẳng hạn như lòng tin của người dân vào chính phủ hay vào tính hiệu quả của hoạt động bầu cử, mức độ trung thành với các đảng phái, lợi ích chính trị của cử tri, v.v…) và thể chế.

Ngược lại, có khoảng trên 20 quốc gia quy định bỏ phiếu là bắt buộc trong luật, với một nửa trong số đó thực thi điều luật này trên thực tế. Ví dụ, ở Triều Tiên, mọi công dân đủ 17 tuổi phải tham gia bỏ phiếu, dù nhiều người tin rằng trên lá phiếu trong cuộc bầu cử 2013 của họ chỉ ghi duy nhất tên của một đại biểu do Đảng Lao động Triều Tiên đích thân chỉ định.

Úc là một ví dụ điển hình khác. Trong những năm đầu của thế kỷ 20, khi tỉ lệ bầu cử của Úc chỉ đạt 60%, quốc gia này đã buộc người dân của họ phải có trách nhiệm đi bỏ phiếu trong mỗi kỳ bầu cử từ năm 1924. Kết quả là trong cuộc Bầu cử Liên bang Úc năm 2013, tỉ lệ cử tri đi bầu cử Hạ viện đạt 93,23%, và ở Thượng viện là 93,88%. Những công dân Úc không đi bỏ phiếu sẽ nhận được một lá thư từ Hội đồng Bầu cử Úc, yêu cầu giải thích lý do vắng mặt. Nếu không đưa ra được một lý do chính đáng (như ốm, hoặc đang ở nước ngoài), họ sẽ bị phạt một khoản tiền nhỏ (khoảng 20 AUD).

Những người ủng hộ bầu cử bắt buộc cho rằng bầu cử là một trách nhiệm (hay nghĩa vụ) của công dân, tương tự như đóng thuế. Họ cho rằng hệ thống bầu cử bắt buộc mang lại tính chính danh cao hơn cho chính quyền (do tỉ lệ bầu cử cao hơn, nên kết quả bầu cử đáng tin cậy hơn), đồng thời ngăn cản các hành vi gian lận như tước đoạt quyền bầu cử của một số nhóm người. Thậm chí nếu cử tri bỏ phiếu trắng hoặc phiếu không hợp lệ thì cũng tốt hơn là họ không bỏ phiếu vì những lý do như bắt ép đã được loại bỏ.

Thay vì trách nhiệm (hay nghĩa vụ), những người phản đối hệ thống bầu cử bắt buộc cho rằng bầu cử là một quyền dân sự, và vì thế cử tri có thể chọn bỏ phiếu hoặc không chứ không thể bị bắt buộc. Thậm chí, theo họ, việc bắt buộc người dân đi bỏ phiếu có thể xâm phạm một số quyền dân sự khác, chẳng hạn như quyền tự do tôn giáo hay quyền tự do biểu đạt ý kiến chính trị. Hơn nữa, có thể diễn giải rằng tỉ lệ cử tri đi bầu thấp không có nghĩa là người dân không quan tâm hay thờ ơ về chính trị, mà chỉ đơn giản là họ đang thể hiện thái độ chính trị của mình mà thôi.

Xét cho cùng, bầu cử bắt buộc không có nghĩa là cử tri bị buộc phải bỏ phiếu cho một hoặc một số người (dù có thể điều này không đúng với một số quốc gia như Triều Tiên), mà chỉ phải đi tới điểm bỏ phiếu và bỏ một lá phiếu. Và để đảm bảo nguyên tắc bỏ phiếu kín, người ta phải chấp nhận rằng những người bị buộc đi bỏ phiếu có thể bỏ phiếu trắng hoặc phiếu không hợp lệ. Nhưng trên thực tế, vì không phải mọi người bị buộc đi bỏ phiếu đều bỏ phiếu không hợp lệ, nên tỉ lệ bỏ phiếu trong hệ thống bầu cử bắt buộc vẫn luôn lớn hơn tỉ lệ bỏ phiếu khi bầu cử không bắt buộc ở cùng một quốc gia.

Nhưng lý do nào khiến người dân quyết định đi bỏ phiếu, hoặc không? Và tại sao một số quốc gia quyết định áp dụng hệ thống bầu cử bắt buộc?

Trong một bài viết trên tạp chí American Political Science Review, hai nhà khoa học chính trị người Mỹ William H. Riker và Peter Ordeshook đã gợi ý một công thức lí giải cho việc một người có bỏ phiếu hay không là R+B.P>C. Trong đó, R (reward) là bất kỳ lợi ích nào mà một cử tri có thể nhận được khi đi bỏ phiếu, trong đó có việc tuân thủ trách nhiệm xã hội; khẳng định sự trung thành với một đảng phái chính trị (nếu có nhiều đảng phái); khẳng định sở thích đối với một đảng phái (chỉ để thể hiện sự ủng hộ mà không mong đợi kết quả nào); khẳng định sự quan trọng của một người đối với đảng phái chính trị; và đơn giản là được ra quyết định nếu cử tri đó quan tâm đến chính trị. B (benefit) là lợi ích của một cử tri có thể nhận được từ kết quả bầu cử. P (probability) là khả năng một lá phiếu có thể thay đổi kết quả bầu cử. Và C (cost) là mọi chi phí mà cử tri phải bỏ ra hoặc mọi phí tổn họ phải nhận khi đi bầu cử (chẳng hạn như thời gian hay tiền đi lại).

Cơ hội để lá phiếu của một người có thể làm thay đổi kết quả của một cuộc bầu cử là quá nhỏ. Trong khi trong chương trình Got Talent có ba giám khảo để quyết định một thí sinh có thể đi tiếp hay không, quyết định của vị giám khảo thứ ba có thể giúp thí sinh đi tiếp (hoặc không), thì trong một cuộc bầu cử, khả năng đó thấp gần bằng 0.

Nhưng nếu ai cũng nghĩ lá phiếu của mình sẽ không thay đổi được gì, thì kết quả là sẽ chẳng có ai đi bỏ phiếu. Tệ hơn, một nhóm thiểu số sẽ có thể quyết định tương lai của một quốc gia (thử tưởng tượng chỉ 20% cử tri đi bỏ phiếu, bầu ra một chính phủ sẽ quyết định những chính sách cho đất nước của họ và của 80% cử tri còn lại trong một khoảng thời gian không hề ngắn cho đến kỳ bầu cử tiếp theo), và những người không tham gia bỏ phiếu có thể sẽ phải hối hận vì lựa chọn của mình.

Một ví dụ điển hình là trường hợp của cựu Thủ tướng Ba Lan Jarosław Kaczyński (người em sinh đôi của cựu Tổng thống Ba Lan Lech Kaczyński). Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2005, chỉ 40,6% cử tri Ba Lan đi bỏ phiếu. Kết quả là chỉ với 6 triệu phiếu trên 30 triệu cử tri (đúng 20%), liên minh giữa Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) của Jarosław Kaczyński và Đảng Cương lĩnh Dân sự (PO) của Donald Tusk đã giành được đa số ghế trong Quốc hội. Chỉ hai năm sau, tức một năm sau khi Jarosław Kaczyński lên làm Thủ tướng, Đảng PiS đã chịu thất bại trước Đảng PO trong cuộc Bầu cử Quốc hội 2007, khi tỉ lệ cử tri tăng 13,3% so với cuộc bầu cử năm 2005, lên 53,9%, con số cao nhất kể từ khi chế độ cộng sản ở Ba Lan sụp đổ năm 1989.

Kết quả của cuộc Tổng tuyển cử Anh vừa qua cũng là một minh chứng rõ nét cho điều này. Sự thất vọng của người dân Scotland với chính sách của Công đảng trong những năm qua được thể hiện bằng con số 71.1% cử tri đã đi bỏ phiếu (so với 63,8% năm 2010), giúp Đảng Dân tộc Scotland SNP giành chiến thắng vang dội với 56 trên 59 ghế ở Hạ viện, so với 6 ghế ở kỳ tổng tuyển cử trước.

Nhưng rõ ràng là lý do này không đủ thuyết thục mọi cử tri đứng lên đi bỏ phiếu. Người ta vẫn có thể ngồi ở nhà xem TV trong khi mong đợi kết quả bỏ phiếu sẽ theo ý mình. Động cơ thúc đẩy họ lúc này là những lợi ích họ nhận được (dù kết quả phiếu bầu có như thế nào) phải lớn hơn những chi phí họ phải bỏ ra cho hành động đó. Những lợi ích này có thể chỉ đơn giản là cảm giác thỏa mãn khi được đi bỏ phiếu, hoặc tự ý thức được trách nhiệm công dân của họ (thông qua giáo dục, hoặc tuyên truyền) dù không nhận thức được những tác động có thể có của lá phiếu của mình. Tương tự, cũng có thể họ chỉ bỏ phiếu vì họ muốn ủng hộ đảng phái họ thích, cùng một mục đích như khi họ bầu cho một ca sĩ họ yêu trong một cuộc thi trên mạng. Hoặc đơn giản là vì họ nghĩ rằng nếu họ bỏ phiếu, họ sẽ không phải hối hận vì đã không đi bỏ phiếu khi đảng của họ thất bại, dù, một lần nữa, tác động từ lá phiếu của họ phần nhiều là gần bằng 0.

Những quốc gia như Argentina, Brazil, Singapore, hay Úc đã chọn giải pháp bầu cử bắt buộc để khiến những người không bị những động cơ nói trên thúc đẩy cũng buộc phải đi bầu bằng cách áp dụng một khoản tiền phạt nhỏ, đồng thời qua đó thiết lập một chuẩn mực xã hội cho việc bầu cử. Mục đích của Kim Jung Un khi tổ chức bầu cử bắt buộc có thể khác, khi nhà lãnh đạo độc tài này của Triều Tiên muốn thể hiện “sự ủng hộ tuyệt đối và lòng tin sâu sắc” mà nhân dân dành cho sự lãnh đạo “dân chủ” của vị lãnh tụ kính yêu của họ.

Nguyễn Huy Hoàng là nhà nghiên cứu tự do về luật học, và là trợ lý biên tập của trang mạng Nghiencuuquocte.net.

0