21/02/2018, 09:16

Tả về người bà của em

– Bài số 1 Hồi nhỏ, do bố mẹ đi làm suốt nên tôi thường sống với bà nội. Bà chính là người gần gũi và thân thiết nhất của tôi. Bà tôi năm nay đã ngoài sáu mươi nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Đôi mắt nhăn nheo của bà vẫn thường nhìn rất ...

– Bài số 1

Hồi nhỏ, do bố mẹ đi làm suốt nên tôi thường sống với bà nội. Bà chính là người gần gũi và thân thiết nhất của tôi.

Bà tôi năm nay đã ngoài sáu mươi nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Đôi mắt nhăn nheo của bà vẫn thường nhìn rất rõ mỗi khi đọc truyện tranh cho tôi nghe. Đôi tay gầy gầy xương xương vẫn hằng ngày nấu cho tôi những bữa cơm ngon lành.

Bà là một người vui vẻ và rất hay nói chuyện. Thông thường, ở độ tuổi lục tuần con người ta thường trở nên điềm đạm và trầm mặc hơn. Nhưng bà tôi lại khác hẳn. Bà rất thích trò chuyện với các ông, các bà trong hội hưu trí, hay trò chuyện chơi đùa với con cháu. Với khả năng giao tiếp và thái độ thân thiện, bà rất được mọi người tán thưởng trong các câu chuyện hàng ngày. Mọi người ai cũng thích nói chuyện với bà. Và tôi là một trong những ứng cử viên trung thành cho vị trí đó.

Tôi thích nhất là lúc bà cười. Những lúc đó đôi mát bà sáng và rất có hồn. Đặc biệt khi đó những nếp nhăn trên trán, trên khuôn mặt bà xô lại trông giống như những chiếc cầu vồng. Bé Mưa – em trai tôi cũng rất thích những nếp nhăn đó. Mỗi khi được bà ôm vào lòng cưng nựng, bé Mưa thường đưa cánh tay nhỏ xíu của em lên mân mê chúng như là một cử chỉ của sự yêu thương. Bà tỏ ra rất thích thú khi biết trên khuôn mặt mình có cầu vồng. Bà vui vì điều đó.  Tuy đã ở vào cái tuổi có thể coi là gần đi hết đời người nhưng bà vẫn rất khoẻ mạnh và tràn đầy sức sống. Và có lẽ cũng chỉ ở tuổi này bà mới đang được sống quãng đời đẹp nhất: hưởng những ngày an nhàn bên con, bên cháu. Tận hưởng những ngày an nhàn này, bà thoải mái làm những điều mình thích. Mỗi sáng bà cùng với mấy bà hàng xóm ra sân khu tập thể tập dưỡng sinh, tập múa quạt. Bà tập dẻo lắm cơ. Trong tay bà, chiếc quạt lượn theo những vòng tròn mềm mại, trông tựa như những cánh bướm đang ngả mình trong gió. Những động tác bà làm trông như được thể hiện bởi những nghệ sĩ múa chuyên nghiệp mà tôi thường thấy trên tivi. Quá thực, bà tôi vẫn còn dẻo dai lắm. Tập dưỡng sinh chỉ là một trong số những hoạt động mà bà tham gia. Ngoài ra, bà còn tập khiêu vũ, tập văn nghệ cho tổ dân phố… Tôi thường thấy bà hào hứng hẳn lên vào mỗi tối thứ bảy và chủ nhật. Bởi đó là những ngày bà tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ khiêu vũ của phường. Các bạn không thể tưởng tượng được đâu nhé! Bà nhảy đẹp hết ý luôn! Đặc biệt là điệu vanxơ. Tôi phải nhờ bà tập cho suốt đấy!

Hiện đại khi tham gia các hoạt động thể dục, thể thao nhưng bà lại mang đầy nét truyền thống trong các hoạt động xã hội. Chính bà là người dạy tôi cách nấu nướng và chăm sóc cho bản thân. bà thường bảo tôi phải chú ý đến hình thức của mình. Theo bà việc trang điểm là rất quan trọng. Đối với bà trang điểm không phải là tô mày kẻ mắt, trưng diện quần áo trang sức sao cho nỗi bật mà chỉ đơn giản là sự chuẩn bị chu đáo cho bản thân trước khi hoà nhập vào các hoạt động xã hội. Chăm sóc cho bản thân cũng chính là cách ta thể hiện sự tôn trọng mình và tôn trọng người khác. Đó là câu bà vẫn thường hay nói với tôi.

Đã thành lệ, mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi thường được bà xoa lưng và kể cho nghe những câu chuyện cổ tích. Nào là chuyện cô Tấm chui ra từ quả thị, nào là Thạch Sanh bắn đại bàng tinh cứu công chúa, nào là chú Cuội ngồi gốc cây đa… Giọng kể dịu dàng cùng hương hoa nhài thoang thoảng từ người bà đà đưa tôi vào giấc ngủ trong suốt những năm bé thơ.

Bà là tấm gương là hình mẫu lí tưởng của tôi. Đến tận bây giờ hình bóng bà vẫn còn in đậm trong trái tim tôi.

“Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm
Tóc bà trắng, màu trắng như mây…”

– Bài số 2

Trong đời này, ai chẳng có một người bà. Và tôi cũng vậy, ngoài tình yêu thương mà bố mẹ dành cho, tôi còn được sống trong tình thương yêu trìu mến của bà. Vì điều kiện gia đình, tôi phải chuyển nhà, không được ở bên bà nhưng hình ảnh bà luôn khắc sâu trong trái tim tôi.

Bà tôi năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi. Tóc bà trắng như những bà tiên trong các câu chuyên cổ tích. Lưng bà còng lắm rồi. Làn da nhăn nheo với nhiều chỗ có chấm đồi mồi. Bà đã hi sinh cả tuổi xuân, tần tảo, bươn chải, thức khuya dậy sớm nuôi nấng mẹ và các dì tôi. Đôi mắt bà không còn tinh tường như trước nhưng cái nhìn thì vẫn như ngày nào: trìu mến và nhân hậu. Đôi bàn tay thô ráp, chai sần bởi suốt đời lặn lội, vất vả kiếm cơm áo cho các con.

Ngày còn thơ bé, tôi được sống trong vòng tay yêu thương vô bờ bến của bà. Đêm nào tôi cũng chìm trong giấc ngủ êm đềm nhờ những câu chuyện cổ tích bà kể. Sáng sớm, bà gọi tôi dậy đi học. Lời gọi: "Cháu ơi, dậy đi nào, đã đến giờ đi học rồi" luôn làm tôi tỉnh táo sau giấc ngủ dài. Bà dắt tay, đưa tôi đến trường. Chờ cho cánh cổng trường khép hẳn, bà mới an tâm ra về. Chiều chiều, vẫn cái dáng đi lặng lẽ ấy, bà đưa tôi trở về nhà. Mỗi khi ở cạnh bà, tôi cảm thấy ấm áp vô cùng.

Có lần bị ngã, tôi đã nằm ăn vạ rất lâu. Bà ẩy con lật đật và bảo: "Con lật đật luôn biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Cháu của bà cũng vậy, đúng không nào? Cháu được như con lật đật là bà rất vui". Nghe lời bà, tôi nín khóc và tự đứng dậy. Bà cười móm mém "Cháu ngoan lắm, lại đây bà phủi đất cho nào". Những hôm học khuya, buồn ngủ quá, tôi gục luôn xuống bàn thiếp đi. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang đắp chăn, nằm trên giường. Trên bàn học, đèn đã tắt từ lúc nào, sách vở được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Bà đã bế tôi lên giường, xếp lại sách vở cho tôi.

Bà luôn chăm lo việc nhà. Mẹ tôi không muốn bà làm, sợ bà mệt nhưng bà không nghe. Tôi mong mình lớn thật nhanh để đỡ đần cho bà nhưng nhiều khi, tôi lại ước ao thời gian trôi thật chậm để tôi mãi mãi nằm trong vòng tay yêu thương của bà

Bà rất vui tính, thường kể cho cả nhà nghe những chuyện hài hước. Bà cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ hàng xóm, vì vậy, ai cũng yêu quý bà. Bà yêu thương tôi nhưng không nuông chiều. Có lần, tôi không nghe lời bà. Cả tuần, bà không nói với tôi một câu nào. Sang tuần sau, bà gọi tôi vào phòng, giảng giải cho tôi biết đâu là điều hay lẽ phải. Tôi cảm thấy ăn năn, xấu hổ vì để bà buồn. Sau chuyện đó, tôi tự hứa với mình, không bao giờ được phụ công lao tình cảm của bà. Bà thích chăm sóc cây cảnh, Sáng sáng, bà dậy sớm tưới cây trên sân thượng. Những chồi non, nụ hoa không phụ công chăm sóc của bà, luôn tưng bừng khoe sắc thắm. Những lúc rảnh rỗi, bà ngồi ngắm không biết chán những cái cây đang dần dần lớn lên.

Tối tối, khi đi ngủ, bà thường kể chuyện cho tôi. Nghe các câu chuyện của bà, tôi như được hoá thân vào các nhân vật, khi thì là cô Tấm dịu hiền, khi lại là cô tiên tốt bụng. Bà mua cho tôi rất nhiều sách, nhờ đó kiến thức của tôi được rộng mở hơn.

Giờ đây, khi Hà Nội vào đông lạnh giá, ở nơi xa, tôi luôn lo bà có mặc đủ ấm không, bà ngủ có ngon giấc không… Tôi mong bà sống mãi bên tôi. Bà ơi, cháu yêu bà nhất trên thế gian này. Bà là người bà tuyệt vời nhất.

– Bài số 3

Bà nội của tôi yêu tôi lắm, bà rất hay để phần cho tôi những thứ bà đi chùa hay đi chợ mua được, đôi khi chỉ là những cái kẹo thôi. Trẻ con thì thường hay ăn kẹo với anh chị em, nhưng tôi ăn kẹo và ăn những thứ gì mà tôi có được cùng với bà của tôi. Bà vui lắm, tôi nhìn thấy điều đó trong ánh mắt của bà. Tôi cũng không hiểu sao lại là như thế, nhưng có gì ngon, có gì mà tôi cho rằng chỉ tôi mới được ăn, tôi đều muốn chờ bà về và bà cháu tôi cùng ăn với nhau, có lẽ bà hiểu được điều gì đó, nên bà cũng đối với tôi như thế, bà vui và kể với mọi người ngay trước mặt tôi, tôi thấy vui và tự hào, thấy mình lớn lắm.

Tôi chỉ ở với bà nội của tôi cho đến năm tôi học hết lớp 5, nhưng tất cả những gì mà tôi có được với bà nội sẽ mãi ở trong trí nhớ non nớt của tôi. Bà nội, nhưng lại không phải bà nội, vì sao thế? Tôi hay gọi là bà nội nuôi, và tôi có thêm bà nội đẻ. Như thế là tôi có tới 6 ông bà, hai ông bà nội nuôi, hai ông bà nội đẻ và hai ông bà ngoại. Tôi thật hạnh phúc phải không? Vì bà chỉ là bà nội mà đã nuôi bố tôi trưởng thành từ bé. Khi bé, bố tôi được cho bà từ ông bà nội đẻ, và ở đây bố tôi trở thành con cả. Bố tôi sống và được bà nội nuôi nuôi từ bé, từ khi lọt lòng ấy. Còn ông bà nội đẻ thì ở xa hơn, phải đi xe đạp mất khoảng 1 tiếng đồng hồ, như thế với trẻ con chúng tôi cũng là xa lắm, chỉ Tết thì tôi mới được về ông bà nội đẻ để chơi thôi. Trong trí óc non nớt của tôi, cũng hình thành một điều rất lạ, ai nuôi bố tối, ai dạy dỗ bố mẹ tôi, đó là người gần với tôi nhất, đó là bà nội nuôi của tôi, sau này tôi chỉ gọi là bà nội, mặc dù bà nội đẻ cũng là bà nội.

Bà nội và ông nội cũng rất khổ, vì nhà nghèo, cũng vất vả và gian truân lắm. Ông nội ngoài việc đồng ruộng, còn kiêm thêm cả nghề đánh chim ngói, đây chính là quãng tuổi thơ đẹp nhất của tôi, vì tôi có ông, tôi có ông ngắn ngủi lắm, chỉ khoảng 5 năm thôi, ông mất khi tôi mới 5 tuổi. Bà nội có tướng khổ và tất bật, tôi cũng chưa bao giờ thấy bà được sướng như người ta vẫn nói, có chăng chỉ là những giây phút ngắn ngủi khi mà trong nhà có những sự kiện vui diễn ra, còn lại là những ưu tư và phiền muộn. Bà nội khỏe lắm, không biết ai cho bà sức khỏe, nhưng tôi không bao giờ thấy bà ốm cả, bà luôn dậy rất sớm và làm việc đến rất muộn mới đi nghỉ. Mẹ tôi là nàng dâu trẻ, nhưng cũng chỉ làm được đến như bà thôi, tôi yêu bà hơn yêu mẹ, đơn giản vì thấy bà khổ hơn mẹ tôi, trẻ con đôi khi là thế. Bà nội cũng hay cười lắm, bà ăn trầu, răng đen nhánh, mặc áo nâu quanh năm và chiếc áo len màu xanh cánh chả mỗi khi đông về. Khi tôi thấy bà diện nhất thì đó chỉ là khi bà đi chùa hay có cưới các cô/chú.

Bà nội càng khổ hơn khi ông nội tôi mắc bệnh ung thư, hai chú đi bộ đội, ở nhà chỉ còn hai cô và mẹ tôi, cùng tôi và chị tôi, bố tôi đi làm xa ít khi về lắm. Nhà hầu như toàn là phụ nữ. Bà làm hết cả mọi việc của ông, của bố và của các chú. Cho đến khi chú thứ hai giải ngũ và lấy vợ, thì đại gia đình đã đông hơn, cũng phiền phức hơn, nhưng cũng vui hơn. Bà cười nhiều hơn, nhưng cũng ưu tư nhiều hơn. Khi tôi chuyển ra Hà nội ở và theo học ở đó cùng với bố, mẹ và chị, tôi vẫn không quên ánh mắt của bà ngày đó. Bà buồn. Trong những năm đầu khi tôi xa bà, bà vẫn giữ thói quen là có gì ngon, từ cái kẹo,… bà đều vẫn để dành cho tôi, khi tôi về, bà lại mang ra cho tôi, đôi khi là những cái kẹo đã chảy nước vì để quá lâu.

Mỗi năm được về nhà vào dịp tết, tôi vui lắm vì lại được gặp bà, gặp người thân trong gia đình.

Tôi nhớ mãi hình ảnh bà ngồi tráng bánh đa, không thể quên được, với tôi, đó là hình mẫu của người lao động đẹp nhất mà tôi được biết, cần mẫn lắm, thành thục lắm,…. đời thường lắm. Tôi còn nhớ, trong chương trình học cấp 1, có một lần có đề tài miêu tả và kể về một kỷ niệm mà em nhớ nhất với người thân, với người mà em yêu quý. Tôi đã kể về bà của tôi, về một tai nạn nhỏ khi bà lao động – xay bột làm bánh. Bài văn đó được điểm thấp vì tôi kể rất lủng củng và hình như không có gì hay ho cả vì nó là việc quá tầm thường, nhưng tôi nhớ mãi, sẽ còn nhớ.

– Bài số 4

Trong gia đình, người tôi yêu mến và kính trọng nhất là bà nội tôi.

Năm nay, đã ngoài bảy mươi tuổi nhưng bà còn rất khoẻ. Da bà nhăn nheo, ngăm đen. Tôi vẫn đùa, đấy là chứng tích của thời gian. Khác với những người bà cùng tuổi, bà tôi có mái tóc đen, dài, lúc nào cũng được búi gọn sau gáy. Vầng trán cao, đôi mắt to đã có phần mờ đục. Đặc biệt nụ cười với hàm răng nhuộm đen làm bà thêm phúc hậu. Đôi bàn tay xương xương với những vết chai sần vì làm lụng vất vả. Bà ăn mặc rất giản dị, nhiều khi chỉ là những bộ đồ nâu đã cũ. Mỗi khi mẹ tôi biếu tiền để mua quần áo, bà thường lắc đầu và bảo: "Mẹ già rồi, không cần nhiều quần áo, con để tiền đó lo cho bọn trẻ".

Bà nội tôi rất thích chăm sóc cây xanh. Sáng sáng, bà thường tự tay tưới tắm và bắt sâu cho cây. Một lần, cái Anh, em họ tôi hỏi bà: "Bà ơi, tại sao bà quý những cái cây này thế. Có khi nào bà yêu chúng hơn bọn cháu không?". Bà nhìn chúng tôi, bảo: "Sao thế được, tất nhiên là bà phải yêu các cháu bà hơn rồi. Những cái cây này chỉ là thú vui của bà thôi. Đây là những cái cây ông để lại khi mất. Bà thay ông chăm sóc chúng".

Bà rất yêu chúng tôi. Hồi tôi còn bé, bà đã thay mẹ, chăm bằm tôi từng li từng tí. Hằng đêm, bà đưa tôi vào giấc ngủ qua những khúc hát ru. Mỏi lần tôi ốm, bà xuống chăm nom tôi để mẹ đi làm. Bà ngồi bên giường, dỗ dành, đút cho tôi từng thìa cháo nhỏ. Suốt những năm tuổi thơ, tôi đã lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà. Sau này, khi không còn ở bên tôi thường xuyên nữa nhưng cứ mỗi lần xuống nhà tôi chơi, bà lại mang rất nhiều quà quê lên cho tôi và hàng xóm láng giềng. Ai cũng yêu quý và kính nể bà. Bà rất nhân hậu. Có lần, nhìn thấy một em bé ăn xin từ xa, bà vội bước lại cho bé tiền và bảo bé đi mua gì ăn cho đỡ đói. Đợi em đi khỏi, bà nói với tôi: "Cháu đã nhìn thấy em đó chưa? Bà đoán chắc em bé đó chỉ tầm tuổi cháu thôi, thế mà đã phải ra đường ăn xin. Thật tội nghiệp. Nếu từ nay về sau, cháu gặp ai cơ nhỡ, khó khán, cháu nhớ giúp người ta. Họ cũng là người như chúng ta, chẳng qua cuộc sống của họ không được may mắn, cháu không bao giờ được kì thị, chế giễu người ta".

Vì rất yêu quý bà nên tôi rất thích được về quê. Tôi chỉ mong luôn được gặp bà, được nghe những câu chuyện cổ tích của bà, được nằm trong lòng bà, thiu thiu ngủ qua tiếng ru à ơi của bà.

Tối rất yêu bà, Tôi mong sẽ không bao giờ phải xa bà.

– Bài số 5

Bà nội, đó là hai tiếng gọi thân thương mà tôi được gọi, có biết bao nhiêu người không còn bà để mà gọi và tôi thấy tôi thật hạnh phúc khi được có bà nội trên đời này. Bà không chỉ đơn giản là mộ người bà nội mà bà còn là tri âm tri kỉ của tôi. mọi chuyện tôi đều nói với bà, tâm sự với bà và cho tôi những lời khuyên bổ ích. Bà như cơn mưa mùa hạ tưới mát tuổi thơ tôi.

Bà nội tôi trải qua một cuộc đời lam lũ vất vả người phụ nữ sinh ra trong bom đạn vì thế bà càng thêm sức dẻo dai chịu đựng. bà toi có khuôn mặt mà tôi thấy người ta khen là phúc hậu. Cuộc đời trải qua biết bao khó nhọc những lúc chạy giặc bà phải ngụp trong nước dấu mình trong bèo kể cả những đoạn mương sông bẩn thỉu nhất. Sau đó khi về nhà chồng nội tôi một tay nuôi dưỡng bố và các bác của tôi trong khi dó ông nội tôi còn đang bận công tác ngoài thủ đô. Một mình chăm sóc bảy người con tôi thấy nội tôi thật khỏe khoắn. Thế nhưng giờ đây, bà nội tôi bị tai biến mạch máu não thật bất công cho những gì bà phải trải qua, sụ hi sinh hay tấm lòng cao cả kia.

Mặc dù đã tám mốt tuổi thế nhưng trông bà tôi vẫn trẻ như hồi còn sáu mươi. Ai vào cũng phải khen nước da hồng hào trắng khỏe, khuôn mặt nội giờ không còn được trẻ trung đẹp đẽ như thuở xưa nữa mà thay vào đó là những những nếp nhăn chằng chịt. Nghe bố tôi nói rằng nội tôi ngày xưa xinh lắm, đẹp lắm và cho đến bây giờ cái tuổi xế bóng chiều tôi vẫn thấy nội tôi rất đẹp. Đó là vì nước da trắng vốn có của nội, là mái tóc tuy đã ở cái tuổi tám mốt nhưng lại chỉ điểm vài sợi trắng trên đầu. khi gội đầu thì không còn nhìn thấy những sợi trắng đó nữa. Mái tóc dài ngày xưa của bà được cắt ngắn đi cho gọn gàng và dễ gội. Khuôn mặt ấy vẫn phúc hậu như ngày nào nhưng lại thật là đáng thương khi khuôn mặt ngày càng béo ra, không phải vì béo tốt mà là do bệnh. Nói đúng hơn là bị phù mặt nhưng vết nám chấm to như những mụn ruồi xuất hiện trên mặt của bà. Mắt của bà híp lại, đôi lông mày rụng hết phần dưới đi,mi mắt cũng rụng còn lại những sợ mi ngắn cũn. Điều đó không làm bà xấu đi mà làm bà đẹp hơn vì sau căn bệnh ấy bà vẫn đẹp vãn trẻ như vẫn con sáu mươi.

Dáng hình của nội tôi giờ đây vì bệnh mà béo lên, nhưng khổ nỗi bà chỉ béo mỗi phần bụng còn chân tay thì lại gày gò. Không kể đến cánh tay bên phải bị liệt, bà không thể tự xúc cơm được nữa mà phải có người súc cho. Còn gì khổ hơn khi mất đi một cánh tay, tôi thương bà tôi nhiều lắm cả cuộc đời tu nhân tích đức mà đến cuối đời lại không thể sống một cuộc sống an lành. Nhiều khi uất ức nội tôi khóc như trẻ con, những nếp nhăn xô lại và những giọt nước mắt ào ra trên hai gò má. Cái miệng mếu xệch đi trông mà không kìm được nước mắt, gặp người thân đi xa về bà càng khóc nhiều hơn. Mỗi đêm bà dậy đi vệ sinh tôi tỉnh giấc nghe thấy những hơi thở khó khăn của bà mà chạnh lòng nghĩ bản thân chưa làm được gì cho bà. Cứ mỗi lần đứng lên ngồi xuống là cả một sự khó nhọc của bà ngay cả khi lật mình khi ngủ nữa.

Bà tôi cơ cực vậy đấy và giờ đây tôi yêu thương bà hơn bất cứ điều gì, cả cuộc đời ấy tôi sẽ cố gắng giúp cho bà vui mỗi ngày. Mai này lớn lên tôi sẽ trở thành một bác sĩ giỏi để chữa bệnh cho những người bà thoát khỏi căn bệnh quái ác kia.

Vũ Hường tổng hợp

0