Tả một cụ già mà em biết – Văn mẫu lớp 6
Tả một cụ già mà em biết – Bài làm 1 Đối với em, tình bà cháu là không thể thiếu được. Bà – dù chỉ là một tiếng đơn sơ ấy thôi, nhưng rất thân thương gần gũi với em ngay từ khi em bắt dầu tập nói. Hình ảnh bà luôn in sâu vào trong trí nhớ của cháu, trong tim của cháu. Một người bà hiền từ, ...
Tả một cụ già mà em biết – Bài làm 1 Đối với em, tình bà cháu là không thể thiếu được. Bà – dù chỉ là một tiếng đơn sơ ấy thôi, nhưng rất thân thương gần gũi với em ngay từ khi em bắt dầu tập nói. Hình ảnh bà luôn in sâu vào trong trí nhớ của cháu, trong tim của cháu. Một người bà hiền từ, nhân hậu. Bà năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi, dáng người nhỏ nhắn hơi gầy với mái tóc pha sương nay đã bạc màu tiều tụy. Lưng bà hơi còng ...
Tả một cụ già mà em biết – Bài làm 1
Đối với em, tình bà cháu là không thể thiếu được. Bà – dù chỉ là một tiếng đơn sơ ấy thôi, nhưng rất thân thương gần gũi với em ngay từ khi em bắt dầu tập nói. Hình ảnh bà luôn in sâu vào trong trí nhớ của cháu, trong tim của cháu. Một người bà hiền từ, nhân hậu.
Bà năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi, dáng người nhỏ nhắn hơi gầy với mái tóc pha sương nay đã bạc màu tiều tụy. Lưng bà hơi còng xuống, nước da bà bị nắng cháy xạm màu và đã trổ đồi mồi có lẽ vì bà phải bươn chải tảo tần buôn bán để nuôi mẹ, các cậu các dì của em. Mắt bà không còn tinh tường, con ngươi hơi đùng đục nhưng cái nhìn của bà hiền hậu đầy yêu thương tnu mến. Hai gò má của bà nhô lên, rám nắng, đôi môi của bà khô lại theo năm tháng. Khuôn mặt của bà xuất hiện nhiều nếp nhàn ở đuôi mắt, khóe môi. Trên vầng trán của bà dường như mỗi nếp nhăn thể hiện cho một nỗi đau khổ, cho những khó khăn bà đã trải qua. Mỗi khi bà cười, những nếp nhân ấy lại hằn lên sâu hơn, đôi mắt của bà như cũng cười theo rất hiền từ. Những lúc buồn, đôi mắt của bà đăm chiêu, nó như phản chiếu được những ngày bà vất vả lặn lội kiếm tiền, lo cho con, cho cháu.
Những ngày thơ ấu, em được sống trong vòng tay yêu thương của bà. Bà bao giờ cũng quý cũng yêu và hết lòng săn sóc cho em. Những bài hát ru êm dịu của bà đã đưa em vào những giấc ngủ say nồng. Bằng chất giọng trầm ấm, bà kể chuyện rất hấp dẫn làm cho em đã bao lần lạc vào xử sở cổ tỉch với nàng tiên, cô Tấm dịu hiền với cây đa, giếng nưức, xóm làng đơn sơ.
Những lúc em dồi hờn, khóc lóc bà dỗ dành, chiều ý cháu. Khi lớn hơn, bà đã cho em những lời khuyên qua những bài ca dao, những câu tục ngữ mà em vẫn nhớ… Bà vẫn thường dành những thức ăn ngon cho em: khi thì bánh, kẹo, khi thì trái cây… Những dịp đi đâu xa, bà không quên mang về bao nhiêu là những món ngon thức lạ.
Hình ảnh của bà thật thiêng liêng, cao quý. Bà già nua, ốm yếu nhưng tình cảm bao la, nhân hậu. Em rất hạnh phúc khi có được người bà như thế. Suốt đời em sẽ ghi nhớ những tháng năm được sống gần bà, được bà yêu mến. Bà ơi! Cháu sẽ khắc ghi những lời khuyên mà bà cho cháu, khắc ghi mãi bóng hình bà trong tim. Cháu sẽ luôn cố gắng phấn đấu tốt để xứng đáng làm cháu của bà.
Tả một cụ già cao tuổi – Bài làm 2
Những lúc học bài và làm một số công việc ba mẹ giao cho xong, em thường sang thăm bà Năm Hợi ở cạnh nhà em. Em thương bà, quý bà không chỉ ở chỗ bà như Nội của em mà còn bởi tình cảm của bà đối với em, với lũ nhỏ trong xóm nữa.
Năm nay, bà đã ngoài bảy mươi tuổi, cái tuổi của một vầng trăng xế. Nghe Nội kể lại, cuộc đời của bà Năm là một chuỗi dài những thương đau và vất vả. “Chỉ có hơn hai năm nay bà mới được ở ngôi nhà tường, mái ngói như bây giờ là nhờ Đảng và Cụ Hồ đấy cháu ạ.” Ngôi nhà tình nghĩa do Ủy ban Nhân dân xã xây cất là niềm an ủi bà những năm cuối đời. Âu cũng là nguồn động viên cho tuổi già và cũng làm mát lòng, mát dạ hương hồn nơi chín suối cửa ba người con đã hi sinh vì dân vì nước. Hôm được phong danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” một lượt với Nội, bà nghẹn ngào không nói được nên lời. Đôi dòng lệ tuôn dài trên hai gò má đã nhăn nheo. Nội còn nói: “Giá như thằng Hoàng, thằng Hợi ra đi, để lại một vài đứa cháu thì cũng an ủi cho bà. Ai dè, đứa nào mất đi cùng chưa vợ con gì cả. Bây giờ để bà thui thủi một mình, tội nghiệp quá!”
Bà già cả như vậy nhưng lúc nào nhà cửa cũng sạch sẽ, tươm tất. Cả xóm em, từ già đến trẻ, ai cũng kính yêu bà. Những lúc rỗi rãi, bà thường chống gậy đi thăm bà con lối xóm. Những đợt tuyển quân hàng năm, bà vắng nhà luôn. Khi thì đến thăm nhà này, lúc thì đến động viên nhà kia. Chiếc lưng còng với cái gậy trúc tất tả khắp nẻo đường lối xóm đã góp phần không nhỏ động viên con em lên đường làm nghĩa vụ quân sự.
Những đêm trăng sáng, lũ trẻ chúng em thường tụ tập ở sân nhà bà, để được nghe bà kể chuyện: nào là chuyện thần thoại, cổ tích… chuyện những năm đánh Mĩ, chuyện chú Hoàng, chú Hợi….Bao nhiêu là chuyện hay. Chuyện nào cũng hấp dẫn và đầy ý nghĩa không kém gì những mẩu chuyện trong sách. Giọng kể của bà êm như một làn gió nhẹ thổi qua, đưa chúng em về với cội nguồn của cha ông, về với những phong tục tập quán, giúp chúng em hiểu cặn kẽ hơn những năm đánh Mĩ, hiểu được những gì sự mất mát thương đau mà nhân dân ta phải chịu đựng trong cuộc chiến tranh. Những năm ác liệt ấy, không chỉ có chồng, con tham gia đánh Mĩ mà bản thân bà cũng đã từng là một chiến sĩ của đội quân tóc dài trong những ngày Đồng Khởi oanh liệt năm xưa.
Bà là hiện thân của đức hi sinh và chịu đựng của người mẹ Việt Nam anh hùng đáng kính, đáng yêu. Trước lúc chia tay với bà, chúng em thường tặng bà bài hát: “Bà ơi bà! Cháu yêu bà lắm, tóc bà trắng màu trắng như mây. Cháu yêu bà, cháu nắm bàn tay, khi cháu vâng lời, cháu biết bà vui”.
Tả hình dáng và tính tình một cụ già mà em kính yêu (cụ già đó có thể là ông, bà em hoặc một người mà em quen) – Bài làm 3
Trên đường đến trường hôm nay, em gặp một bà lão đang bước chậm rãi từng bước bên đường. Em ngoái lại nhìn, trông bà thật phúc hậu. Bà có dáng người mảnh khảnh, hơi gầy gò. Bà mặc bộ quần áo bà ba màu ngọc. Bộ quần áo đã cũ nhưng vẫn giúp bà toát lên được vẻ đẹp giản dị, thanh thoát. Em trèo xuống khỏi xe mẹ, đứng ở cổng trường theo dõi bà thật lâu. Bà có làn da nhiều nếp nhăn của tuổi già. Làn da của bà đã sậm màu, nhiều vết chân chim và nếp nhăn nơi khóe mắt. Với làn da đặc trưng của tuổi già ấy nhưng bà vẫn rất đẹp. Bà đẹp một cách hiền từ. Mái tóc bạc phơ bà búi gọn sau gáy khiến gương mặt của bà như sáng hơn. Lúc này bà đã đến gần em hơn, em đã có thể nhìn thấy ánh mắt của bà. Một ánh mắt xa xăm vô định. Và bà đã đi qua em. Em có thể ngửi thấy mùi trầu bà nhai. Một mùi thơm the hệt như mùi trầu của nội. Màu đo đỏ của trầu nhuốm cả trên đôi môi nứt nẻ của bà. Bà đi rất nhanh, chẳng mấy chốc mà đã khuất bóng. Dù bà đã đi qua em nhưng em vẫn nhìn theo cái dáng đi uyển chuyển ấy của bà. Bà đã để lại ấn tượng cho em dù mới chỉ khi nhìn thấy bà. Mong rằng em sẽ gặp lại bà vào một ngày không xa.
Tả một cụ già mà em biết – Bài làm 4
Nhà em sống trong một con hẻm nhỏ, xung quanh là rất nhiều ngôi nhà của các cụ già. Tuy nhiên mỗi lần đi học ra ngõ, em vẫn thường chú ý đến hình ảnh của một cụ già ngồi bán xôi ở đầu ngõ. Cụ tên Tý, sống cách nhà em 3 nhà. Ngày nào em thấy cụ ngồi bán xôi đầu ngõ.
Cụ Tý năm nay đã hơn 60 tuổi nhưng mái tóc của cụ bạc phơ, trắng như cước. Cụ búi tóc củ tỏi ở trên đầu, và quấn một chiếc khăn. Cụ bảo rằng tóc cụ thưa nên cụ buộc như thế này.
Hằng ngày cụ ngồi bên một chiếc thúng thơm nức mùi xôi xéo, ngày ngày cụ dậy thật sớm để hông xôi mang bán cho mọi người để kiếm tiền trang trải cuộc sống cũng như giết thời gian.
Hàm răng của cụ đã rụng đi mấy chiếc, cụ cứ nhai trầu chóp chép mỗi khi em đi qua. Hàm răng cụ đen nháy vì ngay xưa cụ ăn nhiều trầu.
Đôi bàn tây gầy và xương, thi thoảng còn run run lên vì tuổi cao và sức yếu. Mắt cụ đã mờ đi, tuy nhiên vẫn có thể phân biệt được tiền mỗi khi khách trả. Mọi người vẫn luôn thích ăn xôi ở nhà cụ vì xôi rất dẻo và thơm. Mỗi lần ăn vào là thấy no và ấm bụng.
Cụ vẫn hay mặc những bộ quần áo lụa thời trước nhìn gọn gàng. Thân hình cụ nhỏ, bước đi đã bắt đầu chậm chạp hẳn đi. Mỗi lần cụ bưng thúng xôi ra đầu ngõ bán, cụ bước đi chậm; thi thoảng có nhiều người thấy thế đã đến bê giúp cụ.
Giọng nói của cụ trầm ấm, thi thoảng nói hơi bé nên em không nghe thấy. Mỗi lần em mua xôi ở hàng cụ, cụ thường cho em thêm thật nhiều hành khô, vì em rất thích ăn hành.
Có nhiều hôm trời mưa gió, em đi học ngang qua không thấy dáng cụ, có lẽ thời tiết xấu nên cụ không bán nữa. Những lúc đó em lại thấy nhớ cụ. Một người mà em quen.
Cụ là một người hàng xóm thân thiết và tốt bụng với gia đình em. Em mong cụ luôn khỏe, luôn vui để mọi người lại được ăn xôi do cụ nấu.
Tả một cụ già mà em yêu quý – Bài làm 5
Cạnh nhà em có một bà cụ sống một mình. Vì con cháu bà đều đi làm ăn xa nên bà chỉ sống một mình với chú cún. Thỉnh thoảng, bà thấy em không phải đi học là gọi ngay sang chơi với bà. Em cũng quý bà lắm. Năm nay bà đã ngoài bảy mươi tuổi. Ở cái tuổi cuối đời, bà vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh và nhanh nhẹn lắm. Mỗi lần em sang chơi, bà lại kể chuyện rồi đem đồ ăn trong nhà ra cùng ăn với em. Bà thường bảo ở nhà một mình, bà không muốn ăn. Rồi lại nói, vì có đứa cháu bằng tuổi em nên rất quý em. Bà sống một mình, lâu lắm mới thấy con cháu về chơi nên thấy buồn cũng phải. Mẹ em cũng hay nói em sang đó cho bà đỡ buồn. Bà đẹp lắm. Dù mái tóc đã bạc trắng, làn da đã bị sỉn màu nhiều nếp nhăn nhưng mỗi lần bà cười, gương mặt bừng sáng của bà khiến em cảm thấy ấm áp đến lạ. Đôi tay là gầy gò nhăn nheo và thô ráp. Bà bảo do hồi xưa phải làm nhiều việc nặng nên tay đã chai sạn cả rồi. Bà thường mặc bộ quần áo bà ba bằng lụa mềm. Người bà lúc nào cũng có một mùi trầu thơm thoang thoảng hệt như mùi trầu trên người nội em. Nội em đã đi xa cách đây vài năm, bởi thế mỗi lần nhìn bà, em lại nhớ đến nội. Bà làm bánh rất giỏi. Mỗi lần em sang chơi, bà lại trổ tài làm bánh. Khi thì bà làm bánh rán, khi thì bánh xèo, tết trung thu lại có bánh trung thu. Bánh bà làm rất hợp khẩu vị với em, nên em thích lắm. Nhiều buổi tối, em và bà lại nằm ở hiên nhà, bà kể cho em nghe những câu chuyện thời kháng chiến, những thời kỳ khó khăn của đất nước. Em thực sự rất thích nghe bà kể chuyện. Bà là một tấm gương sáng về nhân cách giúp em noi theo. Những bài học của bà rất hữu ích đối với những đứa trẻ còn non nớt như em.
Tả một cụ già gần nhà em – Bài làm 6
Cả nhà em ai cũng quý bà. Riêng em, em lại càng quý bà hơn. Bà đã chăm sóc em từ lúc mới lọt lòng, đã ru em bằng những lời ru êm dịu.
Bà em năm nay đã ngoài tám mươi tuổi. Dáng bà hơi nhỏ nhưng khỏe mạnh. Nước da đã chuyển sang màu hơi nâu, có điểm những chấm đồi mồi. Mái tóc trắng như cước. Tóc bà rụng nhiều không còn dày nặng như xưa nhưng em vẫn thấy bà vấn tóc trong một vành khăn nhung đen rất gọn gàng. Bàn tay, bàn chân nổi rõ những đường gân xanh dưới lớp da mỏng. Khuôn mặt rất nhiều nếp nhăn. Mỗi khi bà cười, những nếp nhăn đó lại hằn lên thành nếp rất rõ. Đôi mắt bà không còn tinh tường như trước. Khách quen đến nhà, bà nhận ra tiếng trước lúc nhìn rõ người. Tuy thế, hàm răng bà vẫn còn chắc, bà vẫn ăn trầu như xưa.
Tính bà hiền từ, bà thường nói chậm rãi. Tuy tuổi đã cao, bà vẫn còn đỡ đần những công việc vặt trong gia đình. Bố mẹ em thường dặn chúng em, không được để cho bà một việc gì dù nhỏ, bà làm nhiều rồi, để cho bà nghỉ. Tuy vậy, bà vẫn hay quét nhà, nhặt rau và có khi còn thổi cơm. Mỗi khi bà làm, bà thường bảo chúng em: “Còn làm được, bà làm cho vui, ở không bà không chịu được”.
Bà luôn luôn chăm sóc chúng em. Thấy chúng em làm sai, nói chưa đúng, bà bảo ban, khuyên nhủ. Tối tối, bà thường nhắc chúng em rửa chân tay sạch rồi mới lên giường ngủ. Bà khuyên bảo kĩ từng điều, nhắc nhở chúng em phải ngoan ngoãn, chăm học để làm vui lòng bố mẹ và thầy cô. Thỉnh thoảng, chúng em lại vòi bà kể chuyện ngày xưa. Bà kể chẳng bao giờ hết chuyện. Ngồi bên bà, chúng em lắng nghe bà kể chuyện rành rọt từng lời…
Em yêu bà lắm. Em mong bà sống lâu để dạy bảo con cháu nhiều điều hay và kể cho chúng em nghe hết cái kho chuyện “ngày xửa ngày xưa”.
Tả hình dáng một cụ già mà em biết – Bài làm 7
Bà Cả Tía là bà mẹ Việt Nam anh hùng. Chồng bà, hai con trai của bà là liệt sĩ thời kháng chiến chống Mĩ.
Năm nay, bà Cả Tía tròn 70 tuổi. Cả làng, cả xã, bà con nội ngoại và con cháu đông hơn trăm người kéo đến mừng thọ bà. Nhận bó hoa mùng thọ từ tay ông Chủ tịch xã, bà khóc. Nhận bó hoa mừng thọ từ tay cô Hiệu trưởng trường Tiểu học, bà cũng khóc.
Cô Thoa là con gái út của bà. Bà có hai cháu ngoại. Số tiền trợ cấp hằng tháng, bà dành một phần cho hai cháu ngoại ăn học, phần lớn còn lại, bà tặng các cháu ở nhà trẻ, ở trường Mầm non.
Bà hiền hậu, phúc đức nên cả làng, cả xã, ai cũng kính yêu bà. Gia đình nào có người đau ốm, bà đến thăm nom, an ủi.
Lưng bà còng. Tóc bà bạc trắng. Đi đến đâu, bà cũng chống gậy trúc. Bà thường đến chơi với bà nội của em. Hôm nào, bà Cả Tía đến chơi, bà nội em mừng lắm. Hai cụ vừa ăn trầu, uống nước chè vối, vừa nói chuyện nhỏ nhẹ.
Tả một cụ già mà em biết – Bài làm 8
Đối với em, tình bà cháu là không thể thiếu được. “Bà”, một tiếng đơn sơ ấy thôi nhưng thật thân thương, gần gũi với em từ khi mới bi bô tập nói. Hình ảnh bà luôn in sâu trong trí nhớ em. Một người bà hiền từ, nhân hậu cả cuộc đời vì con, vì cháu.
Bà năm nay đã ngoài sáu mươi, dáng người nhỏ, gầy với mái tóc pha sương nay đã bạc màu mây trắng. Lưng bà đã bắt đầu còng xuống, nước da bị nắng cháy sạm, có chỗ đã xuất hiện những chấm đồi mồi. Vì bà đã phải bươn chải, tần tảo buôn bán để nuôi mẹ, các cậu và các dì. Mắt bà không còn tinh tường như xưa nữa, con ngươi đã hơi đùng đục nhưng cái nhìn của bà thì vẫn như thưở nào: hiền hậu, yêu thương. Hai gò má của bà nhô lên, rám nắng, đôi môi khô và thâm lại theo năm tháng của cuộc đời., Trên khuôn mặt xuất hiện nhiều nếp nhăn ở đuôi mắt, khóe môi. Mỗi khi bà cười, những nếp nhăn ấy lại hằn sâu hơn. Những lúc buồn, đôi mắt bà đăm chiêu như phản chiếu những ngày lặn lội vất vả vì những miếng cơm manh áo cho con cái.
Những ngày thơ ấu, em được sống trong vòng tay yêu thương của bà. Bao giờ bà cũng quý mến, yêu thương và hết lòng chăm sóc cho em. Những bài hát ru êm dịu của bà đã đưa em vào giấc ngủ say nồng. Bằng chất giọng trầm ấm và lối kể chuyện hấp dẫn, bà đưa em lạc vào thế giới thần tiên của người xưa. Những lúc em dỗi hờn, khóc lóc, bà kiên nhẫn dỗ dành, cưng nựng cháu. Đến lúc lớn, bà đã cho em những lời khuyên qua những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao…
Hình ảnh của bà thân thiết. Bà tuổi cao sức yếu nhưng tình cảm thì lại bao la, nhân hậu. Em rất hạnh phúc khi có được một người bà như thế. Suốt đời em sẽ nhớ mãi những tháng năm được sống bên bà, được bà yêu thương và chiều chuộng. Bà ơi! Cháu sẽ khắc ghi những lời bà dạy, khắc ghi mãi hình bóng bà trong tim. Cháu sẽ luôn cố gắng phấn đấu để thành đứa con ngoan, trò giỏi như điều bà mong ước.