28/05/2017, 21:03

Tả lại cảnh sum họp ấy của gia đình mình cho các bạn trong lớp nghe

Đề bài: Thường thường vào những buổi tối, mọi gia đình đều sum họp đầm ấm bên nhau. Em hay tả lại cảnh sum họp ấy của gia đình mình cho các bạn trong lớp nghe. Bài làm 1 Ba tôi công tác xa nhà mấy chục cây số, một tuần mới về một lần. Cho nên tối thứ bảy là tối gia đình tôi sum họp đông vui nhất. ...

Đề bài: Thường thường vào những buổi tối, mọi gia đình đều sum họp đầm ấm bên nhau. Em hay tả lại cảnh sum họp ấy của gia đình mình cho các bạn trong lớp nghe. Bài làm 1 Ba tôi công tác xa nhà mấy chục cây số, một tuần mới về một lần. Cho nên tối thứ bảy là tối gia đình tôi sum họp đông vui nhất. Cơm nước xong xuôi, mọi người mới quây quần trong gian phòng khách nhỏ bé và ấm cúng. Ánh đèn nê-ông tỏa ánh sáng xanh dịu. Mấy lẵng hoa bằng nhựa sáng rực lên trông ...

Đề bài: Thường thường vào những buổi tối, mọi gia đình đều sum họp đầm ấm bên nhau. Em hay tả lại cảnh sum họp ấy của gia đình mình cho các bạn trong lớp nghe.

Bài làm 1

Ba tôi công tác xa nhà mấy chục cây số, một tuần mới về một lần. Cho nên tối thứ bảy là tối gia đình tôi sum họp đông vui nhất.

Cơm nước xong xuôi, mọi người mới quây quần trong gian phòng khách nhỏ bé và ấm cúng. Ánh đèn nê-ông tỏa ánh sáng xanh dịu. Mấy lẵng hoa bằng nhựa sáng rực lên trông y như hoa thật. Chiếc tủ li bằng gỗ cẩm lai được đánh vẹc-ni láng bóng như mặt gương soi, nổi bật những đường vân như những nét hoa văn kì ảo. Phía trên, là chiếc ti vi màu mười chín inh được phủ bằng một tấm lụa xanh rêu. Đồ đạc trong phòng được xếp đặt thật gọn gàng, ngăn nắp.

Ba tôi bồng bé Thảo Ngọc vào lòng âu yếm hôn lên tóc, lên má bé. Ngọc ôm lấy cổ ba nũng nịu: “Ba! Ba có nhớ con không?”. Ba cầm bàn tay nhỏ bé của bé áp lên má mình vuốt vuốt rồi nhỏ nhẹ với bé: “Ba nhớ con nhiều nhất đấy!”. Rồi ba hỏi lại bé: “Thế Ngọc có thương ba không?”. Thảo Ngọc cười nhe hàm răng “trống hàng tiền đạo” trông thật dễ thương, bàn tay cà cà vào chiếc cằm vừa mới cạo của ba và nói lớn: “Con thương ba nhất nhà này! Thương mẹ nhất nhà này! Và cả chị Hai nữa! Con thương cả nhà như nhau! Bằng thế này này!”. Bé đưa ba ngón tay lên, đưa qua đưa lại như chứng tỏ điều mình nói là đúng, là sự thật. Lúc này, mẹ đang đọc báo, tôi đang chơi đàn. Cả tôi và mẹ đều phải phì cười vì vẻ ngộ nghĩnh, đáng yêu của bé.

Đúng bảy giờ, tôi bật ti vi để xem tiết mục “Ngôi nhà tuổi thơ”. Tối nay có chương trình văn nghệ của các trường mẫu giáo rất hay. Bé Ngọc vừa xem vừa vỏ tay hát theo. Ba khen hát hay, bé cười tít mắt. Càng hát, bé càng rướn giọng to lên, đầu lắc qua lắc lại theo nhịp đàn. Đôi bím tóc thắt nơ hồng ngoe nguẩy như đuôi chú cún con trông thật ngộ, thật dễ thương. Ba hỏi tôi: “Tuần này được mấy điểm mười hả con? Môn nào nhiều điểm mười hơn cả?” Tôi sung sướng khoe: “Hơn tuần trước bốn điểm mười ba ạ! Nhiều nhất là môn Toán, sau đến là môn Tiếng Việt. Riêng môn Mĩ thuật con cố gắng lắm chỉ được điểm tám thôi!”. Ba xoa đầu tôi rồi động viên: “Con đạt được như thế là tốt lắm. Với đà này ba tin cuối năm con sẽ là một học sinh xuất sắc. Gắng lên nữa nghe con! Tuần sau, ba sẽ thưởng cho con cái đồng hồ có nhạc báo thức!” Tôi thầm cám ơn ba rất nhiều. Chính những lời động viên của ba mỗi tuần đã làm cho tôi thêm ý chí và nghị lực phấn đấu trong học tập. Cứ mỗi lần về thăm nhà, ba thường hướng dẫn thêm cho tôi phương pháp giải các bài toán và cách thức viết những câu văn hay, có hình ảnh.

Mẹ bưng ra một đĩa bánh kẹo, quà của ba mang về hồi chiều. Bé Thảo Ngọc thích quá vỗ tay reo: “A, kẹo ngon quá! Mẹ cho con nhiều nghe mẹ!”. Ba tôi cười tủm tỉm rồi nhắc hai đứa chúng tôi: “Ăn kẹo xong, chị em nhớ đánh răng súc miệng kẻo sâu răng đấy!”. Rồi ba quay sang mẹ hỏi han về tình hình công việc nhà trong tuần qua. Mẹ tôi cười nhìn ba tôi đáp: “Hai đứa nó ngoan cả. Tuần này, cơ quan em hơi nhiều việc nên cũng lu bu nhưng anh cứ yên tâm, đâu rồi vào đấy cả!”. Biết mẹ ở nhà vất vả, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ ở cơ quan vừa phải lo việc nhà nên mỗi tuần được nghỉ hai ngày thứ bảy và chủ nhật, ba tôi thường tranh thủ về sớm để giúp đỡ mẹ. Ba quay sang tôi nói nhỏ: “Con ráng đỡ đần thêm công việc giúp mẹ. Mẹ mà ốm ra thì ba con mình vất vả đấy con ạ! Ba trông cậy vào con gái lớn của ba đấy!”. Tôi chạy đến bên mẹ rồi nói như để ba tôi cùng nghe: “Mẹ khỏe lắm. Chẳng có bệnh tật nào làm mẹ ốm đâu phải không mẹ? Nhưng ba phải thường xuyên về thăm nhà đấy. Mẹ có trông ba về không mẹ?” Mẹ tôi cười, mắng yêu tôi: “Mẹ chả trông, chỉ có các con thôi!”

Tối thứ bảy tuần nào cũng thế, gia đình tôi luôn có được những giờ phút sum họp thật vui vẻ và đầm ấm. Hai chị em tôi thật sự hạnh phúc trong mái ấm gia đình, trong vòng tay ấm áp của ba mẹ tôi.

Bài làm 2

Thường thường chiều thứ sáu khoảng năm giờ ba mươi hay sáu giờ gì đó là bố tôi về đến nơi. Không hiểu sao hôm nay đã quá bảy giờ rồi mà bố vẫn chưa về. Chờ lâu quá, tôi nói với bé Mi:

– Mi ơi! Đi cùng chị ra cổng đón bố nào.

Tôi vừa cầm tay bé Mi bước ra cổng thì đã nghe tiếng xe của bố ì ì từ xa lướt tới.

– Chúng con chào bố ạ! Sao hôm nay bố về muộn thế hả bố?

– Bố có công chuyện giải quyết gấp. Thứ hai bố đi công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh hai tuần nên mới về trễ hơn mọi khi. Cả nhà chờ bố lâu lắm phải không?

– Cơm canh nguội hết cả rồi! Mẹ đang trách bố đấy.

– Sao mấy mẹ con không ăn trước đi, chờ bố làm gì?

– Cả tuần chỉ có bữa cơm thứ sáu, chờ bố cùng ăn cho vui. Bé Mi đói bụng đòi ăn lúc này đến giờ, con phải dẫn em đi đón bố, nó mới quên đi đấy! 

– Phải vậy không Mi?

– Dạ đúng! Con chờ bố mãi, đói ơi là đói!

– Vậy thì bố xin lỗi cả ba mẹ con nhé, nhất là bé Mi!

Hình ảnh của buổi tối thứ sáu tuần trước như một đoạn phim ngắn hiện rõ lên mồn một trong kí ức tôi. Đó là một buổi tối vui vẻ và thật đầm ấm. Sau bữa cơm chiều, tôi giúp mẹ dọn dẹp bàn ăn, rửa chén bát xong rồi lên phòng khách xem truyền hình cùng cả nhà. Bé Mi đã năm tuổi rồi, nhí nhảnh như một con chim sáo, nói liến thoắng.

– Bố ơi, bố dùng tăm nhé!

– Con mời bố uống nước chị Hai vừa mồi pha lúc nãy, ngon lắm bố à!

– Thứ hai, bố cho Mi đi thành phố với bố nhé! Lâu lắm rồi, bố chả cho con đi đâu cả!

– Mẹ ơi cho con đi thành phố vói bố nhé! Con sẽ mua quà về cho mẹ!

– Bữa khác đi con! Lần này, bố đi những hai tuần cơ mà. Bỏ học hai tuần, mất hai phiếu bé ngoan, cuối năm không được lĩnh thưởng như chị Hai, không được vào lớp Một thua bé Như, con chú Hải là bố mẹ buồn lắm đó!

Nghe nói vậy, vẻ mặt hởn hở và nhí nhảnh lúc nãy của nó biến mất. Nó xị mặt xuống, buồn trông thấy rõ. Chắc nó cùng đang suy nghĩ. Thấy vậy, bố nói:

– Đừng buồn nữa con, dịp khác bố sẽ đưa cả ba mẹ con đi chơi luôn thể.

– Hay quá! Bố cho con và bé Mi đi Đầm Sen và cả hồ Kì Hòa nữa nhé!

– Đầm Sen và Kì Hòa ở đâu chị Hai?

– Ở thành phố đó cưng. Ráng học ngoan rồi chị em mình cùng đi với mẹ nữa. Cả nhà đi mới vui chứ!

Nó thích quá, chạy sà vào lòng bố hí hửng như con cún con, bắt bố phải hứa. Bố ra điều kiện:

– Học kì I, cả hai chị em đều được lĩnh thưởng bố mới cho đi.

Bấy giờ Mi mới trở lại vẻ mặt vui nhộn như trước, huyên thuyên đủ thứ chuyện trong tuần cho bố nghe. Nào là chuyện trường chuyện lớp, chuyện bé Như, con chú Hải cùng cơ quan với bố trên tỉnh. Tuần rồi, bé Như không ngoan, thua nó một phiếu bé ngoan. Rồi như sực nhớ ra một chuyện quan trọng. Nó kể cho bố nghe. Tối thứ ba vừa rồi, mẹ bị cảm như thế nào. Chị Hai nấu nước xông, nó lấy thuốc và xoa dầu cho mẹ, lấy khăn ướt đắp trán … Kể vanh vách không sót một chi tiết nào. Bố xoa đầu nó rồi nói:

– Cả hai chị em như thế là ngoan lắm! Bố yên tâm vì biết các con đã có ý thức giúp đỡ mẹ. Thôi, con lại ngồi với mẹ xem chương trình “Bông hoa nhỏ” để bố nói chuyện với chị Hai một chút!

Vừa xem ti vi, bố vừa hỏi chuyện học hành của tôi.

– Con vẫn đi học thêm đầy đặn đấy chứ? Gắng lên con ạ. Đây là năm cuối cấp Tiểu học. Sau khi tốt nghiệp bố sẽ đưa con lên tỉnh học. Bố đã bàn với mẹ rồi. Bé Mi đã lớn, năm tới em vào học lớp Một, mẹ sẽ kèm cặp nó. Còn con ngay từ bây giờ, tập làm quen với cuộc sống tự lập. Sau này lớn lên, con sẽ không còn thấy bỡ ngỡ nữa. Con thấy thế nào?

– Con nhớ mẹ và bé Mi lắm!

– Ừ, chỉ tuần đầu, tháng đầu thôi, sau đó con sẽ quen dần. Vậy nghe con. Giờ thì con đưa tập Anh Văn cho bố xem!

Tôi chạy về góc học tập của mình, đưa tập Anh Văn cho bố. Nhìn bố chăm chú vào quyển tập, lâu lâu thấy bố gật gật có vẻ hài lòng. Rồi bố quay sang mẹ nói gì mà tôi không rõ. Chỉ thấy cả mẹ và bố đều cười tươi, vẻ hài lòng.

Ôi! Một buổi tối vui vẻ và đầm ấm biết bao! Ngày kia, bố đã đi rồi! “Bố ơi, xong việc, bố lại về với hai chị em con nhé! Chúng con yêu bố lắm! Và cả mẹ nữa đấy!” Thế rồi, giấc ngủ lại đến với tôi lúc nào không biết nữa.

Bài làm 3

Ngoài trời lại lạnh buốt, đường sá càng thưa người đi lại. Thời gian đang chuyển dần về đêm. Trong nhà, mẹ mình đang chuẩn bị cơm nước, còn mình thì đang giúp mẹ dọn bữa cơm chiều.

Chỉ mấy phút sau, hai mẹ con mình đã chuẩn bị xong chu tất bữa cơm. Mẹ mình bảo: “Con mời ông bà và bố vào xơi cơm”. Cả nhà ngồi quây quần bên mâm cơm thật đầm ấm. Mùi thức ăn thơm phức làm cho ai cũng thấy đói bụng. Những món ăn mà cả nhà thích nhất đã được bày sẵn lên bàn nhờ tài nấu nướng khéo léo của mẹ. Vừa ngồi vào bàn, bố mình vừa nói nửa đùa nửa thật với mẹ mình: “Hôm nay, em nấu thứ gì mà chưa ăn đã ngon rồi! Chắc là thịt nướng, cá chiên, bò xào trứng rán phải không? Không khéo lại thiếu cơm đấy!”. Mẹ nhìn bố tủm tỉm cười nói nhỏ: “Chỉ khéo nịnh vợ!”

Thằng cu Tí ăn muỗng không rành còn bày đặt dùng đũa, cơm dính tùm lum lên má lên cằm. Vừa ăn, nó vừa tíu tít kể chuyện ở nhà trẻ: “Hôm nay, nhiều bạn tè cả ra quần, chỉ có con là không!”. Nó nói làm cả nhà được một trận cười vỡ bụng. Vì quá tức cười nên mình đã bị sặc phải bỏ vội chén cơm chạy ra ngoài. Vừa mới quay trở lại, cu Tí đã trêu: “Ăn từ từ thôi chị Hai! Ở lớp em, bạn nào ăn ngốn, bị nghẹn là cô giáo phạt đấy!”. Nó nói tỉnh queo, làm cho cả ông bà và bố mẹ mình cười ngặt ngẽo, chảy cả nước mắt. Thấy vậy, nó cũng cười theo, rồi thản nhiên nói tiếp: “Con mà làm cô giáo là con phạt cả nhà đấy!

Cô giáo dặn rồi, khi ăn cơm không được cười nói nhiều”. Lần này thi ông mình không nhịn được nữa, ôm bụng cười, sặc cả cơm ra ngoài, ông xoa đầu cu Tí, khen nó giỏi,: “Lớn lên, cháu ông đi làm hề chắc kiếm được nhiều tiền đấy cháu ạ!

Buổi cơm chiều thật vui vẻ và đầm ấm. Tiết trời tuy lạnh nhưng mình vẫn cảm thấy ấm lòng, bởi không khí gia đình lúc nào cũng hòa thuận, yên vui, lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười hạnh phúc.

Thu Huyền

Từ khóa tìm kiếm

  • tả về buổi hop trong gia đình em lớp 2
0