06/05/2018, 08:53

Tả cây mai – Văn mẫu hay lớp 7

Xem nhanh nội dung Tả cây mai – Bài làm 1 của một học sinh giỏi thành phố Hải Phòng Ngày thường, Mai đứng một mình trong góc vườn, lặng lẽ giữa bao nhiêu là Quỳnh Anh, Lan, Cúc, Vũ Nữ… Ấy vậy mà Mai vẫn ung dung, thản nhiên lớn lên với dáng vẻ đơn sơ và giản dị. Cây ...

Xem nhanh nội dung

Tả cây mai – Bài làm 1 của một học sinh giỏi thành phố Hải Phòng

Ngày thường, Mai đứng một mình trong góc vườn, lặng lẽ giữa bao nhiêu là Quỳnh Anh, Lan, Cúc, Vũ Nữ… Ấy vậy mà Mai vẫn ung dung, thản nhiên lớn lên với dáng vẻ đơn sơ và giản dị. Cây Mai cao hơn em đến hai cái đầu. Nó khoác trên mình một chiếc áo xanh đậm điểm vài bông hoa vàng hoe.

Đến rằm tháng Chạp, Mai được đem ra giữa sân nhà. Nó bắt đầu được chú ý đến. Mai được mọi người chăm sóc, bón phân, tỉa cành và đặc biệt lặt lá – một công việc mà em rất thích. Vào sáng Chủ Nhật, cả nhà em vui vẻ quây quần bên cây Mai để lặt lá. Em làm theo lời mẹ dạy, chú ý lặt đúng cách từng chiếc lá, tưởng tượng như đang mở từng chiếc cửa sổ tí ti trên thân cây cho những nụ hoa mở mắt hé nhìn trời đất.

Khi tất cả những chiếc lá đã rời cành mẹ, cây Mai trở nên trơ trụi, khẳng khiu. Những cành cây tia ra như những nét phác thảo bằng bút kim của một bức tranh. Nhưng chính sự trơ trụi ấy lại mang một vẻ háo hức và tưng bừng, đem đến cho mọi người cảm giác mùa xuân về.

Không phụ lòng người chăm sóc, không để cành phải đợi lâu, những nụ hoa li ti đã bắt đầu xuất hiện. Thân cây trơ trụi được tô điểm bằng những chấm xanh non của mầm hoa, mầm lá.

Gần đến Tết, những nụ hoa lớn lên, phình tròn, nhõ bằng chiếc móng tay út. Nhìn cây Mai như có hàng trăm con bọ xanh âu yếm bám chặt vào cành, cố gắng làm đẹp cho cây và hứa hẹn một sự đơm hoa rực rỡ ngày Tết.

Tết tới, Mai được đặt chễm chệ ở một vị trí trang trọng trong nhà. Mọi người lo đi sắm đồ Tết, chẳng để ý đến Mai nhiều. Hôm mồng Một Tết, mọi người vui vẻ trong những bộ đồ mới. Đến lúc này, nhìn qua cây Mai, ai cũng ngạc nhiên khi thấy nó cũng đã sẵn sàng trong bộ trang phục truyền thống của mình. Mai phủ hắp người một chiếc áo vàng rực rỡ của hoa, điểm thêm vài màu xanh non của lá. Chúng em trang trọng treo những lời chúc “ An khang thịnh vượng”, “ Vạn sự như ý”, … và những bao lì xì lên cây, chia sẻ lời chúc năm mới với loài hoa tuyệt đẹp này. Vậy là chiếc áo vàng của Mai còn được điểm những món đồ trang sức màu đỏ, thể hiện may mắn và tình thương yêu

Hoa Mai vàng tươi, rất đẹp. Cánh hoa mềm, mịn như nhung. Nhưng chỉ sau một vài ngày, những cành hoa ấy héo dần và từ từ rời cành xuống điểm tô cho đất. Đất trong chậu đầy một màu vàng của cánh Mai.

Hoa Mai rụng đi nhường chỗ cho những nụ hoa con con bung mình hé nở. Những cái nụ xanh be bé, điểm vài màu vàng ở đỉnh. Chúng em thay nhau đoán xem đâu là nụ hoa, đâu là nụ lá, nụ nào nở trước, nụ nào nở sau. Những chiếc nụ lá không được quan tâm nhiều nhưng vẫn hồn nhiên nở cánh trước cả nụ hoa.

Sau tết, Mai vẫn cố gắng thể hiện hết vẻ đẹp còn lại của mình, hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng được giao. Dưói đất, hoa vàng rụng nhiều. Trên cây, lá xanh lớn lên . Hết Tết, hết mùa hoa Mai, đến lượt lá đua nhau trang trí cho cành. Mai lại khoác lên mình chiếc áo màu xanh thẫm.

Mai cũng “ điệu” như con người, cứ đến Tết là xúng xính trong bộ quần áo đẹp. Mai như một người bạn quen thuộc, chia sẻ ngày Tết với mọi người. Mai gắng sức mình tô đẹp cho ngày Tết. Mọi người quan tâm, làm đẹp cho Mai. Em yêu Mai, gia đình em yêu Mai, miền Nam này yêu Mai, cả đất nước Việt Nam cũng yêu Mai. Cây Mai – biểu tượng của may mắn, vui vẻ và hạnh phúc.

Tả cây mai – Bài làm 2

Thật không có loài hoa nào có vẻ đẹp cao sang và lộng lẫy như hoa mai. Trong mỗi dịp tết đến xuân về, hoa mai bung nở vàng cả thôn làng, dệt nên sắc xuân tươi thắm, làm không gian tết trở nên sống động khác thường.

Nếu người miền Bắc yêu chuộng cái sắc hồng son phơn phớt của hoa đào thì người miền Nam lại say mê cái sắc vàng ươm tươi tắn của hoa mai. Cả hai loài hoa đều mang đến cho cái tết cổ truyền Việt Nam nét xuân quyến rũ và sức sống mãnh liệt trong nghìn năm qua.

Ở nước ta, mai có hai loại: mai xuân và mai tứ quý. Mai xuân chỉ nở khi mùa xuân đến. Mai tứ quý nở hai lần trong năm, chính vì vậy loài mai này còn có tên là “Nhị độ mai” (tức “mai nở hai lần”). Mai tứ quý là một loại hoa mai vàng nhưng sau khi rụng cánh hoa còn lại đài hoa đỏ và hạt xanh (khi chín hạt sẽ chuyển thành màu đen). Bởi vậy khi hoa đã tàn mà người ta còn ngỡ như cây mai đang chuyển sang một vận hội khác.

Cây mai có dáng vẻ thanh cao đến kì lạ. Thân cây mềm mại, lá xanh thắm biếc dịu dàng, hoa tươi rực rỡ. Mai thường trút lá vào mùa đông và ra hoa vào mùa xuân. Để cho hoa nở đúng vào ngày mùng một đầu năm người ta thường bẻ lá đồng loạt và tưới cây đúng cách kích thích nụ hoa bung nở và lộc biếc vươn cành.

Hoa mai nở thành từng chùm, có cuốn dài treo lơ lửng trên cành, thoảng mùi thơm e ấp, kín đáo. Mỗi nụ hoa thường có năm cánh, cá biệt có hoa tới những chín cánh, mười cánh. Những cánh hoa vàng kết dính vào tâm, xếp đều trên đài hoa màu xanh khỏe khoắn tạo nên nét tương phản hài hòa làm nổi bậc sắc vàng tươi. Nhị hoa bé xíu rung rinh trong gió. Từng chùm lá non khoe khuẩy trong nắng. Dân gian vẫn tin rằng năm mới nhà nào có cành mai như vậy là dấu hiệu của an lành, của một năm thịnh vượng, an khang.

Ấn tượng nhất là khi hoa mai nở. Mới đêm qua, búp nụ còn e ấp, thế mà sáng ra, cả cây mai rực rỡ sắc vàng, nhìn xa xa giống như một chiếc đèn lồng khổng lồ. Những cánh hoa bé xíu dịu dàng đu đưa trước gió cho ta cảm giác thanh bình, ấm áp ngày xuân. Có lẽ, hoa mai là loài hoa thắng thế trong cuộc đua sắc màu. Nó là loài hoa nở trong ngày đầu tiên của năm, là loài hoa nhiều hoa và rực rỡ nhất.

Tươi đẹp là thế. Rực rỡ là thế. Tuy nhiên, hoa mai nhanh nở chóng tàn. Hoa nở trong tuần là bắt đầu rụng cánh. Từng cánh hoa thưa thớt rụng xuống. Rồi bỗng một sớm nào đó, toàn bộ cây mai trút bỏ chiếc áo vàng chỉ còn trơ trọi cành và mấy búp chồi xanh đứng trầm tư trong im lặng. Thế nên, người xưa hoa mai thường ví như cái đẹp mỏng manh, dễ vỡ.

Có mai là có xuân. Người Việt Nam thường chơi hoa mai vàng vào những ngày tết. Một cành mai cắm vào lọ độc bình để ở chính giữa nhà là đã có cả một mùa xuân rực rỡ, một cái Tết đầy hi vọng đang ngự trị trong gia đình. Người ta chơi mai không phải chơi để thưởng ngoạn, để cho đẹp mà cành hoa mai ngày Tết còn biểu hiện cả cuộc sống gia đình sum vầy trong năm mới sắp đến.

Bằng một cây mai vàng, người Việt đã đưa vũ trụ quan vào nhân sinh quan vào trong thú chơi tao nhã này. Một cành mai như thế phải có đủ cả thượng, hạ, tả, hữu; bao gồm cả thiên, địa, nhân; lại có cả ngũ hành tương sinh tương khắc hòa quyện triết lí đông phương. Nếu phần thân rễ biểu hiện cho cốt cách cứng cỏi của người quân tử thì phần hoa thịnh khai nở rộ trong ba ngày tết thêm lá non nẩy lộc tươi mát là nguồn hạnh phúc, là tài lộc vượng phát sung túc của gia đình trong năm mới đang lần lần đi tới với gia chủ.

Đến rồi đi, nở rồi tàn, hoa mai biểu trưng sâu sắc cho cái vòng xoay tuần hoàn đầy khắc nghiệt của vũ trụ. Từ nghìn năm qua, hoa mai vẫn giữ một vai trò trọng yếu trong tâm linh người Việt, trở thành biểu tượng của mùa xuân, của cái đẹp, của tâm hồn bình dị mà hòa thắm thương yêu của dân tộc ta.

Em hãy tả cây hoa mai đang khoe sắc vào dịp xuân về – Bài làm 3

Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, trăm hoa đua nở, khoe sắc, nhà nhà lại tất bật chuẩn bị mọi thứ đón tết như: gói bánh chưng, bánh tép, gói giò mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, bày mâm ngũ quả…. Và không thể thiếu đó là trưng bày trong nhà của mình những nhành hoa rực rỡ đặc trưng cho ngày xuân. Nếu như hoa đào là loài hoa không thể thiếu trong mỗi ngôi nhà ngày Tết ở Miền Bắc thì hoa Mai lại là biểu tượng mà người ta luôn nghĩ đến khi tết  đến, xuân về ở Miền Nam.

Hoa mai là loài thực vật có hoa thuộc chi nhà mai. Cây mai tượng trưng cho sự thanh cao, quý phái, thân cây mềm,lá nhỏ xanh biếc, những bông hoa với những cánh mỏng manh, mang sắc vàng rực rỡ.Cây mai thường mọc ở những vùng  núi phía Nam của đất nước, phù hợp với thời tiết ấm áp nơi đây. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của người dân,  cây mai được mang xuống trồng nhiều ở đồng bằng và bán phổ biến trong những ngày Tết.

Thân mai mềm, màu nâu nhẹ, tán cây nhỏ và tỏa ra đối xứng với thân cây. Lá mai màu mang sắc đậm của màu xanh, diềm lá hình răng cưa, lá cây nhỏ và mềm.

Hoa mai có màu vàng rực rỡ, mỗi bông mai có năm cánh.Tuy nhiên, với những loài mai rừng thì có thể lên đến chín cánh. Người ta cũng quan niệm, nếu có những cây mai chín cánh bày trong nhà những ngày tết thì sẽ mang lại những may mắn, thành công cho gia chủ trong năm mới.

Những cánh hoa tương đối mỏng manh, mọc xen kẽ vào nhau, đối xứng với nhụy hoa trông thật đặc biệt.Nhụy hoa có màu vàng cam, màu sắc này càng làm cho tổng thể của bong hoa mai thêm bắt mắt, rực rỡ.Vào những ngày Tết, trên đường phố hay những chợ hoa, những chậu mai, cành mai vàng  được bày bán làm cả một góc phố vàng rực sắc mai. Cây mai có thể được bán theo chậu hoặc những cành mai, tùy theo sở thích và lựa chọn của người mua.Đã thành thông lệ, ngày tết trong mỗi gia đình đều cố gắng mua về một cây mai không chỉ trang trí nhà cửa mà còn nhằm mang lại may mắn cho một năm mới sắp đến.Cây mai tượng trưng cho sự thanh khiết, cho sức sỗng dạt dào, mạnh mẽ, kiên cường.Vì vậy, sắc mai trong những ngày đầu năm mới càng có những ý nghĩa đặc biệt.Nói về sự kiên cường, vững trãi của cây mai, Mãn Giác thiền sư trong bài thơ “ Cáo tật thị chúng” cũng đã gián tiếp khẳng định sức sống mãnh liệt của mai:

“Xuân đến trăm hoa nở
Xuân đi trăm hoa tàn
Việc đời qua trước mắt
Trên đầu già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua xuân trước một nhành mai”

Cây mai cũng có một sự tích vô cùng đặc biệt. Đó là câu chuyện kể về một cô gái tên Mai, là con của một bác thợ săn, cô được cha của mình dạy võ nghệ thành một nữ hiệp sĩ vô cùng tài giỏi.Từ khi còn rất nhỏ tuổi cô đã cùng cha đi diệt yêu tinh ở làng bên.Từ đó được mọi người vô cùng tin tưởng.

Khi cô mười tám tuổi thì có một con rắn tinh xuất hiện, một lần nữa cô cùng cha đi diệt trừ yêu tinh cho dân làng.  Trước khi đi, mẹ của cô gái đã may cho cô một chiếc áo màu vàng và cô hứa khi trở về sẽ mặc chiếc áo này.

Hai cha con cùng nhau đi giết yêu tinh nhưng theo thời gian người cha đã già yếu nên nhanh chóng bị quật ngã, một mình cô gái chiến đấu với con rắn, cuối cùng cô đã giành chiến thắng. Tuy nhiên, trước khi chết con rắn tinh đã dùng đuôi xiết chặt chết cô gái.Cảm động về câu chuyện của cô, Ngọc Hoàng đã cho phép mỗi năm cô được sống lại và trở về thăm nhà trong chín ngày, từ hai tám tháng chạp đến ngày mùng sáu tết.

Khi bố mẹ, người thân của cô gái mất đi, cô cũng không trở về nữa mà hóa thành một cây hoa màu vàng ở bên cạnh một ngôi miếu mà người dân xây dựng để tưởng nhớ công lao của cô. Từ ấy người ta gọi là cây mai vàng.

Không chỉ đẹp là cây mai còn là biểu tượng cho những ngày tết ở miền Nam Việt Nam, những cây hoa trông bề ngoài có vẻ mỏng manh nhưng lại ẩn chứa một sức sống vô cùng mãnh liệt.

Tả cây mai vào dịp Tết đến xuân về – Bài làm 4

Thành phố Hồ Chí Minh mỗi dịp Tết đến xuân về lại chan hòa trong ánh nắng ấm áp. Những tia nắng đầu năm tươi mới ấy như càng làm đẹp thêm cho cây hoa mai đón Tết của gia đình em.

Cây mai ấy bố và em đã đi mua trong ngày hai mươi tám Tết. Đó là một cây nhỏ, chỉ cao chừng bảy mươi xen-ti-mét nhưng có rất nhiều nụ, nụ hoa lại mập mạp rất đáng yêu. Thân cây ở phía gốc to bằng cổ tay em, càng lên cao càng nhỏ dần. Vỏ cây nâu mốc, xù xì chứng tỏ nó đã khá già. Đặc biệt, thân mai được uốn sao cho cây vươn lên xoắn theo hình trôn ốc rất độc đáo. Những cành mai vì thế mà mọc xòe ra nhiều phía, tạo thành tán tròn ôm lấy thân cây làm tâm điểm. Nhìn cây mai, chẳng khác nào một ngọn tháp tí hon. Lá cây rất nhỏ và thưa, cành rất nhiều những chiếc nụ nho nhỏ, xinh xắn. Nụ mai được bao bên ngoài bởi một lớp vỏ màu nâu, khi bông đã đến khi nở, lớp vỏ ấy sẽ rụng đi. Bố em nói rằng cây mai này rồi sẽ nở hoa rất đẹp. Bố cẩn thận đặt cây vào một chậu sứ màu gan gà rồi mang vào giữa phòng khách.

Sáng ngày mùng một Tết. Khi cả nhà em bước ra phòng khách, ai cũng ngỡ ngàng nhìn cây mai với ánh mắt say mê. Hoa đã nở rất nhiều, màu hoa mai vàng tươi như ánh nắng ban mai (có phải vì thế mà hoa có cái tên là "hoa mai"?). Cái tháp nhỏ ngày hai mươi tám thoắt đã vụt trở thành một chiếc tháp vàng rực rỡ. Từ đỉnh tháp đến chân tháp, những bông hoa xòe cánh bao phủ. Hoa mai cũng có năm cánh như hoa đào ngoài Bắc nhưng cánh mai to hơn một chút. Ngoài ra, hoa mai có thể có bảy hoặc chín cánh trên một bông. Cánh hoa vàng tươi được nâng đỡ bởi đài hoa xanh non trông thật đẹp mắt. Ở giữa bông hoa là nhị hoa dài và nhụy hoa cũng mang màu vàng tươi như cánh. Nhìn bông hoa mai xoe tròn, ai ai cũng thích thú muốn ngắm mãi không thôi! 

Em cẩn thận đem những phong bao lì xì màu đỏ kèm bên trong là những lời chúc tết, những chiếc đèn lồng đỏ nhỏ xíu xiu treo lên cây mai. Màu vàng của hoa mai tượng trưng cho sự trù phú, sung túc. Giữa những ngày Tết, ngày xuân màu hoa mai chan hòa với ánh nắng của đất trời, làm xôn xao lòng người khiến ai ai cũng thêm phấn chấn, vui vẻ. Màu đỏ lại tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc. Vậy nên màu vàng của hoa, màu đỏ của những vật trang trí hẳn là những sắc màu đem lại may mắn cho năm mới.

Gần trưa mồng một, nhà em đón những vị khách đầu tiên của năm mới. Đó là cô chủ và hai em họ. Mọi người đều trầm trồ khen cây mai sao mà đẹp! Riêng hai bé em họ cứ thích thú chạy vòng quanh cây và ngắm nghía mãi không thôi những bông hoa xinh xắn và những phong bao nho nhỏ. Cơn gió xuân thoảng qua, cánh hoa rung rinh thật nhẹ, như mơn man đùa giỡn với gió. Còn những chiếc phong bao, những chiếc đèn lồng thì xoắn tít dây, khẽ bay bay như vỗ tay reo mừng.

Cây hoa mai trong những ngày Tết đến, xuân về thật đẹp đẽ và quan trọng biết mấy. Em rất mong, nhờ vẻ đẹp của hoa mà năm tới gia đình em gặp nhiều may mắn.

Thu Thủy (Tổng hợp)

Từ khóa tìm kiếm

0