06/05/2018, 08:52

Cảm nhận khi đọc Mùa xuân của tôi (trích Tháng giêng mơ về trăng non rét ngọn) của Vũ Bằng – Văn mẫu hay lớp 7

Xem nhanh nội dung Cảm nhận khi đọc Mùa xuân của tôi (trích Tháng giêng mơ về trăng non rét ngọn) của Vũ Bằng – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Ninh Thuận Vũ Bằng là một cây bút sở trường về truyện ngắn, tuỳ bút và bút kí. Văn của ông vừa có nét tinh tế, đặc sắc ...

Xem nhanh nội dung

Cảm nhận khi đọc Mùa xuân của tôi (trích Tháng giêng mơ về trăng non rét ngọn) của Vũ Bằng – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Ninh Thuận

Vũ Bằng là một cây bút sở trường về truyện ngắn, tuỳ bút và bút kí. Văn của ông vừa có nét tinh tế, đặc sắc của một cây bút am hiểu tường tận về cuộc sống, vừa có cái đằm thắm, mặn mà của một tâm hồn yêu thương quê hương đất nước tha thiết, nồng nàn. Tháng giêng mơ về trăng non rét ngọt là một sáng tác tiêu biểu cho văn phong Vũ Băng.

Thiên tuỳ bút Tháng riêng mơ về trăng non rét ngọt mở đầu bằng những cảm xúc rạo rực, ngất ngây của nhà văn trước mùa xuân Bắc Việt.

Trong dòng cảm xúc của Vũ Bằng, không khí và cảnh sắc mùa xuân đất Bắc trong những ngày đầu tháng giêng hiện lên thật đẹp- một vẻ đẹp riêng biệt, độc đáo khó quên. Đó là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có cầu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng…

Chao ôi, cái mùa xuân Bắc Việt, có lẽ là cái không khí và cảnh sắc mùa xuân trước năm 1945 được gợi nhớ lại trong lòng một người con xa quê như Vũ Bằng. Nó gợi ta nhớ đến những câu thơ nổi tiếng của Nguyễn Bính:

Bữa ấy mưa xuân lất phất bay

Hoa xoan lớp lớp rụng

Vơi đầy hội chèo làng Đặng đi qua ngõ

Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay

(Mưa xuân)

Mùa xuân về đem đến bao sự đổi thay kì diệu, làm bừng lên bao sắc xuân, và nhất là trỗi dậy bao sức sống trong lòng người. Nó làm cho người ta muốn phát điên lên, muốn mở cửa đi ra ngoài, muốn có cái thú giang hồ đó đây mà thưởng ngoạn mùa
xuân, cảm thấy không cần uống rượu mạnh cũng như lòng mình say sưa. Mùa xuân làm cho nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải chồi ra thành những cái lá nhỏ li ti. Đặc biệt, mùa xuân về làm cho người ta “sống” lại và “thèm khát yêu thương.

Mùa xuân về khiến cho không khí gia đình đoàn tụ êm đềm, lòng người ấm lạ, ấm lùng, và trong lòng thì cảm thấy như có không biết bao nhiêu là hoa mới nở, bướm ra ràng mở hội liên hoan.

Đó là cảm xúc say mê, rạo rực đến ngất ngây của một con người luôn khát khao mong chờ mùa xuân, đón nhận mùa xuân với tất cả tình yêu nồng nhiệt của mình. Giọng văn sôi nổi, tha thiết của Vũ Bằng đã truyền sang người đọc khiến ta hình như cũng thấy rạo rực và ngất ngây.

Một mùa xuân thật đẹp (mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến) được cảm nhận bằng một tâm hồn rất tinh tế và nhạy cảm của Vũ Bằng. Dường như tác giả đã hoà nhập lòng mình vào cảnh, để thấy được cái mưa riêu riêu, gió lành lạnh, cả tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, tiếng  chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa và cả âm điệu trữ tình sâu lắng, ngọt ngào của câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng.

Không chỉ cảm nhận mùa xuân bằng những giác quan quen thuộc, nhà văn còn cảm nhận mùa xuân bằng tất cả những giác quan, những cảm xúc đặc biệt nhất của tâm hồn. Sự cảm nhận ấy được diễn tả bằng những câu văn rất giàu hình ảnh và gợi cảm với một loạt các hình ảnh so sánh liên tưởng đầy ấn tượng: “Thú giang hồ” được cảm nhận êm ái nhớ nhung; nhựa sống trong lòng người căng lên được ví như máu căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nầm im mãi không chịu được, phải trồi ra thành những cái lá nhỏ li ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh; tình cảm gia đình đầm ấm khiến lòng người vui sướng được nhà văn liên tưởng với cảnh không biết bao nhiêu là hoa mới nở, bướm ra ràng mở hội liên hoan.

Ngòi bút của nhà văn đặc biệt tinh tế khi miêu tả cảnh sắc và không khí mùa xuân từ sau ngày rằm tháng giêng. Con mắt tinh tường của ông đã phát hiện ra những chuyển biến (dù rất là nhỏ) của màu sắc và không khí bầu trời, mặt đất, cây cỏ trong một thời gian ngắn ngủi từ đầu tháng qua rằm: Đào hơi phai nhưng nhuỵ vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh nhưng lại nức một mùi hương man mát; bầu trời không còn đừng đục như màu pha lê mờ, sáng dậy thấy những vệt xanh tươi hiện ra ở chân trời chuyển sang trong trong có những làn sóng hồng rung động như cánh con ve mới lột; trên giàn hoa lí, vài con ong siêng năng đã bay đi kiếm nhị hoa.

Cảnh sắc mùa xuân vốn đã đẹp vì mưa riêu riêu, gió lành lạnh, tiếng trống chèo, câu hát huê tình, đến đây càng đẹp hơn. Đến mức chính tác giả cũng phải thốt lên: Đẹp quá đi, mùa xuân ơi – Mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến.

Mùa xuân ấy lắng động mãi, ngân nga mãi trong lòng người, để hôm nay, xa quê hương, một nỗi niềm như thương quê hương đến cồn cào, da diết cứ dâng lên hoá thành dòng cảm xúc ngọt ngào tươi mát, đằm thấm, dệt nên thiên tuỳ bút kiệt tác này.

Phát biểu cảm nghĩ về bài Mùa xuân của tôi của Vũ Bằng – Bài làm 2

Chúng ta từng biết và cảm thông với tấm lòng của những người phải sống xa quê hương, trĩu nặng tình quê trong thơ Đường của Lí Bạch, Đỗ Phủ, Hạ Tri Chương,… Ở Việt Nam, cách đây không lâu cũng có một nghệ sĩ do hoàn cảnh riêng và yêu cầu công tác cách mạng phải xa rời quê hương miền Bắc vào sống ở miền Nam mấy chục năm trời, nhà văn Vũ Bằng – một nhà văn từng nổi tiếng từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Tấm lòng của Vũ Bằng đối với quê hương đã được gửi gắm trong tác phẩm tuỳ bút – bút kí đặc sắc Thương nhớ mười hai mà đoạn trích Mùa xuân của tôi là tiêu biểu.

Đoạn trích Mùa xuân cùa tôi là một phần trong thiên tuỳ bút dài có tên Tháng giêng mơ về trăng non, rét ngọt, mở đẩu cho nỗi "thương nhớ mười hai" của nhà văn Vũ Bằng. Đoạn trích đã tái hiện cảnh sắc thiên nhiên và không khí mùa xuân ở Hà Nội và miền Bắc qua nỗi nhớ thương da diết của một người xa quê. Vì là đoạn trích từ một thiên tuỳ bút nên không có bố cục hoàn chỉnh của một tác phẩm. Tuy vậy, đọc bài văn Mùa xuân của tôi, chúng ta vẫn hiểu và suy ngẫm về ý nghĩ và tình cảm của tác giả theo ba đoạn nhỏ:

Đoạn mờ đầu: từ đầu đến "… mê luyến mùa xuân" : Con người say mê lưu luyến mùa xuân là một điều tất yếu, tự nhiên.

Đoạn thứ hai: từ "Tôi yêu sông xanh…" đến "… mớ hội liên hoan" : Cảnh sắc và không khí mùa xuân ở Hà Nội, miền Bắc.

Đoạn ba : từ "Đẹp quá đi…" đến hết bài : Cảnh sắc, đất trời mùa xuân miền Bắc từ sau rằm tháng giêng.

"Mùa xuân của tôi – mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội…".Ở phần đầu đoạn hai, nhà văn Vũ Bằng đã nhớ về quê hương bằng một câu văn ngân nga như những tiếng reo vui như thế. Sau đó, qua hồi tưởng của ông, cảnh sắc và không khí ngày tết – mùa xuân Hà Nội – hiện ra đẹp quá, vui quá, đáng yêu, đáng nhớ làm sao. Tín hiệu báo xuân về là : "Mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình…". Mưa riêu riêu là mưa thế nào ? Tiếng hát huê tình là gì ? Mưa riêu riêu là mưa phùn, hạt nhỏ, kéo dài, mưa xuân âm ẩm, mát lành. Tiếng hát huê tình là tiếng hát tỏ tình, tiếng hát của trai gái yêu nhau… Trước cảnh sắc mùa xuân như thế, nhà văn Vũ Bằng – người đang sống li hương – đã nhớ kỉ niệm xưa của mình và sống lại, kể lại bằng những câu văn trữ tình đàm thắm. Nào là "Người yêu cảnh… khoác một cái áo lông, ngậm một ống điếu mở cửa đi ra ngoài… không cần uống rượu mạnh cũng như lòng mình say sưa… sự sống !". Nào là "Ngồi yên không chịu được. Nhựa sống ớ trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai…". Nào là "Cùng với mùa xuân trở lại, tim người ta dường như cũng trẻ hơn ra, và đập mạnh hơn… Y như những con vật nằm thu hình một nơi trốn rét thấy nắng ấm trở về thì lại bò ra để nhảy nhót kiếm ăn, anh cũng "sống lại" và thèm khát yêu thương. Ra ngoài trời, thấy ai cũng muốn yêu thương, về đến nhà lại cũng thấy yêu thương nữa…". Có thể nói, đối với mùa xuân quê hương, nhà văn Vũ Bằng mang một tình yêu nồng nàn, đằm thắm. Ông đã tự vẽ lại hình ảnh của chính mình khi còn sống ở Hà Nội với biết bao lời văn, bao cách so sánh đẹp đẽ. Ngỡ như, trước mùa xuân, ông đã hoá thân thành muôn loài cỏ cây, muông thú để được tắm trong mùa xuân, hưởng thụ tất cả sức sống tràn trề của mùa xuân để lớn lên, trẻ lại cùng mùa xuân. Đoạn văn xuôi tuỳ bút, ngẫu hứng y như đoạn thơ trữ tình mà ở đó, cái tôi nhà văn trở thành một thi sĩ đa tình, say đắm, đáng cảm thông. Đọng lại của cảnh sắc mùa xuân Hà Nội và nỗi nhớ quê hương của Vũ Bàng là hình ảnh gia đình người Hà Nội bày cỗ đón xuân, bái vọng tổ tiên trở vể vui xuân cùng con cháu : "Nhang trầm, đèn nến, và nhất là bầu không khí gia đình đoàn tụ êm đềm, trên kính dưới nhường, trước những bàn thờ Phật, bàn thờ Thánh, bàn thờ tổ tiên làm cho lòng anh ấm lạ ấm lùng…". Cảnh sắc mùa xuân không chỉ hiện lên bằng vẻ đẹp thiên nhiên mà còn hiện lên bằng nhũng nét đẹp trong cuộc sống nghĩa tình của con người. Đó là nét văn hoá truyền thống của thủ đô Hà Nội, của đất Bắc, của Việt Nam quê hương chúng ta.

Cảm nhận và ngợi ca quê hương miền Bắc mùa xuân bằng đoạn vãn phóng túng vừa miêu tả vừa tự sự, miêu tả để biểu cảm, ngòi bút Vũ Bằng như không muốn dừng lại. Do đó, xuống đoạn ba, ông tiếp tục khẳng định : "Đẹp quá đi, mùa xuân ơi – mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thươne mến". Sau đó, cảm xúc và bút lực như lắng lại, trầm tĩnh hơn. Nhà văn tâm sự : "Tôi yêu mùa xuân nhất là vào khoảng sau ngày rằm tháng giêng…". Đến đây, nhà văn phát hiện một vẻ đẹp khác nữa của mùa xuân đất Bắc. Đó là vẻ đẹp của sự hồi sinh, của đất trời, cây cỏ trổ lộc, đơm hoa, kết trái. "Đào hơi phai, nhưng nhuỵ vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh, nhưng… lại nức một mùi hương man mác… mưa xuân bắt đầu thay thế cho mưa phùn… Trên giàn hoa lí, vài con ong siêng năng đã bay đi kiếm nhị hoa… người ta bắt đầu trở về bữa cơm giản dị… các trò vui ngày Tết cũng tạm thời kết thúc để nhường chỗ cho cuộc sống êm đềm thường nhật…". Những hình ảnh thiên nhiên từ sau ngày rằm tháng giêng không sôi động, rực rỡ bằng những ngày Tết mà như đang bình tĩnh trở lại, đang tích tụ, chưng cất sức sống của mùa xuân để nối tiếp cuộc tuần hoàn kì diệu trong đời sống con người và đất trời, cây cỏ. Ở đoạn này, cái tôi nhà văn không trực tiếp hiện ra như ở đoạn trên mà đang nằm dài nhìn ra cửa sổ… để chiêm ngưỡng, để nhớ thương, và khao khát ngày mai trở lại quê hương, về gặp lại mùa xuân đất Bắc. Từ tình yêu mùa xuân thiên nhiên, tấm lòng thương nhớ quê hương, lòng yêu Tổ quốc của nhà văn Vũ Bằng mỗi lúc một đắm sâu, thấm thìa. Từ ngữ, câu văn, các biện pháp tu từ mỏi lúc một chắt lọc, vừa chính xác vừa in đậm phong cách văn chương của tác giả, rất tài hoa, phóng túng.

Có thể nói, chỉ qua đoạn trích ngắn Mùa xuân của tỏi, chúng ta đủ hiểu và cảm thông tấm lòng của nhà văn Vũ Bằng đối với quê hương, Tổ quốc. Cảnh sắc thiên nhiên, khônq khí mùa xuân ở Hà Nội, miền Bắc đã được ông cảm nhận, tái hiện trong nổi nhớ thương da diết của một người xa quê. Qua đó, bài tuỳ bút biểu lộ chân thực và cụ thể tình quê hương, đất nước, lòng yêu cuộc sống và tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, ngòi bút tài hoa của tác giả. Và cũng qua đó, chúng ta hiểu phần nào giá trị của tập tuỳ bút – bút kí nổi tiếng Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, đúng như Tô Hoài nhận xét : "Thương nhớ mười hai là một nét anh hoa của tấm lòng với cuộc đời". Đọc tuỳ bút Vũ Bằng, chúng ta nhớ lại hai thiên tuỳ bút đã được học : Một thứ quà của lúa non : Cốm (Thạch Lam), Sài Gòn tôi yêu (Minh Hương), ở một mức độ nào đấy, hai thiên tuỳ bút nói trên cũng dều là những nét anh hoa của tấm lòng các nhà văn đối với cuộc đời. Tuỳ bút quả là một thê văn xuôi trữ tình vô cùng thú vị…

Cảm nghĩ về bài 'Mùa xuân của tôi' – Bài làm 3

Mùa xuân luôn là nguồn cảm hứng bất tận của các nhà văn nhà thơ. Có biết bao áng thơ văn trào dâng cảm xúc khi viết về mùa xuân. Nhưng mùa xuân qua ngòi bút của Vũ Bằng vừa tràn trề sức sống, vừa da diết nhớ thương, say đắm trong hoàn cảnh li hương. Tùy bút đặc sắc “ Thương nhớ mười hai” mà đoạn trích “ Mùa xuân của tôi” trong chương trình Ngữ văn 7 tập I chính là tiếng lòng và sự cảm nhận tinh tế về đất trời mùa xuân miền Bắc của ông. 

Trong chương trình Ngữ Văn 7 có 3 bài văn tùy bút trữ tình biểu cảm. Nếu Thạch Lam miêu tả Cốm – một thức quà quen thuộc với người Việt Nam, ông chỉ muốn qua cốm gợi lên những tiếng lòng đồng điệu về tình yêu, niềm tự hào về một nét văn hóa ẩm thực dân gian của đất nước. Minh Hương miêu tả Sài Gòn với những cảm nhận rất riêng, Vũ Bằng lại viết về mùa xuân đất Bắc trong nỗi nhớ thương da diết. Trong tâm trạng ấy, câu văn của Vũ Bằng dường như chất chứa nhiều tâm sự hơn…

Tình yêu mùa xuân là tình cảm thường trực trong mỗi người: “Tự nhiên như thế ai cũng chuộng mùa xuân”. Đó là quy luật bất biến, vốn có, bản năng của con người cũng như tự nhiên: “Ai bảo non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân”… Đúng là không ai bảo được, cũng cẳng ai cấm được, vì đó là quy luật của tự nhiên mà! Vũ Bằng đã dùng kết cấu sóng đôi uyển chuyển nhịp nhàng cân đối từng cặp một… và không thể tách rời: Như non với nước, như bướm với hoa, trăng với gió, trai với gái, mẹ với con…

Tác giả gọi “mùa xuân Bắc Việt”, “mùa xuân Hà Nội” là “mùa xuân của tôi”, cách gọi như vậy có gì đặc biệt?

“Mùa xuân của tôi – mùa xuân Bắc Việt – mùa xuân Hà Nội”…Câu văn ngân nga như một tiếng reo vui và dường như nhà văn Vũ Bằng quá lạm nhận về mùa xuân. Sao lại là "mùa xuân của tôi” ? Mùa xuân là của đất trời cỏ cây hoa lá, mùa xuân là của tất cả mọi người, của tôi, của các bạn…Vậy sự lạm nhận của nhà văn là như thế nào ? Ta thấy sự lạm nhận của Vũ Bằng thật đáng trân trọng và đáng được cảm thông trong hoàn cảnh xa quê đặc biệt ! Trong nỗi nhớ Hà Nội da diết đó, tác giả đã cảm nhận được những nét đặc trưng về thời tiết, khí hậu của mùa xuân Hà Nội, mùa xuân miền Bắc. Tín hiệu mùa xuân về có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu, tiếng trống chèo và những câu hát huê tình say đắm đẹp như thơ mộng….Đó còn là bầu không khí gia đình với nhang trầm đèn nến, với sự xum họp đầm ấm tình người càng được hâm nóng lên trong nét truyền thống văn hóa của người Việt Nam.

Tác giả không chỉ dừng ở ngoại cảnh mà tập trung thể hiện nổi bật sức sống mùa xuân trong thiên nhiên và lòng người. Mùa xuân đem lại sức sống kì diệu cho thiên nhiên và con người, làm thay đổi mắt nhìn, óc nghĩ, là niềm đau đáu, say mê. Đó chính là tình yêu quê hương nồng nàn, đằm thắm, da diết nhớ thương của Vũ Bằng. Đoạn văn nổi bật nhất chính là những hình ảnh so sánh đặc sắc: “Nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai….” Hay “cùng với mùa xuân trở lại, tim người ta dường như cũng trẻ hơn ra”, “ đập mạnh hơn” và “ thèm khát yêu thương thực sự”. Không khí mùa xuân còn “ấm lạ ấm lùng” trong mỗi gia đình. Giọng văn trữ tình da diết như nhân lên trong người đọc cái sức sống bất tận của mùa xuân. Ngỡ như trước mùa xuân, ông hóa thân thành muôn loại cỏ cây muông thú để được tắm mình trong mùa xuân, được hưởng tất cả sức sống tràn trề của mùa xuân, để lớn lên, trẻ lại cùng mùa xuân.

“Đẹp quá đi ! Mùa xuân của hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến. Nhưng tôi yêu nhất là vào khoảng sau ngày rằm tháng giêng”. Vũ Bằng thật đặc biệt ! Có mấy ai lưu luyến mùa xuân và nhận ra vẻ đẹp của mùa xuân vào thời gian sau ngày rằm ? Đây mới là lúc mà Vũ Bằng cảm nhận được sự hồi sinh của đất trời cây cỏ. Đó là mùi hương man mác của cỏ, là sự thay đổi của “ nền trời trong trong có làn sáng hồng hồng…” Một sự cảm nhận thật tinh tế, ít ai nhận thấy ! Và điều làm ta thán phục hơn nữa chính là sự trân trọng về cuộc sống của con người . Hết sức bình dị, giản đơn của bữa cơm thường nhật là cà om với thịt thăn, là bát canh cua trứng vắt chanh…Vậy mà nhà văn đã tìm thấy chính cái đẹp trong cái mà tưởng như bình thường vẫn diễn ra hàng ngày đó!

Phải là người hiểu tường tận về thiên nhiên, nặng tình với thiên nhiên, trân trọng sự sống, biết tận hưởng cái đẹp của cuộc sống và rất yêu Hà Nội mới có được cảm xúc dâng trào như vậy. Thiên nhiên sau ngày rằm tháng giêng như đang bình tĩnh, đang tích tụ, chưng cất sức sống mùa xuân để tiếp nối cuộc tuần hoàn kì diệu trong đời sống con người và đất trời cây cỏ.

Ngòi bút của Vũ Bằng như cũng lắng lại, trầm tĩnh hơn. Lòng yêu quê hương mỗi lúc một da diết, đằm sâu, thấm thía hơn.

Bài văn khi dạy xong sao trong tôi vẫn đau đáu nỗi niềm nhớ quê hương da diết của tác giả Vũ Bằng ! Trong bài văn cũng nhiều người cho rằng đó còn ẩn chứa niềm mong mỏi Bắc Nam xum họp một nhà ! Liệu đó có phải trong suy nghĩ của nhà văn xa quê ? Đọc nhiều lần, dạy nhiều lần càng thấy sao mà có con người tài hoa đến thế, bài văn giống như một bài thơ vậy. Từng câu từng chữ ta như muốn uống lấy, rồi nhâm nhi cho thỏa thích, khi dạy thật tôi không muốn bỏ đi từ nào, câu nào. Như vậy có lẽ mình tham quá rồi chăng? 

Bài văn cảm nhận tùy bút Mùa xuân của tôi của Vũ Bằng – Bài làm 4

Có lẽ mùa xuân là đề tài gợi nhắc nhiều xúc cảm đối với văn nghệ sĩ. Vũ Bằng là một trong số cây bút viết hay, viết sâu sắc về mùa xuân bằng giọng thơ tinh tế và đầy chất thơ. Với sở trường tùy bút và bút kí ông đã vẽ nên bức tranh mùa xuân đất bắc tuyệt vời qua “Mùa xuân của tôi”.

“Mùa xuân của tôi” là dòng tản mạn ghi chép lại những xúc cảm sâu lắng và ngọt ngào nhất của Vũ Bằng về mùa xuân, về những giao thoa của đất trời khi bước sang một năm mới, một mùa mới ấm áp. Với giọng văn nhẹ nhàng, dìu dặt, tác giả đã kéo người đọc về với những mùa xuân bình yên, tươi đẹp, căng tràn sức sống. Bởi rằng mùa xuân là mùa đẹp nhất, thi vị và duyên dáng nhất trong một năm.

Trải dọc bài thơ chính là tấm chân tình của tác giả dành cho mùa xuân đất bắc. Sự hòa quyện với thiên nhiên, với đất trời, với con người.

Từ những câu văn đầu tiên, tác giả đã vẽ nên đặc trưng của thời tiết và khí xuân miền Bắc với “mưa rêu rêu gió lành lạnh” không nơi nào có được. Chính đặc trưng này làm nền tảng để tác giả có thể vẽ thêm nhiều vẻ đẹp khác nhau nữa. Những thanh âm như tiếng nhạn kêu, câu hát huê tình quyện với sự ấm áp của nhang trầm, của không khí đoàn tụ gia đình khiến tác giả thổn thức nhớ thương. Có lẽ chính những điều ấm áp và bình dị đó khiến tác giả không nguôi khi nhớ về.

Mùa xuân đẹp ở cảnh sắc thiên nhiên nhưng chính từ lòng người cũng toát lên vẻ đẹp quyến rũ, nồng nàn đó. Tác giả đã viết “Ngồi yên không chịu được. Nhựa sống trong người căng lên như máu”. Mùa xuân khiến cho trái tim con người muốn cựa quậy, muốn thổn thức và muốn bùng cháy. Xuân đến “tim người ta dường như cũng trẻ hơn ra, và đập mạnh hơn những ngày đông giá”. Cái rét của mùa xuân là cái rét ngọt ngào từ không “căm căm” như mùa đông xứ Bắc nữa.

Vũ Bằng ới những cảm nhận tinh tế, ngôn ngữ giàu chất thơ và nhiều hình ảnh so sánh mới lạ đã khiến người đọc hồi tưởng về những mùa xuân đã qua, mùa xuân của quê hương, của lòng người mênh mang.

Và xuân đến, tháng giêng chính là biểu tượng tươi đẹp nhất, cũng là nơi hội tụ của những vẻ đẹp ngọt ngào. Như Xuân Diệu từng nói “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Trong văn Vũ bằng không ngọt ngào, hối hả như Xuân Diệu nhưng lại đằm thắm và da diết nhất khiến cho người đọc lâng lâng, mê đắm. Khi tháng giêng về cũng là lúc đất trời bắt đầu có sự chuyển giao kì diệu và đầy tinh tế. Nét đẹp tháng giêng đất bắc là nét đẹp dịu dàng mà đằm thắm, có sự hòa quyện giữa con người với thiên nhiên đất trời. Và có lẽ lòng người cũng đồng điệu theo những nhịp điệu của mùa xuân.

Thật vậy “mùa xuân của tôi” của Vũ Bằng là những dòng cảm xúc nhẹ nhàng, tinh khôi và đầy tươi mới nhất khi viết về mùa xuân,. Nó gợi nhắc cho người đọc về những thanh âm trong trẻo và ngọt lành của mùa xuân tươi đẹp.

Thu Thủy (Tổng hợp)

0