13/01/2018, 16:25

Tả cây hoa đào – Văn hay lớp 7

Tả cây hoa đào – Văn hay lớp 7 Tả cây hoa đào – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Bình Phước Trong khoảnh sân bé xíu của nhà ông ngoại em có trồng một cây đào phai rất đẹp. Sau một chuyến công tác lên Sa Pa vào đúng dịp trước Tết Nguyên đán, ông ngoại em đã mang về ...

Tả cây hoa đào – Văn hay lớp 7

Tả cây hoa đào – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Bình Phước

Trong khoảnh sân bé xíu của nhà ông ngoại em có trồng một cây đào phai rất đẹp. Sau một chuyến công tác lên Sa Pa vào đúng dịp trước Tết Nguyên đán, ông ngoại em đã mang về gốc đào nho nhỏ ấy.

Năm nào cả nhà em cũng ăn Tết với ông bà bên cây đào mang đầy hình ảnh của núi rừng ấy. Dáng cây khẳng khiu, cành lá vươn tự nhiên. Thân cây màu nâu sẫm, lốm đốm những vết sần cằn cỗi. Ông em bảo, phải như vậy, cây đào mới chịu đựng được cái giá rét của mùa đông Sa Pa, để rồi sang Xuân lại đâm chồi, nảy lộc. Lúc ông em mang cây đào về trồng, nó chưa có một bông hoa nào, trơ trọi, có vẻ chịu đựng. Qua mùa đông, đến chừng Rằm tháng Chạp, cây đào bắt đầu ra hoa. Cả nhà em mừng rỡ, vì không ai nghĩ rằng, cây đào mảnh khảnh, trơ trụi ấy lại có thể chống chọi được với những cơn gió mùa Đông Bắc, và nhất là, với mảnh sân ở nơi thành phố bụi bặm này. Những bông hoa của nó thật tuyệt vời. Hiếm có cây đào nào có màu hoa đẹp như nó. Hoa chỉ có năm cánh, nhưng màu cánh như có bàn tay của người họa sĩ tài ba đã pha những sắc màu thật nền nã mà chau chuốt. Ở sát nhuỵ là một màu của lụa trắng trong veo, nhưng càng về dần đầu cánh, nó lại chuyển sang phơn phớt hồng. Không những thế, cánh hoa còn như được bọc trong 1 lớp xà cừ mỏng tang, óng ánh, để khi có ánh nắng chiếu vào, chúng như đang tỏa sáng.

Sau Tết, ông ngoại em ra tận bãi sông Hồng để mang về mấy tải đất đổ thêm vào hốc đào. Cây đào núi ấy, dưới bàn tay chăm chút của ông em lớn thật nhanh và khỏe. Những lớp xù xì tróc vảy trên thân cây biến mất dần, chúng như được mặc 1 tấm áo mới màu nâu khỏe khoắn. Chẳng mấy chốc, lại đến một cái Tết nữa. Trước Tết khoảng 1 tháng rưỡi, ông ngoại rủ em ra cây đào vặt lá. Ông bảo làm thế, hoa đào sẽ nở vào đúng Tết. Hai ông cháu nâng niu từng cành cây bé nhỏ, ngắt đi những chiếc lá xanh đậm già cỗi, dài và nhọn như những lưỡi dao con các cụ ngày xưa dùng để bổ cau. Quả đúng như lời ông nói, hoa đào nở tưng bừng đúng những ngày giáp Tết. Trên những cành cây nâu bóng là những bông hoa đào phai bung rộng 5 cánh rung rinh nhụy hồng. Cả cành cây chỉ nhìn thấy toàn hoa là hoa, trên mỗi đầu cành mới thấy ló ra vài ba chiếc lá tươi non, mỡ màng đang e ấp chưa dám bung rộng cánh. Khách đến nhà em chúc Tết, ai cũng phải trầm trồ.

Mới đó mà đã 5 cái Tết trôi qua, 5 cái Tết cây đào kiêu hãnh đón Xuân cùng gia đình em. Những năm về sau, nó còn đậu cả quả. Quả đào hình thuôn thuôn, được bọc 1 lớp lông tơ mịn màng, nhưng chúng chỉ to được bằng ngón tay cái thì lại rụng mất. Ông em bảo, vì đây là loại đào chỉ ra hoa thôi, không phải đào ăn quả. Ông còn bảo: “Bây giờ ở Nhật Tân, người dân đã bán hết đất trồng đào đi rồi. Vì thế, có lẽ mai kia, con cháu sẽ chẳng còn được nhìn thấy một cây hoa trường tồn cùng mùa xuân của dân tộc nữa. Nếu có điều kiện, mỗi nhà nên trồng lấy một cây, để giữ gìn loài hoa thân thuộc ấy!”

Hoa đào là biểu tượng của mùa xuân, của sức trẻ mơn mởn, của những người con gái đẹp. Một mùa xuân nữa lại sắp về! Cả nhà em đang háo hức đón chờ cây đào lại tưng bừng nở hoa, báo hiệu một năm mới hạnh phúc, tốt lành

Tả cây hoa đào – Bài làm số 2

Đối với người dân miền Bắc, hoa đào tượng trưng cho ngày Tết. Cánh hoa đào màu hồng rực rỡ, làm ấm cúng hơn không khí đón Xuân của các gia đình, và là tượng trưng cho sự may mắn, thành đạt, hạnh phúc. Hôm ấy là ngày 27 Tết, bố mẹ đưa em đi chợ hoa. Hai sắc hồng, vàng của hoa đào, hoa mai hòa với nhau, tạo nên không khí thật lộng lẫy. Ngày Tết thì không thể thiếu cây đào. Em đã giúp bố mẹ chọn một cây đào phai thật đẹp để trang trí ngôi nhà trong dịp xuân này.

Cây đào được đặt trang trọng vào một chiếc bình sứ màu trắng ngà, và còn được bố đặt ở giữa phòng khách. Nó cao khoảng hai mét. Dáng đào uốn lượn như hình con rồng đang bay lên bầu trời. Gốc đào to như cổ tay, nâu tía, hơi sần. Từ gốc chính, em đếm được hơn 10 nhánh nhỏ. Lá xanh non mơn mởn, nhỏ, dài như lá tre. Mấy hôm đầu, em mới chỉ thấy vài bông hoa nở, mà đến ngày 30 Tết, nó đã nở rộ đầy cành. Mẹ em bảo cây đào này rất đẹp, vì nó có cả hoa và nụ. Vẻ đẹp của hoa thật sang trọng: những cánh hoa xếp chồng lên nhau ba lớp, nhụy hoa như sợi chỉ vàng, mùi hương thơm thoang thoảng, dịu nhẹ, quyến rũ, làm ong bướm bay qua cũng phải ghé thăm. Để tăng thêm không khí Tết, em đã trang trí thêm cho cây đào những bao lì xì đỏ có hình con mèo – tượng trưng cho năm Tân Mão, những chiếc đèn lồng đỏ, câu đối đỏ, và những tờ giấy ghi lời chúc… Khách đến chơi nhà em, ai ai cũng khen cây đào đẹp, và hái một bao lì xì để lấy may trong năm mới. Ngày nào em cũng tưới nước, để nó luôn tươi và nảy thêm lộc non.

Em rất yêu quý cây đào nhà mình. Nó là mòn quà quý giá của thiên nhiên ban tặng nàng tiên mùa Xuân của miền Bắc, vẻ đẹp ấm áp của mỗi nhà trong dịp Tết. Dù đi đâu, em cũng sẽ không bao giờ quên cái Tết của người Hà Nội, và vẻ đẹp của cây đào.

Tả cây hoa đào – Bài làm số 3

Em nhớ hôm ấy đã là hai mươi tám tết, cây đào bích nhà bà ngoại đã hé nở những bông hoa đầu tiên. Bố em xin bà chiết một cành mang về nhà để “diện” Tết vì hoa đào là loài hoa đặc trưng của ngày Tết ở miền Bắc nước ta.

Mọi năm thời tiết lạnh nên quá Tết rồi cây đào mới nở hoa, năm nay thời tiết ấm hơn nên gần đến Tết vẫn là cây đào ấy đã nở ra những bông hoa đầu tiên. Hoa đào có hai loại, một loại là hoa đào phớt phớt hồng và thường có nhiều lá, còn một loại là đào bích – là loại đào nhà bà em, hoa màu hồng đậm, ít lá rất đẹp. Bố em chọn một cành không to lắm, tương đối cân xứng, có một vài bông hoa đã nở và còn khá nhiều nụ đang hé. Bà em còn nói đùa với bố: “Cả cây có cành đào đẹp nhất thì bố mày xin mất rồi”. Bố em biết bà đùa nên chỉ cười, vì nhà bà ít khi cắm đào lắm, có cây đào thì có con cháu hay đến xin thôi.

Bố em mang về nhà rửa thật sạch bụi bẩn và ngắt bỏ những lá sâu rồi cắm vào một bình lớn, theo quan niệm của các cụ thì khi đốt một đoạn gốc của cành đào thì cành đào sẽ tươi rất lâu. Em và bố bắt đầu công cuộc trang trí cho cây đào thật lộng lẫy, nhà em có hai bộ đèn nháy thì bố đã giăng một bộ vào cây quất và một bộ còn lại dành cho cây đào, còn về phần em, em đã chuẩn bị sẵn những quả bóng bay nhỏ và những chiếc lì xì đỏ thắm để treo lên cành đào. Mẹ chỉ nhìn hai bố con rồi cười vì Tết năm nào hai bố con cũng lo khoản dọn dẹp và trang trí nhà cửa giúp mẹ, còn mẹ thì lo những công việc khác như sắm đồ Tết, gói bánh…

Em viết thật nhiều những lời chúc năm mới, mọi điều tốt đẹp nhất vào những mảnh giấy nhỏ rồi cho vào lì xì và treo lên cây đào. Xong xuôi hai bố con nhìn lại thành quả của mình, bật thử đèn nháy và tự cảm thấy tự hào về khả năng trang trí của mình. Bố bảo những cành đào như thế này mà mua ở chợ hoa thì giá cũng khá cao đây, rồi hai bố con lại cười sung sướng vì tiết kiệm được một khoản cho gia đình. Thời tiết ngày một ấm hơn tạo điều kiện cho những nụ hoa còn lại nở trong mấy ngày Tết, nhìn cây đẹp thật rực rỡ, ánh đèn lấp lánh chiếu vào càng làm cho những bông hoa thêm phần lung linh. Còn mấy quả bóng bay của em thì chỉ được một, hai hôm là bị vỡ mất, cứ vỡ quả nào là em lại thổi quả khác thay vào.

Mẹ em nói đùa: “Tết không đi đâu chơi mà chỉ ở nhà canh cành đào với thổi bóng bay thôi à?”. Em hồn nhiên đáp: “Bị vỡ thì phải thổi lại chứ mẹ” rồi cười khúc khích. Mọi người ai đến chơi Tết ai cũng tấm tắc khen cành đào nhiều hoa và đẹp. Bố lại liếc sang em như chia sẻ niềm vui nho nhỏ. Đúng là bố em thật khéo chọn, quả không sai như lời bà nói là cành đào đẹp nhất của bà.

Hoa đào là biểu tượng của một năm mới đối với người miền Bắc, hoa đào nở báo hiệu một mùa xuân nữa lại sang với không khí Tết rộn ràng, như mọi người nói, thấy hoa đào là thấy Tết.

Tả cây hoa đào – Bài làm số 4

Hôm nay là 29 Tết, em được bố mẹ cho đi chơi chợ hoa. Em thật ngạc nhiên khi đứng trước một khu chợ toàn là hoa đào, hoa mai. Hai sắc hồng, vàng hòa với nhau tạo nên một không gian thật lộng lẫy. Em cảm tưởng như mình đang bị lạc vào xứ sở của mùa xuân.Ngày Tết ở miền Bắc thì không thể thiếu được hoa đào. Em đã giúp bố họn được một cành đào thật đẹp để trang trí cho ngôi nhà trong dịp xuân này.

Cành đào được bố đặt giữa gian nhà. Những người thợ trồng cây cảnh đã tạo cho cành đào hình dáng giống như mọt con rồng bay lên bầu trời. Vỏ cây đào màu nâu sậm như sắc màu của đất đai màu mỡ, màu của mình Tổ Quốc. Từ một cành chính tỏa ra rất nhiều nhánh nhỏ cùng ở thế vươn lên. Nếu như mỗi nụ đào là một ngọn đèn nhỏ thì cành đào ấy giống như một chiếc đèn lồng lớn, thắp sáng gian nhà em.

Lá đào xanh mướt mát, hình dáng giống con thuyền tí xíu bồng bềnh trên dòng sông hoa. Hoa đào nhìn đẹp lắm. Mỗi bông hoa có nhiều lớp cánh mỏng, mịn màng, xếp trồng lên nhau. Nhụy hoa nho nhỏ, xinh xinh màu vàng tươi. Cây đào còn đẹp hơn khi được em khoác cho một tấm áo sặc sỡ sắc màu. Miền Nam có mai và bánh Tét, còn miền Bắc có đào và bánh chưng. Thế là mỗi miền lại có một hương vị riêng để đón Tết.

Mai, đào năm nay lại nở, mảnh đất Việt ta chợt bừng sáng lên bởi hai sắc hồng và vàng.Thế là một năm mới lại đến. Nhưng người con làm xa nhà cũng đã đoàn tụ bên mâm cỗ để cùng nhau đón Xuân về.

Tả cây hoa đào – Bài làm số 5

Mùa xuân về ngập tràn sắc mai vàng thanh nhã, sắc cúc vàng rực rỡ, hay sắc ly kiêu hãnh…. Nhưng đặc trưng nhất của ngày Tết miền Bắc là sắc đào đỏ với nhiều niềm may mắn…kèm những lời chúc tết cực kỳ ý nghĩa trong dịp tết nguyên đán.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, trong gia đình tôi lại có một cây đào. Được cắt tỉa gọn gàng nên cây đào có hình chóp trông như một cái nón rất đẹp mắt. Đào được trồng trong một cái chậu cành rất to và trang trí nhiều hoa văn. Vẻ đẹp của cây đào như được tôn thêm nhờ vẻ đẹp của cái chậu cảnh ấy. Cây đào cao ngang đầu tôi nên thỉnh thoảng đứng gần, tôi thủ thỉ bên tai đào như hai người bạn. Thân cây nhỏ nhưng cứng cáp, mặc một cái áo gilê màu nâu sậm. Từ thân ấy đâm ra không biết bao nhiêu cánh tay tí hon. Những cành nhỏ vươn ra như khoe những nụ đào chúm chím, còn đang e ấp. Từng ngày trôi qua, những nụ hoa ấy cũng khẽ cựa mình khoe sắc thắm, khoe những cánh hoa màu hồng mềm mại, mỏng manh. Khi những cánh hoa xoè rộng, nhị vàng bên trong hé mình nhìn ngắm bên ngoài. Xen lẫn với nụ hoa là những mầm xanh nhú lộc nhưng có khi đã bật mình thành những chiếc lá xanh. Để thêm phân hấp dẫn, bố con tôi còn quàng lên mình cây đào những chòm đèn xanh đỏ nhấp nháy. Buổi tối, khi bật đèn nhìn cây đào càng thêm phần rực rỡ, kiêu sa…..

Cây đào dường như trở thành tâm điểm của sư chú ý. Cả gia đình tôi ai cũng thích cây đào. Không chỉ vì nó mang đến không khí ngày Tết mà còn là nhịp cầu nối mọi người gần nhau hơn. Thỉnh thoảng, cả gia đình tôi lại quây quần bên nhau ngắm hoa đào và thưởng thức những ngụm trà ấm nóng. Đó là khoảnh khắc đặc biệt quí giá với gia đình tôi.

Tết đến xuân về, muôn hoa khoe sắc. Nhưng như đã trở thành truyền thống, hoa đào là biểu tượng mùa xuân miền Bắc và của cả nước ta. Nhìn hoa đào, ta biết mùa xuân đã đến. Những đứa con xa nhà lại chuẩn bị trở về với gia đình thân yêu.

Hồng Loan tổng hợp

Từ khóa tìm kiếm:

  • ta cay dao lop 7
  • bài văn tả hoa đào
  • tả cây hoa đào
  • Tả cây đào
  • rả cây đào lớp 6 7

Bài viết liên quan

  • Tả vườn rau nơi em ở – Văn hay lớp 5
  • Tả một cây cho bóng mát ở trường em – Văn hay lớp 4
  • “Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” – Văn hay lớp 7
  • Viết một đoạn văn ngắn nói về ông, bà hoặc một người thân của em – Văn hay lớp 2
  • Kể về giấc mơ của một bông hoa – Văn hay lớp 6
  • Thuyết minh về lễ hội đua thuyền – Văn hay lớp 9
  • Viết thư UPU: Giới thiệu đất nước mình – Văn hay lớp 7
  • Phát biểu cảm nghĩ về truyện Cây bút thần – Văn hay lớp 6
0