28/05/2017, 15:01

Suy nghĩ về câu nói: Học vấn không có quê hương, nhưng người học phải có Tổ quốc (L. Pasteur)

Suy nghĩ về câu nói: Học vấn không có quê hương, nhưng người học phải có Tổ quốc (L. Pasteur) – Bài làm 1 “Quê hương là gì hả mẹ; Mà cô giáo dạy phải yêu”. Trong Bài học đầu cho con, nhà thơ Đỗ Trung Quân đã hình tượng hóa quê hương – Tổ quốc qua lời cô giáo dạy học trò bằng ...

Suy nghĩ về câu nói: Học vấn không có quê hương, nhưng người học phải có Tổ quốc (L. Pasteur) – Bài làm 1 “Quê hương là gì hả mẹ; Mà cô giáo dạy phải yêu”. Trong Bài học đầu cho con, nhà thơ Đỗ Trung Quân đã hình tượng hóa quê hương – Tổ quốc qua lời cô giáo dạy học trò bằng những điều giản dị: là chùm khế ngọt; là cầu tre nhỏ; là hoa cau rụng trắng ngoài thềm… để rồi kết thúc bài bằng điều giản dị: Quê ...

– Bài làm 1

“Quê hương là gì hả mẹ; Mà cô giáo dạy phải yêu”. Trong Bài học đầu cho con, nhà thơ Đỗ Trung Quân đã hình tượng hóa quê hương – Tổ quốc qua lời cô giáo dạy học trò bằng những điều giản dị: là chùm khế ngọt; là cầu tre nhỏ; là hoa cau rụng trắng ngoài thềm… để rồi kết thúc bài bằng điều giản dị: Quê hương nếu ai không nhớ; Sẽ không lớn nổi thành người. Thi phẩm ấy đã được Giáp Văn Thạch phổ nhạc và cũng đặt tựa đề giản dị mà thiêng liêng vô cùng bằng hai tiếng “Quê hương”. Thơ và nhạc đã dìu nhau cất cánh và đọng vào tâm khảm vào mỗi trái tim người Việt từ khi nó ra đời cho đến tận hôm nay và chắc chắn nó sẽ trường tồn cùng năm tháng. Đó chính là điều mà nhà bác học L. Pasteur nói “Học vấn không có quê hương, nhưng người học phải có Tổ quốc”.

Học vấn không có quê hương, nghĩa là không có biên giới, không giới hạn đối tượng. Kiến thức nhân loại lan tỏa đến những ai có khát vọng học tập, có khát vọng truyền bá những điều tốt đẹp đến mọi người. Trong lịch sử nhân loại, có biết bao luồng tri thức được truyền đi mà đầu tiên phải kể đến là những học thuyết thời cổ đại của Phật học, của Thiên Chúa giáo, của Nho học, Đạo học (Lão – Trang)… để ngày nay trở thành di sản chung của nhân loại.

Bên cạnh những tri thức bồi dưỡng tâm hồn, tư tưởng, ta đã chứng kiến thời kì lan tỏa của tri thức khoa học thực nghiệm như: hóa học, vật lí, sinh học,… trừu tượng như toán học,… Khát vọng chiếm lĩnh tri thức làm giàu tâm hồn, tri tuệ của mình và dân tộc, Tổ quốc mình đã mở ra những phong trào du học diễn ra khắp thế giới từ xưa đến nay: Trần Huyền Trang thời Đường đã vâng lệnh triều đình sang Ấn Độ (Tây Trúc) thỉnh kinh, nhằm giáo hóa dân tộc Trung Hoa noi theo gương sáng từ bi của Phật; phong trào Đông Du của Việt Nam từng diễn ra ở cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX do chí sĩ Phan Bội Châu đề xướng với mục đích khai hóa dân tộc khỏi sự nghèo nàn, lạc hậu và thoát khỏi bóng đêm của chủ nghĩa thực dân Pháp bao trùm xã hội Việt Nam ngày ấy. Thời đại Hồ Chí Minh đã chứng kiến những nhân tài kiệt xuất sau khi trang bị kiến thức vững vàng, đã từ bỏ vinh hoa phú quý ở hải ngoại, sẵn sàng về phục vụ quê hương – Tổ quốc trong công cuộc giải phóng dân tộc. Đó là những nhân cách cao đẹp, những kiến thức khoa học thuộc hàng ưu tú nhất một thời như: Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thủ, Kha Văn Cận,…

Ngày nay, có biết bao thanh niên du học và trở về phục vụ cho công cuộc hiện đại hóa đất nước. Những sự kiện trên đã chứng minh hùng hồn cho một phần câu nói của L. Pasteur: Học vấn không có quê hương.

Tuy học vấn không có quê hương nhưng “người học phải có Tổ quốc”. Tổ quốc là danh từ trừu tượng nhằm muốn nói đến nơi mình sinh ra, nơi chôn rau cắt rốn, nơi cha mẹ, ông bà, tổ tiên ta sống từ đời này qua đời khác. Người có học không có nghĩa là giới hạn ở những người được đến trường, mà theo cách hiểu rộng “Con đi trường học, mẹ đi trường đời” trong câu dân gian. Tóm lại, đó là những người có kiến thức, có ý thức tôi luyện bản thân và hướng về quê hương – Tổ quốc – dân tộc. Những hình ảnh về Tổ quốc rất giản dị mà thiêng liêng đến lạ: đó có khi là một dòng sông xanh biếc “nước gương trong soi tóc những hàng tre” mà khi đi xa Tế Hanh đã nhớ đến quặn lòng; là cầu tre nhỏ, là đêm trăng tỏ trong tâm thức của nhà thơ Đỗ Trung Quân; là con đường đưa anh đến trường, là núi Bút, non Nghiên gợi đến tinh thần hiếu học của cậu học trò trong ý thơ của Nguyễn Khoa Điềm; là cánh đồng quê và trời chiều trong tâm tưởng yêu thương muôn đời của mỗi con người Việt Nam,… Như vậy, Tổ quốc là nơi ta gửi những yêu thương, nhung nhớ khi ta đi xa, khi nơi ấy tươi sáng, người người ấm no, hạnh phúc làm ta vui sướng, khi nơi ấy tiêu điều xơ xác làm ta nhói lòng. Nguyễn Đình Thi nhói đau khi quê hương bị tàn phá “Ôi những cánh đồng quê chảy máu; Dây thép gai đâm nát trời chiều”. Hoàng Cầm nức nở, cụ thể hóa nỗi đau trước cảnh quê hương bị giày xéo bằng hình ảnh “Sao xót xa như rụng bàn tay”. Và cao hơn nữa “Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ”. Khi dân tộc li tán, đau thương, Trưng nữ vương gác nỗi đau riêng làm cho “Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa; Giáp vàng khăn trở, lạnh đầu voi”; Nguyễn Trãi gạt nước mắt từ biệt cha chốn quan san về dâng “Bình Ngô sách” và mười năm ròng rã bên Lê Lợi “nằm gai nếm mật” nuôi chí đánh đuổi giặc Minh; Trần Quang Khải và Trần Hưng Đạo đứng trước vận mệnh đất nước ngả nghiêng đã dẹp bỏ sự tị hiềm của gia đình cùng đứng bên nhau đánh đuổi giặc Nguyên; Trần Bình Trọng với câu nói nổi tiếng “Ta thà làm quỷ nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc”; Nguyễn Đình Chiểu đã dùng ngòi bút kiên định của mình để “chở đạo – đâm gian”; Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu và biết bao sĩ phu yêu nước đã dùng sở học của minh vì sự nghiệp giải phóng và hưng thịnh của đất nước.

Chứng kiến cảnh dân tộc chìm trong bể máu của chủ nghĩa thực dân; chứng kiến cảnh “nhà tù nhiều hơn trường học” trên đất nước mình, người con xứ Nghệ, Nguyễn Sinh Cung cũng chính là Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh đã hi sinh cả tuổi thanh xuân của đời mình quyết ra đi tìm đường cứu nước. Đây là một minh chứng tuyệt vời nhất của Việt Nam về tinh thần “người học phải có Tổ quốc”. Sở học, tư tưởng và tấm lòng, nhân cách Hồ Chí Minh mãi mãi là điểm son tươi sáng trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, sống trong một thời đại hòa bình và tận hưởng những vinh quang của tri thức nhân loại thời mở cửa, thời của toàn cầu hóa, thời của sự tỏa sáng về công nghệ thông tin,… chúng ta có điều kiện để học tập, trau dồi tri thức. Khi vững vàng tri thức, người ta dễ phân biệt được đúng sai và chắc chắn mỗi chúng ta đều hiểu giá trị thiêng liêng của Tổ quốc và niềm tự hào dân tộc. Lần giở những trang sử xưa, ta càng thêm yêu, thêm tự hào về tổ tiên ông cha và ta tự nhủ phải sống và làm việc vì quê hương đất nước. Không ai có thể phủ nhận rằng “trong anh và em hôm nay đều có một phần Đất Nước” như cách nói của Nguyễn Khoa Điềm.

– Bài làm 2

Năm tháng học trò rồi cũng qua đi nhưng trong tim tôi vẫn lưu giữ những hình ảnh về một người thầy đặc biệt. Thầy có thể vẽ bản đồ Việt Nam trong chớp mắt, cứ như dáng hình cong cong ấy đă in sâu vào tâm khảm. Thầy dạy chúng tôi phải viết hoa danh từ Tố quốc, và cũng chính thầy đã nhắc nhớ chúng tôi một câu nói noi tiếng của Lui Pasteur: “Học vấn không có quê hương nhưng người có học vấn phải có Tổ quốc”.

Thầy tôi nhắc lại câu ấy với một nỗi niềm đau đáu khôn nguôi, dường như trong câu nói có cả nỗi lòng của người thiết tha yêu Tổ quốc. Và, đúng như thầy giáo nói, nó chứa đựng những triết lí sâu sắc mà đi cả cuộc đời có người chưa thấu hiểu. “Học vấn không có quê hương” ý nói bể học vô bờ, người ta có thể trau dồi kiến thức ở bất cứ nơi đâu. Liên từ “nhưng” như một đòn bẩy ngôn từ, sức nặng câu chữ được dồn vào triết lí nhân sinh sâu sắc: “người có học vấn phải có Tổ quốc”. “Tổ quốc” – hai từ giản dị mà biết mấy thiêng liêng. Nó gợi dòng hoài niệm trong tim người xa xứ và gợi cả niềm tự hào nơi những người đang sống trên xứ sở mình. Tổ quốc là nguồn cội, tổ tiên, là mảnh đất chôn nhau cắt rốn, nơi có gia đình, xóm làng, bè bạn, có khoảng trời kỉ niệm ấu thơ. Tổ quốc không chỉ là vùng đất, nó là không gian gắn với những giá trị thiêng liêng của cuộc đời người. Mệnh đề “người có học vấn phải có Tổ quốc” không chí nêu lên một chân lí chung: bất cứ ai sinh ra đều có một khoảng trời quê hương, mà còn là lời răn dạy, nhắn nhủ: Những người am hiểu đạo lí thì dù đi đến đâu cũng phải nhớ về Tổ quốc. Đó là tình cảm nhân văn cao đẹp thẳm sâu trong trái tim con người, đặc biệt là những người xa xứ.

Hơn thế, nó còn là thước đo nhân tính, đúng như lời thơ Đỗ Trung Quân:

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nêu ai không nhớ 

Sẽ không lớn nổi thành người 

Tổ quốc là điểm tựa để người ta bay cao bay xa trên bầu trơi tri thức. Đồng thời, mẹ Tổ quốc luôn đón chào những đứa con xa trở về với khát vọng dựng xây. Như vậy, tình yêu Tổ quốc là tình cảm gắn bó hai chiều giữa con người và xứ sở. Câu nói của Lui Pasteur là hoàn toàn đúng đắn bởi nó dựa trên cơ sở của lòng người mà gửi gắm một bài học về cách sống: sống ở trên đời không ai có thể quên Tổ quốc.

Ta đã hiểu ý nghĩa câu nói của nhà bác học người Pháp, nhưng vấn đề là làm sao để bày tỏ tình yêu đất nước? Có phải yêu đất nước là phải tham gia những dự án vĩ mô, những kế hoạch bạc tỉ để làm thay đổi bộ mặt của quê hương mình? Tôi nghĩ, lòng yêu nước có thể gắn với những biểu hiện giản dị hơn thế.

Tôi có một người anh công tác xa nhà. Trên blog của mình, anh viết: “Lại một Giáng sinh trắng trôi qua. Vào những ngày cuối năm của xứ sở Bắc Âu, sao mình thấy nhớ ngày Tết quê hương với miếng bánh chưng mặn mà tình nghĩa xóm làng, với làn mưa xuân man mác, dịu êm…”. Yêu quê hương là luôn nhớ về quê hương, và những dòng tâm tình ấy chất chứa tình cảm của người con xa Tổ quốc.

Yêu quê hương còn là tình yêu và ý thức giữ gìn những nét đẹp cổ truyền của đất nước. Như Vũ Đình Liên từng bâng khuâng tiếc nuối cho “Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ? ”, như nhân vật bà Hiền – “một người Hà Nội của hôm nay, thuần tuý Hà Nội không pha trộn” trong văn Nguyễn Khải, họ là những người được giáo dục để cảm nhận những vẻ đẹp cổ truyền, những thuần phong mĩ tục của kinh đô ngàn năm. Vì thế, họ trở thành cây cầu nối hai bờ lịch sử: hiện tại và quá khứ, nét hiện đại mới mẻ và những giá trị của ngàn xưa.

“Sunflower Mission” – có lẽ trong cộng đồng người Việt ở Hoa Kì, không ai không biết tới tổ chức từ thiện do những người Việt lập ra.

Cho đến nay, hơn ba mươi ngôi trường được xây dụng ở đồng bằng sông Cửu Long, gần sáu trăm suất học bổng được trao cho trẻ em nghèo là minh chứng cho tấm lòng của những người xa quê mà luồn nặng lòng với Tổ quốc.

Và còn nhiều nhiều nữa những tấm gương hướng về Tổ quốc. Người Việt cùng sinh ra từ mẹ Âu Cơ, cùng sát cánh bên nhau trên mảnh đất ven bờ Thái Bình Dương ngập tràn nắng gió, phải chăng vì thế mà hình bóng quê hương luôn in sâu vào tâm khảm. Dù ở nơi đâu, họ cũng sẵn sàng giúp ích cho đất nước. Nhưng liệu nhà nước đã có những chính sách thích hợp để trọng dụng nhân tài? Tố quốc ta còn nghèo, nhưng thiết nghĩ chúng ta phải cố gắng mở đường cho người tài về dựng xây đất nước, đìmg chỉ nghĩ đến những phí tổn hiện tại mà tự bó hẹp mình. “Chảy máu chất xám" đang là một vấn nạn của xã hội, nhưng vấn nạn đó hoàn toàn có thể giải quyết vì luôn có những người tài hoa và nặng lòng với Tổ quốc, non sông.

Hơn nửa thế kỉ trước, biết bao thanh niên Việt Nam đã ngã xuống để bảo vệ dáng hình xứ sở. Hơn nửa thế kỉ sau, công lao của họ đã nở hoa cho một Việt Nam đẹp giàu. Nhưng đáng tiếc, lớp con cháu của họ lại có người sống trên quê hương mà đánh mất quê hương. Họ đua đòi chạy theo thứ văn hoá du nhập từ Tây phương. Họ xả rác bừa bãi, ăn nói thiếu văn hoá … làm xấu hình ảnh đất nước trong con mắt bạn bè quốc tế. Họ sống ích kỉ cho riêng mình chứ không nghĩ đến lợi ích chung. Đó là những kẻ đáng bị phê phán và táy chay…

“Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Đúng như câu văn của I-li-a Ê-ren-bua, những biểu hiện nhỏ nhất có thể làm nên tình yêu đất nước. Thanh niên Nhật thể hiện tình yêu đó bằng việc sáng chế những vật liệu thân thiện với môi trường, bảo vệ không gian xanh. Thanh niên Phi-lip-pin lập nhóm tình nguyện giúp đỡ nạn nhân của sóng thần. Còn bạn, một thanh niên Việt Nam, bạn đã làm gì?

Từ khóa từ Google

0