25/05/2018, 09:27

Suy đoán tài sản chung

Đặt vấn đề . Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 27 khoản 3, trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên, thì tài sản đó là tài sản chung. Có thể nhận thấy ngay một thiếu sót ...

Đặt vấn đề. Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 27 khoản 3, trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên, thì tài sản đó là tài sản chung. Có thể nhận thấy ngay một thiếu sót của luật viết ở điểm này: khi xây dựng nguyên tắc suy đoán tài sản chung, người soạn thảo điều luật chỉ quan tâm đến giả thiết trong đó, giữa vợ và chồng có sự tranh cãi về tính chất chung hay riêng của một tài sản, mà không quan tâm đến trường hợp sự tranh cãi xảy ra giữa vợ chồng và người thứ ba (chủ nợ chẳng hạn). Giả sử người chồng được gọi để hưởng di sản do cha ruột chết để lại và nhận một số tài sản thuộc di sản sau một vụ phân chia giữa những người đồng thừa kế; người chồng mang các tài sản ấy về nhà; ít lâu sau, một người xuất hiện tự xưng là chủ nợ của người cha đã chết và yêu cầu người chồng thanh toán món nợ đã đến hạn; người chồng thừa nhận có mắc nợ nhưng lại dây dưa không chịu trả; thế là chủ nợ yêu cầu kê biên và bán tài sản của người chồng để thanh toán nợ. Đến chỗ này ta nhận thấy ngay lợi ích của quy tắc suy đoán tài sản chung: luật nói rằng các nghĩa vụ riêng của vợ chồng được bảo đảm thanh toán bằng các tài sản riêng, như ta sẽ thấy trong chương kế tiếp; chủ nợ trong giả thiết vừa nêu không có quyền yêu cầu kê biên những tài sản mà người chồng có quyền sở hữu chung với người vợ, mà chỉ có quyền yêu cầu kê biên các tài sản riêng của người chồng; nhưng, tài sản riêng của người chồng nằm ở đâu ?

Thử thách đối với người tranh cãi. Sự suy đoán tài sản chung có thể được hình dung như một chướng ngại mà một người phải vượt qua trong quá trình tìm kiếm những tài sản gọi là riêng của người vợ hoặc người chồng. Chỉ cần vợ hoặc chồng không chấp nhận việc chủ nợ riêng của vợ hoặc của chồng kê biên một tài sản nào đó, với lý do đó là tài sản chung, thì chủ nợ phải làm thế nào chứng minh được điều ngược lại, nếu không muốn yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng bằng cách thực hiện một quyền khởi kiện chéo

Theo Nghị định số 70-CP ngày 03/10/2001 Điều 5 khoản 3 đoạn chót, “nếu có tranh chấp, bên nào cho đó là tài sản riêng của mình, thì có nghĩa vụ chứng minh”. Về quyền khởi kiện chéo: xem Thừa kế, đd, tr. 568 và kế tiếp.
. Trong điều kiện không có quy định rõ ràng của luật viết ở điểm này, ta nói rằng tính chất riêng của một tài sản có thể được chứng minh bằng mọi phương tiện được thừa nhận trong luật chung về chứng cứ: giấy tờ giao dịch hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu, lời thừa nhận của vợ hoặc chồng, lời khai của người làm chứng,...

Trong các nỗ lực giúp người thứ ba làm sáng tỏ tính chất chung hay riêng của quyền sở hữu tài sản, người làm luật quy định thêm rằng trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 27 khoản 2). Tuy nhiên, quy tắc này giúp được gì cho người thứ ba ? Trong khung cảnh của luật thực định, giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, nếu không phải thuộc loại văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, thì không phải là bằng chứng tuyệt đối về quyền sở hữu tài sản

Xem Tài sản, đd, số 172 và kế tiếp.
. Từ điều luật vừa dẫn, ta nói rằng nếu giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản ghi tên cả vợ và chồng, thì tài sản liên quan là tài sản chung; nhưng nếu giấy chứng nhận chỉ ghi tên chồng hoặc vợ, thì lại không chắc chắn rằng đó là tài sản riêng. Suy cho cùng, quy định vừa nêu có tác dụng củng cố sự suy đoán tài sản chung hơn là tạo điều kiện cho người thứ ba đánh đổ sự suy đoán đó.

Các trường hợp không áp dụng quy tắc suy đoán. Quy tắc suy đoán tài sản chung không được áp dụng đối với tất cả các loại tài sản có trong gia đình. Có những tài sản mà tính chất riêng bộc lộ hẳn ra bên ngoài và việc chứng minh tính chất riêng đó trở nên không cần thiết. Tư trang và đồ dùng cá nhân đứng đầu danh sách các tài sản này. Tính chất riêng của tư trang và đồ dùng cá nhân được xác định trong luật viết bằng một trong các quy tắc chi phối thành phần cấu tạo của các khối tài sản (Điều 32 khoản 1). Các tài sản là vật phụ của một tài sản riêng cũng là của riêng, áp dụng luật chung về tài sản. Các kỷ vật của gia đình mà có mang các ký hiệu hoặc dấu hiệu riêng của gia đình cũng là của riêng, dù không có điều luật nào khẳng định điều này. Nói chung, quy tắc suy đoán tài sản chung chỉ được áp dụng một khi tính chất chung hay riêng của tài sản chưa được giải quyết dứt khoát; đối với những tài sản có xuất xứ rõ ràng và xuất xứ ấy được ghi nhận ngay từ hình thức biểu hiện bề ngoài của tài sản, việc suy đoán phải bị loại trừ.

Quyền của vợ và chồng. Ta sẽ thấy, trong phần sau, rằng vợ và chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản chung. Do đó, việc sử dụng, định đoạt một tài sản mà không biết là của chung hay của riêng phải được sự đồng ý của cả vợ và chồng. Thực tiễn giao dịch thừa nhận rằng đối với việc định đoạt các tài sản không quan trọng, sự đồng ý của vợ hoặc chồng có thể là sự đồng ý mặc nhiên, thể hiện qua sự im lặng (không phản đối) trước việc chồng hoặc vợ định đoạt tài sản; còn đối với việc định đoạt các tài sản có giá trị lớn, nhất là bất động sản, cả vợ và chồng phải cùng đứng ra xác lập giao dịch, thì sự đồng ý mới coi là được ghi nhận

Nhắc lại rằng việc tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà trên giấy chứng nhận chỉ có tên một người không tự nó thể hiện đầy đủ tính chất riêng của tài sản liên quan. Bởi vậy, thực tiễn công chứng vẫn yêu cầu sự tham gia của người không có tên trên giấy chứng nhận vào các giao dịch quan trọng liên quan đến tài sản. Nếu người không có tên xác nhận rằng mình không có quyền hạn gì đối với tài sản, thì cơ quan công chứng để cho người có tên tự mình xác lập giao dịch; nếu người không có tên cùng với người có tên đứng ra xác lập giao dịch, thì cơ quan công chứng có thể coi đó như là sự thừa nhận của vợ và chồng về tính chất chung của tài sản.
.

Quyền lợi của người thứ ba. Các chủ nợ mà có quyền kê biên tài sản chung của vợ và chồng, trên nguyên tắc, được hưởng lợi nhiều nhất từ việc áp dụng quy tắc suy đoán này: chủ nợ muốn kê biên một tài sản; vợ hoặc chồng chỉ có thể cứu lấy tài sản khỏi sự kê biên, nếu chứng minh được rằng tài sản ấy là của riêng của người không có nghĩa vụ.

Trái lại các chủ nợ mà chỉ có quyền kê biên tài sản riêng của vợ hoặc chồng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc cưỡng chế việc thanh toán nợ. Tài sản riêng của vợ, chồng, như đã nói, luôn có xu hướng bị sáp nhập vào khối tài sản chung. Cuộc sống vợ chồng càng kéo dài, khối tài sản riêng càng nhỏ lại so với khối tài sản chung và chủ nợ riêng của vợ hoặc chồng càng có ít cơ may tìm được những tài sản là vật bảo đảm cho quyền đòi nợ của mình. Trong luật của một số nước, sau khi áp đặt sự suy đoán tài sản chung, người làm luật thừa nhận rằng, dẫu sao, chủ nợ riêng của vợ hoặc chồng cũng có thể yêu cầu kê biên các hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng (dù hoa lợi, lợi tức đó là tài sản chung) và cả các động sản trong gia đình mà không biết là của chung hay của riêng

Ví dụ, luật của Pháp: BLDS Pháp Điều 1411.
. Luật Việt Nam không có quy định tương tự và việc bảo vệ quyền lợi của chủ nợ riêng của chồng hoặc vợ trở nên không đơn giản.

Mặt khác, ta nói rằng các chủ nợ chung được hưởng lợi “trên nguyên tắc”: cũng như người thứ ba, vợ hoặc chồng chứng minh tính chất riêng của một tài sản bằng mọi phương tiện được thừa nhận trong luật chung về chứng cứ. Giả sử vợ hoặc chồng khai, với tư cách người làm chứng, rằng tài sản nào đó là tài sản riêng của chồng hoặc vợ, thì chủ nợ chung cũng có thể gặp khó khăn. Nói chung, khi xây dựng quy tắc về suy đoán tài sản chung, người làm luật chỉ quan tâm đến quan hệ nội bộ giữa vợ chồng mà quên mất mối quan hệ giữa vợ chồng và người thứ ba, đặc biệt là chủ nợ. Luật Việt Nam sẽ còn tiếp tục được hoàn thiện ở điểm này.

0