28/02/2018, 10:41

Sút phạt penalty khó cản phá cỡ nào?

Cho tới hiện tại đã có 6 pha sút phạt penalty trong các trận đấu diễn ra tại World Cup 2014 ở Brazil và tất cả chúng đều được biến thành bàn thắng. Theo thống kê, giải bóng đá ngoại hạng Anh mùa vừa qua cũng chỉ chứng kiến 14 trong tổng số 87 quả sút phạt penalty bị trượt hoặc bị cản phá. Điều ...

Cho tới hiện tại đã có 6 pha sút phạt penalty trong các trận đấu diễn ra tại World Cup 2014 ở Brazil và tất cả chúng đều được biến thành bàn thắng. Theo thống kê, giải bóng đá ngoại hạng Anh mùa vừa qua cũng chỉ chứng kiến 14 trong tổng số 87 quả sút phạt penalty bị trượt hoặc bị cản phá.

Điều gì khiến các pha sút phạt penalty khó chống đỡ đến như vậy? Câu trả lời, theo các chuyên gia, nằm ở kích thước bị đánh lừa là rất lớn của cầu môn, thời gian ngắn ngủi để một thủ môn có thể phản ứng và các chiêu trò tâm lý.

Andrew Lane, giáo sư chuyên ngành thể thao và học tập tại Đại học Wolverhampton (Anh), cho biết, nếu một cầu thủ sút bóng đủ khó, thủ môn gần như chẳng có cơ hội để cản phá. "Việc sút phạt penalty đều liên quan đến kiểm soát căng thẳng. Các cầu thủ cần phải học đi học lại kỹ năng sút phạt và luyện tập nó trong những tình huống căng thẳng. Họ cần phải ra quyết định và gắn chặt với quyết định đó", ông Lane nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vẫn có cơ hội và có cách để các thủ môn có thể cản phá thành công một cú sút phạt penalty. Một nghiên cứu của Đại học Brunel ở London, Anh phát hiện, các cầu thủ đẳng cấp thế giới có khả năng phán đoán hành động của đối thủ tới 80 phần nghìn giây trước khi họ ra tay.

Điều này đồng nghĩa, khi thủ môn Joe Hart của đội tuyển Anh nhìn chăm chú vào cầu thủ Thomas Muller của đội Đức, bộ não của anh sẽ tự động phát hiện những chi tiết nhỏ ở cách chạy lấy đà của tiền đạo Đức, giúp hé lộ hướng cầu thủ này sẽ sút bóng.


Các chân sút được cho là nhiều lợi thế hơn thủ môn trong một pha phạt đền penalty. (Ảnh minh họa: coachup.com)

Trong thực tế, các nhà nghiên cứu hợp tác với Hiệp hội bóng đá khám phá ra rằng, những cầu thủ lành nghề có thể phán đoán hành động của đối thủ tới 70% thời gian thi đấu, trong khi tỉ lệ này ở những cầu thủ ít kinh nghiệm hơn chỉ là 52%. Sự chênh lệch nhỏ nhất về thời gian phán đoán cũng có thể tạo nên khác biệt về thành - bại, theo giáo sư Mark Williams đến từ Đại học Brunel (Anh). Chuyên gia này nhận định, chính kết quả của quá trình huấn luyện kéo dài và kinh nghiệm trên sân cỏ đã giúp các cầu thủ hàng đầu phát triển những kỹ năng tri nhận bằng cảm giác rất tốt, giúp họ có thể phán đoán chính xác điều đối thủ sẽ làm trước khi hành động thực sự xảy ra.

Các thủ môn chuyên nghiệp dường như đang dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu khuôn mặt của những chân sút penalty và có thể đoán định chuyển động chân của đối thủ vài giây trước khi anh ta chạm vào quả bóng.

Nghiên cứu trên đã củng cố phát hiện của một nghiên cứu khoa học thể thao do kênh ESPN tiến hành về các cú sút phạt đền ở World Cup 2010 tại Nam Phi. Công trình này từng cho thấy, các thủ môn có khả năng dự đoán hướng bóng đúng tới 57% thời gian. Tuy nhiên, do thời gian để các thủ môn đưa ra phản ứng quá ngắn ngủi, họ chỉ có thể cản phá 22% số pha sút phạt này.

Lí do cho hiện tượng này là, không có bất kỳ sự chuẩn bị tâm lý nào của thủ môn tỏ ra hữu hiệu, nếu người sút phạt biết anh ta đang làm gì. Tính trung bình, quả bóng trong pha sút phạt đền di chuyển với tốc độ khoảng 112km/h. Với điểm sút phạt cách khung thành 11 mét, điều này có nghĩa quả bóng sẽ mất không đầy nửa giây để tiếp cận lưới. Điều đó tạo cho thủ môn khoảng 700 phần nghìn giây để xem bóng sẽ bay theo hướng nào và quyết định cách nhảy hoặc dịch chuyển cơ thể theo hướng đó.

Trong thực tế, thủ môn phải mất tới 1 giây để quan sát quả bóng, rồi nhảy theo hướng của nó. Nếu theo cách này, quả bóng sẽ chắc chắn nằm ở trong lưới và bàn thắng được tính cho đội đối thủ. Để khắc phục thách thức này, điều mà đa phần các thủ môn thường làm hiện nay là bắt đầu nhảy và di chuyển cơ thể trước khi đối thủ sút bóng. Thực tế đã dẫn tới việc một số cầu thủ, chẳng hạn như chân sút Neymar của Brazil trong trận đấu gần đây với Croatia, thay đổi cách chạy đà, lừa thủ môn đội bạn di chuyển trước khi sút bóng, rồi sút theo hướng khác.

Thời gian ngắn ngủi để một thủ môn phản ứng và bắt đầu ra tay đồng nghĩa với các chân sút penalty có lợi thế lớn. Nhưng điều này không chỉ vì các đặc điểm sinh vật học của cơ thể người, mà còn cả vì kích cỡ của cầu môn. Một cầu môn bóng đá rộng 7,3 mét và cao 2,4 mét, tạo cho nó diện tích 17,52m2. Để kiểm soát cả khu vực cầu môn, lớn hơn một container chở hàng này không phải chuyện dễ dàng.

Ngoài ra, một nghiên của Đại học British Columbia (Canada) còn phát hiện, "thuyết trò chơi" còn giữ một vai trò quan trọng trong việc quyết định kết quả sút phạt penalty. Theo thuyết trò chơi, mọi đối thủ trong bất kỳ bối cảnh nào, từ chiến tranh tới các trận đấu cờ vua, đều tuân theo những chiến lược có thể dự đoán được nhằm đánh lừa nhau.

Cả thủ môn và cầu thủ sút phạt của đội bạn phải ra quyết định cùng lúc vì mọi thứ diễn ra rất nhanh. Họ phải chọn dịch chuyển sang phía trái, phải hay ở giữa. Mỗi cầu thủ thường giỏi sút về phía bên này hơn bên kia và dữ liệu phân tích cho thấy, đa số họ thường thiên sút phạt đền về phía không thuận nhằm tránh bị thủ môn "bắt bài". Điều này đòi hỏi thủ môn phải có chiến lược cân bằng tâm lý, óc phán xét sắc sảo và tất nhiên cả một chút may mắn để cản phá cú sút phạt thành công.

0