28/02/2018, 10:41

Trung Quốc lần thứ 6 khám phá Bắc Cực

Trung Quốc sắp bắt đầu hành trình khám phá Bắc Cực lần thứ 6, nhằm nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu và tìm kiếm tài nguyên. Theo China Daily, hành trình khám phá Bắc Cực sẽ bắt đầu ngày 11/7. Chuyến đi kéo dài 76 ngày, với sự tham gia của 65 nhà nghiên cứu. Đây sẽ là lần thứ 6 Trung ...

Trung Quốc sắp bắt đầu hành trình khám phá Bắc Cực lần thứ 6, nhằm nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu và tìm kiếm tài nguyên.

Theo China Daily, hành trình khám phá Bắc Cực sẽ bắt đầu ngày 11/7. Chuyến đi kéo dài 76 ngày, với sự tham gia của 65 nhà nghiên cứu. Đây sẽ là lần thứ 6 Trung Quốc đặt chân lên Bắc Cực kể từ năm 1999.

"Khám phá Bắc Băng Dương là điều rất quan trọng, giúp chúng ta hiểu hơn về mối liên hệ giữa sự thay đổi khí hậu ở Bắc Cực và chiều hướng gia tăng các điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Trung Quốc", Wang Yong, người đứng đầu các chương trình nghiên cứu khoa học thuộc Cơ quan Quản lý Bắc Cực và Nam Cực của Trung Quốc, cho hay.


Tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc ở Bắc Cực. (Ảnh: Le Monde)

Khi nhiệt độ Trái Đất và Bắc Cực ngày càng ấm dần, các nhà khoa học trên thế giới hy vọng có thể làm sáng tỏ vai trò của Bắc Cực đối với tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu.

Nhiều nhà khoa học cho rằng hiện tượng băng tan ở Bắc Cực vào mùa hè có tác động lớn đến khí hậu của Trái Đất. Li Yuefeng, một chuyên gia thời tiết, dự đoán lượng mưa của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng từ tình hình thời tiết vào mùa hè ở Bắc Cực.

Bên cạnh mục đích nghiên cứu biến đổi khí hậu, chuyến đi của Trung Quốc đồng thời được tiến hành với mục tiêu tìm kiếm các nguồn tài nguyên quý. Theo ước tính của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Bắc Cực là khu vực chứa đến 30% mỏ khí chưa được khai phá của thế giới và 13% lượng tài nguyên dầu chưa được biết đến. Nơi đây cũng có thể trở thành tuyến giao thương hàng hải ngắn hơn vào mùa hè.

"Như nhiều quốc gia khác, Trung Quốc cũng có mối quan tâm đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đường vận chuyển Biển Bắc", Wang nói, đề cập đến con đường hàng hải nối liền từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương dọc theo theo bờ biển Bắc Cực của Nga. Wang cho rằng tuyến đường mới có thể giúp các công ty của Trung Quốc rút ngắn thời gian di chuyển giữa quốc gia này và châu Âu.

Trung Quốc đồng thời dự kiến xây dựng một con tàu phá băng tới. Sau khi hoàn thiện tàu phá băng, các chuyến thám hiểm Bắc Cực có thể được tiến hành thường niên.

0