28/02/2018, 10:41

Cách khoa học giải quyết những khó chịu "ai cũng từng gặp phải"

Cùng đi tìm giải pháp khoa học để loại bỏ những vấn đề như mắc kẹt bài hát trong đầu, buổi họp tẻ nhạt... Trong cuộc sống có những vấn đề tuy nhỏ nhặt nhưng lại khiến con người cảm thấy vô cùng khó chịu. Tuy nhiên khoa học đã tìm ra được những phương pháp để giải quyết các rắc rối này. 1. ...

Cùng đi tìm giải pháp khoa học để loại bỏ những vấn đề như mắc kẹt bài hát trong đầu, buổi họp tẻ nhạt...

Trong cuộc sống có những vấn đề tuy nhỏ nhặt nhưng lại khiến con người cảm thấy vô cùng khó chịu. Tuy nhiên khoa học đã tìm ra được những phương pháp để giải quyết các rắc rối này.

1. Phải nghe người khác nói chuyện điện thoại

Dù muốn hay không nhưng có một sự thật là chúng ta rất dễ bị mất tập trung và cuốn theo cuộc nói chuyện điện thoại của người khác. Các nhà khoa học gọi hiện tượng này là “halfalogue” (nửa hội thoại).

Các chuyên gia đã tiến hành thí nghiệm chứng minh vì sao chúng ta dễ "phát điên" khi gặp trường hợp này. Trong một thí nghiệm, các tình nguyện viên được yêu cầu chơi trò chơi đơn giản ở máy tính, ví dụ như di chuyển chuột theo chấm nhỏ trên màn hình và phải nghe cuộc nói chuyện độc thoại, đối thoại và halfalogue. Kết quả cho thấy, những người nghe phải halfalogue chơi kém nhất.

Nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra đó là bởi khi nghe những cuộc nửa đối thoại, chúng ta nghe lõm bõm câu được câu không và cố xâu chuỗi những câu nói này lại để đoán ra nội dung hoàn chỉnh.

Khi não bộ nghe cuộc nói chuyện sẽ bắt đầu phỏng đoán xem cuộc hội thoại sẽ diễn ra thế nào theo từng đơn vị mili giây. Khi dự đoán bị sai, quá trình xử lý cảm xúc tâm trí con người sẽ bị phá vỡ, dẫn tới sự bực bội.

Hiểu về vấn đề này, nếu phải nghe điện thoại, bạn nên ra ngoài hoặc sử dụng thiết bị giảm độ ồn tới mức tối đa để tránh làm phiền người khác.

2. Bị mắc kẹt một đoạn nhạc/bài hát trong đầu

Nếu bạn từng thấy văng vẳng bên tai một bài hát nào đó trong suốt 17 tiếng đồng hồ, điều đó có nghĩa là bạn đã bị “sâu ăn tai” (earworm) ghé thăm.

Tương tự như một số tổ chức sinh hóa (hixtamin) có tính chất vật lý khiến cho da bị ngứa, một số loại nhạc cũng có khả năng tạo ra những phản ứng bất bình thường của bộ não, gọi là “ngứa ngáy nhận thức”.

Cách duy nhất để “gãi” chỗ ngứa này là nhẩm đi nhẩm lại giai điệu đó trong đầu. Tuy nhiên kết quả là vết ngứa không đỡ hơn mà chỉ càng trở nên trầm trọng, khiến người bệnh cảm thấy trong đầu chỉ ong ong một bài hát.

Đặc điểm của người nghe cũng góp phần gây ra hiện tượng “sâu ăn tai”. Phụ nữ thường dễ bị ảnh hưởng hơn đàn ông nên dễ bị một bài hát ám ảnh hơn. Còn đàn ông có thể phớt lờ “sâu ăn tai” và chỉ cần một thời gian ngắn là hiện tượng bài hát vang vọng trong đầu sẽ biến mất. Bên cạnh đó, “sâu ăn tai” dễ tấn công khi chúng ta bị mệt mỏi và stress.

Các chuyên gia chỉ ra cách tốt nhất là sử dụng một giai điệu khác để "tẩy não", loại bỏ con sâu này. Giai điệu đó sẽ khiến não chúng ta bị đánh lạc hướng đồng thời thay thế cho bài hát mắc kẹt trong đầu bạn.

Theo nhận thức, não chỉ có thể thực hiện được một việc hiệu quả tại một thời điểm, chính vì vậy khi nghe “giai điệu tẩy não”, não bộ sẽ không chú ý tới bài hát ám ảnh kia và sâu ăn tai sẽ không còn khả năng sống sót.

3. Buổi họp kéo dài quá lâu

Lúc này đã là 3 giờ chiều, lượng đường trong máu đã giảm tới mức tối thiểu nhưng bạn vẫn phải ngồi trong phòng họp và đang dần mất kiểm soát.

Đi ra khỏi buổi họp sẽ là một điều bất khả thi. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm ra “ánh sáng cuối đường hầm” giúp bạn cảm thấy thời gian trôi qua nhanh hơn. Đó là cầm bút lên và vẽ nguệch ngoạc.

Nghe có vẻ phản tác dụng nhưng việc viết hoặc vẽ lung tung khiến bạn tập trung hơn. Thí nghiệm cho thấy trong khi đang họp, các đối tượng nghiên cứu ngồi vẽ nguệch ngoạc lại có thể ghi nhớ tốt hơn nhiều so với những người chỉ nghe đơn thuần.

Lý do là vì việc vẽ các hình khối và động vật dị dạng sẽ giúp bạn tránh khỏi tình trạng mơ màng. Nghiên cứu cho thấy việc mơ mơ màng màng tốn rất nhiều năng lượng tinh thần. Một khi đã bắt đầu lơ mơ, bạn rất khó có thể trở lại trạng thái cũ.

Chính vì vậy, một việc làm đơn giản như vẽ linh tinh có thể tạo ra vừa đủ năng lượng cho não bộ, giúp bạn tỉnh táo và vẫn nghe được những gì buổi họp đang phổ biến.

4. Thư rác (Spam)

Vào năm 2004, nhà đồng sáng lập Microsoft - Bill Gates đã tuyên bố rằng: “Trong vòng 2 năm nữa, tình trạng thư rác sẽ được giải quyết”. Tuy nhiên đến nay, thư rác vẫn chiếm 70% email chúng ta nhận được.

Nhà nghiên cứu khoa học đồng thời là giáo sư kỹ thuật tại trường ĐH San Diego - Stefan Savage cùng các cộng sự của mình đã phát hiện ra rằng, 95% thư rác họ nhận được chỉ sử dụng 3 ngân hàng được đặt tại 3 địa điểm - Azerbaijan, Saint Kitts và Nevis, Nga để thực hiện hành vi bất hợp pháp này.

Giáo sư Savage tin rằng, phương pháp hiệu quả nhất là thuyết phục các ngân hàng tại Mỹ liệt những tài khoản này vào danh sách đen để chúng không còn nguồn kinh phí phục vụ hành động gửi thư rác nữa.

Để thực hiện điều này không phải đơn giản, do đó vào năm 2011, nhà nghiên cứu máy tính Vipul Ved Prakash đã phát minh ra bộ lọc thư rác đầu tiên có tên gọi Cloudmark Destop One - cho phép người sử dụng gắn mác thư rác vào email và ngăn spammer gửi thư đến.

Tuy nhiên phương pháp này không hiệu quả khi spammer thay địa chỉ email. Nhưng cho tới nay đã có 1,6 tỉ người sử dụng phần mềm này và đạt được hiệu quả khả quan hơn hẳn các bộ lọc thư rác mà Yahoo! và AOL sử dụng.

5. Mưa suốt kỳ nghỉ

Kỳ nghỉ kéo dài 2 tuần của bạn đáng lẽ sẽ thật tuyệt vời nếu trời không đổ mưa liên tục. Điều đáng nói là các kênh dự báo thời tiết không thể đưa ra những dự đoán hoàn toàn chính xác.

Theo các nhà khí tượng học, vấn đề nằm ở các mô hình sử dụng để dự báo thời tiết thường rất cồng kềnh và liên quan tới các biến số vô hạn. Nếu độ ẩm, hướng gió hay khí áp lệch chỉ 1%, toàn bộ dự đoán có thể thay đổi.

Vào những thập niên 1990, nhà khí tượng học Bill Kirk đồng thời là chỉ huy của Không quân Hoa Kì đã thử dự báo những ngày có thời tiết phù hợp nhất để bay trong vòng 6 tháng tới.

Ông sử dụng các mô hình dự báo truyền thống và dự đoán tương lai để phát triển thuật toán: kết hợp các lý thuyết toán học Gauss, chu kì khí hậu và các dữ liệu thống kê về thời tiết trong 115 năm qua.

Kết quả là một phương pháp mới dự báo thời tiết chính xác tới một năm. Ngày nay, Kirk đã giúp các khách hàng lên kế hoạch dựa vào điều kiện thời tiết. Dự báo hàng tuần của ông có độ chính xác lên tới 76% trong khi con số này của kênh Dự báo chính thức chỉ là 71%.

0