24/05/2018, 22:36

Sự cần thiết phải tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo hiểm xã hội

Đường lối phát triển kinh tế của đất nước đã được Đảng ta khởi xướng từ Đại hội VI tiếp tục được khẳng định qua các Đại hội VII, VIII, IX và Đại hội X: Đó là đường lối phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý ...

Đường lối phát triển kinh tế của đất nước đã được Đảng ta khởi xướng từ Đại hội VI tiếp tục được khẳng định qua các Đại hội VII, VIII, IX và Đại hội X: Đó là đường lối phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.

Trong những năm qua, nền kinh tế thị trường ở nước ta đang được hình thành một cách rõ nét, sự phát triển của các thành phần kinh tế trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế thì nhà nước đã đóng một vai trò không thể thiếu nhằm giúp cho mục tiêu phát triển kinh tế không đi chệch mục tiêu XHCN mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng và phức tạp của nền kinh tế thị trường đã đặt ra nhiều thách thức và thử thách như: sự lựa chọn, đào thải lao động của thị trường dẫn đến mất việc làm và thất nghiệp của người lao động, sự biến động phức tạp của thị trường và sản xuất kinh doanh đưa đến cho người lao động những rủi ro ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ngày một gia tăng. Để bảo vệ lợi ích của người lao động đòi hỏi nhà nước ta cần tăng cường vai trò quản lý của mình hơn nữa trong đối với chính sách hỗ trợ cho các rủi ro trên người lao động khi họ gặp các rủi ro đó – chính sách BHXH. Trong đó, việc tăng cường quản lý nhà phải làm sao vừa quản lý, vừa kiểm soát được các hoạt động BHXH nhưng không làm hạn chế sự phát triển của xã hội nói chung và phải tạo điều kiện cho sự phát triển của xã hội. Trong đó, vấn đề quản lý hoạt động BHXH phải được tiến hành gắn liền với sự phát triển kinh tế, hài hoà với tiến bộ và công bằng xã hội. Đó cũng là vấn đề bức xúc hiện nay trong việc quản lý nhà nước đối với hoạt động BHXH nói riêng và hoạt động kinh tế - xã hội nói chung. Tức là, vấn đề tăng cường quản lý nhà nước không chỉ nhằm vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn nhằm vào việc đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Vì vậy, tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động BHXH là một yêu cầu cấp bách, tất yếu, khách quan đặt ra từ chính đòi hỏi của nền kinh tế thị trường.

Để xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó cần phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức của các cơ quan nhà nước. Vì vậy, Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động BHXH là một mục tiêu nhằm thực hiện yêu cầu xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân. Việc tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động BHXH với mục đích tạo ra một cơ chế, chính sách công bằng, dân chủ đáp ứng nguyện vọng của đại đa số người lao động, đòi hỏi của xã hội, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động khi tham gia quan hệ BHXH.

Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động BHXH nhằm xác định rõ trách nhiệm của người sửa dụng lao động và người lao động trong việc đóng quỹ BHXH và trách nhiệm của nhà nước đối với hoạt động BHXH; Thông qua hệ thống Luật BHXH làm phương tiện để nhà nước quản lý, tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát để mọi quan hệ BHXH hình thành, vận động và phát triển nhằm đạt mục tiêu vì lợi ích của nhân dân lao động, phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động như đúng bản chất vốn có của Nhà nước Việt Nam.

Hội nhập kinh tế khu vực và kinh tế toàn cầu sẽ tác động mạnh mẽ tới toàn bộ chính sách, pháp luật của Việt Nam, mà trước hết trước hết là chính sách pháp luật về nhập khẩu, về đầu tư nước ngoài. Theo đó, nhiều lĩnh vực, nhiều tổ chức và cá nhân trong nước đều bị lôi cuốn tham gia vào quá trình này. Những lĩnh vực liên quan như dịch vụ tài chính, ngân hàng, dịch vụ kỹ thuật, công nghệ... điều kiện cơ sở hạ tầng, vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn liền với thị trường, sửa dụng lao động, việc làm, tiền công, BHXH, an toàn lao động...cần phải được quan tâm cải thiện, nâng cao chất lượng tạo thuận lợi cho phát triển.

Lĩnh vực BHXH cũng không nằm ngoài tiến trình đó. Luật BHXH cần được hoàn thiện song song với việc tổ chức thực hiện các hoạt động BHXH một cách nhất quán, đồng bộ nhằm theo kịp trình độ của các nước trong khu vực và quốc tế, đồng thời thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế.

Nhà nước ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội

Trình tự của quy trình xây dựng thể chế về BHXH: Cũng như quy trình xây dựng thể chế về các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, quy trình xây dựng thể chế chính sách về BHXH bao gồm các bước sau đây:

1. Chủ trương, đường lối của Đảng2. Luật pháp của Nhà nước3. Quy định của Chính phủ4. Tổ chức, hướng dẫn thực hiện của bộ, nghành, địa phương

Sơ đồ 1: Trình tự xây dựng thể chế chính sách về BHXH

Bước 1: Đảng ban hành chủ trương, đường lối, chính sách về BHXH thông qua Nghị quyết, Chỉ thị của mình trong từng thời kỳ phù hợp với trình độ và quy luật phát triển.

Bước 2: Nhà nước ( Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước ) thể chế hoá chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng về BHXH bằng các văn bản quy phạm pháp luật và sử đổi, bổ sung và Luật BHXH. Nhà nước quản lý hoạt động BHXH thông qua văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản về luật.

Bước 3: Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản pháp quy ( Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, Chỉ thị) quy định cụ thể việc thi hành luật, pháp lệnh của Nhà nước về BHXH đồng thời có sự sửa đổi, bổ sung trong từng thời kỳ.

Bước 4: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, BHXH Việt Nam, chính quyền các cấp ở địa phương ban hành các Thông tư, Quyết định, Chỉ thị ... là những văn bản dùng để thi hành luật, pháp lệnh của Nhà nước, các văn bản của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhằm đưa các văn bản luật cụ thể hoá vào cuộc sống.

Ngoài ra, HĐND, UBND các cấp có thể ban hành các văn bản có hiệu lực pháp lý trên phạm vi lãnh thổ, thuộc thẩm quyền quản lý của cấp đó, nhưng phải đảm bảo tuân thủ các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn của cấp trên.

Tổ chức và hoàn thiện bộ máy thực hiện bảo hiểm xã hội

Hoạt động BHXH cũng như bất kỳ một hoạt động nào khác đều cần có đội ngũ cán bộ ( bộ máy tổ chức ) trên cơ sở quyền hạn và nhiệm vụ của mình thực hiện hoạt động trong phạm vi được giao. Bộ máy BHXH được tổ chức từ Trung ương đến địa phương, mô hình cụ thể sẽ được đề cập trong phần II nhưng vấn đề đặt ra là: cùng với sự phát triển của xã hội thì bất kỳ bộ máy tổ chức ở một lĩnh vực nào cũng phải luôn được kiện toàn đáp ứng với sự phát triển đó. Bộ máy thực hiện BHXH cũng không ngoại lệ, đây là một nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước đối với hoạt động BHXH. Điều này càng trở nên quan trọng hơn khi công việc quản lý ngày nay gắn liền với công nghệ thông tin. Từ đó đòi hỏi việc hoàn thiện bộ máy thực hiện hoạt động BHXH không những cần phải hoàn thiện mà phải hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp hoá, chuyên môn hoá gắn liền với công nghệ quản lý hiện đại - quản lý bằng công nghệ thông tin.

Nhà nước tổ chức quản lý hoạt động bảo hiểm xã hội

Xây dựng chiến lược, chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội.

Nguyên tắc bảo hiểm xã hội

Được quy định ở điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội do Quốc hội Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 9 thông wa ngày 29 tháng 6 năm 2006:

  • Mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH.
  • Mức hưởng BHXH bắt buộc, BHXH thất nghiệp được tính trên cơ sở tiền lương, tiền công của người lao động. Mức đóng BHXH tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập do người lao động tự lựa chọn nhưng mức thu nhập này không thấp hơn mức lương tối thiểu chung.
  • Người lao động vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng BHXH.
  • Quỹ BHXH được quản lý thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch, được sử dụng đúng mục đích, được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần của BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và BHXH thất nghiệp.
  • Việc thực hiện BHXH phải đơn giản, dễ dàng, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHXH.

Nội dung pháp luật về BHXH

Nội dung quan trọng của Luật BHXH là xác định phạm vi, các chế độ trợ cấp BHXH và đối tượng áp dụng BHXH.

Theo Công ước Quốc tế 102 ngày 26/8/1952 của Tổ chức lao động quốc tế quy định chung các dạng trợ cấp BHXH, nhằm giúp các nước tuỳ theo điều kiện của mình áp dụng các dạng trợ cấp cho phù hợp Theo đó có chín dạng trợ cấp dưới đây: 1. Chăm sóc y tế; 2. Trợ cấp ốm đau; 3. Trợ cấp thai sản; 4. Trợ cấp thất nghiệp; 5. Trợ cấp gia đình; 6. Trợ cấp tai nạn lao động; 7. Trợ cấp tàn tật; 8. Trợ cấp tuổi già; 9. Trợ cấp tử tuất. Hiện nay trên thế giới, các nước phát triển và một số nước đang phát triển thực hiện đầy đủ chín dạng trợ cấp BHXH. Theo điều 3 Luật BHXH thì hiện nay nhà nước ta đang áp dụng 5 loại trợ cấp BHXH sau:

Đối với loại hình với loại hình BHXH bắt buộc bao gồm các chế độ sau:

  • Ốm đau;
  • Thai sản;
  • Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
  • Hưu trí;
  • Tử tuất;

Đối với loại hình BHXH tự nguyện bao gồm các chế độ sau:

  • Hưu trí;
  • Tử tuất;

Đối với loại hình BHXH thất nghiệp bao gồm các chế độ sau:

  • Trợ cấp thất nghiệp;
  • Hỗ trợ học nghề;
  • Hỗ trợ tìm việc làm;

Thực hiện áp dụng hệ thống các biện pháp nhằm quản lý hoạt động BHXH

Tuyên truyền, phổ biến chế độ chính sách, pháp luật về BHXH.

Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, biện pháp có ý nghĩa quan trọng trong tổ chức thực hiện luật, các văn bản quy phạm pháp luật và các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước là việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức, kỷ cương tới người dân. Về nội dung này, văn kiện Đại hội Đảng khóa VIII khẳng định: “ Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật; huy động lực lượng của các đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia vào các đợt vận động thiết lập trật tự kỷ cương và các hoạt động thường xuyên xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong các cơ quan nhà nước và trong xã hội”. Tinh thần này tiếp tục được phát huy ở các kỳ Đại hội IX, X của Đảng. Để làm cơ sở cho công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật, cần tăng cường công tác giải thích Luật BHXH và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Thực tế cho thấy, từ khi Luật BHXH đi vào đời sống người lao động Nhà nước đã ban hành nhằm sửa đổi, bổ xung, hoàn chỉnh các quy định về đóng, hưởng và giải quyết các chế độ BHXH đối với người lao động tham gia quan hệ BHXH. Hiện nay hàng loạt các văn bản pháp luật về lĩnh vực BHXH cũng đang được nghiên cứu soạn thảo, ban hành bổ xung nhằm điều chỉnh kịp thời các hoạt động BHXH phát sinh từ nền kinh tế thị trường. Việc tạo điều kiện thông qua kênh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giải thích để các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân hiểu biết đầy đủ thông tin về hoạt động BHXH để có hành vi sử sự cho đúng pháp luật, là cơ sở để nhà nước quản lý có hiệu quả hoạt động BHXH.

Tổ chức thực hiện công tác thống kê, thông tin và quản lý thực hiện chính chế độ, chính sách về BHXH.

Nội dung chủ yếu của quản lý nhà nước đối với BHXH là các mối quan hệ BHXH. Trong đó có các nội dung cơ bản sau:

  • Nhà nước tổ chức quản lý đối tượng tham gia BHXH nhăm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật - được đảm bảo cuộc sống khi gặp rủi ro trong lao động hoặc do tuổi già, tử tuất.
  • Quản lý và phát triển quỹ BHXH

Quỹ BHXH là một quỹ tiền tệ tập trung được hình thành từ việc đóng vào quỹ của các chủ thể tham gia BHXH (do người lao động và người sử dụng lao động đóng theo quy định của luật BHXH, tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư quỹ, hỗ trợ của nhà nước và các nguồn thu nhập hợp pháp khác) được sử dụng để trả lương hưu và các khoản trợ cấp BHXH cho người lao động theo quy định của pháp luật. Việc tăng cường quản lý và phát triển quỹ nhằm làm cho quỹ ngày một lớn mạnh sẵn sàng chi trả các chế độ trợ cấp cho người lao động và sớm tiến tới tự bảo đảm cân đối thu – chi quỹ BHXH.

  • Tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội đối với người lao động là các hoạt động chi trả các chế độ cho người lao động tham gia BHXH khi họ gặp các sự cố trong lao động hoặc do tuổi già, tử tuất. Đây là hoạt động đưa lại quyền lợi cho người lao động. Vì vậy, để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho mọi người lao động tham gia BHXH thì công tác thực hiện chi trả các chế độ, chính sách đối với người lao động cần được sâu sát nhằm bảo đảm chi trả đúng đối tượng, không bỏ sót.
  • Tổ chức bộ máy thực hiện BHXH; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác BHXH. Muốn thực hiện chức năng của mình một cách chuyên nghiệp hoá đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội thì BHXH cần có đội ngũ cán bộ công nhân viên ngày một giỏi nghề, được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại để thực hiện chức năng của mình.

Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH; Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về BHXH

Việc quản lý thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại tố cáo chủ yếu tập trung vào các nội dung sau:

  • Việc thu nộp BHXH và việc cấp, quản lý, sử dụng sổ BHXH;
  • Quản lý các đối tượng hưởng các chế độ trợ cấp BHXH;
  • Quản lý tài chính BHXH và chi trả các chế độ BHXH;
  • Tiếp nhận và sử lý các khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện chính sách BHXH trái pháp luật.

Công tác thanh tra, kiểm tra được tập trung vào các đối tượng:

  • Đơn vị sử dụng lao động: Tiến hành kiểm tra, thanh tra danh sách lao động tiền lương, việc trích nộp BHXH, hồ sơ, tài liệu đến việc hưởng các chế độ BHXH và thực hiện các chế độ trợ cấp BHXH đối với người lao động.
  • Đại lý chi trả các chế độ trợ cấp BHXH tại cơ sở xã, phường, thị trấn: Tiến hành thanh tra kiểm tra việc chi trả các chế độ trợ cấp dài hạn và việc cắt giảm các đối tượng hết thời hạn hưởng chế độ tử tuất và qua đời.
  • Cơ quan thực thi chính sách BHXH – BHXH Việt Nam: Tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thu nộp BHXH, cấp, quản lý sử dụng sổ BHXH; quản lý đối tượng tham gia và thụ hưởng các chế độ trợ cấp BHXH; quản lý tài chính BHXH và chi trả các chế độ BHXH; quản lý chi hoạt động bộ máy.

Công cụ quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo hiểm xã hội

Nhà nước thực hiện chức năng quản lý, điều hành xã hội đã sử dụng hệ thống rất nhiều công cụ khác nhau. Cũng như trong bất kỳ lĩnh vực nào trong hoạt động quản lý đối với BHXH công cụ chủ yếu quan trọng nhất mà nhà nước sử dụng là các văn bản pháp luật.

Điều 12 Hiến pháp năm 1992 đã nêu rõ: “ Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hộichủ nghĩa”. Thể hiện rõ nhất trong công cụ này là Luật BHXH đã được ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ, các hoạt động BHXH. Ngoài ra còn hệ thống các văn bản dưới luật hoặc hướng dẫn thi hành như: Nghị định, Thông tư, Công văn ... liên quan đến lĩnh vực BHXH giữa cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về BHXH với các cơ quan sự nghiệp BHXH hay các bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực BHXH.

Công cụ thứ hai nhà nước sử dụng phải nói đến là hồ sơ và biểu mẫu: Với chức năng của mình, nhà nước ban hành hệ thống các loại hồ sơ liên quan đến đối tượng, đến tài chính BHXH,... Một trong những hồ sơ quan trọng là mẫu sổ BHXH để thực hiện chức năng quản lý đối tượng tham gia đóng và hưởng các chế độ BHXH; Ngoài ra nhà nước còn ban hành các mẫu thông kê, báo cáo như mẫu báo cáo đối tượng tham gia, báo cáo tài chính BHXH,...

Một trong những công cụ nhà nước sử dụng để quản lý hoạt động BHXH là chế độ báo cáo: báo cáo tháng, báo cáo quý, báo cáo năm, báo cáo thanh tra,... Chế độ báo cáo được quy định đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý BHXH cấp dưới nhằm giúp cho nhà nước nắm được tình hình về hoạt động BHXH hiện thời.

0